Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Tháng Tư, nghĩ lại…


Tháng Tư, nghĩ lại…

30-4-2018

Ảnh trên: Người lính Bắc Việt Nguyễn Huy Tạo (trái) và anh lính VNCH Bùi Trọng Nghĩa (phải) chụp năm 1973. Ảnh dưới bên trái: Hai người lính đó đã gặp lại nhiều năm sau. Ảnh dưới bên phải: Kim Jong-un và Moon Jae-in, lãnh đạo Bắc – Nam Hàn. Ảnh: internet

Bạn già bảo: “Đừng viết về 30/4/1975 nha em. Viết góc nhìn Việt Cộng, “bên kia” chửi mày. Viết về VNCH thì “bên này” chửi mày! Viết khách quan, có khi “hai bên” chửi!”
Ok! Tôi viết về Hoàng Sa, Trường Sa và Bàn Môn Điếm vậy.
Tháng 1/1974, Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã vị Trung Quốc xâm chiếm. Kế hoạch tấn công giành lại Hoàng Sa bằng máy bay F5 đã được thông qua. Phi đội máy bay F5 đã tập kết tại Đà Nẵng nhưng rồi không tấn công. Lý do là có 1 cuộc điện đàm Saigon- Washington…
Tháng 3/1988, nhiều đảo ở Trường Sa của nước CHXHCN Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm. Điểm nhấn đau thương chính là cuộc thảm sát của giặc Tàu với các chiến sĩ đảo Gạc Ma. Hạm đội Nga ở Cam Ranh dư sức đập tan những tàu chiến cũ kỹ của Tàu nhưng chính quyền Moscow thì không, vì họ “thay đổi đường lối ngoại giao”…
Chính quyền Mỹ đối với Việt Nam Cộng hòa hay chính quyền Tàu, chính quyền Nga đối với CHXHCN Việt Nam đều giống nhau: đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên hết. Chỉ có người Việt thiệt thòi!
Khi 2 nguyên thủ Bắc Hàn và Nam Hàn cùng đến Bàn Môn Điếm, lịch sử bán đảo Triều Tiên đương đại đã sang trang mới. Sẽ không còn cảnh “nửa nước này giết nửa nước kia để lập chiến công” khi 2 bên hòa hợp. Nó khác hẳn 20 năm nồi da xáo thịt (1955-1975) của Việt Nam rất xa!
Nhà báo Huy Đức- đàn anh đồng nghiệp của tôi- khi vừa viết xong Bên Thắng Cuộc đã hỏi tôi: “Ấn, mày tin dân tộc có số phận không?” Tôi nghĩ là có! Số phận do con người của dân tộc ấy tạo ra, nhất là những quyết định của nhà cầm quyền. Lấy 1 ví dụ: Nếu 30/4/1975 không kết thúc cuộc nội chiến mà kéo dài đến 1980 như “đề nghị” (khốn nạn) của “bạn vàng” với Việt Cộng thì máu còn đổ nhiều nữa, tiềm lực đất nước còn tan nát nữa.
Nếu cần thiết có một ngày quốc hận, hãy hận những kẻ coi Việt Nam là bãi thử vũ khí nhân danh chủ thuyết họ theo đuổi! Hãy hận “sự ngây thơ lịch sử” và những lựa chọn sai lầm mang tính thời cuộc.
Tháng Tư. Nghĩ lại, thấy đất nước mình đâu phải chỉ một lần nội chiến. Và nghĩ sâu hơn, người Việt chỉ có 2 kẻ thù truyền kiếp. Kẻ thù thứ hai được lịch sử chỉ ra tính bằng ngàn năm. Kẻ thù đầu tiên chính là sự ngu muội của một dân tộc mà sát tính không chỉ dành cho kẻ thù mà cho cả đồng bào mình.
Tháng Tư. Nghĩ lại đi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.