Cách ly xã hội coi chừng bị lợi dụng
1-4-2020
Chính phủ cần có văn bản xác định chính thức biện pháp hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội để phòng chống dịch Covid 19.
Cần thiết phải cải chính sử dụng khái niệm “cách li xã hội”.
Tuyệt đối không sử dụng lối diễn đạt nôm na đại khái cho một biện pháp chính trị có yêu cầu cưỡng chế cấp thiết và ở mức độ rất cao này.
Bởi bất kì một phạm vi nghĩa nào diễn đạt ở trường hợp này đều ẩn chứa nguy cơ và hiểm họa phá vỡ trật tự luật pháp, phá vỡ tính thống nhất liền lạc của thị trường, tạo điều kiện để âm binh vốn còn núp dựa phía sau, lẫn bên trong, bộ máy cai trị hiện hữu kiếm chác, tác oai, tác oái.
Không phải tự nhiên mà tình cảnh đắp lũy, đào hào, ngăn sông cấm chợ lại dễ dàng được một số chính quyền địa phương kịp thời cung cấp sáng kiến để thực hiện cách li xã hội.
Cũng cần tính toán cân nhắc và có phương án xử lí trạng thái khủng hoảng xã hội, cục bộ hay lan rộng, phát sinh từ thực tế tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Di chứng tâm thần, nạn tự tử do căng thẳng kéo dài, có thể là một thiệt hại không kém dịch bệnh.
Hay như hoạt động phát hành vé số gắn với cả trăm ngàn người nghèo lập tức lâm vào tình trạng dứt bữa, nguy cơ đói kém hiển hiện, phải được xử lí bằng chính sách nhất quán, chứ không chỉ là hô hào chính trị chung chung. Chính phủ cần sử dụng lợi nhuận từ hoạt động xổ số kiến thiết bù đắp thiệt hại của đối tượng người nghèo này trong thời gian tạm ngưng hoạt động ở xổ số kiến thiết. Không thể chỉ dựa vào hoạt động thiện nguyện, tuỳ tâm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã sớm khẳng định tình hình vẫn trong sự kiểm soát của chính phủ. Chính phủ trong cuộc chống trả đại dịch Covid-19 đến từ Trung Quốc đã sớm tránh được vết xe đổ không thực hiện minh bạch, công khai. Chủ tịch Hà Nội điều hành khá ấn tượng công tác phòng chống dịch ở thủ đô với thái độ nhất quán kiên quyết chống bệnh nói dối, trốn sợ trách nhiệm. Đó là cơ sở để xã hội đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát tình hình của chính phủ.
Nhưng sự cố lây nhiễm ở một bệnh viện quốc gia, thậm chí có dấu hiệu viên chức quản lí bệnh viện có ý che giấu dịch bệnh, là một thực tế chớ quá ngây thơ cả tin vào ý chí minh bạch, công khai.
Thành thực là đạo của người làm quan chỉ khi nào sau ót mỗi quan chức nóng rãy nhiệt lượng giám sát của xã hội.
Minh bạch, công khai chỉ có thể là nền tảng đạo đức công vụ khi quyền lực chính trị được có cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Từ cuộc triển khai kê khai thu nhập, đến chuyện ông quản lí luận nhiễm dịch, hay chuyện cả đến các thầy thuốc có ý che giấu dịch bệnh ở đơn vị đầu ngành của mình và hẳn là nhiều đồng chí trong đống rơm có thể xác tín xã hội chúng ta còn ở mức khởi đầu rất thấp so với chuẩn mực minh bạch.
Đó cũng là một dấu hỏi lớn để nếu có mừng vui cho nền chính trị đồng minh Trung Quốc thành công trong cuộc chiến dập dịch, thì cũng nên mừng vui vừa mí. Bởi cũng giống chính trị Việt Nam, Trung Quốc cũng có trung ương đúng và tốt mà hay bị cơ sở hay cấp dưới làm bậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.