Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Người trong một nước


Người trong một nước

27-4-2018

Ảnh: internet

Đây là cái bắt tay giữa hai nền chính trị đối nghịch nhau: dân chủ (tam quyền phân lập) và độc tài toàn trị (cộng sản) trên bán đảo Triều Tiên, nơi bị chia cắt thành Bắc Triều Tiên và Nam Hàn (Đại Hàn Dân Quốc) trong khoảng thời gian nội chiến từ năm 1950 – 1953.
Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Ja-in đã được Kim Jong-un mời sang thăm nhưng với một lời rào trước rằng: đất nước tôi với cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các phương tiện rất tồi tệ, có thể sẽ khiến ông không hài lòng và cảm thấy khó chịu. Nhưng ông Moon vẫn luôn niềm nở và coi đó là một niềm hy vọng của một sự khởi đầu tươi đẹp nhất từ trước cho đến nay.
Một đất nước bị chia cắt thành hai quốc gia sau chiến tranh, nhưng sau 68 năm dân tộc này lại tiến tới một sự hợp nhất về lãnh thổ và chủ quyền lẫn thể chế. Rõ ràng những khởi đầu này là một bước ngoặt hết sức tốt đẹp dành cho nhân dân đất nước này. Họ không cần nổ súng hoặc ăn mừng trên chiến thắng đối với đồng bào mình, họ coi nhân dân ở bên kia biên giới vẫn là người cùng dân tộc và lãnh đạo Hàn Quốc luôn cố tìm mọi cách để hoà hợp, hoà giải để thống nhất cả hai miền Nam-Bắc làm một nhà và cùng phát triển.
Còn chúng ta, có học được gì từ họ không? Khi năm nào một bên cũng coi chiến thắng đối với miền Nam là lịch sử và vĩ đại nhưng là trên xương máu đồng bào, còn một bên thất trận luôn sục sôi căm hờn với “ngày quốc hận” để oán thù? Tất cả những biểu hiện ấy chỉ đơn giản là của những tâm hồn ích kỷ, dân tộc hẹp hòi, cực đoan và không có tấm lòng và trí tâm vì tổ quốc thực sự.
Nước Mỹ cũng rơi vào chiến tranh hai miền Nam – Bắc, khiến nhiều triệu người chết và gây ra bao cảnh tang thương, chết chóc, nhưng sau khi giành quyền kiểm soát toàn liên bang, miền Bắc không ăn mừng chiến thắng vì với họ đó là cuộc nội chiến bất đắc dĩ cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt và cần để nó rơi vào lãng quên mau đi. Họ đối xử với những người thua cuộc như chính những người của bên thắng trận, những người hy sinh ở hai bên chiến tuyến vẫn được chôn cất cùng một nghĩa trang với nhau. Nước Mỹ không tổ chức ăn mừng ngày kết thúc tiếng súng thống nhất hai miền Nam – Bắc. Người Mỹ không để những người cùng một dân tộc bị phân biệt đối xử sau cuộc chiến và cũng không ai bị cải tạo về chính trị hay bị bắt bớ tù đày. Và nước Mỹ lại vĩ đại như nó vốn là như vậy ngay từ khi khởi sinh, bởi tinh thần quý tộc và đoàn kết Mỹ.
Còn trên đất nước chúng ta, năm nào cũng cất vang bài ca chiến thắng vang dội và vĩ đại trong những ngày cuối tháng 4, trong khi hàng triệu người vẫn cảm thấy đau thương và mất mát, vẫn rỉ máu trong tâm thức, những thế hệ vẫn tha hương và chất đầy những oán hận và cả những nỗi sợ hãi ám ảnh tột cùng. Những vết thương chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai vì bên thắng cuộc không dừng lại việc tôn vinh những thắng lợi trên sự thương đau của đồng bào mình, dù đã gần một nửa thế kỷ trôi qua. Làm sao có thể hoà giải khi day mãi vào nỗi đau của những người cùng một dân tộc? Trong khi, đất nước hiện giờ còn lâm vào bao thảm cảnh, nợ nần chồng chất, nghèo đói vây quanh, tham nhũng hoành hành và con người tàn ác với nhau.
Khi nào thì không quay đầu về quá khứ để làm tổn thương chính người trong dân tộc mình để có thể tập trung vào xây dựng đất nước phồn vinh và cường thịnh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.