Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Hiểu và áp dụng như thế nào với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?

Hiểu và áp dụng như thế nào với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ?

1-4-2020
Ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị số 16/CT-TTg Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương thực hiện mỗi nơi một kiểu. Cụ thể: UBND phường Vĩnh Trung (quận Hải Châu – Đà Nẵng) tạm ngưng các cửa hàng kinh doanh ăn uống online, kể cả mua đem đi.
Tương tự vậy là UBND phường Hòa Thuận Đông, TP. Đà Nẵng. Đặc biệt hơn, một địa phương khác ở Tuy Hòa còn tạm ngưng tất cả các công trình đang xây dựng để thực hiện chỉ thị 16.
Chống dịch đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhiều tầng lớp dân chúng. Mỗi địa phương cũng có phương án riêng phù hợp với tình hình khách quan của mình và có sự khác biệt trong áp dụng.
Báo Sạch xin giải thích với bạn đọc về loại hình văn bản là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ:
Trước đây, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, tại điều 1 công nhận Chỉ thị của Thủ tướng là văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật là loại văn bản chứa phạm vi quy định pháp luật có tính chất bắt buộc và áp dụng nhiều lần trên cùng một lãnh thổ Việt Nam.
Sau nhiều lần sửa, bổ sung, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật mới nhất năm 2015, Chỉ thị của Thủ tướng đã không còn là văn bản quy phạm pháp luật nữa.
Cụ thể, tại Điều 4 của luật này quy định chi tiết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay (Mời quý bạn đọc xem cuối bài).
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hiện nay được xem là để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương trong các việc thực hiện các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, các quyết định của Chính phủ.
Nói khác đi, chỉ thị là lệnh của Thủ tướng với cấp dưới. Khi nào Thủ tướng ban hành Quyết định thì đó mới là văn bản quy phạm pháp luật.
Ngay trong Chỉ thị 16, Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác chấp hành, phòng chống dịch bệnh.
Thiết nghĩ các địa phương tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng nên thống nhất cách hiểu và cùng có chuẩn mực chung về phương án chống dịch hơn là mỗi nơi là một kiểu.
***
P/S: Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.