Sài Gòn và chính quyền đô thị
25-4-2018
Tại sao trong thời đại ngày nay mà vẫn có các nhà lãnh đạo tư duy theo lối “trung tâm hành chính”. Thế cái “Chính quyền đô thị” mà mấy năm ngay quý vị vẫn bàn là cái gì. Đó là một chính quyền được xây dựng để giải ngân các dự án văn phòng hoành tráng cho quý vị hay đó là một chính quyền cung cấp nhiều tiện ích cho dân.
Điều mà người dân ở một đô thị lớn như Sài Gòn cần không phải là mấy cấp, là bí thư có kiêm chủ tịch hay không mà chỉ là những vấn đề rất cụ thể: Khi một chung cư bị cháy bao nhiêu lâu có xe cứu hoả; khi một tên cướp đang uy hiếp một người dân, mấy phút có cảnh sát; một cụ già bị đột quỵ, mấy phút có xe cứu thương; phải đi bao xa để tới một nơi đăng ký kinh doanh, nộp thuế…
Toà thị chính chỉ cần vài trăm người làm việc thôi vì đó là nơi hoạch định chính sách địa phương. Còn các dịch vụ hành chánh công thì phải đưa về các địa bàn dân cư. Trưởng các văn phòng dịch vụ hành chánh này cứ theo phép công mà làm, không để bí thư, chủ tịch nào can thiệp.
Chỉ khi mục tiêu tiếp cận là dân thì mới tìm được một mô hình chính quyền tinh gọn, hữu hiệu và giảm thiểu sự nhũng nhiễu. Và, nếu tiếp cận theo cách này thì Chính quyền thành phố chỉ cần một ông thị trưởng, một ông phó thị trưởng lãnh đạo các văn phòng cung cấp dịch vụ hành chánh công. Các giám đốc sở trở thành các trợ lý thị trưởng về chuyên ngành (mỗi trợ lý có một đội ngũ chuyên gia chuyên môn & chính sách). Hội đồng nhân dân chỉ cần 45 người miễn là thực quyền và thật sự dân bầu.
Với mô hình đó thì Sài Gòn chỉ cần chừng 5 quận và các huyện ngoại thành. Các quận thì không cần phường mà như đã nói ở trên, chỉ cần các đồn công an, trạm y tế và trường học… Đừng đập phá những giá trị đã được lưu giữ hàng trăm năm nữa, hãy bắt đầu làm cái gì đó thực sự tốt đẹp cho người dân Sài Gòn đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.