Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Buôn hàng giả, bán hận thù: Chuyện xưa và nay

 

Buôn hàng giả, bán hận thù: Chuyện xưa và nay

Gellert Nguyễn

24-11-2020

I. Chuyện “Kháng chiến” xưa

Buôn hàng giả, bán hận thù là một lối diễn đạt quen thuộc của người Việt hải ngoại khi đề cập đến sự hình thành và phát triển của Mặt trận Kháng chiến do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo.

Lúc đầu, giới lãnh đạo Mặt trận tung tin là đã lập được chiến khu trên đất Việt và có kèm theo hình ảnh chứng minh. Trong những năm đầu, tin tạo ra được một luồng hào khí đấu tranh của người Việt mong giải phóng quê hương và một phong trào quyên góp rầm rộ khắp nơi trên thế giới.

Về sau, sư thật phơi bày là căn cứ nằm trên lãnh thổ Thái. Giới lãnh đạo Mặt trận phủ nhận tin này. Một số người thật thà vẫn còn tin và đóng góp tài chính trong khi một số người khác biết mình mua lầm hàng giả và lên tiếng. Thế là hận thù trong các phe nhóm cực đoan và hiếu hòa sinh ra. Loạn kiêu binh lên cao, tạo ra bao sóng gió, kinh hoàng nhất là những vụ khủng bố chết người. Cho đến nay nghi án không còn tranh luận sôi động.

Nhưng chuyện chưa kết thúc tại đây vì Mặt trận bán hàng giả lần thứ hai. Lần này cũng thành công không kém. Khi lãnh tụ Hoàng Cơ Minh bị sát hai trên đường xâm nhập đất Lào, giới lãnh đạo Mặt trận lại cho là ông Minh vẫn an lành và tiếp tục lãnh đạo. Sự dối trá duy trì cho đến 14 năm sau. Cuối cùng, Mặt trận mới chính thức khai tử cho ông Minh. Hận thù và chia rẽ vẫn tiếp tục giữa các phe theo và chống. Sự thật thương đau là cao trào đấu tranh kết thúc và niềm tin quang phục đất nước tan vỡ. Ai thắng và ai thua trong chuyện này?

Mua lầm chớ bán không lầm. Người mua đã hiểu sự thật và tự cho là vàng rơi không tiếc mà tiếc người qua sông. Tiền mất tật mang. Tiền mất có thể tìm lại, nhưng ông Minh, một biểu tượng anh hùng cho một thởi đại, đã vĩnh viễn ra đi và không thể tìm lại. Cũng không ai trách chi người đem thân cứu nước mà chỉ ngậm ngùi tiếc cho số phận ông Minh đã an bài và không tìm lại một luồng hào khí đấu tranh tương tự cho tương lai. Chắc chắn là tiếc cả hai.

Người bán hàng giả thành công khi tiền đã bỏ vào ngân hàng an toàn và vui nhất là không có lý do gì để phải trình bày về trách nhiệm chi thu cho bất cứ ai quan tâm.

Nhưng sau cùng Cộng sản Việt Nam toàn thắng. Ngư ông đắc lợi là binh pháp cổ điển của Tàu mà còn hữu hiệu tại Mỹ. Họ không làm gì hết, im lặng mĩm cười và theo dõi những thế lực người Việt lo chống nhau hơn là lo chống Cộng và tự suy sụp. Ai bảo Cộng sản là ngu xuẩn? Đó là một lầm lẫn đáng tiếc.

II. Chuyện “Cuồng Trump” ngày nay

Thông thường trong chuyện mua bán, người mua phán đoán sai sẽ học thêm kinh nghiệm, trở nên khó tính và cân nhắc nghiêm túc trước khi chọn mua hàng trong tương lai. Sau khi nhiệt tình ủng hộ kháng chiến giả, người Việt đã hội nhập trên đất Mỹ có trưởng thành hơn không?

Lập luận chung xác nhận là có. Bao người trong nước và ở các nước khác say mê sự thành công của người Việt. Họ đã gởi hằng năm 17 tỷ đô la để giúp thân nhân quê nhà và tham gia trong các sinh hoạt công quyền, gây tiếng vang tốt đẹp là một bằng chứng.

Sự thật khác hẳn. Chuyện khó tin nhưng có thật là họ lại mua nhầm hàng giả và bán hận thù. Lần này người bán hàng là tổng thống Donald Trump với mặt hàng mới thu hút hơn. Họ tin rằng, Trump làm cho nền kinh tế của Trung Quốc suy sụp với thương chiến Mỹ – Trung. Kết quả là, có tổn thất cho Trung Quốc nhưng Mỹ cũng bại trận qua thương chiến này khi chính quyền Trump đã phải bỏ ra hàng chục tỉ đô la giải cứu nông dân Mỹ, cũng như người tiêu dùng Mỹ lãnh đủ khi thuế đánh trên hàng hóa gia tăng. Còn chuyện Trump đánh bại chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, có lẽ chỉ xảy ra tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc và trên trang Twitter của ông ta.

Có thể nhìn thấy rõ, trước mắt Biển Đông đang nổi sóng hằng ngày. Trung Quốc tập trận và cấm tàu bè khác vào, đó là chuyện không thể chấp nhận được cho người Việt khắp nơi trong khi Cộng sản Việt Nam lịch sự có thừa, tiếp tục kiên trì trong im lặng. Ai còn tấc lòng với đất nước cũng mơ là Việt Nam thoát khỏi hiểm hoạ ngoại xâm và có độc lập chính trị để tự do phát triển kinh tế. Do đó, ủng hộ Trump, nghĩ rằng ông ta đánh Trung Quốc là một nguyện vọng chính đáng của người Việt. Tuy nhiên, khi nghe những gì Trump nói, có mấy ai nhìn kỹ những gì Trump làm? Chắc chỉ là thiểu số trong người Việt.

Theo thăm dò của Pew Research Center, 83% người trong nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, Trump không có khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế. Thí dụ như phương thức điều đình trong thương trường của Trump không thể áp dụng cho ngoại giao. Với Bắc Hàn là một thất bại cho Trump khi dọa nạt và tâng bốc một cách vụng về Kim Chính Ân. Trong cố gắng giải trừ vũ khí nguyên tử của Iran, Trump thất bại tương tự. Cả hai việc này cho thấy Trump không có kinh nghiệm làm việc với các lãnh tụ độc tài. Công luận chỉ trích Trump trong vụ đối phó với đại dịch virus corona, biến đổi khí hậu và nhập cư có phần thuyết phục hơn. Sau nhiều bạo động do kỳ thị chủng tộc nổi lên khắp nơi trên cả nước, hình ảnh nước Mỹ siêu cường không còn.

Khách của Trump là khối cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, thiếu chuyên môn, bị thiệt thòi do lương thấp và mất việc vì toàn cầu hóa. Người Việt tại Mỹ không phải là khách hàng mà Trump quan tâm. Trong ánh mắt của người Việt, Trump là tất cả, nhưng còn trong ánh mắt của Trump, người Việt là ai?

Trong 154 triệu người Mỹ đi bầu năm nay, hơn 73 triệu bầu cho Trump. Theo thăm dò của Asian American Legal Defense and Education Fund ngày 13/11, có khoảng 57% người Mỹ gốc Việt chọn Trump và 41% chọn Biden. Cứ cho là có trên một triệu lá phiếu của người Việt dành cho Trump, thì cũng không thay đổi tình thế. Chuyện đáng nói là đa số khách Việt dành cho Trump tình yêu say đắm, dù chỉ trong đơn phương và vô vọng.

Đơn phương vì chính sách của Trump đối với người nhập cư đã trở thành một bi kịch thương tâm. Nhiều người bị bắt ngay tại bức tường ở biên giới Mỹ – Mexico làm sống lại hình ảnh tang thương như bức tường phân chia Đông và Tây Đức. Chỉ riêng trong năm 2021, Mỹ sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn, con số khiêm nhường kể từ khi có chương trình này. Trump chưa bao giờ lên tiếng ca ngợi người thiểu số. Trong chính sách đối với người Việt, Trump cũng không ưu ái đặc biệt hơn hay vinh danh trong nỗ lực hội nhập.

Vô vọng vì khi tham gia vào sinh hoạt chính trị hay đi bầu, nhiều người Mỹ gốc Việt đồng hoá mình là bình đẳng với thành phần da trắng, có quyền định đoạt cho tương lai của nước Mỹ. Đúng là hạnh phúc tuyệt vời, một cảm xúc được thăng hoa.

Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, khả năng hội nhập của các sắc dân Ấn Độ, Trung Hoa hay Latino có phần cao hơn người Việt. Tình trạng kỳ thị dân da den là một bài học lịch sử mà bao nhiêu thế hệ Mỹ vẫn chưa vượt qua, dân da vàng khó lòng chiếm được vị thế như dân da trắng. Người Việt đáng lý ra phải ý thức hai sự thật này mà dè dặt hơn khi hãnh diện và tự hiểu ngầm là trong đôi mắt Trump người da trắng là thượng đẳng.

Cảm xúc cuồng nhiệt của người Mỹ gốc Việt có cơ sở duy nhất là tin Trump chống Trung Quốc thành công thay cho người Việt. Vấn đề cần nhìn lại một cách chín chắn hơn.

Từ năm 2008, Obama tung ra chiến lựợc chuyển trục về châu Á mà Hiệp định Thương mại Tự do (TPP) là khuôn khổ. Mục đích là Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với các nền kinh tế của vùng Châu Á–Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Nếu mục tiêu đạt được, Trung Quốc sẽ không còn trỗi dậy và uy hiếp. Khi tham gia Hiệp định TPP, 12 nước đàm phán các quy định mậu dịch mà trong đó có việc bảo vệ quyền lợi người lao động và thành lập nghiệp đoàn độc lập, một bất lợi chính trị cho Cộng sản Việt Nam.

Ngay sau khi nhậm chức, Trump đã đơn phương rút khỏi Hiệp định TPP. Hậu quả là Mỹ không còn gây một tác động chính trị và kinh tế nào cho toàn khu vực. Thay vảo đó, Trump khởi động cuộc thương chiến trực tiếp với Trung Quốc. Trump đề ra nhiều cách áp thuế quan lên nhiều mặt hàng mà Trump cho là bất bình đẳng. Thương chiến kéo dài gây thiệt hại cho Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà Mỹ toàn thắng trong khi nền kinh tế toàn cầu cũng phần nào tê liệt.

Để tìm một lối thoát trước quyết định của Trump, các nước còn lại trong thỏa thuận TPP tiếp tục đàm phán. Cuối cùng, vào cuối tháng 10 năm 2018, họ cũng đi đến ký kết một Hiệp định mới và đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước. Đến nay chỉ có bảy nước phê chuẩn.

Tỉnh thế thay đổi khiến cho Trung Quốc khởi động một cuộc đàm phán cho Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP). Thoả thuận này có quy mô lớn nhất thế giới và Mỹ không thể tạo ra được ảnh hưởng nào trước vai trò lãnh đạo của Trung Quốc.

Cuối cùng, Hiệp định RCEP đã được ký kết giữa 15 nước, trong đó 10 quốc gia thành viên Hiệp hội ASEAN (Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 5 đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Còn quá sớm để kết luận là ai thắng ai thua trong tiến trình này, vì còn cần nhiều thời gian và số liệu để kiểm chứng. Nhưng một số nhận định sơ khởi cho thấy, trong các điều kiện hiện nay, Mỹ không có mặt trong cả hai hiệp định quan trọng nhất thế giới là một thất bại nặng nề. Người gây ra hậu quả này không ai khác hơn là Trump, nếu có TPP biến chuyển sẽ khác hẳn ở châu Á. Thanh thế của Trung Quốc đang lên cho dù COVID-19 làm cho ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm, nhưng không đáng kể.

Hai hiệp định CPTPP Và RCEP không mang lợi điểm tuyệt đối cho Việt Nam khi tham gia. Lý do chính là vì cấu trúc thị trường Việt Nam bị Trung Quốc đè nặng và cải cách cũng không thể thành tựu trong một sớm một chiều. Việt Nam có phần may mắn hơn vì không bị áp lực trước các đòi hỏi về tự do thành lập công đoàn, bảo vệ môi sinh và tôn trọng nhân quyền.

Mỹ làm gì trước biến động dồn dập này tại châu Á? Đây là một thách thức cho chính quyền Biden. Đã có nhiều tiên đoán về chính sách của Biden để hàn gắn các vết thương xã hội và hồi phục kinh tế. Trước mắt, Biden cần thời gian khi Trump chưa chuyển quyền trong êm thắm.

Nói chung, không còn cách nào khác hơn, Biden sẽ phải phục hồi việc hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa các đồng minh, theo đuổi một chính sách ngoại giao nhất quán, không thể tiếp tục hành động đơn phương theo cảm tính như Trump, mà hợp tác đa phương. Cụ thể, Mỹ gia nhập lại Hiệp định Khí hậu Paris; trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hạn chế khả năng chế tao vũ khí nguyên tử của Iran… giúp phục hồi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Nếu Trump đồng ý chuyển quyền trong ôn hoà, Biden phải mất tối thiểu khoảng bốn tháng để điều hành toà Bạch Ốc và ổn định nhân sự.

Còn lại gì cho người Việt yêu Trump? Người Việt không thể phủ nhận những hậu quả tai hại trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump, khiến cho Mỹ bị cô lập. Thực tế là người Việt không thể nêu ra vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam với Trump. Trump không ngăn chặn được sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Trump bất lực trước vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương. Cho dù có quan tâm đến vấn đề tự do lưu thông hàng hải, Mỹ không thể tác động mạnh ở Biển Đông. Những thay đổi gần đây trong cac việc tập trận hỗn hợp với đồng minh, Trump tỏ ra quyết liệt hơn. Trong khi chuẩn bị ra đi, Trump không làm gì khác hơn là muốn để lại tinh thần bài Hoa như là một di sản chính trị, còn thực chất khó ai kiểm chứng.

Dù Trump thất bại rõ ràng, tại sao người Việt vẫn một lòng yêu Trump tha thiết? Có hai lý do đáng ngạc nhiên: Không phải là đối sách tài ba hay con người khả kính của Trump, mà văn hoá Việt mang theo và truyền thông trong mạng xã hội của người Việt tại hải ngoại là hai đặc thù chính.

Một là suy tôn lãnh tụ, đó là một đặc điểm trong văn hoá chính trị của người Việt. Cảm xúc sùng bái cá nhân quan trọng hơn là phân tích chính sách bằng lý trí. Ca tụng “bác Hồ” và “bác Trump” không khác nhau về bản chất, mà khác nhau ở chỗ, một bên ở trong nước Việt Nam độc tài và một bên ở nước Mỹ tự do.

Khi xưa, chuyện tình của ông Hồ với Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân, nhiều người Việt cho rằng, đó không phải là vấn đề đạo đức đáng chê trách vì ông Hồ đã cả đời cống hiến cho dân tộc, thì ngày nay người Việt quá dễ dàng chấp nhận các vụ cáo buộc trả tiền để ém miệng người mẫu Playboy Karen McDougal, nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels và những cáo buộc về âm mưu bắt họ im lặng. Cuộc điều tra gian lận thuế và ngân hàng, gian lận bất động sản, các vụ kiện về trục lợi, về sách nhiễu tình dục và vụ kiện của người cháu Mary L. Trump… tất cả là chuyện bình thường mới đối với một số người Việt. Chuyện họ đang nôn nóng chờ là chiến thắng Trung Quốc trong huy hoàng, nhưng thực tế là đã không xảy ra cho đến ngày Trump rời khỏi tòa Bạch Ốc.

Hai là, người Mỹ gốc Việt đã hội nhập thành công trong xã hội Mỹ, nhưng thảo luận các chuyên đề chính trị, kinh tế hay xã hội cần có một trình độ nhất định. Thái độ khách quan phán xét các sinh hoạt trong hệ thống công quyền, luật lệ và báo chí cần có trình độ Anh ngữ. Thực tế cho thấy, đa số người Việt còn lệ thuộc vào mạng lưới truyền thông mạng tiếng Việt, trong khi nhiều kênh thông tin không đóng vai trò khai sáng cho người Việt, nổi bật nhất là các kênh tin tức trôi nổi trên YouTube, Facebook… cung cấp nhiều tin vịt, thiếu kiểm chứng, trong khi nhiều người Việt không có khả năng kiểm chứng.

Nhiều kênh thông tin nhảm nhí, không nhằm thuyết phục người đọc và cũng không quan tâm đến sự thật, xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh giao tiếp hiện nay. Kẻ nhảm nhí không quan tâm những gì họ nói là đúng hay sai, mà chỉ xem có đông người nghe, người đọc hay không. Với họ, lượng truy cập mới là điều quan trọng, còn thuyết phục người ta tin hay không là chuyện phụ. Các kênh YouTube nhảm nhí, chuyên tung tin vịt của người Việt mọc lên như nấm sau cơn mưa, đã góp phần hủy hoại môi trường thông tin lành mạnh.

Phát biểu quan điểm chính trị là chuyện bình thường nhưng phải tôn trọng sự thật, nhất là phải giữ những chuẩn mực về văn hóa. Dù theo đuổi mục tiêu khai dân trí, nhưng một số YouTuber tự cho mình có quyền sử dụng ngôn ngữ tục tĩu nhất để chống Cộng. Tha thiết bảo vệ Trump, nhưng các YouTuber lại sử dụng các từ ngữ vô văn hóa nhất để thoá mạ đối phương không tiếc lời. Tác dụng chống Cộng hay bảo vệ Trump không vì thế mà tăng lên khi tư cách của người phát biểu quá tệ, cũng như nội dung không đủ sức thuyết phục người khác nghe theo. Trump hay Biden, 154 triệu người Mỹ da trắng đi bầu, cũng như hơn một triệu người Mỹ gốc Việt biết tư duy chính trị không cần họ trong những phương cách như vậy khi họ gây phản tác dụng.

Hận thù nhau giữa các YouTuber người Việt, phân hoá trong gia đình và cộng đồng lên cao chưa từng có trong lịch sử hội nhập thành công của người Việt. Buôn hàng giả, bán hận thù, ai thắng ai thua trong tiến trình phân hoá này?

Khác với chuyện kháng chiến giả, lần này cả hai phe đều đại bại. Cả hai kiệt sức vì tiếp tục phân hoá trong những năm sắp tới. Cuồng Trump hay chống Trump, cả hai bây giờ và mãi mãi sẽ không là tác nhân chính làm biến chuyển triệt để cho xã hội Mỹ, cũng không còn nội lực để tạo một sức mạnh mà cộng đồng cần có. Giới chống Cộng lần lượt ra đi theo thời gian và không trao truyền ngọn lửa đấu tranh cho thế hệ tiếp nối. Còn nững người Việt nhập cư sau này được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, họ chỉ quan tâm việc gởi kiều hối, du lịch và làm từ thiện nhiều hơn.

Chuyện xưa và nay có vẻ giống nhau, một kết luận chung là bi quan không thể tránh. Người Việt hải ngoại không còn hào khí đấu tranh và là ngọn lửa soi đường cho người dân trong nước. Cộng sản Việt Nam lại mĩm cười toàn thắng. Binh pháp cổ điển “bất chiến tự nhiên thành” và “ngư ông đắc lợi” luôn luôn đúng.

III. Thay lời kết

Thống kê cho biết, có khoảng 60% các lời tuyên bố của Trump là dối trá và chỉ chạy theo tư lợi. Thống kê khác lại cho là Trump đã nói dối trên 20.000 lần trong bốn năm qua. Nhưng tại Mỹ, nhờ có hệ thống báo chí độc lập và phản ứng của công luận, nên trong các cuộc vận động tái tranh cử năm 2020, dân chúng có thể chống lại tinh thần đạo đức giả của Trump và nâng cao giá trị của nền dân chủ. Do đó, có thể tạm cho là Trump có khi bán hàng giả, khi bán hàng thật, còn gây phân hoá trong xã hội và mất thiện cảm hợp tác với đồng minh là chuyện không còn tranh cãi. Đó là sự kiện đáng để người Việt quan tâm hơn. Nhưng nghĩ gì và làm gì trước tình trạng buôn hàng giả và bán hận thù tại của Việt Nam, ít người đặt ra.

Riêng sự dối trá của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, có thể nói đạt trình độ đẳng cấp thế giới. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Lối tuyên truyền về nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một ý thức hệ giả tạo vì không có trong sách vở; chính quyền không có khả năng giải thích trong hiện tại và cũng không bảo đảm là sẽ hoàn thiện trong tương lai. Thái độ đạo đức giả của chính giới còn hủy diệt các giá trị xã hội.

Vì ích kỷ mà chính quyền biến lãnh thổ, tài nguyên và nhân lực trở thành một món hàng mua bán cho thân tộc.

Vì u tối mà chính quyền thờ ơ trước các ý kiến của công luận, xem những người nêu ý kiến trái chiều là “thế lực thù địch” và không muốn khai sáng để cải cách.

Vì bất lực nội tại và xung đột quyền lợi phe nhóm trong chính quyền nên xã hội có động loạn triền miên.

Vì tập trung sức để giải quyết trị an và lo sinh tồn cho chế độ, nên chính quyền không còn khả năng để xây dựng một nhà nước trưởng thành và ổn định.

Phản biện của công luận chưa kiểm tra được hết các gian dối của nhà nước vì chưa có tự do báo chí. Dù các phương tiện truyền thông xã hội đang có sự chuyển biến, nhưng đa số dân chúng chưa quan tâm đúng mức đến chính sự, nên đảng CSVN ngang nhiên vi phạm quyền dân tộc tự quyết. Hiện trạng này sẽ tạo nhiều bất hạnh hơn cho tương lai của đất nước.

Dù chế độ độc tài không thể hủy diệt cả dân tộc, nhưng ý thức về một thể chế mới cho toàn dân là một hy vọng khởi đầu. Một thể chế cho phép người dân thương yêu nhau trong tình dân tộc, đoàn kết Diên Hồng sẽ thay thế cho hận thù, một trào lưu chính sẽ hình thành để đóng góp cho sự thay đổi chính trị, đem lại độc lập dân tộc, bình an xã hội và thịnh vượng đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.