Tuyên bố Hà Nội không đề cập tranh chấp Biển Đông
Việt Nam và các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á đã không đề cập đến các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông trong Tuyên bố Hà Nội giữa bối cảnh các quốc gia của khối tập trung vào thương mại và đại dịch COVID-19, với việc ký kết một hiệp định thương mại lớn nhất được mong đợi từ lâu.
Lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam là chủ tịch luân phiên, và 8 quốc gia thành viên khác, gồm cả Mỹ, Nga, Úc và Trung Quốc, hôm 14/11 đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh của khối tại Hà Nội qua hình thức trực tuyến.
Tuyên bố Hà Nội nhấn mạnh đến cam kết giữa các quốc gia trong khối trong việc đảm bảo môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh đại dịch virus corona vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới. Ngoài các hợp tác khác, tuyên bố cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trong việc tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực.
EAS, với ASEAN ở vị trí trung tâm, là diễn đàn chiến lược hàng đầu khu vực, là nơi các Nhà lãnh đạo trao đổi về các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực, theo Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúc cho biết khi phát biểu khai mạc hội nghị.
Với 4,6 tỷ dân và có tổng GDP hơn 51,6 nghìn tỷ USD, ông Phúc được Báo Tin Tức trích lời nhấn mạnh rằng EAS đã tạo ra khuôn khổ phù hợp cho các nước tham gia chia sẻ các quan tâm chung, đối thoại về mọi vấn đề và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu khi chủ trì cuộc họp tối 14/11, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng ‘lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.”
“Các nước nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm môi trường thuận lợi để kiểm soát dịch bệnh,” ông Phúc nói. “Trên cơ sở đó, các nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.”
Theo Thủ tướng Việt Nam, các nước ghi nhận nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Tuy nhiên trong Tuyên bố Hà Nội, các tranh chấp Biển Đông, đặc biệt tăng cao trong năm nay với các hoạt động gây hấn của Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch, không được đề cập. Tuyên bố chỉ nói rằng các quốc gia thành viên sẽ “tăng cường các hành động thực tiễn và sự phối hợp toàn diện trong những lĩnh vực ưu tiên của hợp tác Thượng đỉnh Đông Á, và các ứng phó đối với các thách thức cùng quan tâm.”
Các nhà phân tích cho rằng những chủ để về ứng phó với đại dịch COVID-19 và việc ký kết hiệp định RCEP được chờ đợi từ lâu đã “nâng cao tâm trạng của mọi người” tại cuộc họp thượng đỉnh ở Hà Nội trong khi không ai có bất cứ một đề xuất gì mới để nới lỏng tranh chấp hàng hải sau một năm đầy biến động với sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc trên biển.
Việt Nam cùng 14 quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, hôm 15/11 ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, RCEP, trong khuôn khổ hội nghị quốc tế do Hà Nội làm chủ nhà. RCEP được Trung Quốc hậu thuẫn từ khi được khởi xướng vào năm 2012 và được cho là một công cụ để Trung Quốc tăng sức mạnh địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương.
“Giữa tâm trạng ăn mừng này, tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm gì để giảm bớt điều đó bằng một điều gì đó rất khắc nghiệt trên Biển Đông,” Oh Ei Sun, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế của Singapore, nói với phóng viên Ralph Jennings của VOA.
Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc và các nước ASEAN đang cùng nhau thảo luận một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông kể từ năm 2002, nhằm ngăn ngừa những rủi ro trên biển. Trung Quốc đình trệ việc thương thảo trong nhiều năm nhưng đã quay trở lại đàm phán sau khi thua Philippines trong vụ kiện về tranh chấp lãnh hải tại toà trọng tài quốc tế ở La Haye năm 2016.
“Tôi nghĩ khủng hoảng COVID có lẽ sẽ làm cho (các nước ASEAN) khó khăn trong việc đặt ưu tiên vào một bộ quy tắc ứng xử trong khi họ đang lo ngại nhiều hơn về việc phục hồi kinh tế trong nước và nối lại thương mại, du lịch cùng mọi thứ khác,” theo nhận định của ông Stephen Nagy, phó giáo sư cấp cao về chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo, với VOA.
Theo nhà nghiên cứu Oh, các nước Đông Nam Á đang gác lại tranh chấp hàng hải trong năm nay để chờ Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết quan điểm của ông về vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các đợt tuần tra của Hải quân Mỹ trên vùng biển gần lãnh hải của Trung Quốc và tăng cường bán vũ khí cho các nước xung quanh như một lời cảnh báo đối với Bắc Kinh. Theo các học giả trong khu vực cho biết, các thành viên ASEAN cảm thấy được Washington bảo vệ nhưng cũng lo lắng về một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa hai siêu cường.
Nguồn: VOAtiengviet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.