Té ra căng thật!
23-4-2018
Té ra, không phải 1, mà là ít nhất có 3 công văn đóng dấu hỏa tốc mà những người lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho cấp dưới của mình soạn thảo liên quan đến các dự án của FLC tại tỉnh này. 2 trong số đó được sự đồng ý bởi ngài Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. 2 trong số đó liên quan đến Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn của tập đoàn FLC. Nội dung các công văn như thế nào, mấy hôm nay báo chí đã đưa đầy ra đấy, phiền mọi người tìm đọc lại, nếu muốn.
Té ra, không chỉ có đồn biên phòng Bình Hải (huyện Bình Sơn) được ngài ký quyết định đồng ý Bản thiết kế và kinh phí dự án gần 20 tỷ đồng vào ngày 29.12018, rồi ngày 18.4, ngài chỉ đạo văn phòng mình làm hẳn 1 công văn hỏa tốc để dừng dự án đồn biên phòng này lại, khiến cho dư luận xôn xao mấy hôm nay. Mà trước đó, ngày 21.8.2017, ngài Căng cũng đã có ký Quyết định số 579 Về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 huyện Lý Sơn với 1.530 ha gồm ba xã An Hải, An Vĩnh và An Bình.
Với xã đảo An Bình, tức đảo Bé, có 4 nội dung với đại ý là phải được bảo tồn và phát triển hài hòa, tôn trọng cảnh quan, địa chất, môi trường và hệ sinh thái, hình dạng và cấu trúc không gian, giữ nguyên giá trị hình ảnh đặc trưng… Trong đó, nội dung quan trọng nhất, được để đứng đầu là “bảo tồn và giữ sự hoang sơ nguyên vẹn của đảo Bé, phát triển du lịch cộng đồng”.
Trong giai đoạn 1 Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn của FLC, đảo Bé cũng nằm trong phạm vi ấy. Không biết ngài Căng có nghĩ đến khi ấy, đảo Bé có còn phát triển du lịch cộng đồng được nữa hay không? Khi mà nơi này, nhiều năm qua chính quyền địa phương và 1 số cơ quan đang nỗ lực giúp dân học tập để làm du lịch cộng đồng theo hướng mà người dân Cù Lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) đã và đang đi rất thành công.
Mấy hôm nay, địa danh Bình Châu khá hot trên báo chí và mạng xã hội bởi 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là liên quan đến các công văn hỏa tốc mà tôi vừa đề cập ở trên. Còn nguyên nhân thứ 2, là tàu cá QNg 90332 của ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt ở Bình Châu làm chủ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa vào sáng ngày 20.4 và mới trở về khuya 22.4 trong tình trạng hoảng loạn, bàng hoàng.
Trên báo chí, ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết cả xã Bình Châu có trên 100 tàu cá thường xuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và từ tháng 3.2018 đến nay, có trên 10 tàu cá của ngư dân Bình Châu bị tấn công làm hư hại tài sản ở Hoàng Sa.
Ngư dân ra biển đã khổ thế, đã hiểm nguy thế, nhưng họ vẫn bất chấp vì chủ quyền biển đảo. Vậy mà không hiểu sao ngài Căng lại cho cấp dưới mình làm công văn hỏa tốc để phuc vụ Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn giai đoạn một có nội dung cứ mỗi 8km chiều dài mới có 1 lối đi xuống biển. Bóp chẹt ngư dân cả trên bờ lẫn ngoài biển như thế, thì làm sao mà họ chịu cho thấu. Và trong cơn cùng khổ ấy, chẳng có gì đảm bảo rằng họ sẽ không bỏ biển. Trong lúc vấn đề chủ quyền biển đảo đang nóng như thế, mà ngư dân bỏ biển, thì nguy lắm ngài Căng ạ!
Thêm 1 cái… té ra nữa, là… té ra không chỉ có 1, mà có đến 9 dự án bị chồng lấn trong phạm vi dự án mà tỉnh Quảng Ngãi cho FLC “khảo sát, nghiên cứu đầu tư”. Một trong số này là Công viên địa chất Toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận. Nếu Quảng Ngãi cho FLC làm dự án, hoặc không điều chỉnh phạm vi dự án (điều này khó khả thi) chắc chắn rằng công viên địa chất này sẽ không được công nhận. Nghe nói công viên này được triển khai làm từ năm 2015. Cũng từ năm 2015, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng cũng được triển khai.
Nhưng mới đây, trong khi Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận, thì Công viên địa chất Toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu vẫn đang nơm nớp lo sợ không thành bởi dự án của FLC. Tôi cho rằng, để xảy ra cơ sự ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi không thể không có lỗi. Phần lớn ai cũng nhìn thấy lợi ích hài hòa, bền vững mà Công viên địa chất Toàn cầu Lý Sơn – Bình Châu đem lại tốt hơn so với các sự án của FLC. Không biết lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có nhìn ra không mà có những xử sự như dư luận lên án như vừa rồi. Để bây giờ, nếu muốn được UNESCO công nhận, không phải là dễ dàng.
Cái… té ra cuối cùng: Căng thật!
Cái… té ra cuối cùng: Căng thật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.