Bầu cử tổng thống Mỹ : Danh dự của bên thua cuộc
Thanh Hà
Ảnh tư liệu, chụp ngày 19/12/2000: Phó tổng thống Al Gore ( trái ) và tổng thống tân cử George W. Bush. REUTERS - Gary Hershorn
Trong quá khứ, các ứng cử viên tổng thống Mỹ xử sự như thế nào khi bị cử tri bất tín nhiệm ? Thượng nghị sĩ John McCain trân trọng chứng kiến thời khắc lịch sử khi Barack Obama là người Mỹ da đen đầu tiên bước vào Nhà Trắng. Tổng thống Bush cha thân ái cầu chúc Bill Clinton « thành công », bởi đó sẽ là sự thành công chung của toàn nước Mỹ. Xa hơn nữa, Jimmy Carter nuốt hận, nhanh chóng chúc mừng đối thủ Ronald Reagan vì lợi ích chung của đất nước.
McCain, một người Mỹ vĩ đại
Vài ngày qua, 15 triệu lượt người đã vào xem hay xem lại video thượng nghị sĩ John McCain năm 2008 nhìn nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong phần mở đầu ông nói « Tôi vừa trao đổi với thượng nghị sĩ Barack Obama, chúc mừng tổng thống tương lai của nước Mỹ », một đất nước mà cả ông lẫn Obama cùng «yêu mến». Kế tới, ứng viên của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần vào sinh ra tử này không ngần ngại dành cho đối thủ những lời hay ý đẹp : «tỏ lòng ngưỡng mộ» và «kính phục» trước một đối thủ «kiên cường» với nhiều nghị lực.
Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi tất cả những người ủng hộ ông, dưới chính quyền tổng thống Obama, hãy «thể hiện thiện chí vì lợi ích chung của đất nước».
Thượng nghị sĩ McCain vào đêm 04/11/2008 đã để lại câu nói bất hủ : «Người Mỹ không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ đầu hàng, không bao giờ trốn tránh lịch sử. Người Mỹ làm nên lịch sử».
Kêu gọi xóa bỏ hận thù và chia rẽ
Tám năm sau thượng nghị sĩ McCain, đến lượt cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cũng là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bị một nhà chính trị tay mơ đánh bại. Thua Donald Trump, bà Clinton đã tuyên bố ngay: Bà hy vọng ở cương vị tổng thống ông Trump «sẽ thành công vì lợi ích của tất cả những người dân Mỹ».
Ngược dòng thời gian trở về năm 2000, sau nhiều tuần lễ kiểm phiếu dằng dai, cuối cùng ứng viên của đảng Cộng Hòa George W. Bush dội gáo nước lạnh vào giấc mơ làm chủ Nhà Trắng của ứng cử viên đảng Dân Chủ, phó tổng thống Al Gore.
Trong bài phát biểu cảm ơn cử tri ủng hộ mình ông Gore cho biết đã đề nghị tiếp xúc với tổng thống tân cử «sớm nhất có thể, để xoa lành những vết hằn mà cuộc vận động tranh cử và tiến trình kiểm phiếu đã để lại».
Tấm lòng cao thượng của người quân tử
Nhưng có lẽ cử chỉ thể hiện lòng cao thượng của một nguyên thủ Hoa Kỳ còn đọng lại trong lịch sử đương đại là lá thư viết tay mà tổng thống Mỹ thứ 41, George H. Bush để lại trên bàn giấy cho người kế nhiệm là Bill Clinton. Sau có một nhiệm kỳ, tổng thống Bush đã bị một đối thủ trẻ tuổi của đảng Dân Chủ là thống đốc bang Arkansas đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1992.
Ngay khi kết quả được công bố, chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi cử tri Cộng Hòa «sát cánh với vị tổng thống Mỹ tương lai».
Như truyền thống của Hoa Kỳ, tổng thống tân cử tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/01/1993. Khi bước vào phòng Bầu Dục, Bill Clinton trông thấy một bức thư trên bàn với hàng chữ như sau : «Bill thân mến (…) Khi đọc những dòng chữ này, ngài đã trở thành tổng thống của tất cả chúng ta. Tôi cầu chúc cho ngài những điều lành. Chúc gia đình ngài may mắn. Thành công của ngài giờ đây là thành công của đất nước chúng ta (…) Chúc nhiều may mắn». Cuối thư, tổng thống Mỹ thứ 41 thân mật ký tên «George».
Nhiều năm sau tổng thống Clinton và phu nhân vẫn còn rất cảm động mỗi khi nói về bức thư này.
Lịch sử đôi khi cũng có những hồi kết theo kiểu «Happy End» : sau 8 năm nhiệm kỳ, chính ông Clinton đã trao lại chìa khóa của Nhà Trắng cho một vị tổng thống mang tên Bush, nhưng đó là ông Bush con: Georges W. Bush.
Trong một đoạn video, cố đệ nhất phu nhân Barbara Bush thổ lộ rằng hai gia đình Bush và Clinton bất đồng về chính trị, nhưng giữa hai vị tổng thống thứ 41 và 42 của Hoa Kỳ, mối quan hệ không khác gì tình cha con.
T.H.
Nguồn: RFI tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.