Điều tra Mỹ về thủy điện Trung Quốc làm Mêkông khô hạn: Cơ hội các nước hạ lưu đòi công lý?
Trọng Thành
20-4-2020
Đồng bằng Cửu Long thiếu nước ngọt chưa từng thấy đầu năm 2020 này, tiếp theo đợt hạn hán 2019. Khó ai ngờ ở xứ sở kênh rạch chằng chịt lại có ngày người dân phải mang can mua nước ngọt. Bên cạnh biến đổi khí hậu toàn cầu, và việc sử dụng nước tại chỗ bất hợp lý, các đập thủy điện, đặc biệt đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn, được coi là một nguyên nhân chính gây hạn hán. Tuy nhiên, cho đến nay, dường như đã chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ.
Đầu tháng 4/2020, điều tra của một cơ sở nghiên cứu, có trụ sở tại Mỹ, cho thấy việc các đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkông giữ nước là nhân tố gây ra hạn hán tại hạ lưu. Ngay sau khi nghiên cứu của Mỹ được công bố, một số quốc gia hạ lưu Mêkông đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về các đập thủy điện.
Liệu kết quả điều tra mới về vai trò của gây hạn hán của đập thủy điện Trung Quốc có góp phần cứu vãn dòng Mêkông ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về vấn đề này.
***
Điều tra mới về vai trò của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn Mêkông cho thấy điều gì?
Cuối tháng 2/2020, trong một cuộc tiếp xúc với các nông dân và ngư dân Lào khi đó lo lắng về tình trạng hạn hán chưa từng thấy trên dòng Mêkông, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã lên tiếng trấn an người dân Lào, đồng thời khẳng định Trung Quốc lâm vào tình trạng tương tự. Tuy nhiên, theo báo mạng Hoa Kỳ New York Times, các nghiên cứu về khí hậu, thủy văn, dựa trên các dữ liệu vệ tinh, vừa được công bố, cho thấy điều ngược lại.
Điều tra của công ty Eyes on Earth, được chính quyền Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020, cho thấy đã có rất nhiều nước từ cao nguyên Tây Tạng đổ về thượng nguồn sông Mêkông tại Trung Quốc (đoạn sông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương), đúng vào giai đoạn mà Bắc Kinh tuyên bố phía Trung Quốc cũng bị hạn hán. Đồng giám đốc điều tra, ông Alain Basist, nhấn mạnh : ‘‘Không thể bác bỏ được các dữ liệu từ vệ tinh, trong khi có rất nhiều nước trên cao nguyên Tây Tạng, thì những nước như Cam Bốt và Thái Lan lại lâm vào cảnh thiếu nước… Đã có một lượng nước khổng lồ bị Trung Quốc giữ lại’’.
Nghiên cứu của Eyes on Earth sử dụng công nghệ Special Sensor Microwave Imager/Sounder (SSMI/S) (tạm dịch là công nghệ đo lường cảm biến hình ảnh vi sóng) để xác định lưu lượng nước tại lưu vực sông Mêkông phần Trung Quốc, từ năm 1992 đến cuối năm 2019. Tiếp theo đó, các số liệu này được so sánh với các dữ liệu về dòng chảy sông Mêkông, tại trạm thủy điện Chiang Saen, Thái Lan, do Ủy Hội Sông Mêkông cung cấp. Trạm thủy điện nói trên là điểm sát nhất với biên giới Thái Lan – Trung Quốc.
Các dữ liệu cho thấy, trước năm 2012, dòng chảy được coi là diễn biến tương đối tự nhiên. Dòng chảy từ biên giới Trung Quốc – Thái Lan trở xuống có thể dự báo trước, căn cứ trên lượng nước từ các con suối trên thượng nguồn và nước băng tan. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở đi xuất hiện độ chênh lệch lớn, giữa lượng nước có khả năng xuống hạ lưu và lượng nước thực tế.
Theo điều tra của Eyes on Earth, tổng lượng nước mà các hồ chứa nước để làm thủy điện của Trung Quốc có thể dự trữ là 47 tỉ mét khối. Nói một cách hình ảnh, theo kết quả điều tra về lượng nước Mêkông suốt 28 năm này, các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tổng cộng một lượng nước của dòng sông, tương đương với chiều cao hơn 135 mét (410 feet).
Trung Quốc phản ứng ra sao sau nghiên cứu của Mỹ?
Ngay hôm sau kết quả điều tra của Mỹ được công bố, ngày 13/04, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ, với khẳng định tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, vừa hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái và lượng nước trong hồ chứa tại các đập thủy điện đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cam kết ‘‘sẽ hết sức cố gắng để đảm bảo lượng nước xả hợp lý” cho các quốc gia ở hạ lưu sông Mêkông, bao gồm Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.
Tác động của 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mêkông, từ lâu nay luôn là vấn đề tranh luận, tuy nhiên các cuộc thảo luận không đi được xa, vì thiếu dữ liệu có đủ cơ sở và cho đến nay, Bắc Kinh không công bố thông tin chi tiết về lượng nước trong các hồ chứa.
Trong khi đó, Hoa Kỳ dường như ngày càng chú ý hơn đến cuộc khủng hoảng nước tại lưu vực Mêkông. Trong một phát biểu tại Thái Lan năm ngoái, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2019 là do ‘‘Trung Quốc chặn dòng nước ở thượng nguồn sông Mêkông”. Mỹ nhiều lần lên án Trung Quốc rắp tâm kiểm soát hoàn toàn dòng Mêkông.
Về phản ứng nói trên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm tư vấn Stimson Center, Washington, đối chiếu với các dữ liệu vệ tinh của cuộc điều tra, thì hoặc Bắc Kinh, hoặc những người trực tiếp quản lý các đập thủy điện đã che giấu sự thật. Ông Brian Eyler là tác giả cuốn ‘‘Những ngày cuối cùng của sông Mêkông’’.
Thái Lan và Cam Bốt kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra
Thái Lan là quốc gia có phản ứng sớm. Theo trang mạng Chiang Rai Times, hôm 16/04/2020, cơ quan phụ trách tài nguyên nước của Thái Lan đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia láng giềng phối hợp nghiên cứu để xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán ghê gớm hồi năm ngoái tại hạ lưu Mêkông.
Khi được hỏi về điều tra nói trên, ông Somkiat Prajamwong, lãnh đạo cơ quan nói trên, tỏ ra thận trọng, nhưng hứa sẽ trao đổi thông tin, cùng tiến hành nghiên cứu với Trung Quốc và các láng giềng khác. Lãnh đạo cơ quan tài nguyên nước Thái Lan khẳng định điều tra là cần thiết để xác định nguyên nhân hạn hán. Theo ông, cho đến nay ‘‘nguyên nhân chính’’ vẫn còn chưa được xác định. Trong số các nguyên nhân, có biến đổi khí hậu và việc vận hành 2 đập thủy điện ở Lào.
Giám đốc chương trình bảo vệ sông ngòi tại Thái Lan và Miến Điện, thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers, bà Pianporn Deetes, vui mừng là kết quả điều tra vừa được Mỹ công bố cho phép xác nhận các quan sát của dân cư dọc sông Mêkông từ nhiều năm nay.
Cũng hôm 16/04, tổng thư ký Ủy Hội Sông Mêkông của Cam Bốt cho biết vấn đề hạn hán là rất nghiêm trọng, các kết quả điều tra nói trên cần được Ủy Hội Sông Mêkông ‘‘xem xét nghiêm túc’’.
Về phía Ủy Hội Sông Mêkông (MRC), trả lời Reuters, tổ chức này cho biết đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin, và có sự phối hợp làm việc mang tính chính thức hơn về vấn đề này. Theo văn phòng Ủy Hội Mêkông, cơ quan này đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp số liệu nước đập thủy điện về mùa khô, nhưng hiện nay hai bên chưa có thỏa thuận chính thức nào.
Hồi tháng 2/2020, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm Đông Nam Á tại Lào, ngoại trưởng Trung Quốc từng hứa sẽ chia sẻ thông tin về các đập thủy điện. Tuyên bố được đưa ra, sau khi có báo cáo tố cáo Trung Quốc sử dụng các đập thủy điện trên dòng Mêkông để thao túng các quốc gia ở hạ lưu.
Phản ứng của Hà Nội ra sao?
Chính quyền Việt Nam dường như rất dè dặt sau khi kết quả điều tra của Eyes Earth được công bố (1). Tác động của đập thủy điện Trung Quốc đến tình trạng hạn hán ở hạ lưu là điều lâu nay được giới chuyên gia tại Việt Nam thảo luận nhiều. Có hai quan điểm đối lập khá rõ ràng. Một bên cho rằng ảnh hưởng là có, cần tìm hiểu, nhưng lý do chính là biến đổi khí hậu toàn cầu, và chính sách sử dụng nước sai lầm của chính Việt Nam tại đồng bằng Cửu Long.
Chính quyền Việt Nam dường như tập trung chú ý nhiều hơn đến mục tiêu cứu nguy tại chỗ ngay tại đồng bằng, với các biện pháp trong tầm tay, hơn là đòi hỏi Trung Quốc phải minh bạch thông tin về các đập thủy điện thượng nguồn.
Trong bối cảnh này, có một quan điểm được nhiều người chú ý của giáo sư Chung Hoàng Chương, công dân Hoa Kỳ, thành viên mạng International Rivers, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội. Theo giáo sư Chung Hoàng Chương, không nên đối lập các biện pháp cứu nguy tại chỗ với tầm nhìn dài hạn. Giáo sư Chương khẩn thiết lưu ý ‘‘trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ, (cần) nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước giống như Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở châu Âu’’ (Bài ‘‘Chung một dòng sông’’, VnExpress, ngày 01/03/2020).
Điều tra về các đập thủy điện thượng nguồn, xác định phần tác động của Trung Quốc, là một yếu tố không thể thiếu cho tầm nhìn dài hạn này. Năm 2020, Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN. Liệu trên cương vị này, Hà Nội có thúc đẩy cho sự hình thành một tầm nhìn như vậy hay không (2)?
Ghi chú:
1- Cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền Việt Nam há miệng mắc quai, vì chính Hà Nội cũng đầu tư vào thủy điện trên dòng chính Mêkông? Tháng 10/2019, tổ chức Cứu Sông Mêkông (Save Mekong) đề nghị Việt Nam xem lại quyết định tham gia dự án đập Luang Prabang. Tổng Công Ty Điện Lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power) góp vốn nhiều nhất vào dự án này, với 38% (bài ”ĐBSCL sẽ ‘suy thoái và tan rã’ nếu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang’’, Thanh Niên, ngày 10/10/2019). Ngày 05/03/2020, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết ‘‘Việt Nam rất quan tâm đến thủy điện Luang Prabang và tất cả các thủy điện khác trên sông Mêkông… việc xây dựng thủy điện trên sông phải không gây tác động tiêu cực đến các nước trong lưu vực’’. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại Giao không hề nói về vai trò của chính quyền Việt Nam với tư cách một chủ đầu tư. Báo chí trong nước đầu tháng 4/2020 nhận xét đầu tư của tổng công ty Việt Nam như ‘’một canh bạc’’, mà ‘‘phần thua chắc chắn thuộc về 20 triệu dân cư đồng bằng Cửu Long’’.
2- Kỹ sư Phạm Phan Long (Vietnam Ecology Foundation / Hội Sinh thái Việt) đề xuất Việt Nam nên ”liên minh với Cam Bốt để cứu Mêkông, cứu đồng bằng Cửu Long”, sau khi Phnom Penh quyết định ngừng xây thủy điện trên dòng Mêkông trong 10 năm. Hà Nội cũng nên phối hợp với Lào và Cam Bốt, đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững tại Lào và Cam Bốt. Đây là điều có thể giúp cho các bên tìm được tiếng nói chung trong việc bảo vệ dòng sông, tài sản vô giá của các quốc gia ven bờ (bài ‘‘Thủy điện Lan Cang-Mêkông gây khát nước và đói phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long cách nào?’’, boxit.vn, ngày 21/03/2020).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.