Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

QUAN CHỨC, ĐẢNG VIÊN DÙ TO ĐẾN ĐÂU CŨNG LÀ CÔNG DÂN

QUAN CHỨC, ĐẢNG VIÊN DÙ TO ĐẾN ĐÂU CŨNG LÀ CÔNG DÂN


Ý THỨC CÔNG DÂN

Từ Khôi
07:30:00 12/03/2020 


Lãnh đạo doanh nghiệp, nghệ sĩ nổi tiếng, công chức, viên chức, đảng viên dù giữ chức vụ cao đến đâu chăng nữa thì cũng là một công dân, giống như người công nhân, người lao công, người nông dân… Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Khi một công dân lâm vào tình cảnh có nguy cơ mắc dịch bệnh truyền nhiễm thì phải bị cách ly theo quy định pháp luật. Ai cố ý chống lại việc cách ly, hay khai báo y tế không trung thực là ý thức công dân kém.

Sự việc ông bầu chân dài Vũ Khắc Tiệp sang Italia tham dự Tuần lễ thời trang Milan trong khoảng thời gian từ các ngày 21-24/2– cũng là khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát rồi trở về mà không chịu đi cách ly ngay khiến dư luận xôn xao. Những hình ảnh trên mạng cho rằng ông Vũ Khắc Tiệp không tự cách ly mà vẫn “tung tăng” gặp gỡ bạn bè, thường xuyên chia sẻ hình “check-in” ở nhiều địa điểm công cộng khiến nhiều người e ngại. Dù ông Vũ Khắc Tiệp lên tiếng phủ nhận những thông tin này, thậm chí còn dọa đánh cả người tung hình ảnh và bình luận nhưng nhiều người vẫn không tin. Chia sẻ của cơ quan chức năng quận 2 TP Hồ Chí Minh với báo chí cho biết phải mất 3 giờ thuyết phục, ông Vũ Khắc Tiệp mới chịu vào khu cách ly tập trung.  

Qua một clip của phóng viên, tại khu cách ly tập trung, ông Vũ Khắc Tiệp còn “lèo nhèo” chê khu cách ly ngột ngạt, muốn ra ngoài. Anh ta nói: “Ở đây rất ngột ngạt. Tôi nghĩ tôi không bị bệnh mà đến đây tôi bị bệnh đấy. … Ở đây khác hoàn toàn với cuộc sống và sinh hoạt của tôi ở ngoài”. 

Hành vi của ông Vũ Khắc Tiệp đã bị nhiều nghệ sĩ nổi tiếng viết lên mạng xã hội phê phán. Nghệ sĩ Vượng Râu nêu quan điểm: “Tiền có thể kiếm ra được! Nghèo cố gắng sẽ giàu. Nhưng tri thức là thứ không mua được bằng tiền và bằng những thứ đồ hiệu”. Ca sĩ Minh Quân bày tỏ: “hành xử của Tiệp là rất tệ và cần chấn chỉnh ngay”. Có lẽ đọc được nhiều lời phê phán nên ông Vũ Khắc Tiệp đã phải viết lên trang FB cá nhân xin lỗi mọi người và gửi lời cảm ơn tới các y tá, bác sĩ, công an đã đến khám bệnh tại nhà và tại khu cách ly tập trung ở Cát Lái Quận 2. 

Trái với hành vi của ông Vũ Khắc Tiệp, nhiều nghệ sĩ khác đã tự nguyện cách ly. Cùng đi Tuần lễ thời trang Milan, nghệ sĩ Châu Bùi chấp hành ngay việc cách ly. Từ khu cách ly, Châu Bùi chia sẻ lên trang cá nhân: “Châu thật lòng cảm thấy biết ơn vì ngay khi xuống sân bay mình được vô khu cách ly để phòng trừ mọi khả năng, nếu khỏe mạnh trở về sẽ là một trải nghiệm tốt mà đời này mình chưa chắc đã có. Và ở khu cách ly được kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày, có triệu chứng sẽ được phát hiện sớm, có khả năng hồi phục cao hơn”. Châu Bùi mong mọi người phải mạnh mẽ, trung thực và khai chính xác thông tin nếu có biểu hiện hay tiếp xúc với những người nhiễm bệnh. 

Nghệ sĩ Khánh Linh cũng tham dự sự kiện thời trang ở châu Âu. Di chuyển về nước qua nhiều sân bay, nơi đông người nên Khánh Linh cũng xác định tinh thần tự cách ly tại nhà, không gặp gỡ bố mẹ và bạn bè cho đến khi chắc chắn không có bệnh mới ra ngoài. 

Là tiểu thư khuê các, Tiên Nguyễn – con của vợ chồng đại gia “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và Thủy Tiên- đã tham dự nhiều show diễn đình đám tại hai tuần lễ thời trang London và Milan từ các ngày 18 - 24/2. Trong thời gian lưu trú tại châu Âu, cô đã gặp gỡ nhiều người. Đặc biệt, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 17 của Việt Nam N.H.N. Tự cách ly ở London, kết quả của Tiên Nguyễn là âm tính. Nhận thấy về Việt Nam cách ly là an toàn hơn nên gia đình đại gia này đã quyết định thuê chuyên cơ bay riêng về Việt Nam. Mặc dù tốn kém (dư luận cho là từ 8-10 tỷ đồng) nhưng khi về Việt Nam, Tiên Nguyễn vẫn chấp nhận cách ly ở khu tập trung trong 14 ngày theo quy định. 

Không trong diện cách ly, thế nhưng diễn viên Trà My lại gây “sốc” dư luận khi viết trên trang cá nhân rằng: “Nghĩ lại nên cảm ơn cô Vy, dân số thế giới đã quá tải rồi nên chết bớt đi cho rộng chỗ”. Hành vi này cũng đã bị dư luận lên án mạnh mẽ. 

Xem xét tất cả các hành vi nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng: Mọi hành vi ứng xử trước tình huống phải cách ly đã bộc lộ ý thức và trách nhiệm công dân của từng người. Trong các trường học, xưa nay môn Giáo dục công dân bị nhiều phụ huynh, học sinh coi là môn phụ của môn phụ. Thế nhưng, thực tế ngoài cuộc sống lại chứng minh môn này là môn cần học nhất. Nếu không có “tinh thần công dân”, người dân sẽ coi thường các quy định pháp luật, coi thường sinh mạng của người khác. Đặc biệt nếu người lãnh đạo không có tinh thần công dân sẽ gây ra nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng, tự cho mình có quyền đứng trên luật pháp, coi thường người dân. Chính vì ý thức trách nhiệm công dân nên đến ngay cả Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cũng tự cách ly 14 ngày tại nhà sau khi tiếp xúc với một nhóm học sinh đến từ ngôi trường vừa bị đóng cửa vì có ca nhiễm Covid-19. Tương tự, Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga cũng đã tự cách ly sau chuyến thăm Trung Quốc ngày 27/2. 

Hiến pháp nước ta năm 2013 đã có hẳn chương II quy định về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Tại Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. 

Nếu trong xã hội ai cũng được giáo dục và ý thức được quyền và trách nhiệm của công dân, xã hội chắc chắn sẽ văn minh hơn rất nhiều. 

Từ Khôi 

1 nhận xét :

  1. Cả tháng chả thấy mặt, nhớ bác Tổng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.