Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Bản tin sáng 24-4-2018

Bản tin sáng 24-4-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông
Bộ NN-PTNT Việt Nam cho rằng yêu cầu của Trung Quốc về cấm đánh cá trên Biển Đông là không giá trị, theo Zing. Trước đó, Bộ NN-PTNT của Trung Quốc ra văn bản yêu cầu “ngừng đánh cá từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 trên Biển Đông. Vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”
Bộ NN-PTNT Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành, báo cho ngư dân biết về thông báo của Trung Quốc và khẳng định, “việc Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị”. Tuy nhiên, không rõ bộ này có đề nghị Hải quân VN và Cảnh sát biển giúp bảo vệ ngư dân hay không.
RFI dẫn lời Đô đốc Mỹ: Biển Đông đang bị Trung Quốc khống chế. Bài viết trích dẫn các ý từ bài “Các hòn đảo quân sự Trung Quốc giờ đang kiểm soát Biển Đông” đăng trên báo Mỹ Washington Free Beacon, trong đó trình bày ý kiến nhận định của đô đốc Philip Davidson về tình hình Biển Đông:
“Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa… Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông”.
Quan hệ Việt – Trung
Báo Đại Đoàn Kết có bài: Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Hôm qua, một đoàn đại biểu từ TP Thượng Hải của Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Đoàn đã được ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch và là Tổng Thư Ký UBTW MTTQ Việt Nam đón tiếp tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ tình hữu nghị: “Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng, hữu nghị với Đảng, Nhà nước, Chính hiệp và nhân dân Trung quốc”.
Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hầu A Lềnh trao đổi cùng ông Châu Hán Dân – Ủy viên Thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc – Phó Chủ tịch Trung ương Hội dân chủ Kiến quốc – Phó Chủ tịch Chính hiệp thành phố Thượng Hải. Ảnh: ĐĐK
Nhân quyền ở Việt Nam
LS Nguyễn Khả Thành cho biết, hôm nay nhà cầm quyền CSVN sẽ mở phiên tòa phúc thẩm, xử nhà hoạt động Hoàng Đức Bình tại TAND tỉnh Nghệ An. Trước đó, ngày 6-2-2018 trong phiên xử sơ thẩm, ông Bình đã bị tuyên án 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ“, 7 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân“. Tổng cộng 14 năm tù.
Anh Hoàng Nguyên, em trai Hoàng Bình vừa báo tin cho một cộng tác viên Tiếng Dân biết, gia đình đã được vào tham dự phiên toà. Do an ninh không cho mang điện thoại vào, nên hai bên đã không còn liên lạc được nữa.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình. Ảnh: HRW
RFA có bài: Xử phúc thẩm nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình. Tối 23/4, LS Nguyễn Khả Thành cho biết: “Hồi sáng khoảng 9h tôi vào trại giam thì Bình vẫn vui vẻ, tinh thần rất tỉnh táo… Lần trước sơ thẩm, trong biên bản phiên tòa, các luật sư bảo là Bình không phạm tội chống người thi hành công vụ, kể cả tội thứ hai cũng vậy nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận”.
Bài viết lưu ý: “Kể từ khi anh Bình bị bắt vào tháng 5 năm ngoái tới nay, gia đình anh không thể thăm gặp và họ lo ngại cho tình trạng sức khỏe của anh”. LS Hà Huy Sơn cho biết sức khỏe của anh Bình vẫn bình thường, “chỉ có điều trông anh gầy hơn trước và bị chứng đau lưng”.
Quyền lực đang bị bỏ trống
Phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính: Nguyên tắc là không để trống quyền lực, theo báo Lao Động. Ông Chính nói: “Nguyên tắc là không để trống quyền lực, vì vậy cần nghiên cứu và chuẩn bị đề xuất để thực hiện theo hướng, Đảng bộ chính quyền cũ phải tổ chức bầu được Đảng bộ chính quyền mới theo luật nhà nước và theo quy định của Đảng. Chuyển giao không có xáo trộn”.
Ông Chính nói tới quyền lực ở các đặc khu trong thời gian tới, nhưng còn quyền lực ở Trung ương hiện nay đang bị bỏ trống. Trường hợp người đứng đầu đất nước là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đã biến mất khỏi radar hơn hai tuần qua, vẫn không nghe ông Chính nhắc tới. Những câu hỏi mà cư dân mạng nêu ra như, sức khỏe Chủ tịch nước ra sao? Liệu ông có thoát khỏi “cái lò” của cụ Tổng bằng cách đi chữa bệnh, hay sẽ bị biến thành củi?
Kinh tế Việt Nam: U ám
Chính phủ sẽ chi 11 tỷ USD trả nợ năm 2018, theo VnExpress. Dự kiến năm nay, chính quyền CSVN sẽ tiếp tục vay 384.000 tỷ đồng (khoảng 16,8 tỷ USD). Số nợ trả trong năm nay khoảng 257.000 tỷ đồng (gần 11,3 tỷ USD), gồm: trả trực tiếp 256.769 tỷ; trả nợ các dự án vay lại 18.561 tỷ đồng. So với 2017, số nợ sẽ phải trả năm 2018 tăng hơn 18.760 tỷ đồng.
Số nợ vay 384.000 tỷ đồng (khoảng 16,8 tỷ USD) để trả nợ, gồm vay trong nước 275.970 tỷ và nước ngoài 108.030 tỷ đồng. Số vay để trả nợ của chính phủ tăng hơn 20.710 tỷ đồng.
Blogger Phương Thơ có bài: Những phát biểu cuồng ngôn trong kinh tế học của quan chức VN, và hậu quả họ đang chuốc lấy thất bại. Bài viết bàn chuyện lãnh đạo CSVN khoe khoang “thành tích” qua một số hiệp định kinh tế, gần đây là vụ giới chức Bộ Công thương, rồi cả Thủ tướng và TBT trích dẫn thống kê của Tổng Cục thống kê VN, khẳng định rằng “trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của VN đạt kỷ lục cao nhất chưa từng thấy khi lớn hơn 200% của GDP năm 2017 là 220 tỷ USD”.
Tác giả chứng minh, đây là thông tin bịa đặt và không hề có, ngay cả với các cường quốc về nhập khẩu. Năm 2017, GDP của nước Mỹ là hơn 19.000 tỉ USD, nhưng mức nhập khẩu chỉ gần 3000 tỉ USD. Trong khi đó, “VN thì nhập khẩu nhiều gần như bằng 100% của GDP, nhưng dự trữ ngoại hối thì cực kém”.
Lo ngại về quỹ Bảo hiểm xã hội vỡ, không thể kiểm soát, Việt Nam đang Đề xuất nâng tuổi hưu nam lên 62, nữ 60, theo báo Người Lao Động. Có hai phương án tăng tuổi hưu, Phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm nâng thêm 3 tháng. 
Phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng. Chính phủ nghiêng về phương án này. Ngoài ra BHXH còn tích cực vận động người dân tham gia: “Tại sao còn hơn 300.000 DN đang hoạt động mà không tham gia BHXH?”.
Blogger Phương Thơ bàn về câu chuyện “Đề xuất nâng tuổi hưu nam lên 65 tuổi, nữ 60 tuổi”. Tác giả lưu ý chuyện ông Đào Ngọc Dung “gian lận thi cử, bị lập biên bản và hội đồng tuyển sinh sau đại học của trường Học viện Hành Chính quốc gia trừ 50% số điểm”, nhưng lại trở thành lãnh đạo của Bộ LĐ-TB-XH, có vai trò rất quan trọng trong chuyện đảm bảo sự ổn định kinh tế – xã hội. 
Về bản chất, chuyện nâng tuổi hưu chỉ là giải pháp bắt buộc mà lãnh đạo CSVN phải chọn lựa để duy trì Quỹ BHXH. Tuy nhiên, chuyện này còn để lại một tiền lệ nguy hiểm là những kẻ không có năng lực lại được “bám ghế” lâu hơn, điển hình là những kẻ thiếu trình độ. Trong khi ở các nước phát triển, “có những quốc gia cả một thập kỷ tức là 10 năm thì họ cũng chưa khi nào tùy tiện nói tới vấn đề này”.
Xăng dầu lại tiếp tục tăng giá: Xăng giữ giá, dầu hỏa tăng thêm 500 đồng một lít. Trong kỳ điều hành giá hôm 23/4, các mặt hàng xăng chưa tăng giá, dầu diesel 0.05S tăng 380 đồng/lít, dầu hỏa tăng 500 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 407 đồng/kg. Bộ Tài Chính và Bộ Công thương cho biết, việc tăng giá là theo “cơ chế thị trường”. Giá dầu tăng sau khi đã thích quỷ bình ổn. Tuy nhiên quỷ bình ổn thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, còn bao nhiêu thì không ai biết.
Quan chức “bắt tay” doanh nghiệp
VOA bàn về nhiều nghi vấn trong vụ ‘thâu tóm’ đất của Quốc Cường Gia Lai. Về vụ Công ty Tân Thuận bán rẻ đất công sản cho Quốc Cường Gia Lai, bài viết nhận định: “Khu Phước Kiển có vị trí đẹp ở gần sông Sài Gòn. Báo chí đưa tin khu vực này sau khi xây dựng hạ tầng, giá đất nền lên tới trên 40 triệu đồng/m2. Điều đó càng làm tăng những nghi vấn về giao dịch bị cho là ‘thiếu minh bạch’.”
GS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TNMT bình luận với VOA: “Lúc này cần phải điều tra liệu có tham nhũng giắt vào vụ chuyển nhượng này không, bởi vì cái biểu hiện của nó là giá đất hai bên thống nhất với nhau thấp hơn giá đất thị trường. Có thể là có phần tiền nào đó đặt ngoài hợp đồng trao tay với nhau. Nếu mà đã xảy ra như thế, thì chắc chắn là sai về mặt tham nhũng”.
Báo Tiền Phong có bài: Cận cảnh dự án tai tiếng được bà Phó Bí thư Đồng Nai chống lưng. Đó là dự án Khu Dân cư dịch vụ thương mại Phước Tân, thuộc bán đảo Cường Hưng do chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, làm giám đốc. Lúc còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bà Thanh đã “chống lưng” cho chồng và ký duyệt sai quy định để hỗ trợ cho Công ty Cường Hưng.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai “bãi bỏ các văn bản trái quy định” và “xử lý toàn bộ các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu giả mạo của Công ty Cường Hưng đồng thời tạm dừng các hoạt động về đầu tư xây dựng cơ bản”
Chuyện ở TP Cần Thơ: Sai phạm đất đai hàng loạt tại quận Bình Thủy mang tính đường dây, theo báo Lao Động. Thanh tra TP Cần Thơ nhận định: Hàng loạt sai phạm trong vấn đề “phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan…, không những có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn có dấu hiệu cho thấy có đường dây đứng sau các sai phạm mang tính có hệ thống này”.
Bị đe dọa do tố cáo tiêu cực
Chuyện ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội: Điều tra “quan xã” dọa giết người vì bị tố tiêu cực, theo báo Kiến Thức. Bài báo cho biết: Ông Nguyễn Trung Dật, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, “đã đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đất đai, kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên sau đó, ông Dật đã bị ông Nguyễn Trung Chi – Chủ tịch UBND xã Canh Nậu đe dọa giết”.
Ông Dật sau đó đã gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng của huyện, rồi cả TP Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, nên ông Dật gửi đơn lên Thủ tướng. Ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất xác nhận chuyện này và cho biết công an huyện đang điều tra sự việc.  
Vấn nạn “đất tặc”, “cát tặc”
Chuyện ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa: Chống lại lệnh cấm của Chủ tịch huyện, Công ty TNHH Bắc Giang vẫn khai thác đất vào ban đêm, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Công ty này đã cố tình “đào sâu hơn cho phép gấp hàng chục lần, để lấy đất mang đi bán bỏ túi riêng. Không những thế, việc đào sâu hơn cho phép đã mang đến nhiều hệ lụy: Môi trường bị phá hủy, mất an toàn cho các em nhỏ”.
Khi được hỏi về vụ Công ty Bắc Giang đưa 2 máy xúc và hàng chục xe tải đến lấy đất vào đêm 20/4/2018, ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Bắc trả lời: “Hiện nay toàn bộ Cán bộ UBND xã đang đi du lịch”.
Môi trường ô nhiễm
Chuyện ở xã Khánh Thượng (Ba Vì, TP Hà Nội): Nước thải chăn nuôi lợn “nhuộm xanh” nước sông Đà, theo báo Môi Trường và Cuộc Sống. Các hộ chăn nuôi heo thuộc huyện Ba Vì xả thẳng nước thải chưa qua xử lý qua sông Đà. Người dân xung quanh nhiều năm nay phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi và nguy cơ chết sớm vì bệnh tật. 
Một người dân cho biết, “ngày nào gió từ ngoài sông thổi vào thì chúng tôi chỉ có đóng cửa ở trong nhà vì mùi hôi thối. Ruồi, muỗi thì tăng lên mỗi ngày, chúng tôi phải sử dụng hơn chục vỉ keo dính ruồi và có những hôm ăn cơm phải ngồi kín không ruồi bay vào mâm cơm không ăn nổi”. 
Báo Tiền Phong có bài: Sông Thị Tính… “hấp hối”. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất giấy quy mô lớn ngày đêm xả thải trực tiếp, bức tử sông Thị Tính. Nước sông đóng váng, bốc mùi nồng nặc. Người dân sống bên sông cho biết: “Mùi hôi cứ xông thẳng lên mũi khiến dân chúng tôi không chịu được… Những lúc trời mưa, bọt nước trắng xóa trên sông kèm mùi khó chịu khiến chúng tôi khiếp sợ”. 
Dọc dòng sông, nhiều công ty lắp đặt hệ thống cống lộ thiên, xả thải ngang nhiên giữa ban ngày. Mặc dù các doanh nghiệp thừa nhận với báo chí rằng họ có xả thải ra sông, nhưng chính quyền địa phương quả quyết không có: “Không có chuyện trên địa bàn có doanh nghiệp xả thải ra sông. Nếu có thì phía công an môi trường đã xử lý hết rồi”. Cho nên câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn đúng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói…” 
Kiếp làm nông
Báo Đắk Lắk có bài: Nông dân Ea Hu “vàng mắt” vì nghệ. Một nông dân chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng tiêu và cà phê, nhưng năm ngoái giá tiêu rớt thấp, lại chết do bệnh nên tôi tận dụng đất trống để trồng nghệ… Thế nhưng đến thời kỳ thu hoạch mà không ai mua. Để lâu dưới đất thì củ bị hư, mà đào lên thì tốn công và cũng chẳng biết làm gì”.
Bài viết lưu ý: “Người dân đổ xô trồng nghệ là do các năm trước giá tăng cao, nhiều người giàu lên từ nghệ. Năm nay, thương lái thu mua nghệ với giá chỉ 3.000 đồng/kg nhưng không đến tận nơi mà yêu cầu người dân phải tự vận chuyển đến đại lý thu mua”.
Giáo dục Việt Nam
VOV đưa tin: Vụ cô giáo bắt học sinh “ngậm dép”: Hiệu trưởng lên tiếng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Lô cho biết, vụ một giáo viên môn tiếng Anh bị tố cáo phạt học sinh bằng cách “ngậm dép” chỉ là hiểu lầm. Hiệu trưởng nói rằng, “thực chất nữ giáo viên dạy tiếng Anh lớp 1/3 chỉ phạt 2 học sinh nói chuyện riêng trong lớp phải bỏ dép lên bàn chứ không bắt các em ngậm dép như thông tin phản ánh của phụ huynh”. Mặc dù hiệu trưởng nói chỉ là “hiểu lầm”, nhưng trường lại kỷ luật cô giáo trên!?
Buộc thôi việc thầy giáo bị tố dâm ô học sinh rồi quay clip, theo báo Công Lý. Phòng Giáo dục huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết, họ đã ra quyết định buộc thôi việc đối với một thầy giáo có hành vi dâm ô học sinh trong suốt 4 năm. 
Trước đó, nhiều phụ huynh đã tố cáo giáo viên T. “sờ mó, thậm chí ngắt, nhéo những chỗ nhạy cảm của các em học sinh nữ”. Nhưng Các em học sinh không dám tố cáo hành vi của giáo viên T. vì có lấy điện thoại quay clip nên sợ thầy đưa lên mạng xã hội.
Báo chí trong nước đồng loạt đưa tin: Cảnh báo sinh viên về “Hội Thánh Đức Chúa Trời”Một số trường đại học, cao đẳng đã ra thông báo khẩn yêu cầu sinh viên cảnh giác trước sự lôi kéo của nhóm người tự xưng thuộc “Hội Thánh Đức Chúa Trời”. Bộ Giáo dục cũng yêu cầu Bộ Công an phối hợp tìm hiểu, ngăn chặn sinh viên, học sinh bị lôi kéo.
Sex trong Giải thưởng Sách Quốc gia
Về cuốn tiểu thuyết “Chim ưng và chang đan sọt”, hôm 19/4 đã nhận được giải C của Giải thưởng Sách Quốc gia 2018, nhưng sau đó đã bị cư dân mạng phản đối vì trong sách có đoạn mô tả cảnh sex dung tục, là cảnh ân ái giữa Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Cuốn sách này cũng đã từng đoạt giải B cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011 – 2015 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc viết: “Đây là một trang tả cảnh làm tình như sách sex, gợi dục như phim sex của một cuốn sách vừa được trao giải Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất vừa được tổ chức tại Thư viện quốc gia Việt Nam, Hà Nội… Không hiểu Ban giám khảo làm gì suốt ba tháng liền để rồi đi trao giải cho một cuốn có những đoạn văn dâm ô và bóp méo hình ảnh những danh nhân của xứ Việt“.
Trang sách mô tả cảnh sex thô tục. Ảnh: FB Nguyễn Đình Bổn
Nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết: “Yêu cầu ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản, và cái gọi là Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia gồm 22 thành viên, trong đó có những ông như Trần Đăng Khoa, giải trình trước công luận vì sao trao giải cho cuốn sách có những trang bẩn thỉu mô tả về chuyện giao cấu nam nữ (mà đây là các nhân vật lịch sử thời Trần). Các ông muốn gì? Đầu độc thế hệ thanh thiếu niên để dễ cai trị chăng?
Báo Tuổi Trẻ có bài: Chim ưng và chàng đan sọt có nhiều chi tiết sex thô tục. “Trên facebook cá nhân, một số ý kiến cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết dơ vì viết về chuyện làm tình một cách thô bỉ, thua cả các trang web đen. Tính dục trong văn chương là bình thường, nhưng viết theo cách như vậy chỉ làm bẩn tính dục, bẩn mắt người đọc. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng đây là sách khiêu dâm“.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nói với báo Dân Trí: “Cách thể hiện của tác phẩm này có chút gì đó quá hiện đại và hơi suồng sã. Đó chính là lý do người đọc không dễ dàng thẩm thấu phân đoạn đó của tác phẩm”.
Nhưng Trưởng tiểu ban sách văn học của giải thưởng Sách quốc gia 2018, ông Nguyễn Phan Hách, cho rằng: “Nếu muốn sạch vô trùng thì làm sao tiểu thuyết nó hay được. Văn chương như nước tinh khiết là từ thời mình còn khắt khe, còn bây giờ mình đổi mới rồi chứ”.
***
Thêm một số tin Việt Nam: Đảo Kuku, bài 2: 39 năm đằng đẵng lời hẹn quay về… (BBC). – Việt Nam Cộng hòa có thật sự thua trận? (RFA). – Trục xuất người Việt tại Mỹ: Rắc rối pháp lý và ngoại giao (RFI). – Đức xử nghi phạm vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ (BBC). – Xe biển xanh vô tư ‘phi’ vào đường ngược chiều Bà Triệu (TP). – Thiếu chuyên nghiệp (TN). – Xã Kim Lũ, Sóc Sơn: Ai “chống lưng” cho dân chiếm dụng hành lang bảo vệ đê để xây dựng trái phép? (TN&MT). – Phú Mỹ Hưng: Thỏa thuận hợp đồng dân sự một đằng, thực hiện một nẻo?(GĐ&PL). –  “Cà phê pin” và sự mất bình tĩnh của cộng đồng. – Thủ tướng: Loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT (LĐ).

Tin thế giới

Chính trường Mỹ
Báo Bloomberg có bài: Hồ sơ về chuyến bay soi sáng bí ẩn những đêm của Trump ở Moscow. Theo ghi chép của ông Comeycựu Giám đốc FBI, TT Trump đã hai lần cung cấp chứng cứ ngoại phạm, liên quan tới cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2013 ở Moscow: Ông không bao giờ qua đêm ở Nga trong chuyến đi đó.
Nhưng báo Bloomberg đã thu thập được các thông tin chi tiết, rằng ông Trump đã qua đêm ở Moscow từ thứ Sáu ngày 8/11/2013 đến sáng Chủ Nhật 10/11/2013, như tin tức đã đưa. Và nó được chứng minh bằng các bài đăng trên mạng xã hội, cho thấy ông Trump đã ngủ ở Moscow vào đêm trước cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Hiện Nhà Trắng và Trump Organization vẫn chưa đưa ra bình luận khi được hỏi về vấn đề này.
Về những bê bối của Scott Pruitt, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và là nhân vật thân cận của TT Trump, trang CNBC có bài: Scott Pruitt đang kéo mọi người vào vũng lầy. Người đứng đầu cơ quan EPA có thể bị sa thải vì ngày càng có vấn đề về vấn đề đạo đức. Và không riêng gì Pruitt, một số thành viên trong nội các của ông Trump cũng bị buộc tội chi tiêu quá nhiều cho việc đi lại, mua sắm đồ nội thất, cũng như mâu thuẫn lợi ích. 
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.