Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Truyền thống “chuyển giao quyền lực” của Mỹ đang bị chà đạp

 

Truyền thống “chuyển giao quyền lực” của Mỹ đang bị chà đạp

Kalynh Ngo

Ứng cử viên tổng thống John McCain và Barack Obama

Nhiều tuần qua, thế giới tự hỏi liệu Tổng thống Trump có đắc cử thêm một nhiệm kỳ hay không. Giờ đây, khi cơ quan bầu cử và những nhà quan sát tuyên bố đối thủ của ông ấy – cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ là “Tổng thống tân cử”, thế giới lại lo lắng liệu Trump sẽ thừa nhận việc này như thế nào.

Hiện tại, tổng thống đương nhiệm chưa thừa nhận là người thua cuộc. Thay vào đó, ông Trump nói ông đã thắng cuộc tranh cử “nếu đếm những lá phiếu hợp lệ” và ông ta sẽ thực hiện nhiều phản kháng đối với quá trình kiểm phiếu tại tòa án. Trước đó, khoảng mùa thu, ông Trump đã nói rằng ông sẽ đồng ý chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trừ khi cuộc bầu cử bị “gian lận”.

Có vẻ như những kết quả đang được cơ quan bầu cử đưa ra ngày càng chứng tỏ rằng, sẽ khó tránh khỏi việc Trump cần phải đưa ra một bài phát biểu nhượng bộ hoặc giải thích lý do tại sao ông ta từ chối làm như vậy. Tuy rằng, không có yêu cầu pháp lý nào đối với phải thực hiện việc đó, cũng như việc từ chối sẽ không thể kéo dài thời gian cư ngụ của ông Trump tại 1600 Pennsylvania Ave. hoặc kéo dài quyền hành đến sau trưa ngày 20 tháng Giêng.

Những dấu ấn của lịch sử

Tuy nhiên, thái độ “nhận thua”, nói cách khác, “chấp nhận chiến thắng” của đối phương đã trở thành điểm nhấn lịch sử trong quá trình bầu cử Mỹ. Và điều này có giá trị đặc biệt như một phần của quá trình tiếp chuyển “triều đại” vì đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho một cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình.

John Adams, tổng thống đầu tiên thất cử sau một nhiệm kỳ (từ 1797 đến 1801) đã chúc mừng tân Tổng thống Thomas Jefferson với tư cách cá nhân. Sau đó, truyền thống này đã được lưu giữ và thực hiện qua nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ.

Một tình huống đã đi vào lịch sử bầu cử Hoa Kỳ xảy ra năm 2000. Khi đó, ứng viên Đảng Dân chủ Al Gore đã hai lần thực hiện cuộc điện thoại cho George W. Bush (Bush con) nhận thua cuộc. Lần thứ nhất là ngay đêm bầu cử và lần thứ hai xảy ra 5 tuần lễ sau đó. Khi đó Al Gore gọi cho George W. Bush để nhận thua cuộc. Sau đó, khi kết quả kiểm phiếu ở Florida có chuyển biến tốt, ông gọi lại lần nữa để rút lại lời thừa nhận thất bại.

Ứng cử viên tổng thống Al Gore và George W. Bush

Việc kiểm phiếu và nhiều vấn đề thao tác pháp lý rắc rối kéo dài năm tháng cùng với vụ kiện tụng lên Tối cao Pháp viện. Toà ra phán quyết 5-4 rằng việc kiểm phiếu ở Florida nên dừng lại. Thật ra lúc đó, Gore có thể đẩy vụ việc đi xa hơn, tới Hạ viện và Thượng viện. Nhưng ông ấy quyết định không làm thế vì không nhìn thấy triển vọng thành công, thêm vào đó, chi phí và rủi ro quá cao.

Sau khi Tối cao pháp viện ngừng việc kiểm lại phiếu, ông Bush được tuyên bố là người chiến thắng, và ông Al Gore lại nhận thua lần hai.

“Vài phút trước tôi đã nói chuyện với George W. Bush và chúc mừng ông ấy trở thành tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ. Tôi đã hứa với ông ấy rằng tôi sẽ không gọi lại lần nữa”, ông Gore nói.

Gore cũng dẫn lời Stephen Douglas, người đã thua Abraham Lincoln trong cuộc bầu cử định mệnh năm 1860: “Tinh thần đảng phái phải nhường chỗ cho lòng yêu nước”, Douglas viết trong thư sau đó. “Tôi ủng hộ Tổng thống và cầu Chúa phù hộ cho ông”.

Quyết định và sự chấp nhận thua cuộc của Gore đã kết thúc những chia rẽ, bế tắc, bắt đầu quá trình hàn gắn quốc gia. Nó khắc hoạ và khuếch đại giá trị truyền thống của “chấp nhận chiến thắng” – vốn có nguồn gốc lâu đời của lịch sử Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích to lớn cho những thời điểm khó khăn của quá khứ.

Năm 2012, ông Mitt Rommey đã có một bài phát biểu nhận thua không khác gì bài phát biểu của người chiến thắng. Theo như lý giải của báo giới đưa ra lúc đó là có thể do trong cuộc đua đó, ông Rommey đã chắc chắn giành chiến thắng đến mức không có bài phát biểu nhượng bộ nào được dự tính trước.

“Để gìn giữ nước Mỹ, không phải là quân đội hay hải quân, mà đó là chính là quan điểm ràng buộc nhau bởi một số nguyên tắc tuyệt vời nhất định và những điểm tương đồng đó sẽ ràng buộc chúng ta hơn sự khác biệt”. John R. Vile, giáo sư lịch sử tại Đại học Middle Tennessee State từng nói với tạp chí National Geographic.

McCain 2008 là một điển hình lịch sử

Một ví dụ khác gần đây luôn được nhắc nhở và nhìn nhận vì đẳng cấp và tài hùng biện, đó là cố Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hoà John McCain. Ông McCain năm 2008 cũng nhận thua trong cuộc đua vào Toà Bạch Ốc trước đối thủ đảng Dân chủ trẻ tuổi lúc đó, Thượng Nghị sĩ Barrack Obama.

Cuộc bầu cử năm 2008 diễn ra gây cấn và kết thúc giữa lúc nước Mỹ chìm trong khủng hoảng kinh tế, nhưng ông McCain đã gửi ra thông điệp thua cuộc đầy tính nhã nhặn và lòng yêu nước.

“Người Mỹ đã lên tiếng và họ lên tiếng rất rõ ràng. Tôi đã gọi cho Thượng nghị sĩ Obama để chúc mừng ông ấy được bầu làm tổng thống tiếp theo của đất nước mà cả hai chúng tôi đều yêu mến”.

John McCain và vợ, bà Cindy McCain

Ông McCain cũng nhấn mạnh đến một thực tế nổi bật của thời điểm này, đó là ông Obama là người Mỹ gốc Phi đầu tiên bước vào Phòng Bầu Dục.

“Đây là một cuộc bầu cử lịch sử, và tôi nhận ra ý nghĩa đặc biệt của nó đối với người Mỹ gốc Phi và niềm tự hào đặc biệt của họ đêm nay. Thượng nghị sĩ Obama đã đạt được một điều tuyệt vời cho bản thân và cho đất nước này. Tôi hoan nghênh ông ấy vì điều đó”.

Chấp nhận thua cuộc không phải điều dễ dàng

Sự nhượng bộ, tất nhiên luôn ẩn chứa một cảm giác “khó chịu” nhất là đối với người đương nhiệm. Các nhà quan sát nhận thấy rằng, tốt nhất là nhanh chóng vượt qua nó. Bằng cách nào thì không gì khác hơn chính là “chấp nhận thua cuộc và nhìn nhận người chiến thắng”.

Chấp nhận thua cuộc không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu thực hiện điều đó nhanh chóng thì nó sẽ bớt đau đớn hơn, không kéo dài thời gian chờ đợi.

Lịch sử đã chứng minh điều đó.

Có lẽ người đầu tiên trong số những người nhận thua cuộc một cách nhanh chóng là Tổng thống Đảng Cộng hòa William Howard Taft, người đã kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên khi ông đứng thứ ba trong cuộc tái tranh cử năm 1912. Ngay trong đêm bầu cử, ông gửi thông điệp chúc mừng đến tay Woodrow Wilson, đảng Dân chủ, người thắng cử.

Tổng thống George H.W. Bush đã liên lạc với đối thủ của mình là ông Bill Clinton ngay sau khi các cuộc đếm phiếu kết thúc vào đêm bầu cử năm 1992.

Tổng thống Jimmy Carter còn đi xa hơn thế. Năm 1980, ông đã chính thức xác nhận thua cuộc, nhượng bộ đối thủ Ronald Reagan trước khi các cuộc đếm phiếu ở bờ Tây kết thúc.

Truyền thống nhận thua của nước Mỹ bị chà đạp

Cho đến thời điểm hiện tại, sau gần một tuần kể từ khi có kết quả ai là Tổng thống đắc cử, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử.

Cho dù hàng loạt các hãng thông tấn uy tín của Mỹ đã “call”, nghĩa là xác nhận Tổng thống đắc cử (President-Elect) là ông Joe Biden, sau đó rất nhiều các nhà lãnh đạo trên thế giới gửi thông điệp chúc mừng, ông Trump vẫn kiên quyết cho rằng kết quả cuộc bầu cử là gian lận.

Ngay trong đêm Thứ Ba, 3 tháng 11, khi việc đếm phiếu vẫn chưa kết thúc, ông Trump đã đăng trên tài khoản twitter của mình rằng: “I WON THIS ELECTION, A LOT!”

Đoạn tweet này ngay sau đó đã bị Twitter dán mã cảnh báo vì sai sự thật.

Tại cuộc họp báo lúc 6:30PM (giờ Washington D.C) ở Toà Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói với báo giới rằng cuộc bầu cử lần này là gian lận và không đưa ra bằng chứng.

“Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Chúng tôi sẽ không cho phép sự phá hoại có thể cướp lấy cuộc bầu cử quan trọng này”, ông Trump nói.

Rất nhiều đài truyền thông lớn của Mỹ như MSNBC, NPR, CBS, NBC đã phải cắt ngang buổi nói chuyện của ông Trump vì “có nhiều thứ phải kiểm chứng”.

Ký giả Jake Tapper của CNN nói: “Thật là một đêm buồn cho nước Mỹ khi phải nghe những lời như thế. Buộc tội người khác một cách sai trái, cho rằng họ đánh cắp cuộc bầu cử, ra sức tấn công nền dân chủ theo cách giả dối của ông ấy. Nói dối tiếp nối nói dối”.

Sau đêm Thứ Bảy ngày 7 Tháng 11, rất nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó phải kể đến cả đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump là Thủ tướng Anh ông Boris Jonhson, và cả Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gửi lời chúc mừng chiến thắng cho liên danh Biden-Harris.

Ông Trump vẫn chưa chấp nhận nhượng bộ và chưa có dấu hiệu sẽ gọi điện thoại chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden.

“Đừng mong ông ấy chấp nhận thua cuộc”, đài NBC hôm thứ Tư 11 tháng 11 dẫn lời một cố vấn hàng đầu của Bạch Cung nói. Phụ tá này cho biết thêm: “Có thể ông ấy sẽ nói kiểu như: ‘Chúng tôi không tin được kết quả, nhưng tôi sẽ không phản đối.’”

Xin trích lời một người quan sát cuộc bầu cử Mỹ 2020, ông Le Thanh Hoang Dan: “Dân Mỹ đã quyết định. Tiếng nói của dân thật rõ ràng. Biden hơn Trump 4.600.000 phiếu (*). Biden được hơn 76 triệu phiếu, Trump hơn 71 triệu. Với số phiếu kỷ lục, dân Mỹ đã dứt khóa muốn chấm dứt thời điên loạn của Trump, ngày nào cũng tức học máu với lời nói dối của Trump, xúi giục Mỹ trắng đè đầu da đen, da màu và phụ nữ.

Liên minh da trắng, phụ nữ, da đen và da màu cùng những thành phần thiểu số khác trong xã hội Mỹ, đã trao cho tân Tổng thống đắc cử Biden, nhiệm vụ đoàn kết dân tộc, tạo dựng xã hội Mỹ hài hòa, bao dung, cho tất cả dân Mỹ”.

Chúng ta không thể biết được ngày tuyên thệ của Tổng thống đắc cử 20/1/2021 sẽ như thế nào. Từ đây cho đến ngày ấy sẽ còn bao nhiêu xáo trộn trong nội các chính quyền Trump? Bao nhiêu nhân vật có tầm ảnh hưởng của Toà Bạch Ốc sẽ ra đi? Nhưng chắc chắn chúng ta có thể biết rõ một điều, đó là truyền thống chuyển giao quyền lực hoà bình, nhân văn, đặt nền tảng quốc gia lên hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ khó được thực hiện.

Và chắc chắn, lịch sử Mỹ sẽ khó có thể đọc được một lá thư tay gửi lại cho người kế nhiệm hào hùng như nó đã từng.

K.N.

_____

(*) Hiện tại, Biden đã dẫn Trump với hơn 5,000,000 phiếu

Nguồn: Người Thông Dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.