Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Cuộc chiến công hàm: Trung Quốc ngầm đe dọa dùng vũ lực với Việt Nam?

Cuộc chiến công hàm: Trung Quốc ngầm đe dọa dùng vũ lực với Việt Nam?

20-4-2020
Ngày 17.4, Trung Quốc gửi Công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm ngày 30.3 và 10.4 của Việt Nam về Biển Đông liên quan đến Báo cáo riêng của Malaysia trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa vào tháng 12.2019.
Công hàm mới của Trung Quốc lặp lại các luận điệu cũ rích về công hàm 1958 và estoppel.
Tuy nhiên, có điểm đặc biệt là trong công hàm mới nhất Trung Quốc “kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân sự vận hành và các cơ sở trên các đảo và bãi đá mà nước này xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.
Đây là một câu văn đầy hàm ý đe dọa. Trong một bài viết mới trên trang Maritime Issues, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, một học giả uy tín về Biển Đông, nhận định chi tiết này có thể được xem là tín hiệu rằng Trung Quốc có thể gia tăng cưỡng ép hoặc viện đến vũ lực trên thực địa chống lại các quốc gia có yêu sách khác.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của tôi, câu văn trên chỉ xuất hiện trong công hàm gửi phản đối Việt Nam, chứ không có trong các công hàm phản đối hai quốc gia tranh chấp khác là Malaysia và Philippines, dù hai nước này cũng đang chiếm đóng các thực thể ở Trường Sa.
Ngay sau khi gửi công hàm nói trên, ngày 18.4 Trung Quốc đã ra tuyên bố thành lập cái gọi là quận Tây Sa và Nam Sa.
Có vẻ như Trung Quốc đã kích hoạt một giai đoạn mới trong dã tâm bành trướng của họ ở Biển Đông.
***
Về câu “kiên quyết yêu cầu rút toàn bộ nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá xâm chiếm phi pháp” mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm mới nhất, sau khi tìm kiếm tôi thấy có vẻ như Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng câu văn này, chứ không hẳn là mới đây, trong công hàm mới nhất gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.
Tìm kiếm sơ cho thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng đưa ra yêu cầu này với Philippines vào năm 2013 sau khi Manila khởi kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài.
Trong khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 2014, Phó vụ trưởng Vụ biên giới và biển đảo Dịch Tiên Lương cũng từng đưa ra đòi hỏi tương tự với Việt Nam.
Cuối năm 2016, phản ứng trước việc Việt Nam mở rộng đường băng ở đảo Trường Sa Lớn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố như thế.
Đặc biệt, theo trích lục của tài khoản South China Sea News, vào tháng 2.1988, Trung Quốc cũng tuyên bố yêu cầu Việt Nam rút khỏi các đảo và bãi đá, nhưng kèm thêm câu: “Nếu Việt Nam cản trở những hoạt động hợp pháp của Trung Quốc trong khu vực nói trên bất chấp lập trường nhất quán của chính phủ Trung Quốc, nước này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho toàn bộ hậu quả phát sinh“.
Sau đó ít lâu, Trung Quốc đã tấn công Gạc Ma như chúng ta đã biết.
Như vậy, có thể thấy mẫu câu “yêu cầu” từng xuất hiện và xuất hiện trong những thời điểm căng thẳng. Tuy nhiên, tín hiệu đe dọa sử dụng vũ lực rõ ràng thường gắn với câu “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho toàn bộ hậu quả phát sinh”.
Đây là mẫu câu đe dọa vũ lực thường thấy hơn từ phía Bắc Kinh. Lúc này ta chưa thấy Trung Quốc sử dụng trở lại nhưng không loại trừ khả năng nó sẽ được tung ra nếu tình hình leo thang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.