Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Campuchia chất vấn tuyên bố về Biển Đông trước thượng đỉnh Asean

Campuchia chất vấn tuyên bố về Biển Đông trước thượng đỉnh Asean 

28/04/2018
Bộ trưởng ngoại giao và đại diện các nước Asean chụp hình chung trong một hội nghị về chính trị và an ninh Asean, ngày 27 tháng 8, 2018, ở Singapore.
Campuchia là nước chất vấn nhiều nhất những điểm liên quan tới Biển Đông trong Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Asean sắp diễn ra, cho dù nước này không có tranh chấp hay lợi ích trực tiếp ở vùng biển này, theo phân tích của GS Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.
Theo bài viết của Giáo sư Thayer trên tạp chí The Diplomat, bản dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị đã bị rò rỉ trước thềm Thượng đỉnh Asean lần thứ 32 dự kiến được triệu tập vào ngày thứ Bảy 28/4 ở Singapore, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Asean.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 ở Phnom Penh, Campuchia, nước nắm chức Chủ tịch luân phiên, đã ngăn cản Asean ra Tuyên bố chung phản đối nội dung đề cập về Biển Đông. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, Asean không ra được một tuyên bố chung.
Lần này, Campuchia là nước dẫn đầu với bảy trong tổng số 44 chất vấn văn kiện này, theo sau là Philippines với ba chất vấn. Malaysia và Việt Nam mỗi nước đưa ra hai chất vấn, còn Indonesia và Singapore mỗi nước chỉ có một chất vấn. Brunei, Lào, Myanmar và Thái Lan không có ý kiến gì.
Những chất vấn này được ghi lại trong phần chú giải của bản dự thảo bị rò rỉ. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra sự ủng hộ, phản đối hay ý kiến khác về ngôn từ của dự thảo tuyên bố. Mười bảy chú giải trong số này liên quan đến các điểm về Biển Đông.
Trong số bảy điểm liên quan đến Biển Đông, có ba điểm là điểm 14, 19 và điểm 20 không hề gặp bất cứ ý kiến gì.
Điểm 15 đề cập đến ‘thảo luận chân thành’ về Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc ‘trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, bao gồm bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn. Cả Campuchia và Malaysia đều yêu cầu bỏ cụm từ ‘bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn’.
Điểm 15 viết: “Chúng tôi lưu ý những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp đảo và việc leo thang các hoạt động trong khu vực, xây đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và triển khai khí tài quân sự trong vùng tranh chấp…” Philippines yêu cầu phải nhấn mạnh là ‘quan ngại sâu sắc’ và ‘xây đảo nhân tạo ồ ạt’. Trong khi đó, Campuchia yêu cầu giữ lại câu từ gốc. Nói cách khác, Phnom Penh tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của những lời lẽ trong văn kiện.
Điểm 16 tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông và các chuyến bay trên bầu trời Biển Đông”. Campuchia đặt dấu hỏi về từ ‘an toàn’ và cho biết họ sẽ quay trở lại điểm này.
Kế đó, điểm 16 kêu gọi ‘tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý’. Campuchia kêu gọi gạch bỏ câu này trong khi các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Việt Nam đòi giữ lại. Đây là điểm thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Asean – gắn kết các tranh chấp trên Biển Đông với phán quyết của Tòa án quốc tế, mặc dù chỉ gián tiếp.
Điểm 17 ghi là “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong cách tiến hành các hoạt động, bao gồm việc bồi đắp đảo vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình và tranh chấp và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.” Lập trường của Campuchia là Asean không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên.
Tiếp đó, điểm 17 ghi là: “Chúng tôi khẳng định cam kết của Asean đối với việc thực thi đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.” Philippines và Việt Nam yêu cầu phải thêm vào câu sau đây: “Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập dựa trên Phụ lục VII của UNCLOS.” Lập trường này của Manila là đáng ghi nhận vì Tổng thống Duterte của nước này đã từng tuyên bố ông sẽ không gây áp lực Trung Quốc thực thi phán quyết.
Cuối cùng, Campuchia chất vấn toàn bộ điểm 18 và nói rằng họ sẽ quay trở lại điểm này. Điểm 18 ghi là: “Chúng tôi nhấn mạnh sự khẩn cấp phải tăng cường các nỗ lực để đạt thêm bước tiến thực chất trong việc thực thi DOC [Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông], nhất là Điều 4 và Điều 5 trong Tuyên bố này, cũng như là các cuộc đàm phán thực chất để sớm hoàn thành COC bao gồm phác thảo và lịch trình của COC.”
Điều 4 được nhắc đến ở trên kêu gọi giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình mà không phải đe dọa sử dụng vũ lực thông qua tham vấn và đàm phán của các bên liên quan trực tiếp trên cơ sở của luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS.
Điều 5 được nhắc đến ở trên kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế trong các hoạt động “có thể làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
Điểm 19 và điểm 20 trong Dự thảo Tuyên bố không bị chất vấn. Điểm 19 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa trong quá trình thực thi DOC “một cách đầy đủ” và “sớm thông qua một bộ COC có hiệu lực”. Điểm 20 nhắc lại yêu cầu cần thiết lập đường dây nóng giữa ngoại trưởng các nước để xử lý các trường hợp khẩn cấp trên biển và hoan nghênh việc thông qua thông cáo chung về việc tuân thủ CUES (Quy tắc ứng xử trong trường hợp Chạm trán không định trước trên Biển).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.