Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Triết gia, triết Việt ở đâu?

Triết gia, triết Việt ở đâu?

Tạ Dzu
20-4-2020
Tâm sự với các anh chị trong diễn đàn Việt 2000
Thiên hạ có người cho rằng dân Việt không có triết, vì có bao giờ nghe tên tuổi của ‘triết gia Việt’ nào đâu.
Vậy người Việt có triết không? Theo hiểu biết cá nhân, người Việt không có triết theo nghĩa viết sách thành văn, vì họ đã ‘sống triết’ trong đời sống hàng ngày rồi.
Lý Đông A tiên sinh là người tập đại thành (đại tổng hợp) văn minh kim cổ đông tây, cộng với đạo thống Tiên Rồng – theo chân hai triều đại rực rỡ Lý-Trần thời 1000 – thành một hệ thống, như học thuật Tây phương để dễ nghiên cứu và học hỏi. Vì nhiều lý do, ông viết quá cô đọng và phải sử dụng rất nhiều từ ngữ mới cho triết thuyết của ông nên không dễ hiểu, với ngay cả những người có học vị tiến sĩ Âu Mỹ.
Các anh chị lập ra Việt 2000 cũng là để nối cái chí lớn ấy (nối tiếp Đại Việt Lý-Trần 1000).
Vậy triết Việt nằm ở đâu? Đại đa số nằm trong ca dao tục ngữ, được cha ông đúc kết, làm thành những câu đơn giản, có vần có điệu dễ nhớ để con cháu khỏi quên. Do đó, ca dao tục ngữ và những câu chuyện kể trong dân gian có thể xem đấy chính là túi khôn của dân Việt vậy. Nhiều trí thức Việt ngày nay thường quên điều này, cho rằng ba câu tục ngữ, ca dao thật vớ vẩn?
Tôi chỉ đưa ra ví dụ nhỏ: Từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết đến sự trung dung trong đời sống, không nên có tư tưởng hay hành động thái quá hoặc bất cập, qua truyện Gậy thần Sách ước – nội dung của truyện là con người cầm nắm ngay chính giữa gậy thần, điều khiển hai đầu sống chết (tả hữu) của gậy. Trong khi ngày nay ta theo Tây học, thấy họ hay quá, chia phe tả-hữu tranh chấp nhau, và gọi đó là… dân chủ.
Một dân tộc với 5 ngàn năm lăn lộn (đúng ra cả chục ngàn năm hay hơn nữa), kinh nghiệm sống chắc phải khá hơn một dân tộc mới có một ngàn năm, thậm chí mới 300 năm như Mỹ. Tuy nhiên, Tây phương họ biết cách tổ chức công việc khoa học, cộng với các cuộc cách mạng kỹ thuật nên khoa học họ tiến quá nhanh, đời sống vật chất vì thế tăng theo, làm cả thiên hạ lóa mắt, cho rằng cái gì phương Tây cũng nhất.
Phương Tây đúng là có nhiều điều để ta phải học. Nhưng ta cũng khoan vội chê tiền nhân. Nếu tiền nhân ta dở, tại sao cả thế giới phải phủ phục dưới gót giầy và vó ngựa Mông Cổ, trong khi tiền nhân ta chiến thắng tới 3 lần lận. Và Đức Hưng Đạo Đại Vương được thế giới công nhận là một trong độ chục tướng tài ba nhất nhân loại.
Hệ thống chính trị đan quyền (tương tự hình thức liên bang của Mỹ, nhưng nội dung sâu dầy hơn) đặc thù của ta thời Lý – Trần cho phép vận động quần chúng nhanh chóng góp tay khi nước nhà có biến – giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, trong tay có gì dùng cái đó làm vũ khí – như trường hợp chiến tranh với quân Nguyên – Mông.
Tự nhiên (vũ trụ) là đối tượng nghiên cứu của khoa học, không phải của triết học. Trời rất gần gũi với ông bà ta, họ xem trời là… cuộc sống của họ: Ông tơ bà nguyệt, ông xanh, có khi mỉa mai, hạ thấp nữa (con tạo) chứ không tuyệt đối hoá trời như một vị thần sáng tạo muôn loài của phương Tây. Nhà nào ở thôn quê cũng có bàn Thiên, họ cầu nguyện, trò chuyện trực tiếp với trời, không cần qua các vị đại điện.
Người Việt sống với tình nghĩa, gần gũi đất trời, do đó triết Việt ít có cảnh máu đổ xương rơi giữa con người với nhau vì niềm tin; trong khi triết Tây đi tới đâu gây chết chóc, tang thương tới đó, vì đầu óc họ vẫn chưa thoát được tranh chấp tả-hữu, tinh thần-vật chất, hoặc bất cập, hoặc thái quá, chưa biết đi về trung đạo như trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa tư bản và cộng sản vừa qua, kéo dài từ tranh chấp duy tâm-duy vật, làm nước ta tan nát.
Vậy ta hay Tây thâm thuý, cao sâu hơn?
Tổ tiên Việt sống triết như thế đấy, cần phải có triết gia vẽ vời, chỉ bảo không?
Chúc anh chị một ngày vui, nhiều người không phải đi làm để… tư duy về đạo Trung, không tả không hữu, không quốc gia-cộng sản, chỉ thuần dân tộc của tổ tiên.
Dân là dân. Thế thôi. Không phân chia. Như câu nói bất hủ của Phan Bội Châu: dân chẳng duy tâm, chẳng duy vật; dân chỉ duy dân.
Chúc các anh chị một ngày vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.