Tháng Tư và nhìn về phía trước
Đông Sa
19-4-2020
Cho đến giờ này, chưa ai đoán chắc dịch bệnh COVID-19 rồi sẽ diễn biến ra sao, vẫn chưa biết cuối tuần nay, cuối tháng này dịch bệnh sẽ như thế nào. Nhưng ngay lúc này, người ta có thể khẳng định một điều chắc nịch: Đầu thế kỷ 21, dịch bệnh COVID-19 là một cột mốc kinh hoàng, mang quá nhiều ý nghĩa với lịch sử loài người trong thời hiện đại. Mọi cộng đồng người trên quả đất này đều dính và mang chịu những hệ lụy của thảm họa toàn cầu này. Và tất cả sẽ phải có sự thay đổi nào đó để thích ứng với một thế-giới-hậu-COVID. Việt Nam cũng sẽ phải cuốn mình theo biến chuyển chung đó.
Những học sinh VN bước vào lớp Một niên khóa 1975-76 nay đã là những người 50 tuổi. Mặc cho nhãn quan của lớp người này (đương nhiên) có nhiều khác biệt; nhưng chắc chắn phần lớn, họ đã nhìn thấy được vận mệnh của cá nhân mình, đất nước mình hoặc ít nhất cũng thấy được chiều hướng tất yếu của nó.
Có lẽ (Đúng-Sai, Nhiều-Ít, xin mọi người lên tiếng) họ chấp nhận “vận mệnh” này như một hệ quả đương nhiên, là “trái” sinh ra từ “cây” đã trồng từ nửa thế kỷ trước, họ chỉ là quả, kẻ trồng cây tạo thành cái vận mệnh chung của hôm nay không phải là họ. (Họ chỉ có trách nhiệm một phần về vận mệnh cá nhân của họ; số “phản động” ra khỏi cái “luồng” này; xem ra ít ỏi lắm).
Trước hoặc Sau, Bên Này hay Bên Kia… Vận mệnh của Người-Việt và Đất-Nước-Việt hôm nay đều gắn chặt vào một Cột-Mốc-Lịch-Sử.
Tháng Tư năm Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.
Một cột mốc lịch sử thất bại của nước Việt Nam nối tiếp từ sau thời Minh Mạng, cụ thể từ năm thứ 12 triều Tự Đức, năm1858.
Trước hết, cần như một ghi nhận đầu tiên và gần gũi. Tháng Tư năm Một chín bảy lăm là Cột-Mốc-Thất-Bại của Những-Người-Viêt-Nam-không-Cộng-sản-chống-CS để mưu cầu cho một đất nước VN Độc lập, Dân chủ, Tự do và một số chấm chấm tốt đẹp khác nữa.
Để tiện gọn xin gọi họ là A. Tháng Tư Bảy lăm là cột mốc đánh dấu sự Thất Bại Bi thảm và Tuyệt vọng của A. Tuyệt vọng và Bi thảm mang tính “khóa chốt” khác hẳn hình ảnh bi thương lẫn hào hùng của Nguyễn-Thái-Học và các đồng chí của ông hồi năm 1930.
Hãy để những A này nói về nguyên nhân trong những trang sử của họ. Một số họ đã tự nói ra. Họ thất thế trong trận đồ bao la thế giới, họ xa-lông và quân-tử-tàu trong bản chất, không thể ma giáo và ác độc như đối phương, họ bị ở trong những “vị thế nghiệt ngã” và ngay cả chỉ là đám “ăn hại đái nát” như chính họ thừa nhận đôi lúc với nhau.
Bất kể nguyên nhân gì, Cột Mốc Bảy lăm Thất Bại của A cũng đưa đến thực tại là sự chấm dứt việc công khai dàn hàng ngang đối mặt nhau cuối cùng. Chấm dứt và chấm hết. Đến thế kỷ 21, hình ảnh cho lối “chống cộng” theo kiểu từ Bảy lăm về trước, tượng hình nhất có lẽ là một cụ thất-bát-cửu-tuần vừa nặng cả Alzheimer lẫn Parkinson. Ghi dấu cho họ chỉ còn là Cột- Mốc-Thất-Bại Tháng-Tư-Bảy-Lăm.
Tháng Tư Bảy lăm cũng là Cột Mốc Thất Bại cho một phía khác: Bên-Thắng-Cuộc. Hãy phân minh rạch ròi. Bản thân đảng Cộng sản VN đã thắng. Từng cá nhân và tổ chức Cộng sản VN đã “chiến thắng” đến 30-4-1975. Cứ cho là như vậy.
Và Cột Mốc Tháng Tư Bảy lăm là chỉ dấu tiến trình Khởi Đầu và Liên Tiến Sự Thất Bại của Những-Người-VN-theo-Lý-tưởng-CS-cho-đến-hôm- nay, vẫn còn tự xưng là CS và tiếp tục đi xây Chủ Nghĩa Xã Hội. Để tiện gọn xin gọi họ là B.
Cột Mốc Tháng Tư Bảy lăm ghi dấu từng Thất Bại Liên Tiếp của B trên tiến trình đi đến mục tiêu cuối cùng của họ (nếu quả họ có thật sự một mục tiêu như thế). Đó là Độc lập-Vinh quang cho Đất nước và Tự do-Dân chủ-Hạnh phúc cho nhân dân. Đây là mục tiêu mà B đã không ngừng liên tiếp xiển dương trong suốt 75 năm nay.
Họ thất bại trong công cuộc tranh giữ chủ quyền quốc gia và mưu cầu nền độc lập cho đất nước theo đường lối của họ. Phân định biên giới, Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh 1979… và thời sự còn nóng hơ hơ thời COVID là họ không có cả quyền tự đóng cửa biên giới quốc gia mình.
Nên nhớ là ngay trong năm 1975 họ đã tổ chức xử tử cụ Phan Thanh Giản ngay tại ngôi trường mang tên cụ ở Cần Thơ để trừng trị tội bán nước, họ đã đập tan tượng cụ cho đến khi đầu rơi xuống đất mới thôi, và sau đó, còn tính đào mồ lên để hốt cốt quăng sông. Có nên tìm kiếm sự công bằng nào đó không giữa một cá nhân tuân mệnh trung quân và một tập đoàn mang danh yêu nước?
Họ thất bại trong quốc kế dân sinh theo lý thuyết của họ gắn liền với câu chuyện hài dân gian: Ông này kêu giật ông kia trước khi đóng cửa máy bay bay sang Ấn Độ “Này, không có gạo thì bo bo cũng được nghen! Nhớ đấy”.
Họ thất bại trong phát triển đất nước theo trí tuệ và phương pháp của họ qua những “nắm đấm tan hoang”, Bô-xít, Formosa… Để rồi trong đoạn cuối của tâm trạng “khủng hoảng căn cước”, họ thây kệ tính chính danh, thây kệ sứ mạng lãnh đạo quốc gia, ít gì cũng phải có một lá nho pháp quyền.
Ngày 9 tháng 1 năm 2020, tại một nơi gần với chốn tập trung một đống trụ sở cao hết cấp, họ đã dứt bỏ lá nho bé nhỏ nhăn nheo mà trịch thượng phô ra mặt thật của của một băng đảng mà các đám Cosa-Nostra ở Sicillia phải gọi bằng cụ cao tằng cố tổ.
Nói nào ngay, những người B này vẫn có một số thắng lợi trên bình diện tập đoàn. Tuyệt đại đa số thành viên của tập đoàn đều có nhà cao cửa rộng, “một bộ phận không nhỏ” thủ đắc những biệt phủ nguy nga, nhiều tài khoản mười mấy con số ở những nhà băng bảo đảm, hàng ngày họ thường được ngự những thứ trân quý v.v… và trên hết là một quyền lực tuyệt đối để có được và bảo vệ chắc những gì họ đang hưởng.
Sau khi thất bại toàn tập trong sứ mạng cao cả và khủng hoảng căn cước sinh tồn ta sẽ là gì, ta đi về đâu, họ khôn ngoan “xoay ngược lại vấn đề”. Thay vì Gìn Giữ thì nay họ Bán đổ Bán tháo. Thay vì mưu cầu hạnh phúc ấm no cho bá tánh thì họ thâu tóm muôn hộ để phì gia một số ít nhà. Lúng ta lúng túng dân chủ, pháp quyền làm chi cho hở đầu lòi đuôi rắc rối, qua vụ ngày 9 tháng 1, họ huỵch tẹt “Tao là luật. Luật là chúng tao” để nắm chắc “thắng lợi” trong cái thời thập phương duy lợi đến bất chấp cả hậu vận tiền đồ.
Chẳng cần tới những suy nghiệm và viện dẫn những kiến thức hàn lâm của Daron Acemoglu & James A. Robinson, chỉ nhìn thành thật từ cột mốc Tháng Tư Bảy Lăm thì cũng đủ xót xa và đắng cay hiểu rằng, VN đang là Một Quốc Gia Thất Bại.
Và ngay cả với nhóm C – để gọi gọn những người niên học 75-76 bước vào lớp Một, kể cả đến lứa tú-tài-cử-nhân-COVID năm nay—Tháng Tư Bảy Lăm với họ cũng là một cột mốc. Cột mốc để lý giải một phần vì sao họ đang ở trong một quốc gia thất bại.
***
Thông thường, những thông điệp của các chính khách trước đám đông ít khi mang theo những triết luận và những suy ngẫm đượm chất nhân văn. Nhưng bài phát biểu trước quốc dân Đức ngày 11/4 vừa rồi của Tổng thống Frank Steinmier được nhiều người xem là một trong cái “ít khi” đó… “thế giới sau sự kiện này sẽ khác đi rất nhiều. Nó sẽ như thế nào, điều đó do chúng ta quyết định”… “Đại dịch này không phải là một cuôc chiến tranh. Không phải nước này chống nước kia, lính giết lính, mà nó là một thách thức cho toàn bộ loài người. Nó làm rõ hơn cái xấu nhất cũng như cái tốt nhất trong con người. Chúng ta hãy thể hiện cái tốt nhất của chúng ta”…
Cho đến hôm nay, chắc chắn là mọi người bình thường đều đã hơn một lần cầu mong, cầu nguyện cho dịch bệnh mau tan trên toàn cầu.
Và cũng có một điều chắc chắn khác là hầu như mọi người VN, dĩ nhiên có cả người viết bài này, cũng cầu mong chẳng có một đổ vỡ đau đớn nào, một xung đột sống chết mất còn nào sẽ xảy đến trên quê hương chúng ta.
Nhưng với tất cả những vấn nạn nội tại và những biến chuyển của thế giới, của thời đại nên đất nước chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi. Thay đổi như một điều kiện để tồn tại, để có cơ may thoát khỏi một quốc gia thất bại. Và đó là công cuộc không của riêng ai. Không của riêng A hay B và cũng chẳng phải của riêng C. Nó là công cuộc chung của tất cả người VN để mưu cầu sinh tồn cho Đất Nước mình và cơ may thoát khỏi một Quốc Gia Thất Bại mà cột mốc Tháng Tư Bảy Lăm còn lưu dấu nỗi cay đắng sững sờ đến nỗi đã có người B đổ lệ oái ăm ngay trong ngày hoan hô đại thắng.
“Nó sẽ như thế nào, điều đó do chúng ta quyết định”. Và phải nhanh tay thôi, tất cả mọi người VN phải thật sự làm thay đổi đất nước mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.