Tham nhũng hợp pháp
24-4-2018
Luật Đất đai là đạo luật lôi thôi khó sửa nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Hễ tăng thuế thêm thuế thì mang “thông lệ quốc tế” ra hù dọa, nhưng tuyệt không thấy mang thông lệ quốc tế ra mà sửa Luật này. Nó không chỉ có điều khoản 62 vấy máu mà tôi đã đề cập, nó còn hợp pháp hóa tham nhũng. Đó là việc duy trì chính sách 2 giá đối với đất đai : giá thị trường và giá do nhà nước quy định.
Hãy hình dung, một vị Bộ trưởng hoặc cán bộ cấp cao được “cấp” một biệt thự ở Hà Nội hay TP.HCM, sau đó được “hóa giá”, tức là các vị mua căn biệt thự đó với giá khoảng mấy trăm triệu đồng, trong khi trên thị trường nó có giá hàng triệu đô la Mỹ tùy vào vị trí đắc địa. Như vậy là tự nhiên vị bộ trưởng có một tài sản hàng chục tỷ đồng, đó là chênh lệch giữa giá đất trên thị trường so với giá đất do nhà nước quy định. Sổ tiền khổng lồ đó chính là tài sản của nhà nước nhưng lại không có trong sổ sách của nhà nước vì sổ sách của nhà nước ghi giá căn biệt thự đó chỉ mấy trăm triệu thôi. Cán bộ cấp càng cao thì khoản tiền chênh lệch được hưởng càng lớn. Từ Vụ trưởng Vụ phó, thậm chí cấp trưởng phòng cũng đều được hưởng khoản tiền chênh lệch nhà đất nói trên, ít thì hàng tỷ, nhiều thì hàng chục tỷ. Trong phạm vi cả nước, chỉ riêng giá đất áp dụng cho chính sách nhà ở của cán bộ đã khiến cho tài sản quốc gia chảy về nhà của cán bộ với con số không thể tưởng tượng nổi nếu được thống kê. Tài sản quốc gia bị thất thoát có địa chỉ nhưng không ai nghĩ đó là thất thoát, càng không nghĩ đó là tham nhũng, ai cũng nghĩ nó là đương nhiên vì nó hoàn toàn hợp pháp, không có một lương tâm nào bị cắn rứt.
Đó là tình trạng của thời kỳ năm 2003 trở về trước mà tôi đã từng viết trên báo Thanh Niên cách đây gần 20 năm. Điều 12 Luật Đất đai năm 1998 ghi : “Nhà nước xác định giá các loại đất để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi đất…”. Luật không hề đá động gì đến giá thị trường khi xác định giá đất. Cái giá thấp tè đó áp đụng dể bán nhà cho cán bộ, đồng thời để đền bù cho dân khi thu hồi đất, nó cũng là căn cứ để định giá tài sản trong các vụ án. Nổi tiếng nhất là vụ án Minh Phụng, vì định giá một mét vuông đất chỉ bằng mấy cây kem mà ông Tăng Minh Phụng phải bị đem ra trường bắn.
Luật Đất đai năm 2003 và 2013 có tiến bộ hơn, là có yêu cầu tham khảo giá thị trường khi định giá đất, nhưng định giá đất mà không thỏa thuận với người bị thu hồi đất thì làm sao có thể tiếp cận với giá thị trường ?. Do vậy, theo nhiều nghiên cứu thì giá đất mà nhà nước quy định hiện hành bình quân chỉ bằng khoảng 20-30% so với giá thị trường, tất nhiên có trường hợp cao hơn mức trên nhưng cũng có nhiều trường hợp thấp hơn cả trăm lần. Giá đất này hiện vẫn dùng để bán nhà hoặc đất cho quan chức và dùng để đền bù cho dân. Nó mang hạnh phúc đến cho người làm quan và đẩy sự bất hạnh đến cho nông dân. Cán bộ cấp cao ai cũng mặc nhiên giàu có, nhưng đừng nghĩ rằng hễ làm to là tham nhũng, nhiều người chỉ cần bán căn nhà được mua hợp pháp để chuyển sang ở một vị trí khiêm tốn hơn là đã dư ra hàng triệu đô la.
Tôi có biết một anh là nhà nghiên cứu và dịch thuật văn chương, là một kẻ sĩ mà tôi ngưỡng mộ. Bố anh là một nhà lãnh đạo có công trong kháng chiến và có công rất lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Tôi có quen biết ông và tôi chắc chắn ông là quan chức hoàn toàn trong sạch. Đương nhiên ông cũng có một biệt thự được cấp theo cái giá nói trên. Căn nhà dự định được bán để chia cho các con, mỗi người được khoảng vài trăm lượng vàng. Mặc dù rất tự hào về bố mình, nhưng anh đã từ chối tài sản thừa kế đó. Anh nói với bố rằng anh không nhận “chiến lợi phẩm”. Cho đến giờ anh vẫn ở nhà thuê và chỉ sống bằng tiền nhuận bút từ sách vở của mình.
Nếu không bãi bỏ chính sách hai giá về đất đai, tôi không thể hình dung khoảng 100 năm nữa thì Hà Nội và Sài Gòn liệu có còn đất để “cấp” cho các vị bộ trưởng và cán bộ cấp cao nữa hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.