Về vụ “đẩy” đồn biên phòng lấy đất cho dự án của FLC
26-4-2018
1. ĐỒN BIÊN PHÒNG LÀ “VĂN PHÒNG”?!
Đồn biên phòng có phải là một đơn vị có nhiệm vụ “phòng thủ, tác chiến” bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ, biên giới, biển đảo theo như quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Biên phòng? Hay chỉ là “văn phòng, cơ quan làm việc”, và “không phải là đất quân đội quản lý, hay cứ điểm, trận địa phòng thủ quốc phòng” như trả lời của ông Lê Viết Chữ – Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi trên báo Lao Động mới đây?!!
Khi vị Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi “than” trên báo Zing.vn cũng mới đây: “Hiện Đồn Biên phòng Bình Hải đường sá đi lại khó khăn, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm khiến cho cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt gặp nhiều khó khăn”, thì bản thân ông có quán triệt được nhiệm vụ chính yếu của Biên phòng là gì không? Đồn Biên phòng nên lựa chọn đóng tại vị trí hiểm yếu về quân sự, phòng thủ lẫn tác chiến, hay nên thoáng mát, gần chợ, gần nhà hàng, khách sạn, karaoke?!!
Nên tôi rất tâm đắc ý kiến của một bạn đọc bình luận ngay dưới bài này của Zing.vn (ngày 25.4.2018): “Các chiến sỹ biên phòng ở nơi đó thì giao thông cách trở, nguồn nước hiếm hoi gây khó khăn trong sinh hoạt của các chiến sỹ biên phòng, nhưng cảm ơn FLC đã không quản ngại khó khăn đến tiếp quản khó khăn đó thay cho họ để họ được về đóng đồn biên phòng trong phố cho thuận tiện trong mọi sinh họat và giao thông”!
Trước đó, ngày 22.4.2018, cũng chính Zing.vn đưa ý kiến của Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho biết “việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương”.
2. THỰC TẾ ĐỒN BIÊN PHÒNG BÌNH HẢI RA SAO?
Đồn biên phòng Bình Hải đặt tại thôn An Cường, nằm trên tuyến đường từ thôn Vạn Tường dẫn sang và tỏa ra thành tuyến đường hình chữ V để dẫn sang xã Bình Phú và Bình Hòa (Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Thực tế địa chất nơi đây rất khắc nghiệt, khi khoan xuống đất thì đều gặp đá lớn. Cả thôn An Cường chỉ có vài giếng có nước ngọt. Việc đào giếng và khơi nguồn nước ngọt rất khó khăn.
Nhưng từ gần 20 năm trước, việc “thiếu nước” ở ĐBP này đã không còn nữa. Bằng công trình đài nước dẫn từ xã Bình Hòa xuống đồn chưa đầy 1 km. Nước từ ĐBP Bình Hải hiện còn cung cấp ngược lại cho cả nửa thôn lân cận.
Còn về nền địa chất, dù khá khắc nghiệt với dân thường, nhưng lại chính là một lợi thế đặc biệt đối với việc xây dựng các công trình phòng thủ kiên cố mà bom không thể đánh sập. Có lẽ vì nơi có “núi ngầm” dưới đất nên trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn đã đặt một chốt lính ở vị trí của đồn biên phòng hiện nay. Đi dọc theo chiều dài bờ biển từ xã Bình Châu đến Bình Hải thì toàn bộ là các đồi cát. Riêng thôn An Cường là nơi được kiến tạo hệ thống gành đá hiểm trở kéo dài sang tận thôn Thanh Thủy.
Nếu xét về mặt vị trí chiến lược thì hầu hết các đồn biên phòng được xây dựng từ năm 1975 đều đã được các thế hệ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trận mạc lựa chọn vị trí.
Với ĐBP Bình Hải, dưới cặp mắt tính toán dày dạn, khôn ngoan của các chuyên gia quân sự của chính quyền cả cũ lẫn mới, thì không chỗ nào có thể thay thế vị trí này. Không phải ngẫu nhiên, năm 1965 Mỹ đánh Vạn Tường đã đặt chân lên đây đầu tiên.
3. CHÍN (9) NĂM, 3 THÁNG VÀ NẠN BIÊN PHÒNG “THUA” DỰ ÁN
Trả lời báo Zing.vn ngày 25.4, vị Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi cho biết “việc di dời Đồn Biên phòng Bình Hải không phải là quyết định mới mà ý tưởng có từ 9 năm trước”.
“Ý tưởng” từ 9 năm trước, sao đến ngày 29.1.2018, khi Chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký Quyết định phê duyệt xây dựng Đồn Biên phòng Bình Hải cũng ở vị trí cũ, mà BP tỉnh vẫn không có ý kiến?
Và bản thân Chủ tịch Trần Ngọc Căng, chính mình ngày 29.1.2018 ký Quyết định xây dựng mới ĐBP này, nhưng vì sao chỉ CHƯA ĐẦY 3 THÁNG SAU, ngày 18.4.2018, lại cho ra Thông báo “hỏa tốc” chỉ đạo làm thủ tục “đưa Đồn biên phòng Bình Hải đến vị trí khác phù hợp” để lấy đất giao cho FLC?!! “Nội lực” nào khiến thay đổi tư duy của chính mình nhanh và mạnh đến vậy?
Thực chất, việc Đồn Biên phòng phải nhường chỗ cho các dự án xảy ra không chỉ ở Quảng Ngãi.
Ngày 6.4 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng. Tại đây, Bí thư Đà Nẵng nhắc chuyện có biết việc đồn biên phòng Nam Ô đã di dời với vẻ xót xa, và nói: “Hôm trước tôi đi kiểm tra ở Nam Ô thấy có đồn biên phòng và được báo cáo là đã chuyển đi nơi khác để nhường đất cho dự án. Vậy thì câu chuyện bố phòng của chúng ta là có vấn đề đấy. Vị trí của các đồn biên phòng là thực hiện nhiệm vụ nên thành phố phải cân nhắc cho kỹ”.
Còn Đồn biên phòng Sơn Trà, hiện đã nằm thụt sâu vào bên trong, và bị che chắn ngay trước đồn là một khách sạn cao tầng đang xây dựng. Báo chí từng đề cập về việc này dẫn đến việc xây dựng khách sạn dừng lại một thời gian ngắn, sau đó tiếp tục đội tầng và lấn át luôn cả Nhà trưng bày Hoàng Sa ở bên cạnh.
Phát triển kinh tế nếu hài hoà với nhiệm vụ quốc phòng không việc gì phải bàn cãi. Nhưng chỉ vì quyết tâm lấy đất của biên phòng- quốc phòng để giao cho doanh nghiệp, mà tìm mọi cách hạ thấp vai trò, nhiệm vụ của Biên phòng, thì ở đây cho thấy tầm nhận thức chính trị thấp kém và sự lệch lạc về tư tưởng đáng lo ngại!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.