Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Thủy Tinh Donald Trump

 

Thủy Tinh Donald Trump

Nguyễn Hoàng Văn

22-11-2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa chịu chấp nhận thất bại, tuyên bố sẽ kiện, kiện nữa, kiện mãi. Ông ta thậm chí còn hăm he là nếu kiện không xong thì sẽ nằm kềnh ra đó cố thủ, nhất định không rời khỏi cái tòa nhà sơn toàn màu trắng đã gắn bó suốt bốn năm trời, muốn ông ta rời ra thì phải kéo, phải khiêng [1].

Lịch sử Mỹ mà rẽ theo lối này thì, có lẽ nhiều đời sau – không một trăm thì hai trăm, ba trăm hay một ngàn năm sau – người Mỹ sẽ ái ngại kể nhau nghe “truyền thuyết Donald Trump” y như là chúng ta đang kể nhau nghe chuyện của Thủy Tinh.

Thủy Tinh là vị thần thời tiền sử, cái thời mông muội, thời “chưa có sử” bởi con người chưa biết kể lại cho hậu thế những điều mắt thấy tai nghe bằng chữ. Còn Trump là người phàm, sống cùng thời với chúng ta, thời mà lịch sử không chỉ được ghi lại bằng chữ mà cả bằng bytes trên những mạch chip vi điện tử, lưu lại từng tiếng nói, từng bước chân hay từng cái nhíu mày, thế mà ông ta lại vừa có thể hành xử hoàn toàn bên ngoài khuôn khổ văn minh, lại vừa có thể hình thành nên một ‘Cult of Trump’, sức hút như thần. [2]

Mẫu số chung giữa hai ông “thần” này, ông thần tiền sử Thủy Tinh và ông thần hậu hiện đại Donald Trump, oái ăm thay, lại là tính ăn vạ. Đứa trẻ ăn vạ là để đòi cho bằng được cái mà nó muốn. Nạn nhân một vụ hành hung ăn vạ là để buộc thủ phạm phải bồi thường cho mình. Một bà vợ ghen tuông đến nhà tình địch ăn vạ là để buộc ông chồng phải quay trở lại mái nhà xưa. Mỗi người mỗi kiểu và, nói chung, người ta ăn vạ là để đòi cho bằng được cái mà họ tin là phải thuộc về mình.

Nếu Thủy Tinh “ăn vạ” theo thế của kẻ mạnh thì Trump, như tác giả của ‘The art of the deal’, giữa lúc đang bắt vạ trong thế mạnh của một đương kim tổng thống, lại đã lo xa, suy tính đến cả lúc sa cơ, phải nằm vạ trong tư thế kèo dưới khi cái tiếp đầu ngữ “đương kim” này đáo hạn. Thủy Tinh xin làm rể vua Hùng nên, từ đầu, đã chấp nhận quy ước đến trễ về không nhưng khi đến trễ thì lại đùng đùng bắt vạ theo kiểu của kẻ có thế, vận dụng toàn bộ sức mạnh của mình để đòi cho bằng được cô dâu đã không thuộc về mình.

Khi ra tranh cử, ngay từ đầu, Trump cũng đã chấp nhận những quy chế bầu cử ghi rõ trong Hiến pháp, thế nhưng, ngay khi nhận ra dấu hiệu của sự thua cuộc, Trump lại đành đạch ăn vạ. Trump đay nghiến cái quy chế mình đã chấp nhận từ đầu. Trump bới lông tìm vết để loại bỏ cho bằng được những lá phiếu không thuộc về mình bằng những kỹ thuật pháp lý lằng nhằng. Rồi Trump dọa sẽ ăn vạ, nằm lì ra đó nếu con đường pháp lý đó không xong.

Trong một chuỗi những hành vi chưa từng có trong lịch sử Mỹ, Trump không chỉ bắt vạ thiết chế chính trị Mỹ, mà còn phát động cả một cuộc chiến tranh tâm lý để phá hoại nó với những trò tuyên truyền xám, đen. “Xám” là tin thật độn tin giả. “Đen” là tin giả, là nói ngược hoàn toàn, là rỉ tai, là lan truyền những tin đồn vô căn cứ rồi sử dụng chính những tin đồn đó như một thứ “thông tin”. Và, luôn luôn, trong những tin đồn như thế, thể nào cũng ẩn hiện những “bàn tay vô hình” sặc mùi thuyết âm mưu – conspiracy theory. 

Hễ lúc nào có biến thì chúng ta lại thấy giới lập thuyết âm mưu xuất hiện, như rươi. Đây có thể là nỗ lực lèo lái dư luận với mục đích bảo vệ cái gì đó hay chống lại cái gì đó, có thể là một cá nhân, có thể là một thế lực kinh tài – chính trị. Đây có thể chỉ đơn thuần là muốn chứng tỏ ta đây thông minh, có cái nhìn thấu thị. Và đây, cũng có thể, nói như Johann Hari trong bài “Diana, Osama and the rise of conspiracy theories” đăng trên báo The Independentngày 11/6/2006, là những “ẩn ức về đức tin”: Khi người ta tin vào sự chi phối, vào sự kiểm soát toàn vẹn của đấng toàn năng thì bất cứ biến cố có dấu hiệu đi chệch ra ngoài sự kiểm soát toàn diện phải được giải thích như là hậu quả từ những âm mưu nghịch phá tày trời. [3]

Ngày 20/7/1969, khi hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, đó cũng là lúc những nhà “lý thuyết âm mưu” động não. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng, tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp đâu đó trong một sa mạc ở Nevada.

Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn khán giả và hàng trăm triệu khán giản khác qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v… là những dữ kiện mà những người tạo ra thuyết âm mưu khó có thể bác bỏ.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York cũng vậy. Trong thế giới Ả Rập thì đó là màn kịch nhằm bôi nhọ và tạo cớ tấn công của bọn tà đạo Mỹ. Ở Tây phương thì đó là trò dàn dựng của thế lực siêu bảo thủ nhằm vỗ béo kỹ nghệ chiến tranh, mà trong đó, đặc biệt nhất là thuyết của David Shayler, thành viên nòng cốt của “The 9/11 Truth Movement”. Với Shayler thì làm gì có chuyện hai máy bay hành khách đâm vào tháp đôi ở New York? Đó chỉ là hai phi đạn gắn các máy phóng ảnh ba chiều để tạo nên ảo ảnh về một chiếc máy bay.

Những bằng chứng thì nặng như núi, nhưng khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra “âm mưu” phía sau thì chỉ cần nêu ra mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng. Nếu chấp nhận giả thuyết “máy bay ảo” trên thì chúng ta biết đặt linh hồn của những nạn nhân trên hai chiếc máy bay cùng nỗi đau của thân nhân và bạn bè đi đâu? Những người tạo ra lý thuyết âm mưu trên, như thế đã vứt bỏ những núi bằng chứng cụ thể như chính cái cuộc đời này, để thay vào đó mấy lời biện giải nhẹ tênh, chập chờn như một ảo ảnh.

Khi đã lăm lăm “vạch lá tìm âm mưu” như những kẻ mắc chứng cuồng, thì có cái gì mà người ta không phủ nhận được? Trại tập trung Auschwitz vẫn được chính phủ Ba Lan gìn giữ như một chứng tích về tội diệt chủng của Adolf Hitler, thế nhưng đến bây giờ những “Holocaust doubters” vẫn khư khư rằng, đó chỉ là trò bịp bợm của những kẻ ủng hộ “Chủ nghĩa Zion”. Và đó cũng chính là bản chất của những thuyết âm mưu về những lá phiếu bị tước đoạt của Trump. Cuộc bầu cử chỉ hợp lệ khi nào Trump thắng. Trump thua thì đó là “âm mưu”. Việc kiểm phiếu phải ngưng ngay nếu Trump đang dẫn đầu. Cứ tiếp tục để Trump tụt lại phía sau thì đó là một trò dàn xếp, một vụ gian lận, một âm mưu cướp phiếu.

Sinh thời Abraham Lincoln – một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ – đã nói rằng: “Bạn có thể lừa phỉnh một số người trong mọi lúc, lừa phỉnh tất cả mọi người trong một vài lúc nào đó, tuy nhiên bạn không thể nào lừa phỉnh tất cả mọi người trong tất cả mọi lúc”. Nguyên văn: “You can fool some of the people all of the time, and all of the people some of the time, but you cannot fool all of the people all of the time”.

Và Trump, dĩ nhiên ngay lúc này cũng như trong bốn năm qua, đã không thể lừa phỉnh tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi Trump có thể thu hút đến hơn 73 triệu lá phiếu của người Mỹ, ông ta đã thật sự nắm trong tay một sức hút phi phàm. Ai cũng biết, lực lượng cử tri “cốt cán” của Trump là những người Mỹ da trắng chưa qua đại học, những người bị thiệt thòi khi nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc với hố sâu cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn hơn theo tiến trình toàn cầu hóa, và việc giới này ủng hộ ông Trump là điều có thể hiểu được. Nhưng còn người Việt chúng ta? Tại sao chúng ta có thể phí phạm niềm tin cho một kẻ phân biệt chủng tộc, phản trí thức và thích sa cạ với những nhà độc tài đáng lên án ở Nga hay ở Triều Tiên như vậy?

Trên hết, ngoài những lý do mang tính kỹ thuật, Trump là một nhà chính trị dân túy, do đó, đa số những kẻ thần tượng hóa Trump thường là những “nhà chính trị” bình dân. Người bình dân có tâm lý mong chờ “minh chúa” và dễ dàng phung phí niềm tin với những kẻ mà họ tưởng là minh chúa. Mà Trump với những phát ngôn ngang tàng, sướng tai, bất kể những “lễ nghĩa” phải đạo chính trị để gãi đúng chỗ ngứa của công chúng bình dân, đã xuất hiện như một minh chúa và, thế là với họ, ông ta mất hẳn khả năng làm những việc bỉ ổi, vô liêm.

Căn cơ của vấn đề “chính trị bình dân” nằm ngay trong cơ cấu xã hội của chúng ta khi thành phần thật sự gọi là trung lưu chỉ là một thiểu số khiêm tốn, trong khi sự phát triển và ổn định của bất cứ đất nước nào – nước Mỹ hay nước Việt – luôn luôn gắn liền với sự trưởng thành của giai cấp trung lưu. [4]

Trump là hiện tượng chính trị nảy sinh từ đống đổ nát của giai tầng trung lưu nước Mỹ theo những lá phiếu trả thù khi một bộ phận lớn thành phần này bị phá sản, lùi xuống làm người bình dân như là cái giá của tiến trình toàn cầu hóa. Tiến trình rầm rộ kể từ thời cựu Tổng thống Bill Clinton đã đẩy phần lớn công ăn việc làm tại Mỹ sang Á châu và sự đổ vỡ ở Mỹ lại là cơ hội cho một tầng lớp trung lưu về kinh tế tại Việt Nam, như là một phần của Á châu.

Nhưng Việt Nam, dẫu có thịnh vượng hơn xưa, cũng không hề “giàu” lên về văn hóa, bởi sự vươn cao về mặt xã hội của bất cứ cá nhân nào cũng luôn đòi hỏi ba tiến trình tích lũy song song, tích lũy về kinh tế, về quan hệ xã hội và về văn hóa. Chỉ có sự tích lũy về kinh tế mà không hề tích lũy về văn hóa thì chúng ta, tất nhiên về mặt nhận thức, dễ dàng trở thành một thứ “tài nguyên” của những nhà chính trị mỵ dân.

Chúng ta căm phẫn, chúng ta uất ức trước những quan chức bất tài, tham nhũng và quan liêu. Và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi trước những trò mỵ dân rẻ tiền của những tên tham nhũng chẳng tài cán gì ngoài tài diễn kịch như Nguyễn Bá Thanh hay Đinh La Thăng. Chúng ta căm phẫn trước sự ngang ngược của ngoại bang, chúng ta bị thương tổn khi niềm tự hào về dân tộc bị sa sút. Và chúng ta lại một lần nữa phung phí niềm tin trước những Thăng – Thanh với tầm cỡ lớn hơn.

Hơn ba năm trước, tối 30/5/2017, trong buổi nói chuyện do Trung tâm nghiên cứu Mỹ (United States Studies Centre) thuộc Đại học Sydney tổ chức, cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã kêu gọi chính giới nước Úc hãy bình tĩnh, hãy kiên nhẫn trước tình trạng bất an do “kẻ ngồi trong Tòa Bạch ốc” gây ra bởi nước Mỹ –  với Quốc hội Mỹ bao gồm cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa – còn “lớn hơn kẻ ngồi trong Tòa Bạch ốc” [5]. Khi kêu gọi như thế, ông McCain đã thật sự hiểu rằng, cái ấn tượng mà chính giới Úc đang ghi nhận là một ông Trump lớn hơn tất cả. Nhưng đó là chuyện đã qua, còn cách hành xử hiện tại của Trump cho thấy ông ta không lớn hơn hay nhỏ hơn mà là một sản phẩm trớ trêu, không khác hòn đá vô lý một cách trớ trêu của Max Shulman trong “Love is a fallacy”, cái hòn đá mà cả đấng toàn năng cũng không thể nào tạo thành [6].

“Nếu Thượng Đế toàn năng, vậy thì liệu Ngài có thể tạo ra một hòn đá nặng đến độ Ngài không thể nhấc lên nổi hay không?” – If God can do anything, can He make a stone so heavy that He won’t be able to lift it? Cách đặt vấn đề hoàn toàn vô lý theo lối ngụy biện Contradictory Premises này, được một anh sinh viên luật, nhân vật của Shulman, nêu ra để khai trí về logic cho cô gái mình muốn chinh phục.

Hòn đá đó, dĩ nhiên không bao giờ hiện hữu, vì nếu thế, nó sẽ đẩy Thượng Đế vào một hoàn cảnh trớ trêu: là đấng toàn năng nhưng lại tạo ra một thứ khiến ông ta đánh mất sự toàn năng. Nhưng đó lại là sự trớ trêu của thiết chế chính trị Mỹ. Bằng những bài bản tiêu chuẩn, nó đã tạo ra một ông tổng thống Trump để rồi, đến bây giờ, nó đang có dấu hiệu bất lực, không thể đưa ông ta ra khỏi vị trí ấy theo những bài bản tiêu chuẩn bởi ông ta dọa là sẽ ăn vạ, nằm lì.

Với một hòn đá nặng quá, không nhấc lên nổi, chúng ta chỉ có mỗi một cách là dùng đòn bẩy để xeo. Nếu ông Trump lì lợm đến mức độ ấy thì những kẻ có trách nhiệm cũng chỉ có thể “xeo” ông ta ra ngoài, không hơn, không kém.

Trump là một nhà lãnh đạo hoàn toàn “phi quy ước”, biện pháp áp dụng cho ông ta cũng phải phi quy ước. Nhưng chính điều này sẽ khiến ông ta nhỏ hơn và tệ hơn ông Trump mà chúng ta đã biết trong bốn năm qua, rất nhiều.

Phẩm chất của một cá nhân hay một tổ chức thể hiện chân thật nhất trong những thời khắc khủng hoảng đen tối nhất. Có nhiều chuyện để chúng ta chỉ trích ông Lý Quang Diệu nhưng, không thể chối cãi, ông ta là một nhà lãnh đạo cực kỳ giỏi, đã thành công trong quyết tâm xây dựng đảo quốc nhỏ bé của mình theo mô hình của nước Anh. Cái quyết tâm, theo hồi ức của chính ông ta, nảy sinh khi chứng kiến cảnh những đội quân Anh thất trận, từ Singapore xuống tàu để lùi về Maylaysia trước sức tấn công áp đảo của quân Nhật. Cái “tinh thần Anh” làm ông Lý Quang Diệu khâm phục và quyết học hỏi là tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, luôn ngẩng cao đầu của những chiến binh trong những đội hình tăm tắp, dù đó là một đoàn quân thất trận.

Ông John McCain là một chính khách chính trực, đáng ngưỡng mộ. Nhưng ông McCain tỏ ra đáng ngưỡng mộ nhất ngay sau khi bị đối thủ Barrack Obama đánh bại trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008: Không chỉ chúc mừng đối thủ mình theo truyền thống, ông ta còn ca ngợi đối thủ của mình, kêu gọi những ủng hộ viên của mình hãy ủng hộ đối thủ vì đó là chọn lựa, là con đường mà nước Mỹ sẽ phải đi trong bốn năm sắp tới. [6]

Nhưng ông Trump thì khác. Trump đang tự làm cho con người của mình bé lại trên cả hai khía cạnh đức – tài với những thuyết âm mưu chỉ dựa trên những suy diễn vu vơ và những tin đồn. Chỉ là những suy diễn và những tin đồn nhưng cứ cho là vậy, cứ chấp nhận những âm mưu ấy là có thật thì Trump đã làm được gì dù đã có bốn năm trời sắp đặt?

Nắm quyền hành pháp, lại nắm cả Thượng Viện trong tay, Trump đã xới tung hệ thống chính quyền Mỹ. Ông ta thay trùm tình báo CIA, thay trùm phản gián FBI, thay Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và An ninh Quốc gia như thay áo. Rồi ông ta củng cố thế đa số của cánh bảo thủ trong Tối cao Pháp viện theo cung cách cưới chạy tang trước sự tức tối tột độ của đảng đối lập. Vậy mà ông ta vẫn không thể ngăn nổi bàn tay cướp phiếu của cái “thế lực thù địch phản động” mang tên Dân Chủ kia, quá dở!

Nếu đó là chuyện của nước Mỹ và người Mỹ, thì bây giờ với chúng ta, cái chính không còn là Trump hay không Trump, cũng không phải là “xeo” thần tượng Trump ra khỏi cái đầu hay cái bàn thờ của mình. Cái chính là tự “xeo” cái não trạng đã khiến chúng ta phí phạm niềm tin cho một thần tượng như thế, cái não trạng ăn bám, nô lệ, hầu như chẳng chịu làm gì cho mình để bảo vệ phẩm giá của dân tộc mình, mà thay vào đó, phung phí toàn bộ năng lượng vào việc mong chờ và tung hô một “minh chúa” như Trump, hay một “minh quốc” như Mỹ với niềm tin rằng họ sẽ bảo vệ thay.

_____

Tham khảo:

[1] Theo Vanity Fair, Trump đã tỏ dấu hiệu với những người thân tín là Mật Vụ phải lôi ông ta ra khỏi Tòa Bạch ốc.

“Will Trump physically refuse to leave White House if Biden wins?” November 7, 2020: https://www.news.com.au/news/will-trump-physically-refuse-to-leave-white-house-if-biden-wins/news-story/e8177b1fe5e78557e35e2f32015e8b0c

[2] “He’s the Chosen One to Run America”: Inside the Cult of Trump, His Rallies Are Church and He Is the Gospel: https://www.vanityfair.com/news/2020/06/inside-the-cult-of-trump-his-rallies-are-church-and-he-is-the-gospel

[3] https://www.independent.co.uk/voices/commentators/johann-hari/johann-hari-diana-osama-and-the-rise-of-conspiracy-theories-415508.html

[4] Với Việt Nam, chú ý rằng những thành tựu rực rỡ nhất hay những thay đổi sâu đậm nhất đều là thành quả của giới trung lưu: Phong trào Truyền bá Quốc ngữ”, “Thơ Mới” hay “Tự Lực Văn Đoàn”, những thành tựu văn hóa của miền Nam sau 1954 cũng của thành phần trung lưu. Những nhà cách mạng trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính v.v… cũng là người trung lưu. Thậm chí, giới lãnh đạo của cái gọi là “cách mạng vô sản” như Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Trần Phú … đều là thành phần trung lưu.

[5] Bài phát biểu chấp nhận thua cuộc của ông John McCain: https://www.theguardian.com/world/2008/nov/05/john-mccain-concession-speech

Trích dịch: “Các bạn thân mến của tôi, chúng ta đã đi tới đoạn cuối của một hành trình dài. Người dân Mỹ đã lên tiếng, và họ đã lên tiếng một cách rõ ràng. Mới đây thôi, tôi đã vinh hạnh gọi điện cho Thượng nghị sĩ Barack Obama để chúc mừng ông ấy được bầu làm tổng thống tiếp theo của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu quý.

Trong cuộc đua dài và khó khăn này, chỉ riêng sự thành công của Thượng nghị sĩ Obama đã khiến tôi cảm thấy kính trọng năng lực và sự bền bĩ của ông ấy. Việc ông ấy truyền cảm hứng và niềm hy vọng cho hàng triệu người Mỹ, những người đã từng tưởng là mình không có mấy vai trò trong việc bầu chọn tổng thống Mỹ, càng khiến tôi ngưỡng mộ và trân trọng ông ấy.

 [..] Thượng nghị sĩ Obama đã làm được một điều vĩ đại cho bản thân và cho đất nước. Tôi xin ca ngợi ông về kỳ tích này. Tôi cũng xin chân thành chia sẻ niềm tiếc nuối khi mà người bà thân yêu của ông Obama đã không được tận mắt chứng kiến niềm vui ngày hôm nay, dẫu biết rằng linh hồn bà đang được yên nghỉ thanh thản và bà hẳn rất hãnh diện về người cháu tài giỏi mà bà đã nuôi dạy.

Tôi và Thượng nghị sĩ Obama đã có những khác biệt, chúng tôi từng tranh luận với nhau và ông ấy vượt trội hơn. Chắc chắn chúng tôi vẫn còn nhiều điểm khác biệt. Đây là những thời khắc khó khăn của đất nước, và tối hôm nay, tôi cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể, để ủng hộ ông Obama dẫn dắt đất nước vượt qua những thách thức trước mắt.

Bất kể có những khác biệt lớn đến đâu thì chúng ta cũng đều là người dân Mỹ…”

[6] www.filozofia.bme.hu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.