Mất tiền
Mất tiền
Thạch Đạt Lang
Buổi sáng Chủ Nhật, một ngày đẹp trời. Đến thăm người bạn gái lâu ngày không gặp, vừa lúc cô xách giỏ đi chợ về, hai tay xách 2 giỏ khá nặng, mặt mày hớn hở, tươi rói. Thấy tôi còn ngồi trên xe, cô cười:
– Chào anh! Anh dắt xe vào nhà đi! Lâu quá mới gặp! Anh khỏe không? Ăn uống gì chưa? Ở lại chơi với em, em nấu cơm trưa anh ăn nhen?
Tôi bước xuống, dắt xe vào trong, nhìn cô:
– Cám ơn em! Đi chợ về có chuyện gì vui mà mặt mày hớn hở thế? Gặp người yêu à?
Cô bật cười lớn:
– Dạ không! Em mất tiền.
Câu trả lời của cô khiến tôi ngạc nhiên:
– Trời! Mất tiền mà cô cười vui như vừa hẹn hò, gặp gỡ người yêu! Mất nhiều không, không tiếc à?
– Dạ! Cũng nhiều anh! Năm trăm ngàn. Lương em có 8 triệu một tháng.
Tôi lắc đầu, nhìn cô:
– Mất 1/16 thu nhập hàng tháng, cô không tiếc, còn cười được. Hay thật!
Cô tròn mắt nhìn tôi, nụ cười vẫn không tắt trên môi, ngạc nhiên:
– Ủa? Chứ hổng lẽ bắt em phải khóc mếu máo, than thở, buồn rầu… mới thấy em biểu lộ đúng cảm xúc?
Chưa kịp tìm câu trả lời, cô liến thoắng nói tiếp:
– Em cũng tiếc chứ! Đồng tiền do mồ hôi, nước mắt mình làm ra, không tiếc sao được, anh? Nhưng tiếc là một chuyện, buồn bã hay khóc lóc có lấy lại được tiền không? Hôm nay đi chợ em quên mang kính. Trước khi vào hàng thịt, em có coi lại tiền, thấy còn 2 tờ 500.000, vài tờ 20.000 VNĐ.
Mua thịt hết 40.000, xong bước qua hàng rau, lựa rau vài phút, trả tiền, thấy chỉ còn có một tờ 500.000. Trở lại chị hàng thịt hỏi có đưa lầm không, chị nói không và mở hết túi đựng tiền cho em coi, chứng minh là không có tờ 500.000 nào trong số tiền của chị. Rồi chợt nhớ ra điều gì đó, chị vội vã đuổi theo một khách hàng vừa đi khỏi đó độ 50 m, trao đổi gì với người đó vài câu nhưng rồi quay trở lại lắc đầu.
Cô ngừng lại vài giây rồi tiếp:
– Em thấy chị hàng thịt hành xử như vậy là đủ, nó chứng tỏ được chị không gian dối. Mất tiền thì em tiếc nhưng cách xử thế của chị khiến em vui, nên cười. Trong xã hội hỗn loạn hiện nay, vẫn còn nhiều người dân lương thiện, thật thà, sẵn sàng chứng minh sự trong sạch, thẳng thắn của họ. So với cách hành xử, những phát biểu của quan chức, cán bộ, đảng viên dưới chế độ cộng sản VN hiện nay, khác nhau một trời một vực.
Đặt 2 giỏ đi chợ lên bàn, lấy ra những thực phẩm đã mua, sắp xếp bỏ vào tủ lạnh, cô quay nhìn tôi:
– Anh thử nghĩ có đúng không? Tiền mất hôm nay là do em lơ đãng, quên mang kính, lần sau cẩn thận, sẽ không mất nữa. Còn có những số tiền mà em, anh, và hơn 90 triệu người dân VN khác dù cẩn thận hay không, vẫn mất như thường. Không chỉ mất một lần mà mất hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… mất đau đớn, mất một cách tủi nhục, uất ức.
Biết mất mà không có cách nào ngăn chận, lấy lại mới đau. Bởi vì chúng nó lấy công khai tiền của mình để bảo vệ chúng nó bằng mỹ từ Thuế. Tại sao nộp thuế không phải để xây dựng đất nước, xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, bảo vệ biển, đảo, biên giới… mà lại xây dựng, bảo vệ đảng? Đảng CSVN là ai mà đứng trên dân tộc, đất nước? Láo xược, mất dạy đến thế là cùng.
Ở các nước khác, có ăn bánh mới trả tiền, còn tại VN, tại sao chúng nó bắt người dân phải trả tiền những cái bánh mà họ không ăn, như thuế BOT, thuế xăng dầu, thuế môi trường và hàng trăm, hàng ngàn thứ vô lý khác. Những số tiền thuế đó chạy đi đâu nếu không phải là một phần chạy vào túi chúng nó và các tư bản đỏ, còn lại được đem đi vung vãi, phung phí khắp nơi bằng những công trình bịp bợm như tượng đài, viện bảo tàng tội ác, kỷ niệm… hay dùng để thanh toán, trừ khử, tiêu diệt lẫn nhau?
Ai trả tiền bệnh viện, bác sĩ, tiền di chuyển cho Nguyễn Bá Thanh qua Mỹ chữa bệnh, ai thanh toán chi phí trong việc đưa gián điệp qua Đức bắt Trịnh Xuân Thanh? Chi phí cho vụ kiện thế kỷ bộn tiền bồi thường cho Trịnh Vĩnh Bình lấy từ đâu ra…? Tất cả đều từ những số tiền còm cõi của người dân vừa đau đớn, vừa căm giận giao nộp cho chúng nó. Sắp tới này chúng nó lại vung tay phung phí số tiền cướp được của người dân vào cái lễ kỷ niệm ăn cướp thành công ngày 30.04.1975.
Hơn thế nữa đến lúc thiếu tiền, những kẻ lấy tiền của em, của anh, của người dân còn trơ trẽn, mặt dạn, mày dầy kêu gọi chúng ta phải đồng cam, cộng khổ với chúng nó để trả nợ công. Thế mà chúng tự xưng là “chính phủ kiến tạo”. Chúng nó chỉ giỏi phá hoại chứ kiến tạo cái gì? Coi dân như những con vịt để chúng vặt lông, khinh thị hiểu biết của dân như rác, muốn nói gì thì nói. Ai lên tiếng phản biện, lập tức vu khống, chụp mũ, ghép tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng.
Quen thói côn đồ hành xử với dân, đem ra áp dụng với quốc tế, bị đấm vỡ mặt không chừa. Anh còn nhớ vụ Vietnam Airlines thời kỳ Phạm Xuân Hiển là tổng giám đốc, bị luật sư người Ý Maurizio Liberati kiện ra tòa Paris và qua 2 phiên tòa sơ và phúc thẩm, Hiển và Vietnam Airlines phải cay đắng xuất ra 5,2 triệu Euro để trả cho Liberati không? Tổ sư chúng nó! Tiền của dân chứ của cha ông chúng nó đâu mà chúng nó coi thường luật pháp quốc tế để phung phí vậy?
Nhục quốc thể. Đã thế lại không chịu học cách cư xử cho văn minh, tôn trọng công pháp quốc tế để bị thêm vụ Trịnh Vĩnh Bình. Vụ này mới lớn, tiền đòi bồi thường lên đến cả tỉ đô la Mỹ. Số tiền đó là 1/200 tổng sản lượng của 93 triệu dân năm 2016, là thu nhập bình quân của 500.000 người dân VN trong một năm.
Mất những số tiền đó mới đau, mới xót xa, giận dữ, chứ mất như em ngày hôm nay có gì đáng kể so với cái mất của cả một dân tộc? Nhịn ăn, nhịn tiêu môt chút thôi, rồi cố gắng đi làm cũng kiếm lại được. Còn những số tiền mất không đòi được kia lấy gì bù đắp? Có bắt những đứa công khai tham nhũng, ăn cướp của anh, của em, của dân trả lại được không?
Chúng ta bị mất tiền một cách cực kỳ vô lý, mất hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, năm này qua năm khác đã mấy chục năm qua nhưng có bao nhiêu người lên tiếng phản đối để đòi lại? Quá ít! Có nhiều đồng tiền thấy trước bị mất mà không sao ngăn chận được. Mất một cách oan uổng, thấy trước mắt mà không làm sao tránh được, mất trong giận dữ, căm phẫn, không nói thành lời.
Tôi ngồi im lặng, lắng nghe cô bạn nói một hơi dài. Cô bạn không buồn khi mất tiền cũng có lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.