Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Từ tin đồn tới bài báo gây sửng sốt về liên lạc của Trump với Việt Nam

Từ tin đồn tới bài báo gây sửng sốt về liên lạc của Trump với Việt Nam

Hoàng Long
29-4-2018
ProPublica, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra phục vụ công chúng, tuần này đăng một bài báo (bản tiếng Việt ở đây) mô tả những mối quan hệ và sự dàn xếp đằng sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 12 năm 2016.
Bài báo tiết lộ người đứng sau cuộc gọi này là luật sư riêng của ông Trump, Marc Kasowitz, mà không có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ, và ông Kasowitz cũng đại diện một thân chủ có lợi ích kinh doanh ở Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt, tác giả bài báo Justin Elliott cho biết thêm chi tiết về tường trình của anh đằng sau câu chuyện gây sửng sốt này.
VOA: Có phản ứng hay phản hồi mới nào không kể từ khi câu chuyện của anh được đăng lên?
Justin Elliott: Tôi chưa nghe thấy điều gì mới từ bất kỳ người nào trong chuyện này. Tôi biết là độc giả rất quan tâm tới chuyện này nhưng tôi chưa nghe thấy bất kỳ điều gì mới từ những nhân vật chính trong câu chuyện.
VOA: Sao anh biết về liên lạc này? Đầu mối đầu tiên của anh cho câu chuyện này là gì?
Nhà báo Justin Elliott của ProPublica
Justin Elliott: Chúng tôi là ProPublica và WNYC, một đài phát thanh công cộng địa phương ở thành phố New York. Chúng tôi hiện đang hợp tác làm một podcast [chương trình phát thanh trên mạng] và nó được gọi là “Trump, Inc.” Podcast này tập trung vào những hoạt động kinh doanh của Tổng thống Trump và những mâu thuẫn lợi ích tiềm năng và đại loại như vậy. Và một phần của podcast này là chúng tôi nhờ thính giả báo tin cho chúng tôi nếu họ biết hoặc nghe thấy bất cứ điều gì về bất cứ chuyện gì mà chúng tôi có thể quan tâm. Chúng tôi nhận được rất nhiều tin báo và câu chuyện về Việt Nam và sòng bạc khởi nguồn từ một người nghe podcast và người này đã nghe một tin đồn về chuyện đó. Tôi đi tìm hiểu tin đồn rồi viết bài báo này.
VOA: Một trong những điểm chính trong bài báo của anh là Bộ Ngoại giao Mỹ không tham gia thu xếp cuộc gọi này. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam nghe tin về cuộc gọi này từ Hồ Tràm và họ biết được những gì đã được bàn bạc từ các quan chức Việt Nam. Việc này dường như phá vỡ nghi thức. Anh có thể giải thích chuyện này bất thường tới mức nào không?
Justin Elliott: Tôi đã nói chuyện với nhiều người từng tham gia quá trình chuyển tiếp quyền hành của ông Obama, lần chuyển tiếp gần đây nhất trước ông Trump vào năm 2008 và 2009. Tôi dẫn lời Susan Rice [cố vấn an ninh quốc gia từ 2013-2017] trong bài báo, bà ấy là một trong những nhân vật cao cấp trong quá trình chuyển tiếp của ông Obama. Bà ấy và những người khác nói với tôi rằng nói chung, ngay sau cuộc bầu cử sẽ có những cú điện thoại đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng bạn muốn làm điều đó một cách rất cẩn thận, thường là theo thứ tự chính xác ai được gọi trước tiên hoặc ai được gọi lại trước tiên.
Từ trước đến giờ việc này được suy tính cẩn thận, xem nước nào quan trọng hơn để gọi vì lý do này kia. Thường là Bộ Ngoại giao tham gia vào việc thu xếp các cuộc gọi này, báo cáo thông tin tổng quát cho tổng thống đắc cử và ghi chú. Bài báo của tôi tường trình rằng không có bất cứ việc nào trong số những việc nói trên diễn ra, trong trường hợp này là giữa ông Trump với thủ tướng Việt Nam. Và đây không phải là ví dụ duy nhất về một cuộc gọi bất thường.
Cũng đã có một cuộc gọi bất thường khác giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan. Vào thời điểm đó hoặc không lâu sau đó thì lộ tin cho hay cuộc gọi đó đã được thu xếp bởi một trong những người vận động hành lang cho Đài Loan, cựu thượng nghị sĩ Bob Dole. Cuộc gọi đó phá vỡ rất nhiều tiền lệ. Trung Quốc đã rất bực tức. Tất cả tường trình của tôi và tường trình của những người khác cho thấy giai đoạn chuyển tiếp hết sức hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo nước ngoài và đại sứ quán nước ngoài khi đó đang hối hả tìm cách tiếp cận ông Trump bằng mọi cách có thể.
Marc Kasowitz, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP
VOA: Anh dẫn lời phát biểu chính thức của bà Susan Rice trong bài báo. Anh có hỏi bà ấy là Nhà Trắng dưới quyền ông Obama biết về vụ việc này vào lúc nào không?
Justin Elliott: Tôi không thể bình luận gì thêm ngoài phát biểu của bà ấy mà tôi dẫn ra trong bài báo.
VOA: Một số người có thể lập luận rằng đội ngũ của ông Trump không được chuẩn bị kỹ vì ít ai ngờ tới chiến thắng bầu cử của ông ấy. Họ không nắm hết các nghi thức, tất cả mọi chuyện diễn ra cùng lúc và quá trình chuyển tiếp, như anh nói, hết sức hỗn loạn. Anh có nghĩ chuyện phá vỡ nghi thức một phần là vì như vậy không?
Justin Elliott: Ngay cả một số người tham gia trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nói rằng họ ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Tin tức loan tải vào thời điểm đó cho biết có rất nhiều sự hỗn loạn trong quá trình chuyển tiếp. Có một thời gian Chris Christie [thống đốc bang New Jersey, một trong những ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa bỏ cuộc và quay sang ủng hộ ông Trump] điều hành quá trình chuyển tiếp và rồi ông ta bị sa thải. Họ trải qua một loạt những thay đổi lãnh đạo chỉ trong khoảng thời gian sau cuộc bầu cử vào tháng 11 và lễ nhậm chức vào tháng 1. Tôi nghĩ đó là một bối cảnh quan trọng cho những gì mà chúng ta thấy đã xảy ra với một số cuộc gọi điện thoại này. Tôi nghĩ bối cảnh đó phần nào lý giải vì sao có các cuộc gọi điện thoại này. Và tôi nghĩ nhìn chung chính quyền Trump và đội ngũ của ông Trump, ngay cả trước khi họ nhận nhiệm sở, họ đã nói rằng họ sẽ gạt bỏ hết cách làm việc thông thường. Đây không phải là lĩnh vực duy nhất mà trong đó họ phá vỡ những quy chuẩn có từ lâu nay.
VOA: Tường trình của anh nhất quán với những gì chúng ta biết về việc chính quyền Trump kết hợp những lợi ích kinh doanh riêng tư với lợi ích của đất nước. Câu chuyện của anh gợi nhớ câu chuyện về Jared Kushner [con rể của ông Trump và cố vấn Nhà Trắng cao cấp] tìm cách thiết lập một kênh liên lạc ngầm với Nga thông qua đại sứ quán Nga và bỏ qua Bộ Ngoại giao. Anh có thấy nét tương đồng giữa tường trình của anh và tường trình đó không?
Justin Elliott: Tôi không chắc. Tôi thực sự không thể bình luận vì tôi không viết về chuyện đó. Tôi biết về chuyện đó từ tin tức trên báo chí. Tôi nghĩ rằng chúng ta biết từ nhiều tường trình là có hàng loạt những liên lạc bất thường giữa đội ngũ của ông Trump và nhiều loại thực thể nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp. Rõ ràng đã có rất nhiều bài báo viết về những tương tác với Israel và nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đang được biểu quyết vào thời điểm đó. Rõ ràng là đã có một số những tương tác bất thường nhưng tôi không thể so sánh chúng vì tôi chỉ tường trình về chuyện này thôi.
VOA: Chúng ta không biết liệu chuyện Hồ Tràm có được nêu ra hay không giữa ông Trump và ông Phúc trong cuộc điện đàm và trong cuộc gặp gỡ của họ vào tháng 5 năm ngoái. Anh có nghĩ còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về vụ việc này không?
Justin Elliott: Chắc chắn vẫn có những điều mà chúng ta chưa biết. Một trong nhiều điều mà chúng ta chưa biết là liệu ông Trump có thực sự nêu lên vấn đề Hồ Tràm với phía Việt Nam hay không. Chúng ta không biết những chi tiết về các cuộc nói chuyện cá nhân giữa ông Trump và Thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc). Tôi hỏi Nhà Trắng về chuyện này và họ từ chối bình luận và bảo tôi chuyển tất cả các câu hỏi của tôi sang cho Marc Kasowitz.
VOA: Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ không hồi đáp yêu cầu bình luận của anh. Anh có liên lạc với quan chức Việt Nam nào khác không? Họ có cung cấp bất cứ thông tin nào cho anh không?
Justin Elliott: Tôi đã liên lạc với đại sứ quán nhiều lần và với nhiều quan chức tại đại sứ quán và qua nhiều địa chỉ email. Tôi biết là họ đã nhận được câu hỏi của tôi nhưng họ không bao giờ hồi đáp. Tôi đưa câu hỏi cho họ từ khá lâu nhưng tôi chưa bao giờ thấy nghe thấy họ nói gì.
VOA: Anh mất bao lâu để chuẩn bị bài báo này?
Justin Elliott: Vài tuần.
VOA: Theo tường trình của anh, phía Việt Nam được cung cấp số điện thoại liên lạc của ông Trump và họ đã gọi vào tháng 12 năm 2016. Kế từ lúc đó Việt Nam đã có những nỗ lực ngoại giao ráo riết. Kết quả là thủ tướng Việt Nam đến Mỹ gặp ông Trump vào tháng 5 năm ngoái và họ còn mời được ông Trump sang thăm Việt Nam vào tháng 10. Anh có nghĩ là liên lạc ban đầu do Marc Kasowitz cung cấp phần nào mở đường cho những sự kiện sau này không?
Justin Elliott: Tôi biết là Thủ tướng Việt Nam, khi ông ấy tới Nhà Trắng vào tháng 5, ông ấy đã đề cập đến cuộc gọi điện thoại vào tháng 12. Đó rõ ràng là điều gì đó quan trọng đối với họ. Như tôi đã nói trong bài báo, cuộc gọi đó được nói tới trên truyền hình nhà nước ở Việt Nam nên đó là một sự kiện tin tức đáng chú ý ở đó. Tôi nghĩ liên lạc đầu tiên là một liên lạc quan trọng.

Những điểm chính của bài báo

  • Cuộc gọi đầu tiên của ông Trump và ông Phúc được thu xếp bởi luật sư riêng của ông Trump, Marc Kasowitz, mà không có sự tham gia của Bộ Ngoại giao Mỹ.
  • Marc Kasowitz cũng đại diện Philip Falcone, doanh nhân Mỹ đầu tư hàng trăm triệu đôla vào sòng bạc The Grand Hồ Tràm Strip bên ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Ông Falcone mấy năm qua đã vận động chính phủ Việt Nam cho phép công dân đánh bạc.
  • Không rõ vấn đề Hồ Tràm có được nêu ra trong cuộc gọi của ông Trump với ông Phúc hay không.
  • Năm 2017, ông Kasowitz sang Việt Nam cùng ông Falcone và tham dự một số cuộc họp với ông Falcone và các quan chức Việt Nam.
  • Ông Kasowitz hiện diện trong Nhà Trắng vào tháng 5 năm 2017 khi ông Trump hội kiến ông Phúc. Ông Kasowitz bắt tay ông Phúc khi ông Phúc rời khỏi phòng họp. Phát ngôn viên của ông Kasowitz đó là sự tình cờ, không phải chủ ý.
  • Sòng bạc Hồ Tràm vẫn chưa được cấp giấy phép địa phương cho tổ chức đánh bạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.