Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Người Việt biết và khẳng định ‘Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam’

Người Việt biết và khẳng định ‘Hoàng Sa -Trường Sa là của Việt Nam’

Nguyễn Hoàng Phố
21-4-2020
Trong lúc toàn thế giới đang lao đao vất vả đối phó với đại dịch viêm phổi thì Trung Quốc, quốc gia khởi nguồn của cơn đại dịch và hiện đã khống chế được thảm họa, lại tìm cách thao túng biển đảo trong vùng biển mà các nước trong khối Asean và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền. Cụ thể là Trung Quốc đã cho tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam trong khu vực đảo Hoàng Sa. Đây là một động thái nguy hiểm, thách thức các quốc gia có liên quan đến tuyên bố chủ quyền và các tổ chức và định chế quốc tế.
Trung Quốc không ngớt tuyên truyền về sự trỗi dậy hoà bình nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế, nhưng đồng thời lại tăng cường bắt buộc các nước nhỏ trong khu vực chấp nhận yêu sách về đường ranh giới ‘lưỡi bò’ thông qua các biện pháp vũ lực: Tấn công, đe doạ tàu bè qua lại trong vùng và về mặt chính trị, thiết lập chính quyền trên các đảo nhân tạo mới được xây dựng.
Trung Quốc cũng không quên một mặt trận khác, rộng lớn và vô hình, mặt trận ngụy tạo ‘sự thật’ về chủ quyền. Clip về bài thuyết trình của Bill Gates trong bài viết của Trần Minh Triết là một viên đại bác trong mặt trận ấy. Trước khi nói về đoạn video này, xin có một vài dòng về bài viết của Trần Minh Triết.
Trần Minh Triết lập luận rằng, người Việt tin Hoàng Sa – Trường sa là của Việt Nam thì cũng giống như người Ki-tô giáo tin Chúa Giê Su đã chịu chết trên cây thập tự và sau ba ngày đã sống lại. Tương tự như thế, người Mỹ không tin là Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam thì cũng giống như Phật tử không tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa.
Đây là một lập luận sai về logic. Tác giả đã đánh đồng hai ý nghĩa khác nhau của động từ ‘tin’. Khi một người A ‘tin’ mệnh đề p, thì p có thể đúng hoặc sai. Ví dụ, có hai người trong một căn phòng, người A hỏi người B về thời tiết. B trả lời ‘tôi tin là trời đang mưa’. Thực tế thì trời nắng. Câu trả lời của B chấp nhận được. Nếu B trả lời ‘tôi biết trời đang mưa’, thì đó là một câu sai sự thật, hay đúng hơn B nói dối, vì khi người A ‘biết’ mệnh đề p, thì p phải đúng. Ta có thề nói, tôi tin là nó đến, nhưng cuối cùng nó không đến; nhưng sẽ mâu thuẩn nếu nói, tôi biết nó đến, nhưng cuối cùng nó không đến. Trái lại, khi một người có đạo ‘tin’ hay đúng hơn là ‘có đức tin về’ mệnh đề p liên quan đến đạo, thì p không thể sai.
Động từ ‘tin’ trong ‘người Việt tin là Hoàng Sa -Trường Sa của Việt Nam’ thuộc nghĩa thứ nhất, vì vậy, mệnh đề Hoàng sa – Trường Sa là của Việt Nam có thể đúng hoặc sai. Bằng cách diễn đạt này tác giả đã gián tiếp chối bỏ chủ quyền của Việt Nam. Sẽ là một sự lăng mạ tri thức nếu cho rằng ‘tin’ trong trường hợp này là ‘có đức tin về’.
Người Việt biết hay tin là Hoàng Sa -Trường Sa của Việt Nam? Khi nào thì ta có thể nói ‘tôi biết p’? Khi nói ‘tôi tin p’, ta chưa có đủ thông tin, dữ kiện để xác minh p đúng hay sai, nhưng một khi ta có đủ thông tin, dữ kiện xác minh là p đúng, thì ta có thể nói ‘tôi biết p’. Bất cứ ai quan tâm đến vấn đề biển đảo hiện nay đều có thể tiếp cận nguồn tài liệu liên quan đến biển đảo, chưa kể nguồn tư liệu sống: Thân nhân các tử sĩ Việt Nam hy sinh trong các cuộc hải chiến do Trung Quốc phát động để chiếm đóng các hòn đảo đã chính thức thuộc về Việt Nam.
Thông điệp của biểu ngữ ‘Hoàng Sa -Trường Sa của Việt Nam’ trong các cuộc biểu tình là ‘Người Việt chúng tôi biết Hoàng Sa -Trường Sa của Việt Nam’ và chúng tôi khẳng định điều đó với thế giới’, và dĩ nhiên cụm từ ‘Hoàng Sa -Trường Sa’ chỉ các nhóm đảo đã từng thuộc về Việt Nam, và đang thuộc về Việt Nam.
Trở về clip của Bill Gates. Tiêu đề của bài nói chuyện là ‘sống trong cùng cực đói nghèo’ (Living in extreme poverty). Trong video diễn giả dùng bản đồ do Trung Quốc ban hành có hình ‘lưỡi bò’ và Hoàng Sa – Trường Sa. Đây là một thủ đoạn ngụy tạo chủ quyền tinh vi mà những người thiếu thông tin, hay không quan tâm đến tình hình địa chính trị Đông Nam Á thường vô tình sử dụng và vì thế mặc nhiên giúp Trung Quốc khẳng định chủ quyền. Trong trường hợp Bill Gates, vì trọng tâm bài nói chuyện không liên quan đến biên giới, quốc gia nên hình ảnh bản đồ Trung Quốc trở thành phần kiến thức nền, mặc định là người nghe chấp nhận thông tin mà tấm bản đồ này cung cấp, thừa nhận đó là sự thật.
Khó có thể đi đến nhận định nào khác hơn ngoài việc kết luận rằng bằng cách sử dụng bản đồ nói trên trong bài nói chuyện, có thể là do thiếu thông tin, diễn giả đã gián tiếp khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, qua đó vô tình bác bỏ phán quyết của Trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Còn nếu diễn giả cố tình sử dụng bản đồ ‘lưỡi bò’ vì lý do x, y, z thì đó là một hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, gây bất ổn trong khu vực, cần phải lên án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.