Đừng để lịch sử tự nó lặp lại
17-11-2020
Năm xưa Phan Châu Trinh bị dè bỉu là cải lương vì theo đuổi lý tưởng làm cách mạng về mặt giáo dục, nhận thức trước, sau đó mới tính đến chuyện độc lập dân tộc.
Những người cười chê ông (trong đó có Hồ Chí Minh) tất nhiên là có cách tiếp cận khác, họ muốn giành lại độc lập một cách nhanh chóng hơn, trực diện hơn, kể cả thông qua con đường chiến tranh.
Người Việt Nam hiện giờ tìm thấy mình ở vào cảnh khá giống với thời cụ Phan, thay vì độc lập dân tộc, thì chúng ta phải giải bài toán dân chủ hóa đất nước.
Và cũng không khác gì thuở đầu của thế kỉ 20, người Việt Nam, chí ít là những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc, nay lại một lần nữa ở vào tình huống đối ngược nhau về cách tiếp cận vấn đề. Những người nhận mình là thiên hữu thì gán cho những người khác quan điểm với mình là thiên tả. Hai chủ thuyết vốn đối nghịch nhau.
Có một điểm chung khác giữa thời cụ Phan và thời nay đó là dù một người có ở phía nào thì vẫn đi tù như thường. Nhà cầm quyền, dù là thực dân hay Cộng Sản, không hứng thú với việc tranh cãi độc lập thế nào hay tả-hữu ra sao, trong con mắt họ thì các đối tượng là như nhau, đều muốn thách thức quyền lực của họ do vậy cần phải trừng trị.
Tranh cãi với nhau trên tinh thần hơn thua thì sẽ tạo ra chướng ngại cho sự phát triển, cộng với sự đàn áp của nhà cầm quyền nữa thì triển vọng phát triển là bằng không. Cả hai bên đều ghìm chân nhau trong bầu khí hằn học, bất lực. Đây là lúc những cái đầu nóng trở nên radicalised (cực đoan hóa) và nhặt lấy các cách tiếp cận nguy hiểm. Chủ nghĩa Cộng Sản được du nhập vào nước ta cũng ở trong bối cảnh xã hội như thế.
Hiện nay chúng ta đã thấy manh nha xuất hiện các nhóm cực đoan, sử dụng các biện pháp nguy hiểm như cổ xúy phân biệt chủng tộc, bạo lực, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy hay thậm chí là độc tài. Mà nếu không ngăn chặn thì sẽ gây hậu quả khôn lường.
Để tránh đi vào vết xe đổ của lịch sử thì người đương thời phải làm khác đi. Trước hết là cần phải đối thoại, các tranh luận nên được thực hiện thường xuyên và cởi mở trên tinh thần xây dựng, với tôn chỉ tìm ra cách tiếp cập phù hợp nhất chứ không phải phân định người thắng kẻ thua. Cái nữa là phải đả phá không khoan nhượng những mầm mống cực đoan (phân biệt chủng tộc, bạo lực, dân tộc cực đoan, dân túy, độc tài), cho dù người cổ xúy cho nó có ở “phe mình” thì cũng phải lên án.
Lịch sử nước ta kể từ sau cái chết của Phan Châu Trinh đã chứng kiến sự nghiêng dần và sau cùng là nghiêng hẳn về lựa chọn chiến tranh. Nước ta không thể đi lại con đường đó một lần nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.