Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Bản tin tối 27-4-2018

Bản tin tối 27-4-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Báo Biên Phòng đặt câu hỏi: Vì sao ngư dân đi biển lặng lẽ “biến mất”?Bài viết kể chuyện 4 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn “biến mất dưới làn nước sâu thẳm và để lại nỗi đau cho gia đình”, trong đó có người mất tích ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. “Vụ việc ngư dân rơi xuống biển mất tích liên tục xảy ra và có chiều hướng tăng lên, nhưng nhiều nhất vẫn là ngư dân tỉnh Bình Định”.
Về nguyên nhân ngư dân mất tích, bài viết chủ yếu đề cập đến các nguyên nhân có tính “sinh nghề tử nghiệp” người đi biển thường gặp phải, mà bỏ qua nguyên nhân liên quan đến “bạn vàng”, đang tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông. 
Ngư dân Việt Nam liên tục gặp nạn trên biển, nhất là bị Trung Quốc tấn công gần đây, hiếm khi thấy sự có mặt của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để giúp đỡ họ. Trong khi đó, Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc luyện tập cứu hộ, cứu nạn tàu cá trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, theo báo Tin Tức. 
Kịch bản diễn tập như sau: “Tàu cá Quế Bắc Ngư của tỉnh Quảng Tây bị cháy, trên tàu có 9 người, trong đó 2 người bị rơi xuống nước”. Nhận được tin tàu Trung Quốc gặp nạn, cả lực lượng cứu hộ Trung Quốc và… Việt Nam cùng tới ứng cứu. Hoạt động luyện tập này diễn ra cùng lúc với chuyến tuần tra liên hợp nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ từ ngày 24 đến ngày 26/4/2018.
Hôm 20/4, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhưng không thấy tàu cứu hộ nào của Việt Nam ra “ứng cứu”, còn tàu Trung Quốc thì rượt đuổi tàu Việt Nam và đâm cho tới khi chìm hẳn. Bây giờ lực lượng “cảnh sát biển” Việt Nam cùng Trung Quốc diễn tập cứu hộ, với kịch bản cứu hộ tàu Trung Quốc bị nạn. Như vậy là Việt Nam đang diễn tập để sau này cứu giúp tàu TQ, thay vì tàu của ngư dân VN!?
Báo Đất Việt đặt câu hỏi vụ Trung Quốc lắp thiết bị nhiễu sóng ở Trường Sa: TQ tính toán gì? LS Hoàng Việt phân tích: Sau khi Trung Quốc “xây dựng, hệ thống vũ khí quân sự trên các đảo nhân tạo ngày càng phát triển, tranh thủ khi thế giới không có ý kiến gì thì Trung Quốc lấn tới dần, lắp đặt các thiết bị gây nhiễu sóng để làm chủ cả vùng biển, vùng trời”.
Báo Người Lao Động đưa tin: Mỹ điều B-52 tới gần biển Đông. Không quân Mỹ nói với Reuters, các máy bay ném bom B-52 đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và bay tới gần biển Đông cách đây 3 ngày: “Phi đội B-52H tiến hành nhiệm vụ đào tạo trước khi được triển khai tới vùng lân cận đảo Okinawa để diễn tập cùng với các chiến đấu cơ F-15C Strike Eagle”.
Hôm nay, các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố về Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Thông cáo của các ngoại trưởng 7 nước gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý có đoạn: “Chúng tôi vẫn còn quan ngại về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi tái tuyên bố sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với bất kỳ hành động đơn phương đẩy căng thẳng leo thang, phá hoại ổn định khu vực và trật tự”
Bê bối ở báo Tuổi Trẻ
Vụ nhà báo Anh Thoa: Công an đã nhận được đơn tố cáo của nữ CTV, theo báo Pháp Luật Net. Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, xác nhận rằng, cơ quan này đã nhận đơn tố cáo của cô T, CTV Ban Truyền hình Báo Tuổi Trẻ và là sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP HCM.
Trong đơn tố cáo, cô T khẳng định nhà báo Anh Thoa đã có hành vi xâm hại tình dục với cô tại nhà riêng của ông Anh Thoa ở quận Thủ Đức. Hôm nay, cô T sẽ đến cơ quan công an để làm việc, công an sẽ mời ông Anh Thoa lên lấy lời khai.
Nhà báo Huy Đức có bài: “Vấn đề” của Tuổi Trẻ. Tác giả cho rằng: “Thiếu kỹ năng để tự vệ trước nạn quấy rối tình dục hoặc tặc lưỡi chấp nhận không phải là những lựa chọn đúng đắn của người làm báo nhưng sử dụng quyền lực để đặt người lệ thuộc phải ‘quan hệ’ với mình là tội phạm. Loại tội phạm xuất hiện ở những nơi không coi nhân phẩm phụ nữ là quan trọng“.
Bắt tay doanh nghiệp để “ăn đất”
Vụ đàm phán hủy bán đất Phước Kiển: Quốc Cường Gia Lai đàm phán chưa thành, theo báo Kiến Thức. Nguyên nhân đàm phán không thành là vì Quốc Cường Gia Lai yêu cầu, “bên bán bồi thường thiệt hại bằng cách trả lãi, bù đắp trượt giá với khoản tiền mà hai bên đã giao dịch trước đây, vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng”.
Lãnh đạo Thành ủy TP HCM biết rằng, vụ bán rẻ đất công này không thể nuốt trôi được nữa, nên yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với Công ty Quốc Cường Gia Lai, hủy hợp đồng mua bán lô đất 32,2 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, nhưng Công ty Tân Thuận chưa thể chấp nhận đề nghị bồi thường do phía Quốc Cường Gia Lai đưa ra.  
Chuyện ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy – Hà Nội): Hàng nghìn mét vuông đất đang bị “xẻ thịt” cho thuê trái phép, theo báo Môi Trường và Cuộc Sống. Người dân sống tại ngõ 203 Hoàng Quốc Việt phản ánh rằng chính quyền địa phương để yên cho khu đất hàng ngàn mét vuông tại số 1 Nguyễn Văn Huyên bị “xẻ thịt” cho “các cá nhân, tổ chức thuê, sử dụng không đúng mục đích”.
Quan chức “ăn quỵt”
Chuyện ở Văn phòng UBND huyện Đông Giang: Lái xe tố bị “quỵt” tiền khi chở lãnh đạo về nhà riêng, theo báo Người Đưa Tin. Nhân viên lái xe của văn phòng HĐND và UBND huyện Đông Giang, gửi đơn đến các cơ quan chức năng, tố cáo rằng mình bị quỵt 72 triệu đồng, là số tiền công tác phí khi chở nhiều lãnh đạo huyện từ Đông Giang về nhà riêng ở TP Đà Nẵng trong một năm. 
Chẳng những bị ăn quỵt, mà còn bị chuyển công tác vì đã tố cáo kẻ quỵt tiền mình. Người tài xế này cho biết: “Là một nhân viên lái xe, tôi nhận nhiệm vụ theo chỉ đạo của văn phòng UBND huyện Đông Giang. Nhưng sau khi tôi phản ứng thì bị điều chuyển sang làm bảo vệ cơ quan”.
Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, ông Ngô Văn Đông khẳng định: “Không bao che” vụ cơ quan nhà nước nợ tiền ăn nhậu ở Đắk Nông, theo Infonet. Ông Đông nói: “Trước đây vì không biết vấn đề này, bây giờ biết rồi thì cứ theo quy định để làm, ai còn công tác sẽ xử theo chế độ công chức, ai là đảng viên nghỉ rồi thì xử lý theo đảng viên”.
Công an “nhân dân”
Hôm nay, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đề nghị điều tra người đăng clip ‘tố CSGT Hà Nội tiếp tay tháo đồ xe vi phạm’, theo báo Thanh Niên. Đơn vị này cũng “chính thức phát đi thông cáo phủ nhận việc tiếp tay tháo đồ của các xe vi phạm bị giữ tại bãi”, đồng thời đề nghị Công an TP Hà Nội điều tra và xử lý người đăng clip.
Đây là một trong những lý do khiến người dân khi muốn tố cáo tiêu cực thường chọn mạng xã hội, bên cạnh phương pháp truyền thống là gửi đơn, thư tới cơ quan chức năng. Vì nếu chỉ gửi đơn, thư phản ánh thì lực lượng an ninh thường “bịt miệng” người trong cuộc, nhưng khi thông tin đã lan truyền trên mạng xã hội thì phía an ninh, công an chỉ còn cách xử lý người truyền tin, vì không thể bưng bít, “bịt miệng” họ được.
Vấn đề tăng tuổi hưu
Trang Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi: Tăng tuổi nghỉ hưu vì lo vỡ quỹ? Bài viết nhận định: “Lấy lý do vỡ quỹ bảo hiểm xã hội để tăng tuổi nghỉ hưu là đi ngược với tính nhân văn của chính sách an sinh”. Thay vì tìm cách quản lý Quỹ BHXH cho hợp lý, những người có trách nhiệm chọn cách “bắt người lao động phải làm việc nhiều hơn nữa”.
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Bộ LĐ-TB-XH nói gì về đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu? Trong buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về BHXH hôm nay, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH cho biết: “Thời điểm này vẫn có nhiều phương án về tuổi nghỉ hưu. Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không sẽ do Trung ương xem xét quyết định và Quốc hội có ý kiến chính thức”.
Bê bối ở các ngân hàng
Các vụ tiền gửi ngân hàng bỗng dưng “bốc hơi” liên tiếp diễn ra. Trang Chất Lượng Việt Nam đặt câu hỏi: Tài khoản ngân hàng bị mất tiền trong đêm, luật sư nói gì? LS Đặng Văn Cường lưu ý: “Trong trường hợp khách hàng cho rằng mình không có lỗi trong việc để lộ thông tin tài khoản, thông tin bí mật [mật] khẩu… mà ngân hàng vẫn kiên quyết không chịu bồi thường thì khách hàng có quyền khởi kiện ngân hàng đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Nữ kế toán ngân hàng chiếm đoạt gần 83 tỷ đồng bị đề nghị án chung thân, theo An Ninh Tiền Tệ. Cáo trạng của Viện KSND Tối cao cho biết: Nhóm bị cáo trong vụ này là 6 cựu cán bộ của Ngân hàng Bản Việt, Chi nhánh Gia Định. Người đứng đầu là bà Trần Thị Thu Trang đã “lợi dụng chức vụ và quyền kiểm soát giao dịch của mình để chiếm đoạt tiền của ngân hàng”.
TAND TP Cần Thơ trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ thất thoát hơn 1.440 tỉ đồng tại Vietcombank Tây Đô, theo báo Thanh Niên. Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 4/2014, ông Nguyễn Minh Chuyển, cựu giám đốc Vietcombank Tây Đô đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa quá trình xét duyệt và ký 56 hợp đồng tín dụng cho vay “gây thiệt hại cho Vietcombank Tây Đô hơn 1.440 tỉ đồng đến nay không còn khả năng thu hồi”.
Cán bộ tiếp tay lâm tặc
Báo Người Đưa Tin có bài: Kỳ lạ kiểm lâm càng truy quét, lâm tặc càng hoạt động rầm rộ. Ông Tống Hoài Long, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm thị xã Ayun Pa, Gia Lai, khẳng định: “Ngày 23/4, hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Ia Sao thành lập tổ công tác tiến hành truy quét tại tiểu khu 1297 thuộc núi Chư Jú. Hiện tại, anh em vẫn đang làm nhiệm vụ truy quét trong đó”.
Theo lời ông Long, tổ truy quét của lực lượng kiểm lâm vẫn túc trực tại khu vực núi Chư Jú từ ngày 23 đến ngày 26/4. Tuy nhiên, “theo tìm hiểu của PV, trong thời gian tổ truy quét làm nhiệm vụ, lâm tặc vẫn hoạt động rầm rộ. Minh chứng là sáng 25/4 (PV ghi lại hình ảnh, clip), từng đoàn xe công nông ‘độ’, ‘chế’ vẫn hiên ngang vào rừng bốc gỗ chở đi”.
Vấn nạn “cát tặc”
Chuyện ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Kết luận vụ dân tố Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô bắt tay với cát tặc, theo báo Công Lý. Trước đó, người dân xã này phản ánh, tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Thủy cùng 4 công an xã có dấu hiệu bao che cho “cát tặc” khi để 2 tàu khai thác cát trái phép chạy thoát, chỉ giữ lại 2 tàu, trong đêm 8/4. 
Lãnh đạo công an huyện cho biết: “Không có cơ sở chứng minh ông Thủy và đoàn công tác bắt tay, ‘làm luật’ với các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Chu diễn ra tối ngày 8/4. Tuy nhiên quy trình xử phạt vi phạm hành chính là sai, đang kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm”
Ô nhiễm môi trường
Báo Lao Động đưa tin: Hàng trăm hộ dân khốn khổ dùng thứ nước sinh hoạt vàng đục như thế này. Hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân Quảng Nam phải sử dụng nước sinh hoạt ô nhiễm. Nước vàng, tanh, thối, người dân phải tự đào giếng để tìm nguồn nước sạch, nhưng nước giếng cũng không thể uống được. Cách đây hơn 10 năm, dự án nước sạch hơn nữa tỉ được thực hiện, nhưng nghiệm thu không đạt, nên người dân ở đây vẫn phải xài nước bẩn.
Hơn 70 người cùng nhập viện vì ngộ độc thuốc diệt cỏ, theo VOV. Các nạn nhân đều có các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nguyên nhân được xác định, do người dân uống phải nguồn nước ô nhiễm thuốc diệt cỏ. Người dân ở đây cho biết, họ dùng chung nguồn nước nước ở dưới chân các sườn núi.
Báo Thanh Niên có bài: Rác ‘tấn công’ khu di tích lịch sử! Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đào Duy Từ, trước đây sạch sẽ, cảnh quan đẹp nhưng hiện giờ “cả một đoạn bờ sông Kiến Giang dài gần 1 km tràn ngập đủ loại rác như bao bì, vỏ hộp, áo quần… và cả xác động vật. Mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc.” Trưởng thôn cho biết, nhiều lần kiến nghị lên cấp trên giải quyết, nhưng không ai xử lý.
Y tế xuống dốc
Thời báo Kinh Tế Việt Nam đặt câu hỏi: Trả lời chất vấn vụ VN Pharma, Bộ trưởng Y tế “quên” phần trách nhiệm cá nhân? Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về trách nhiệm cá nhân, trong việc để xảy ra những vụ bê bối như, VN Pharma, thuốc trị ung thư bằng than tre… Bà Tiến trả lời chất vấn bằng văn bản, gồm 3 phần. Trong đó không có dòng nào nhắc đến phần quan trọng nhất là trách nhiệm của bà.
Tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2017, có 11 đại biểu yêu cầu chất vấn Bộ trưởng Y tế về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng Quốc hội không quan tâm, nên bà Tiến không phải trả lời. Người đứng đầu ngành Y “chai mặt” khi ngành này liên tiếp xảy ra bê bối trong 2 nhiệm kỳ bà Tiến làm bộ trưởng. Nhờ hậu thuẫn của bộ máy mục ruỗng, nên bà không cần phải chịu trách nhiệm.
Làm ngơ cho kế toán và thủ quỹ chiếm đoạt tiền, Nguyên Giám đốc Sở Y tế Cà Mau chỉ bị cảnh cáo về mặt đảng, theo báo Thanh Niên. Số tiền bị chiếm đoạt khoảng 3 tỉ đồng. Sở Y tế Cà Mau đưa sinh viên đi học tại trường ĐH Y Dược Cần Thơ và thu hộ tiền học phí, nhưng kế toán và thủ quỹ Sở bỏ túi riêng. Là lãnh đạo, để thất thoát công quỹ, nhưng họ không bị truy cứu trách nhiệm, mà thoát tội bằng “kim bài miễn tử”: Đảng viên.
Giáo dục Việt Nam
Báo Dân Trí đưa tin: Vụ sai phạm tiền tỉ: Chuyển Hiệu trưởng sang trường khác làm nhân viên văn phòng. Vụ việc xảy ra tại trường THPT Hoàng Diệu, tỉnh Sóc Trăng. Từ năm 2015 – 2017, bà Phạm Ngọc Phụng giữ chức hiệu trưởng đã tham ô với số tiền 1,2 tỉ đồng. 
Số tiền trên bà Phụng cắt xén từ giáo viên, học sinh và tiền mua cơ sở vật chất. Ngoài tham ô, bà còn dính đến các sai phạm khác liên quan đến hành chính. Tuy đã rõ dấu hiệu hình sự, nhưng bà Phụng chỉ bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”. Sở Giáo dục và Đạo tạo Sóc Trăng giáng chức và chuyển bà qua trường khác làm nhân viên văn phòng.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Thêm 1 bảo mẫu cơ sở Mầm Xanh ở quận 12 bị khởi tố. Cho rằng quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, toà án quận 12 đã trả hồ sơ, điều tra lại và khởi tố thêm một bảo mẫu về tội hành hạ người khác. Trước đó, chủ cơ sở mầm non và một bảo mẫu đã bị khởi tố với cùng tội danh. Nhóm bảo mẫu này đã có hành vi “đánh vào người, đạp vào bụng, dùng dao gõ vào đầu, dùng vá đánh vào bụng hoặc phạt bằng cách cho đội chồng ghế nhựa lên đầu”, gây phẫn nộ trong dư luận.
***

Tin thế giới

Thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn
Khoảng 9h30′ sáng, giờ địa phương, hôm nay, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bước qua biên giới, gặp TT Nam Hàn Moon Jae-in. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Bắc Hàn, gặp lãnh đạo Nam Hàn ở bên kia vĩ tuyến 38 kể từ khi cuộc chiến hai miền Nam – Bắc tạm ngưng năm 1953.
Dù đây là lần thứ ba lãnh đạo hai nước gặp nhau, nhưng hai lần họp thượng đỉnh trước, năm 2000 và 2007, đều diễn ra ở Bắc Hàn. Video clip của VOA ghi lại thời điểm lịch sử hai nhà lãnh đạo gặp nhau:
CNN có bài: Kim Jong-un gọi “trang sử mới” khi thượng đỉnh hòa bình Triều Tiên bắt đầuChỉ một bước duy nhất, ông Kim Jong-un đã phá vỡ sự thù địch và thiếu tin tưởng trong nhiều thập niên, trở thành nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên băng qua lãnh thổ Nam Hàn kể từ năm 1953.
Khi đang đứng trong khu phi quân sự chia cắt hai miền và bắt tay TT Moon Jae-in, ông Kim nói với TT Nam Hàn rằng, ông cảm thấy sức nặng của cuộc gặp gỡ tại “địa điểm lịch sử như thế”. Ông Moon đáp lời: “Đây là quyết định rất can đảm của ông để đi tới nơi này“. Khi vào căn nhà Hòa Bình, ông Kim viết trong cuốn sổ lưu niệm, “trang sử mới bắt đầu bây giờ” và một thời đại hòa bình, tại điểm khởi đầu của lịch sử“.
Chính trường Mỹ
Đài NPR đưa tin: Trump thừa nhận Michael Cohen đại diện cho ông ta trong vụ trả tiền cho cô Stormy Daniels. Trước đó, ông Trump đã phủ nhận, rằng không có vụ ngoại tình với cô Daniels, tài tử phim X, tên thật là Stephanie Clifford, cũng như Trump không biết gì về vụ luật sư riêng Cohen đã trả cho cô này $130.000 để mua sự im lặng. Nhưng sau khi văn phòng của ông Cohen bị FBI lục soát, có lẽ ông Trump không thể chối được nữa, nên đành thú nhận.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.