Cô Vi đi rồi, con người sẽ vẫn chứng nào tật nấy?
Jackhammer Nguyễn
2-4-2020
Khi tôi viết những dòng này, con số nhiễm bệnh Covid-19 (Cô Vi) đã hơn 935.000 người, với hơn 47.000 người thiệt mạng. Con số chết tại Ý và Tây Ban Nha cứ chồng chất đầy sợ hãi. Và ngay cả ông Tổng thống Mỹ, thích nói theo sự tưởng tượng của mình là Donald Trump, cuối cùng cũng phải nghe theo các bác sĩ, đưa ra một con số kinh hoàng là, có thể có đến hơn 100 ngàn người chết tại đất nước được cho là hùng mạnh nhất địa cầu.
Có vẻ như Cô Vi là sự trừng phạt của đấng tối cao dành cho những ngốc nghếch kệch cỡm mà con người hành xử bấy lâu nay. Mà dường như cũng không phải là một sự ngẫu nhiên mà Cô Vi xuất hiện cùng lúc với viên Tổng thống tệ hại nhất lịch sử Hoa Kỳ. Vâng ông ta từng nói, ông là người được Chúa chọn, nhưng có lẽ thiếu mất vế sau, Chúa chọn để trừng phạt nước Mỹ.
Khi cả thế giới lao vào cảnh khai thác tài nguyên vô độ, chém giết đàn áp nhau không nương tay, lừa gạt nhau bằng một sự huyễn hoặc thị trường tự do tuyệt đối để đẩy những kẻ yếu thế nhất vào đường cùng,… đó là những gì con người làm suốt một thế kỷ qua nhân danh đủ thứ, từ tư tưởng cho đến sự phát triển, mà những cuộc chiến tàn khốc, những cuộc khủng hoảng kinh tế u ám không làm họ thức tỉnh.
Nhưng trong hơn 100 năm qua đó, cũng có những lúc con người khá tỉnh táo. Tôi chọn thời điểm cách đây đúng 90 năm, nhà kinh tế xã hội học người Anh Maynard Keynes viết bài “Economic Possibilities for Our Grandchildren”, tạm dịch “Con cháu chúng ta nên sống thế nào”. Trong bài viết đó Keynes nghĩ tới viễn cảnh 100 năm sau (chúng ta còn 10 năm nữa để đến đó), không có phát triển nữa, mà con người dành thì giờ vào những gì mình thích về mặt tinh thần. Sự phát triển ở đây được hiểu theo nghĩa tạo ra vật chất ngày một nhiều, và do đó hủy hoại ngày một nhiều.
Keynes là người chủ trương một xã hội tự do cạnh tranh, nhưng có vai trò điều phối của một nhà nước lành mạnh. Bạn đọc đừng nghĩ rằng, ông ta là “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của các vị cộng sản Việt Nam, vì nó khác xa lắm.
Ý tưởng của Keynes phần nào được Tổng thống Delano Roosevelt thực hiện trong đại dự án The New Deal của ông để vực dậy nền kinh tế đang suy sụp của Hoa Kỳ trong cuộc đại khủng hoảng 1930.
Nhưng sau đó, con người quên bẳn đi tất cả, tiến hành thực hiện hai mô hình đều cực đoan, một là Hand Off, xiển dương thị trường tự do tuyệt đối, còn bên kia là chế độ độc tài toàn trị cộng sản, tước hết mọi quyền tự do, nhân danh… tự do!
Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, hậu thân của nó là chế độ Hoa lục hiện hành, vẫn duy trì sự tàn bạo và du nhập thêm sự lừa lọc của cái gọi là thị trường tự do.
Ta thấy rõ cơn đại dịch Cô Vi xuất phát từ căn tính toàn trị cộng sản ở Vũ Hán, sau đó khuếch trương lên dữ dội tại “thị trường tự do” phương Tây, mà rõ ràng nhất là trường hợp của nước Mỹ, với vị Tổng thống coi trọng điểm chứng khoán hơn là sinh mạng con người.
Là người lạc quan, tôi vẫn nghĩ rằng Cô Vi rồi sẽ qua đi, nước Mỹ với tiềm lực mạnh mẽ của nó, cùng với những giá trị vẫn chưa cùn nhụt đi, sẽ thắng được cơn đại dịch.
Nhưng liệu con người có học được gì không?
Những gì đang diễn ra nói với tôi rằng “không”.
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh một cách tương đối, những người cộng sản Tàu bắt đầu huênh hoang khoác lác. Trên trang nhà của Tân Hoa Xã vẫn có dòng chữ kệch cỡm trên góc phải: “Thời của Chủ tịch Tập”! Tệ hơn nữa là họ đang lợi dụng sự tang tóc của người khác để mà trục lợi.
Ở Mỹ, sau một hồi đắn đo, Quốc hội đã đồng ý miễn phí xét nghiệm Cô Vi, nhưng để điều trị thì vẫn phải trả tiền, và nếu bạn không có bảo hiểm thì sau khi lành bệnh, bạn có thể … đổ bệnh trở lại với hóa đơn trị giá khoảng… 35 ngàn Dollar (TIME). Những cái hóa đơn bệnh viện ở Mỹ nó cũng vĩ đại giống như cái nước Mỹ “vĩ đại trở lại” mà ông Trump kêu gào trong những cơn đồng bóng với ủng hộ viên của ông trong ba năm vừa qua. Trong cơn hoạn nạn, người Mỹ thay vì tìm cách chung tay giải quyết những khó khăn của cộng đồng, lại rủ nhau đi mua súng đề phòng ông hàng xóm!
Không có gì khó để thấy rằng, sau cơn tang tóc của Cô Vi, các hãng bảo hiểm vẫn ăn từ đất lên đến trời ngân phiếu hàng tháng của người làm công, các “chuyên gia tài chánh” lại nghĩ ra bao nhiêu thứ phó sản như kiểu Hồ sơ Panama, để lừa gạt.
Tôi mong là tôi sai, trong một giấc mơ rất hiện hữu giữa bầu trời Vũ Hán và New York trong xanh vì không còn khói bụi, vì mọi người phải ở nhà, phải dừng lại tất cả những cuộc tra tấn hàng giờ bà mẹ thiên nhiên của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.