Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Hồi ký Tổng thống Obama: Quyền lực, nghĩa khí và quốc gia

 

Hồi ký Tổng thống Obama: Quyền lực, nghĩa khí và quốc gia

Barack Obama

Nhã Duy chuyển ngữ

21-11-2020

Năm tổng thống Mỹ: Từ trái qua: Tổng tống Bush cha, Obama, Bush con, Clinton và Carter

Trích từ hồi ký tổng thống Một Miền Đất Hứa – A Promised Land của TT Barack Obama

Chuyến viếng thăm phòng Bầu Dục đầu tiên của tôi diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử, khi theo truyền thống lâu đời thì vợ chồng Tổng Thống Bush đã mời Michelle và tôi đi thăm nơi sắp là nhà. Ngồi trên công xa của cơ quan mật vụ, chúng tôi chạy ngang qua vòng cung quanh co cổng Tây viên vào Bạch Ốc, cố lưu giữ vài điều nơi chúng tôi sẽ dọn vào dưới ba tháng nữa.

Đó là một ngày nắng ấm, cây vẫn đầy lá và vườn Hồng ngập tràn hoa. Thời tiết Chicago đã vội chuyển sang lạnh và tối với những cơn gió lạnh Bắc cực thổi qua những hàng cây trụi lá thì mùa Thu vương vấn của Washington đã tạo một cảm giác chào mời, như thời tiết êm dịu bất thường mà chúng tôi đã được hưởng trong đêm bầu cử rồi biến ngay sau buổi lễ, như thể đã được ai sắp đặt vậy.

Tổng thống và Đệ Nhất phu nhân Laura Bush chào đón chúng tôi tại hiên Portico và sau những thủ tục bắt buộc với nhóm ký giả, Tổng thống Bush và tôi lên phòng Bầu dục, trong khi Michelle vào tư dinh thưởng trà cùng phu nhân Bush. Sau khi chụp thêm một vài tấm ảnh và lời mời nước từ một nhân viên trẻ, tổng thống mời tôi ngồi.

– “Sao, cảm giác anh thế nào?” – ông hỏi

– “Quá ngợp!”. Tôi mỉm cười – “Tôi chắc rằng ông vẫn còn nhớ”.

– “Vâng! Nhớ chứ. Cứ ngỡ như mới hôm qua” – ông gật đầu dứt khoát. “Mà nói với anh điều này. Anh sắp cỡi đầu ngọn sóng đó. Chẳng có gì giống vậy đâu. Anh phải nhắc mình hãy cảm kích nó mỗi ngày”.

Bất kể vì tôn trọng định chế, vì bài học từ cha mình, vì ký ức xấu về cuộc chuyển giao quyền lực của chính mình (có tin đồn rằng một số nhân viên của Clinton đã gỡ bỏ phím W khỏi các máy điện toán Bạch Ốc khi dọn ra), hoặc chỉ là phép lịch thiệp căn bản, Tổng thống Bush cuối cùng dã làm tất cả mọi điều có thể để cuộc trao quyền được diễn ra trôi chảy trong mười một tuần trước khi ông ra đi.

Mỗi ban bệ trong Bạch Ốc đều cung cấp cho nhóm nhân viên của tôi các bản hướng dẫn chi tiết “Làm thế nào để” (How to). Các nhân viên của ông luôn sốt sắng gặp gỡ những người kế nhiệm, trả lời các câu hỏi và thậm chí để họ cùng thực hiện sự vụ của mình. Hai ái nữ của tổng thống Bush là Barbara và Jenna, cũng còn trẻ lúc bấy giờ, đã sắp xếp lại lịch trình để dẫn Malia và Sasha đi xem những khu “vui thú” của riêng họ tại Bạch Ốc. Tôi tự hứa với bản thân mình rằng, sau này tôi cũng sẽ đối xử với người kế nhiệm của mình theo cách như vậy.

Tổng thống và tôi đã đề cập đến nhiều vấn đề trong chuyến thăm đầu tiên đó, từ kinh tế và Iraq đến nhóm báo chí phủ tổng thống và Quốc Hội, theo tính cách dí dỏm có phần hơi bồn chồn của ông. Ông đưa ra những đánh giá bộc trực về một số nhà lãnh đạo nước ngoài, cảnh báo tôi rằng người cùng đảng mới làm mình nhức đầu nhất và ân cần hứa sẽ thết đãi một tiệc trưa cùng tất cả các tổng thống tiền nhiệm trước lễ nhậm chức.

Tôi biết rằng, một tổng thống có những giới hạn cần thiết của ông ta để bộc bạch hết cho người kế nhiệm, nhất là đường lối tranh cử của người đó phản lại khá nhiều nghị trình của mình. Tôi cũng hiểu rằng Tổng thống Bush có vẻ khá hài hước nhưng sự hiện diện của tôi trong chính văn phòng mà ông sắp sửa rời khỏi, ắt cũng mang lại những cảm xúc không dễ dàng. Tôi để ông dẫn dắt câu chuyện mà không đào sâu vào chính sách. Hầu như tôi chỉ ngồi nghe.

Chỉ có một lần, điều ông nói làm tôi bất ngờ. Chúng tôi bàn về cuộc khủng hoảng tài chính và những nỗ lực của Bộ Trưởng Paulson kiến tạo chương trình TARP giải cứu cho các ngân hàng mà đã được Quốc Hội thông qua (chú thích người dịch: TARP – Troubled Asset Relief Program, là chương trình chính phủ giúp mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính và địa ốc vào năm 2008).

– “Tin tốt đó Barack” – ông nói. “Vào thời điểm anh nhậm chức, chúng tôi đã lo xong những điều thật sự khó khăn cho anh. Anh sẽ có thể khởi đầu mới mà không phải lo về nó nữa”.

Tôi nghẹn lời trong tích tắc. Tôi đã nói chuyện với Paulson thường xuyên và biết rằng các thất bại liên đới của ngân hàng cùng tình trạng suy thoái trên toàn thế giới vẫn đầy khả năng hiển hiện.

Nhìn kỹ tổng thống, tôi hình dung ra tất cả những ước vọng và niềm tin mà ông mang theo vào Phòng Bầu Dục lần đầu như một tổng thống tân cử. Chúng không kém phần hoa mắt bởi sự rực rỡ quyền binh, không kém phần háo hức muốn thay đổi thế giới này được tốt đẹp hơn như tôi, không kém phần tin chắc lịch sử rồi sẽ đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của mình là thành công.

Cuối cùng rồi, tôi cũng thốt nên lời:

– Vì lợi ích quốc gia mà đi ngược lại công luận và nhiều người trong đảng của mình, phần ông đã phải rất dũng khí mới có thể thông qua được TARP.

Mà chính xác là vậy. Tôi thấy chẳng có gì để kể thêm nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.