Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Cỏ thiệt hay cỏ giả?

Cỏ thiệt hay cỏ giả?

Nghĩa Bùi
20-4-2020
Thuật ngữ tiếng Anh có chữ “grassroots” (rễ cỏ), thường đi đôi với “movement” để ám chỉ những phong trào tự phát, như cỏ mọc tự nhiên. Grassroots movement thường khởi phát do một sự kiện nào đó gây phản ứng rộng. Chẳng hạn như vụ Formosa xả thải ở miền Trung dẫn đến biểu tình khắp cả nước.
Astroturf nghĩa đen là cỏ giả, làm bằng nhựa, lần đầu được dùng cho sân banh Astrodome ở Houston năm 1966 (vận động trường trong nhà lớn nhất nước Mỹ thời bấy giờ). Thời nay chữ astroturf còn được dùng để gọi những phong trào không do người dân tự phát mà được “trồng” hoặc “cấy” bởi một nhóm người nào đó — thường là trong bí mật mà người tham gia không hề hay biết.
***
Cuối tháng 10 năm 2017, Thượng nghị sĩ Richard Burr (Cộng Hoà, North Carolina), chủ tịch Uỷ ban Tình báo của Thượng Viện, công bố hai trang Facebook có nguồn gốc từ St Petersburg (Nga) được dựng lên để kích động dân Texas xuống đường biểu tình. Đặc điểm của hai trang FB này là nó cố tình đối nghịch nhau.
Một trang – ‘Heart of Texas’, ủng hộ việc Texas tách ra khỏi Liên Bang Hoa Kỳ. Họ cho đăng một mẩu quảng cáo ($100) kêu gọi người dân tham dự một cuộc biểu tình mang tên “Stop Islamification of Texas” (đừng để Texas biến thành Hồi Giáo) vào lúc 12 giờ trưa ngày 21/5/2016 tại downtown Houston.
Trang thứ nhì — ‘United Muslims of America’ (Người Hồi Giáo Thống Nhất ở Mỹ), đăng một mẩu quảng cáo khác ($100) kêu gọi người Hồi Giáo xuống đường cùng ngày, cùng lúc và cũng cùng địa điểm để biểu dương lực lượng.
Hình chụp hai trang FB và biểu tình đối nghịch tại Houston ngày 21/5/2016. Ảnh: texastribune.org
Chuyện gì phải đến đã đến. Hai phe đụng độ nhau trên đại lộ Travis ở downtown Houston. Bên này chửi qua, bên kia mắng lại; nhưng nhờ cảnh sát có mặt tại hiện trường nên rất may không xảy ra điều gì đáng tiếc.
Trong một cuộc điều trần của ba công ty Facebook, Twitter và Google trước Uỷ ban Tình báo Thượng Viện, Luật sư Colin Stretch đại diện Facebook nói, rất có thể hai trang này nhắm vào hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. TNS Burr nhận xét: “Chỉ cần $200 và một cái máy tính, những tác nhân ở tận St Petersburg có thể tạo nên những trang như vầy một cách dễ dàng để gây chia rẽ và xâu xé cộng đồng chúng ta. Facebook đã thất bại.”
Đó là chuyện ba năm về trước. Mới đây nhất, các cuộc biểu tình chống lệnh lockdown tại một số nơi trên nước Mỹ cuối tuần rồi cũng có dấu hiệu được dàn dựng chứ không phải tự phát. Ông Paul Lương, giám đốc tổ chức Local Success, và đội ngũ kỹ thuật của ông đã truy tìm tông tích các trang Facebook và website kêu gọi biểu tình tại các tiểu bang — từ Minnesota đến Maryland và nhiều nơi khác. Họ khám phá các trang này (reopenmd, reopenva, reopenmn v.v.) đều giống nhau về hình thức và nội dung, được đăng ký gần như cùng một lúc, từ một địa chỉ IP ở Florida.
Hai FB Groups với nội dung y chang! Nguồn: FB Paul Luong
Chứng cớ rõ rệt nhất cho thấy các trang này có cùng một chủ là tất cả đều xài chung một Google Analytic Tag “60996284” — chìa khoá điện tử giúp ban quản lý phân tích lượng người truy cập các trang web do họ làm ra và kiểm soát.
Ngày giờ các website “reopen” được ghi danh. nguồn: FB Paul Luong
Tuy chưa biết bàn tay bí mật nào làm chuyện này, nhưng ông Paul Lương đặt câu hỏi: “Tại sao ai đó ở Florida lại lo lắng cho dân tình ở Maryland hay Virginia đến vậy?” Và như để tự trả lời, ông nói: “Chúng tôi e rằng hành động này còn đáng sợ hơn Covid-19. Nó cho thấy thông tin giả tạo, khi được cấy vào tư duy bầy đàn, có thể gây nguy hiểm khôn lường.”
Nguồn: The Texas Tribune và Facebook Paul Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.