Việt Nam, một nền độc tài thân phương Tây sau Covi
Jackhammer Nguyễn
23-4-2020
Dịch phổi Vũ Hán rồi sẽ qua đi, nhưng chắc chắn nó sẽ làm các quốc gia thay đổi rất nhiều. Thử hình dung, theo những suy luận hợp lý và thực tiễn nhất, Việt Nam sẽ có những thay đổi gì?
Đảng Cộng sản mạnh lên
Tôi thấy trước nhất người Việt Nam có thể có những thay đổi sau đây: ít chen lấn hơn vì đã quen cách ly, ít ăn uống quái dị hơn vì ai cũng bắt đầu biết rằng thú vật có thể lây bệnh cho người. Những thay đổi này thay vì tiệm tiến theo đà phát triển (hướng tích cực) đã bị Cô Vi làm thay đổi đột ngột, như các cụ thường bảo nhẹ không thích, thích nặng!
Thay đổi quan trọng nhất là vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) được củng cố, mạnh lên vì họ chứng tỏ cho người dân thấy rằng họ đã cố gắng chống dịch, dù rằng hiện vẫn còn sớm để nói là họ có thành công hay không. Nhưng ba tháng qua cho thấy là họ đã làm việc tốt, và dân chúng sẽ không quên điều đó. Họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn: chung biên giới với ổ dịch Trung Quốc, buôn bán qua lại với Hoa Lục quá nhiều, mật độ dân cư đông đúc, thiết bị y tế không được tân tiến,…
Nhưng vai trò của ĐCS mạnh lên tức là hệ thống chính trị xã hội Việt Nam sẽ vẫn là toàn trị, sẽ không có sự đa dạng dân chủ, ít nhất trong thời gian ngắn trước mắt.
Vai trò của ĐCS mạnh lên cùng lúc với phong trào đối kháng sẽ sụt giảm rất mạnh, nếu không muốn nói là biến mất. Phong trào này vốn đã chia rẽ sau những khởi sắc hồi chống ô nhiễm môi trường của Formosa năm 2016, nay hầu như không thấy gương mặt nào nổi bật.
Dịch bệnh Covi cũng góp phần làm tan rã phong trào đối kháng, khi mọi người phải ở nhà. Sự đối kháng bây giờ chỉ còn những lời bàn luận chẳng đâu vào đâu trên mạng xã hội.
Tôi nghĩ rằng, dịch Covi làm cho phe đang nắm nhiều quyền hành của ông Nguyễn Phú Trọng dễ dàng dàn xếp các vị trí quyền lực có lợi cho họ hơn cho đại hội đảng thứ 13, diễn ra đầu năm năm 2021, mà không gặp phải các phản ứng mạnh.
Một chế độ toàn trị thân phương Tây?
Dịch Covi làm cho nhiều người Việt Nam, trong đó có giới cầm quyền nhìn rõ hơn sự vận hành nguy hiểm của chế độ toàn trị Trung Hoa cộng sản, từ việc che giấu thông tin, cho đến việc lợi dụng dịch bệnh để làm tiền cả thế giới khi tăng giá thiết bị y tế.
Việc công khai thông tin bệnh dịch theo kiểu phương Tây đã giúp Việt Nam kiểm soát được dịch, dù có nhiều bất lợi như trên đã trình bày. Người đầu tiên nhận xét rằng Việt Nam đã minh bạch thông tin một cách chưa có tiền lệ là nhà báo David Hutt, viết cho báo Diplomat vào những ngày đầu dịch mới bùng phát. Đại diện cơ quan phòng chống dịch bệnh của Mỹ ở Bangkok cũng nói rằng, không thấy nghi ngờ gì cả về những con số chính thức của Việt Nam đưa ra. Đây là điều trái ngược với hai đồng minh ý thức hệ phương Bắc là Trung Quốc và Bắc Hàn.
Báo chí nhà nước Việt Nam cũng được phép đưa những chỉ trích từ phương Tây lên nhà cầm quyền Trung Quốc. Thông tin về những vụ đâm tàu đánh cá ở Hoàng Sa, chiến hạm và tàu thăm dò địa chất Trung Quốc vào Biển Đông, cũng được loan báo nhanh chóng.
Việt Nam muốn thoát ra khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc hiện đang có điều kiện thuận lợi hơn lúc nào hết. Các nước phương Tây thấy rõ họ bị lệ thuộc một cách nguy hiểm vào Trung Quốc như thế nào, và Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Nông hải sản Việt Nam gắn chặt với thị trường nội địa Trung Quốc, nay Bắc Kinh cũng phải đóng cửa biên giới để phòng dịch, đó là thời cơ để nông dân và nhà buôn Việt Nam tìm kiếm bạn hàng khác, chơi đẹp hơn.
Trong sự bực bội của phương Tây với Trung Quốc, Việt Nam có vẻ tìm được sự tin tưởng hơn với các đối tác phương Tây. Sự tin tưởng này vốn cũng tiệm tiến từ trước, nay có thể sẽ tăng tốc do dịch bệnh Covi. Việt Nam sẽ thấy rằng, có thể mình chưa giống Pháp, Anh hay Mỹ, nhưng mình không xa lạ với Hàn Quốc và Đài Loan, hai nền dân chủ vững vàng vượt qua cơn sóng gió Covi. Hàn Quốc và Đài Loan với quá khứ độc tài của họ sẽ làm cho Việt Nam không sợ hãi với một xã hội tự do hơn kiểu Á Đông.
Bước ngoặt
Hai điều tôi phân tích ở trên nghe có vẻ rất mâu thuẫn, một mặt sức mạnh của ĐCS được tăng lên, mặt khác Việt Nam lại trôi về với phương Tây. Nhưng điều này cũng không có gì mâu thuẫn khi phương Tây từng làm bạn với bao nền độc tài phi cộng sản khác nhau, mà hiện nay cộng sản cũng chỉ là một cái tên đối với gần 100 triệu người Việt Nam.
Dĩ nhiên những mối nguy hiểm của một chế độ toàn trị vẫn còn đó với các mầm mống tư bản hoang dã bồ bịch. Giữa cơn dịch bệnh, người ta thấy có cán bộ thâm lạm của công, trục lợi nhờ dịch. Những việc như thế này không bao giờ biến mất khi Việt Nam chưa có sự tranh luận chính trị công khai và minh bạch, chưa thực hiện quyền bầu cử của dân chúng, cũng như chưa có tam quyền phân lập.
Một hy vọng khác cho Việt Nam sau đại dịch là xã hội dân sự không bị bóp nghẹt, dù phong trào đối kháng hầu như biến mất. Các tổ chức dân sự, các sáng kiến từ cá nhân chứ không phải từ chính quyền đã góp phần làm cho việc chống đại dịch ở Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.
Một nền độc tài thân phương Tây là điều có lẽ là trái khoái nhất trong sự thay đổi của Việt Nam sau đại dịch Covi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.