Virus corona: Việt Nam có nên ‘cân nhắc việc thả tù’?
Đại dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động mạnh tới sức khỏe cộng đồng và nhiều người dân, nhiều giới ở Việt Nam, trong đó có cả tác động và nguy cơ lây lan trong các nhà tù, trại giam, trại tạm giam trong cả nước.
Đây là lúc chính quyền và nhà nước Việt Nam nên cân nhắc và ra quyết định tha hoặc tạm tha tù với nhiều người đang thi hành án vì sức khỏe của họ, cũng như vì an toàn chung cho đất nước, tránh các ổ dịch diễn biến phức tạp, các ý kiến quan sát, bình luận nói với BBC News Tiếng Việt hôm 02/4/2020.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chính các nhà tù, trại giam là môi trường ‘an toàn nhất’ để giúp người đang thi hành án cách ly với dịch bệnh và qua đó đảm bảo được sức khỏe, tính mạng cho họ.
Trước hết, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập (IDS đã tự giải thể), nhà hoạt động xã hội dân sự, nói với một chương trình cập nhật, bình luận về Covid-19 hôm thứ Năm:
“Tôi nghĩ rằng những người đang bị tù là những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch này và thực sự là thế giới cũng đã lên tiếng, hội nhà báo quốc tế hay các hội bảo vệ nhà báo thì có lên tiếng đòi thả các nhà báo bị tù.
“Tôi nghĩ là phải thả tất cả các tù nhân chính trị và thậm chí cả các tù nhân thường cũng phải tìm cách như thế nào đấy để gần hết hạn thì có thể thả họ ra bằng cách nào đấy, để mà giãn mật độ ở trong môi trường như thế.
“Chúng ta thấy từ Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, ở những nơi mà các trại dưỡng lão, tức là những nơi mà đông người và tập trung lại như thế, thì có thể rất là nguy hiểm, và trong trường hợp đối với các tù nhân ở Việt Nam thì có lẽ là chính quyền cũng phải hết sức là lưu ý và theo tôi là phải thả các tù nhân chính trị, các tù nhân lương tâm ra.
“Các tù nhân bình thường thì cũng nên xem xét, trừ những trường hợp mà rất là đặc biệt, nhưng mà những trường hợp sắp đến hạn, nên cho người ta ra cho sớm hơn, những trường hợp khác thì có thể giãn ra hay gì đó, để cho mật độ ở trong trại giam nó bớt đi, để cho khả năng ứng phó của bộ phận y tế ở đó ở trong tầm quản lý của người ta, ở trong tầm kiểm soát được.
“Bởi vì số lượng ấy với một mật độ người đông, chật như thế, thì có thể nó là những ổ dịch rất là trầm trọng, nếu mà nó xảy ra.”
Hồi chiến tranh 1979 ‘đã thả tù’
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nhà phân tích chính trị, nói với BBC cũng tại chương trình bình luận, cập nhật về Covid-19 này:
“Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS Nguyễn Quang A, vừa rồi các nước, cũng có một số nước người ta thả. Iran thả tù, nghe nói cả Hàn Quốc cũng thả, Bắc Hàn thì chưa nghe nói gì cả, Trung Quốc cũng không nghe nói, một số nước khác cũng thả, Ý thả.
“Chúng ta nhìn lại là từ năm 1979, từ lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ở mấy tỉnh biên giới thì một số trại ở phía Bắc, tức là ở Lạng Sơn, ở Quảng Ninh, những trại đông phạm nhân nhất, người ta thả.
“Và người ta thả trong tình trạng là khi người ta rời trại về Bắc Giang hay Bắc Ninh mà vẫn thấy không an toàn, thì người ta thả.
“Sau này thì tất cả những người kia lại quay lại và người ta trình diện đầy đủ và sau đó xảy ra một chuyện người ta gọi là đặc xá, nó gần như đại xá.
“Thì không có lý do gì bây giờ mà chính quyền Việt Nam không xem xét việc này. Nói đúng hơn là cũng có một số tổ chức Phi Chính phủ, thậm chí có một số Bộ đã có đề nghị với lại Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, rồi đề nghị với Chính phủ Việt Nam để xem xét việc làm sao để mà thả bớt những người phạm nhân đang ở trong trại đi, thì nhân việc dịch này để họ có thể được an toàn hơn.
“Nhưng mà nhìn cụ thể thì thấy rằng hiện này có tất cả các trại gọi là phong tỏa hết, không có cho thăm gì cả, chỉ có cho gửi tiếp tế vào thôi, không cho thăm gặp và cũng không có một cái gì khác cả, tức là họ phong tỏa toàn bộ.
“Nhưng mà việc thả ra thì tôi nghĩ là không có gì khó khăn cả và hy vọng rằng người ta sẽ sớm xem xét, tại vì vừa rồi ông Thủ tướng cũng đã ký một Nghị định quan trọng, Nghị định gọi là ‘tha tù có điều kiện’.
“Có nghĩa là Nghị định như thế thì lúc này nên áp dụng luôn, nhân lúc này có dịch lớn, để cho những người dễ bị tổn thương ấy, nhất là những người tù mà sức khỏe người ta kém, những người mà khi trở về nhà, người ta không có làm một cái gì ấy mà ảnh hưởng đến người khác, thì nên làm như thế và làm càng sớm càng tốt.”
“Tôi có quan điểm ngược lại”
Theo dõi các ý kiến trên, ngay sau chương trình bình luận & cập nhật Covid-19 này, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị người đang cư trú tại CHLB Đức gửi bình luận qua bút đàm cho BBC News Tiếng Việt, ông viết:
“Tôi đã ở tù hai lần, lần thứ nhất từ 2007 tới 2011, lần thứ hai từ 2015 tới 2018, tổng cộng 6,5 năm.
“Vậy nên, quan điểm của tôi ngược lại với TS Nguyễn Quang A và TS Hà Hoàng Hợp. Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bùng phát và đã có lệnh cách ly toàn xã hội thì những người đang ở trong các nhà tù, trại tạm giam là nơi an toàn nhất.
“Bởi vì bản thân các nhà tù, trại tạm giam đã là những nơi cách ly hoàn toàn khỏi xã hội rồi. Và ở đó rất dễ dàng cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
“Các nhà tù, trại tạm giam rất dễ thực hiện các biện pháp như tạm ngưng việc gặp gia đình, thân nhân, nếu gửi đồ tiếp tế thì gửi tiền qua bưu điện.
“Các cai tù và những người làm việc tại đó cũng bị cấm rời khỏi trại giam. Vậy nên nguồn dịch từ bên ngoài không thể thâm nhập vào các nhà tù và trại tạm giam.
“Thời gian tôi ở tù thì tôi thấy điều tốt duy nhất mà các nhà tù, trại tạm của nhà nước Cộng sản có thể làm được là ngăn ngừa dịch bệnh. Bởi nếu họ làm không tốt thì ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn tù nhân và người bị tạm giam.
“Còn việc thả tự do cho các tù chính trị và thường phạm thì nên thực hiện ngay sau khi dịch bệnh đã được dập tắt hoàn toàn. Bởi đã nhiều năm, và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch nước thì chưa có một đợt đặc xá nào.”
“Theo tôi là điều cần thiết”
Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội và truyền thông, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, một cựu tù nhân chính trị khác, cũng gửi cho BBC ý kiến của mình sau khi theo dõi chương trình, ông viết:
“Từ tháng 2/2020, đã có thông tin bắt đầu hạn chế việc thăm thân, gửi quà của gia đình cho phạm nhân. Ngày 3/3/2020 Cục trưởng Trại giam có thông báo chính thức sẽ tạm dừng việc này đến hết tháng Ba. Hiện sang tháng Tư rồi, chưa nghe tin có tiếp tục tạm dừng hay không.
“Theo tôi, chủ trương này là cần thiết, vì điều kiện giam giữ thường là 5-7 chục người một phòng, nếu xảy ra lây nhiễm dịch thì rất dễ lan rộng, trong khi điều kiện y tế của các trại là rất hạn chế.
“Tuy nhiên, cần có những giải pháp mềm dẻo để giảm khó khăn cho phạm nhân, ví dụ như cho tăng trọng lượng hàng, số lần gửi bưu phẩm hàng tháng, cho phạm nhân vay tiền nếu có nhu cầu để mua nhu yếu phẩm, đồ ăn, cho truy nhận tăng trọng lượng quà khi được trở lại bình thường sau đợt dịch v.v.. vì từ năm 2018, Bộ Công an có Thông tư mới, hạn chế trọng lượng quà thăm thân chỉ có 5 cân (kg) (hàng chụ năm trước không bị hạn chế trọng lượng).
“Ngoài ra, cũng nên tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho phạm nhân, đặc biệt là rau xanh, vì thực tế nhiều năm nay, bữa ăn của phạm nhân không đủ chất. Lao động vất vả, ai không có thăm nuôi thì hết sức khó khăn. Cũng nên giảm giờ, cường độ lao động trong thời gian dịch bệnh...
“Hiện đã có nhiều nước thả hàng ngàn tù nhân để tránh lây nhiễm, cũng đã có tổ chức quốc tế kêu gọi về vấn đề này. Dịch có thể còn kéo dài, Việt Nam nên xem xét. Nếu có thể, để tránh thủ tục hành chính rườm rà, nên tập trung vào các trường hợp già yếu (là diện dễ lây nhiễm, khả năng kháng bệnh thấp), hoàn cảnh khó khăn, án còn lại ngắn, không thuộc loại tội nguy hại cho xã hội... Ví dụ như những tội vô ý gây thương tích, điều khiển giao thông...
“Không nên tổ chức bình bầu, dựa trên quá trình cải tạo..., như dạng giảm án, rất hình thức, mất thì giờ, thậm chí nảy sinh tiêu cực.
“Biết là việc này rất khó có ở Việt Nam, vì nếu muốn cũng phải trao đổi giữa ba ngành tư pháp, mất nhiều thời gian, nhưng thời gian dịch còn có thể kéo dài, khả năng xảy ra tới đâu chưa rõ, nên theo tôi vẫn rất cần tính ngay từ lúc này,” cựu tù nhân chính trị Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm.
Trong một diễn biến độc lập, hôm 02/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đưa ra nhận định cho rằng nhà tù ở một số nơi trên thế giới "không vệ sinh, quá đông đúc và giam giữ cả trẻ vị thành niên" do đó có thể "cung cấp các điều kiện" to lớn cho sự bùng phát của COVID-19 vốn có thể "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến sức khỏe của người bị giam giữ và cộng đồng.
"Các khu trại chật chội, thông gió kém và chăm sóc sức khỏe không đầy đủ góp phần vào sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp trong các nhà tù," tổ chức này lấy ví dụ ở một quốc gia đang phát triển trên thế giới, nhận định.
"Các tù nhân ở nhiều quốc gia đang phản đối các điều kiện mất vệ sinh và thiếu sự bảo vệ chống lại virus corona. Hàng chục người đã thiệt mạng và bị thương trong các cuộc biểu tình, phản đối."
Vẫn theo HRW, sự bùng phát của virus corona tại các nhà tù có thể sẽ là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng.
"Vẫn còn thời gian, nhưng các chính quyền cần phải hành động ngay lập tức để tránh một thảm họa hoàn toàn có thể thấy trước," Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu quan điểm.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này (từ phút 41) để theo dõi các ý kiến có liên quan tại chương trình Bình luận & Cập nhật chuyên đề về Covid-19 hôm 02/4/2020 của BBC News Tiếng Việt.
Tin liên quan
- Covid-19: Để vượt qua cơn dịch bệnh
- Virus corona: Ký họa từ khu cách ly của du học sinh Anh được 45.000 lượt tương tác
- Virus corona: Một số quốc gia châu Âu thu hồi trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc
- TRỰC TIẾP Virus corona: Số người chết trong ngày ở Mỹ lập 'kỷ lục' mới; Hơn một triệu người nhiễm toàn cầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.