Chỉ số RSF năm 2018: Mô hình kiểm soát phương tiện truyền thông của Trung Quốc đe dọa nền dân chủ ở châu Á-Thái Bình Dương
25-4-2018
Dịch giả: Trúc Lam
Mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc do nhà nước kiểm soát tin tức, đang được các nước châu Á sao chép, điển hình là Việt Nam và Campuchia. Các nền dân chủ ở Bắc Á đang cố gắng tự thiết lập các mô hình thay thế. Bạo lực đối với các nhà báo ngày càng đáng lo ngại ở Afghanistan, Ấn Độ, Pakistan và Philippines.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn là nơi vi phạm quyền tự do thông tin tồi tệ nhất thế giới: Đó là Bắc Triều Tiên (xếp thứ 180, cuối bảng). Gần đây, việc cho phép sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi ở Bắc Triều Tiên, không may kèm theo là việc kiểm soát hà khắc sự liên lạc và mạng nội bộ quốc gia. Chỉ có cơ quan thông tấn nhà nước KCNA là nơi duy nhất được phép đưa tin, đại diện cho tất cả các phương tiện truyền thông của đất nước này. Chỉ cần đọc, xem hoặc nghe bất kỳ tin tức ở bất kỳ cơ quan truyền thông nước ngoài nào khác, có thể bị đưa đến một trại tập trung.
Kiểm duyệt và theo dõi nhiều hơn ở Trung Quốc
Vẫn ở thứ hạng 176, không thay đổi trong bảng xếp hạng, nước Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng gần với phiên bản của chế độ cực quyền. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập, kiểm duyệt và theo dõi ở mức độ chưa từng thấy, nhờ việc sử dụng rộng rãi công nghệ mới. Phóng viên nước ngoài rất khó tác nghiệp và dân thường có thể đi tù chỉ vì chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, hoặc trò chuyện qua dịch vụ tin nhắn.
Ở Trung Quốc, hơn 50 nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên đang bị giam giữ, nhiều người trong số họ là nạn nhân của sự ngược đãi và thiếu sự chăm sóc y tế, gây ra mối đe dọa cho tín mạng của họ. Lưu Hiểu Ba là người đoạt giải Nobel Hòa bình và Giải thưởng Tự do Báo chí của RSF, cùng blogger bất đồng chính kiến Yang Tongyan, cả hai đã chết hồi năm ngoái vì ung thư không được chữa trị trong nhà giam.
Trên bình diện quốc tế, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thiết lập “một trật tự truyền thông mới” dưới sự ảnh hưởng của họ, bằng cách xuất khẩu các phương pháp trấn áp, hệ thống kiểm duyệt thông tin và các công cụ giám sát trên mạng internet. Thật không may là mong muốn trấn áp bất kỳ các mầm mống chống đối nào từ công chúng của họ, lại bị bắt chước ở châu Á.
Chịu ảnh hưởng của Trung Quốc
Điều này đặc biệt đối với Việt Nam, là nước đứng thứ 175, chỉ trên Trung Quốc một hạng trong bảng xếp hạng. Truyền thông ở Việt Nam theo thông lệ bị kiểm soát hoàn toàn, nhưng các nhà báo công dân hết sức can đảm, bảo vệ quyền tự do thông tin và phản ứng của chính quyền thì hết sức tàn nhẫn. Các blogger từng bị kết án hai năm tù trước đây, nhưng bây giờ những người viết về các chủ đề bị cấm như tham nhũng hay thảm họa môi trường, có thể phải chịu án tù tới 15 năm.
Một quốc gia khác là Campuchia, dường như cũng đang theo con đường nguy hiểm của Trung Quốc, rớt 10 bậc trong bảng xếp hạng, xuống còn 142, một trong những nước bị rớt hạng nhiều nhất trong khu vực. Chế độ của thủ tướng Hun Sen đã ra một chiến dịch trấn áp tàn bạo, chống lại tự do truyền thông vào năm 2017, đóng cửa hơn 30 cơ quan báo chí và bỏ tù nhiều nhà báo một cách tùy tiện.
Việc đàn áp các tiếng nói độc lập, cùng với sự thống trị các phương tiện thông tin đại chúng và kiểm soát tỉ mỉ các phương tiện truyền thông xã hội của ông ta (Hun Sen) là sự bắt chước đáng lo ngại các phương pháp của Trung Quốc. Mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc cũng bị các phương tiện truyền thông ở Thái Lan (đứng thứ 140), Malaysia (đứng thứ 145) và Singapore (đứng thứ 151) áp dụng.
Phát biểu thù hận
Sự sụp đổ khác trong khu vực đã chứng minh một cách hùng hồn là Myanmar (giảm sáu bậc, đứng thứ 137). Năm qua, bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính quyền, đã bị mất uy tín về nghĩa vụ bảo vệ vai trò của giới truyền thông trong nền dân chủ đang vận hành.
Các vi phạm tồi tệ nhất xảy ra sau cuộc khủng hoảng Rohingya bắt đầu vào tháng 8 năm 2017. Cộng đồng quốc tế giờ đây biết rằng, “các yếu tố diệt chủng” và “thanh lọc sắc tộc” đã xảy ra, theo thuật ngữ của Liên Hợp Quốc. Nhưng báo cáo chính xác về thảm kịch này từ bên trong nước Myanmar vẫn không thể có được, bởi vì quân đội tiếp tục từ chối, không cho tiếp cận. Hai phóng viên của Reuters đã từng cố gắng điều tra, vẫn còn đang ở trong tù.
Tin tức về cuộc khủng hoảng Rohingya ở Myanmar đã được đánh dấu bằng sự gia tăng các thông điệp thù địch trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Bất kỳ nhà báo nào không tham gia vào diễn ngôn chống chủ nghĩa Hồi giáo đang phổ biến, đều bị quấy rối bằng những lời nói đầy bạo lực, từ những phần tử Phật giáo cực đoan. Điều này đã giúp cho việc khuyến khích tự kiểm duyệt của giới truyền thông rất nhiều.
Lãnh đạo chống lại tự do báo chí
Ngôn từ kích động thù địch cũng là một vấn đề ở một lục địa đông dân khác, Ấn Độ đã bị giảm hai bậc nữa, xuống còn 138. Kể từ khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng hồi năm 2014, những người theo trào lưu chính thống Hindu đã quy chụp các nhà báo với những lời lẽ cực kỳ bạo động.
Bất kỳ báo cáo điều tra nào làm trái ý của đảng cầm quyền hay bất kỳ lời phê bình nào của Hindutva, một hệ tư tưởng pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc Hindu với lời lẽ gần như phát xít, gợi ra một loạt các lời lăng mạ trên mạng và kêu gọi chịu trách nhiệm cái chết của các nhà báo hoặc nhà văn, phần lớn đến từ đội quân dư luận viên của thủ tướng.
Bạo lực bằng lời nói không bị kềm chế này phục vụ cho sự ủng hộ một lãnh đạo tự cho mình là một con người mạnh mẽ, một nhà lãnh đạo có quyền hành, không thể chấp nhận được khi bị các phóng viên hoặc biên tập viên làm suy yếu.
Năm 2017, ở những nơi khác trên thế giới, bi kịch về bạo hành bằng lời nói đã dẫn đến bạo lực thể xác. Biên tập viên Gauri Lankesh bị bắn bên ngoài nhà của bà vào tháng 9, sau khi bà trở thành mục tiêu của những ngôn từ thù hận và những lời đe dọa giết chết vì chỉ trích quyền tối cao của người Hindu, hệ thống đẳng cấp và phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Việc chống lại các nhà báo bằng bạo lực thể xác là nguyên nhân chính dẫn đến thứ hạng thấp của Ấn Độ. Ít nhất ba nhà báo bị giết đều có liên quan đến việc làm của họ. Nhiều người khác bị giết trong các tình huống không rõ ràng, như thường xảy ra ở các khu vực nông thôn, nơi các phóng viên được trả lương thấp. Tình hình ở Thung lũng Kashmir, một hố đen tin tức, góp phần vào việc bị xếp hạng thấp của một đất nước, nơi có truyền thống lâu đời về phương tiện truyền thông đầy sức sống, có thể giúp cho nó tăng trở lại trong bảng xếp hạng.
Philippines giảm sáu bậc, đứng vị trí thứ 133, động lực của các phương tiện truyền thông cũng bị kiểm tra do sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo muốn thể hiện ông ta là người đầy quyền lực. Tổng thống Rodrigo Duterte chẳng mất thời gian để cảnh báo “các nhà báo đàng điếm” rằng họ sẽ không được dung thứ.
Vô số ví dụ về sự quấy nhiễu của chính phủ Philippines đối với các phương tiện truyền thông, khi nói bất kỳ lời nào chỉ trích “cuộc chiến chống ma túy” của ông Duterte. Ở đây, một lần nữa có sự liên kết chặt chẽ giữa bạo lực bằng lời với bạo hành về thể xác. Với bốn nhà báo bị giết liên quan đến công việc của họ vào năm 2017, Philippines là một trong những nước chết người nhất ở châu lục này.
Bạo lực thể xác
Mức độ bạo lực tăng cao đối với bất kỳ phóng viên nào có mặt ở Pakistan (đứng thứ 139) giải thích cho sự thất bại trong bảng xếp hạng. Với các mối đe dọa chết chóc, bắt cóc và tra tấn, một mặt các nhà báo vẫn đang bị đe dọa bởi những người theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống, mặt khác họ bị đe dọa bởi các cơ quan tình báo đầy quyền lực.
Thậm chí bạo lực còn đáng lo ngại hơn ở nước láng giềng Afghanistan (xếp thứ hạng 118), nơi mà 18 nhà báo và những người làm truyền thông bị giết vào năm 2017. Tuy nhiên, nước này cũng tăng được hai bậc trong bảng xếp hạng, trên hết là do cải thiện môi trường pháp lý với việc tạo ra các ủy ban điều phối cho sự an toàn của các nhà báo và truyền thông. Các ủy ban này đã can thiệp khoảng 100 vụ trong năm qua, kết quả là, trong một số trường hợp, biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đối với các quan chức quân đội và dân sự cấp cao.
Tương tự, những nỗ lực được bảo đảm ở Sri Lanka nhằm chống lại những vụ tấn công thể xác đối với nhân viên truyền thông và miễn hình phạt đối với các hành động bạo lực chống lại lợi ích của nhà báo, giúp tăng 10 bậc trong bảng xếp, đứng thứ hạng 131.
Các nền dân chủ phản kháng
Mặc dù có sự cải thiện tổng thể trong môi trường truyền thông ở Mông Cổ, áp lực lên các phương tiện truyền thông trong cuộc bầu cử tổng thống làm cho nước này rớt nhẹ (xuống hai bậc, đứng thứ 71). Sự tăng hạng của Nhật Bản (lên năm hạng, đứng ở vị trí thứ 67) phản ánh sự giảm áp lực tương đối trên các phương tiện truyền thông của chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của ông Shinzo Abe, mặc dù các nhà báo vẫn còn bị hạn chế bởi sức nặng truyền thống và lợi ích thương mại.
Hồng Kông (đứng thứ 70) và Đài Loan (thứ 42), mỗi nước tăng ba bậc, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bằng nhiều cách khác nhau của họ.
Nam Hàn (tăng 20 bậc, đứng thứ 43) tăng nhiều hơn bất kỳ nước nào khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sau một thập niên kinh khủng, tổng thống mới Moon Jae-in đã mang lại một luồng không khí trong lành, giúp giải quyết xung đột giữa các nhà báo và quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình công cộng. Các vấn đề về cấu trúc vẫn cần được giải quyết, bao gồm cả việc hợp pháp hóa những lời nói xấu và bãi bỏ một đạo luật an ninh quốc gia, đạo luật tiếp tục đe dọa các nhà báo.
Gần như được đứng trong top đầu của bảng chỉ số, Úc vẫn không thay đổi ở vị trí thứ 19, trên hết là nhờ vào quyền sở hữu phương tiện truyền thông tiếp tục được tập trung cao độ. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ pháp lý đơn giản sẽ cho phép nước này tăng thêm vài bậc.
Trường hợp New Zealand, nước này tăng 5 bậc, đứng ở vị trí thứ 8. Chính quyền đã chặn một vụ sáp nhập được đề xuất giữa hai nhóm truyền thông lớn nhất đất nước, qua đó cung cấp truyền thông đa chiều và độc lập với các bảo đảm mới. Đồng thời, báo cáo điều tra sẽ sớm được tăng cường bởi một đạo luật bảo vệ người tố giác. Một tấm gương tốt để noi theo.
© Tiếng Dân — Bản tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.