Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Phản biện bài của tác giả Phạm Hưng Quốc: Cục diện thế giới phải chăng đang thay đổi?


Phản biện bài của tác giả Phạm Hưng Quốc: Cục diện thế giới phải chăng đang thay đổi?

Nguyễn Văn Do
19-4-2018
Trong bài viết, ông nêu ra nhiều suy luận để chỉ dấu cho thấy thế đang lên của các thế lực đen tối độc tài mà cụ thể là Trung Quốc và Nga, cùng các nước đàn em. Tôi đọc mà thấy bài viết của ông có góc nhìn thật bi quan.
Ông có biết vì sao Tây Phương hiện nay đang tìm mọi cách làm suy thoái Nga bằng các đòn trừng phạt bởi những cái cớ dù to hay nhỏ và chứng cứ thật hay giả không? Thật buồn cười đúng không? Nga ngoài quân sự thì về kinh tế, Nga có gì đáng quan tâm mà phải liên tục o ép cho ra bã. 
Thế giới hỗn loạn ngày nay chính là do tác nhân độc tài của các quốc gia này. Các thể chế độc tài gây khốn khổ cho dân chúng, dẫn đến nạn di cư đã diễn ra hàng thế kỷ trước mà nay vẫn tiếp diễn. Độc Tài dẫn đến Thân Hữu, Thân Hữu dẫn đến bất công bằng xã hội, là cái ổ của tham nhũng. Xã hội không có công bằng thì các giá trị về đạo đức và chuẩn mực không còn là khung hành vi ràng buộc và các khế ước xã hội theo nó cũng dần bị ăn mục theo nó.
Độc tài dẫn đến nguy khốn cho đất nước và triệt tiêu các nguồn khai sáng. Hãy nhìn dòng sông Mekong và khu vực hạ lưu của nó là một ví dụ. Tư Bản tuy không là mô hình hoàn hảo, nhưng nó bảo đảm các nguồn khai sáng luôn được kích hoạt và luôn tạo ra các giá trị mới cho xã hội, nó vẫn có bất ổn, nhưng các bất ổn đó được xử lý trên căn nguyên Pháp Quyền.
Mặt khác, tại sao Nhật, một số nước giàu có ở Bắc Âu có nhiều miếng ăn hơn Nga, thì Mỹ và Tây Phương không trừng phạt, gây khó dễ mà kiếm ăn. Hay chăng họ là đồng minh? Việt Nam với Trung Quốc là anh em còn hơn cái nghĩa đồng minh ấy mà còn ăn thịt nhau, thì cái nghĩa đồng minh có đáng giá bảo hiểm cho một quốc gia?
Quay lại, nếu ngay lúc này mà bẻ gãy Trung Quốc, tức buộc Trung Quốc từ bỏ ý đồ man Hán thì không thể và tốn kém. Nhưng nếu mất đi một thằng thợ rèn, thằng bạn đầu gấu thì cục diện nó sẽ khác. Đó là lý do Nga được chọn vì nó là cái chân yếu nhất trong ba chân kiềng. Mục đích của Tây phương là thay đổi định hướng của các quốc gia độc tài. Vì thằng độc tài sau khi nó ăn hết của dân đời này sang đời khác cho đến khi kiệt quệ thì nó phải chĩa ra ngoài. Trung Quốc đang chĩa vào Việt nam đây, sau khi Nga đã chĩa vào Crimea để hợp thức hóa cái độc tài mà hết nhiệm kỳ này ông ta nắm chính quyền đến gần 3 thập kỷ. Điều này rõ ràng gây bất ổn và không có lợi cho các hoạt động thương mại chủ chốt toàn cầu thay đổi kết cấu địa chính trị, bàn cờ mà Tây phương nắm giữ và muốn duy trì, nhưng nó ổn định.
Nếu Nga giải thể chủ nghĩa Putin trong bối cảnh kiệt quệ, bảo đảm Nga vẫn không mất một tấc đất nào, Tây Phương không có khái niệm chiếm lãnh thổ sau đệ nhị thế chiến. Nhưng chính sách và đường lối hậu Putin sẽ có tính mở hơn trong cả đối nội và đối ngoại, bớt hung hăng và hổ báo, đường lối chính sách bớt bị ảnh hưởng bởi tâm tính của sự ái kỷ cá nhân nào. Với giá trị Tây phương, họ đánh giá một nước giàu lên có lợi cho họ chứ không có hại, cho nên, họ đầu tư vào quốc gia nào thì họ cũng đều xem tăng trưởng GDP, với những nước nghèo thì có các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới để thoát nghèo, bởi vì cùng mẫu dân số, nhưng dân số giàu sẽ có dung lượng thị trường lớn hơn. Như Hà Nội đang cố làm mọi cách để được nâng hạng cái thị trường chứng khoán của họ, hòng được quan tâm và nhận được dòng chảy ngoại tệ nhiều hơn phục vụ cho mục đích công quyền của họ.
Mặt khác, nếu Nga gãy, chúng ta nghĩ sao về Trung Quốc? Triều Tiên? Iran, và các loại thổ phỉ…?
Chính bối cảnh thế giới hiện nay đã tạo nên một tổng thống Donald Trump! Nó phản ánh diễn biến phần còn lại của thế giới mà thôi. Về mặt cá nhân, tôi cho rằng ông Trump là người thiếu phẩm chất, nhưng trên cương vị tổng thống tôi ủng hộ ông ấy.
Một nước Nga độc tài – một Trung Quốc cũng độc tài. Một kẻ kỳ cựu về quân sự, một tay đang lên về kinh tế, thì tôi rất ủng hộ một cường quốc đối kháng có tổng thổng mang hơi hướng độc tài và sự ái kỷ cao. Ngay cả ông Abe thủ Tướng Nhật cũng mang tố chất của độc tài này. Nhưng cần có sự đối kháng tương thích. Trong bài viết “Cục diện thế giới phải chăng đang thay đổi”, nhận định không có sự góp mặt đầy đủ của nhiều thế lực, nếu đã nhắc đến Nga – Trung – Triều thì hãy nhớ có NATO – Mỹ – Nhật. Nhật dù thế nào cũng là cường quốc kinh tế thứ 3, và từng có lịch sử là một đế chế Phát-xít. Công nghệ Nhật Bản trên khía cạnh kinh tế và quân sự vẫn có những nghiên cứu nền tảng và sâu hơn người Trung Quốc, họ nắm giữ nhiều kỹ nghệ tốt hơn, điều này xét cho thấy, không ai chắc rằng một Trung Quốc trở mình trỗi dậy không làm Nhật rúng động mà không âm thầm “nhấc mình lên theo”.
Và trong bài viết, cũng nhắc đến tính lươn lẹo của Trung Quốc, “bậc thầy” của các kỹ năng nịnh – đâm chọt – đánh lén – bắt nạt – hung hăng với kẻ thấp cơ cho những mục đích tiểu hèn. Khi Trump lên nắm quyền, Trung Quốc tỏ ra có nhiều ưu đãi kinh doanh cho gia đình ông tổng thống Mỹ. Nhưng kết quả thế nào? Tạo ra một cú thua giả vờ làm mát lòng ông Mỹ “điên” liệu có làm ông ấy vui hay lại giúp ông mạnh bạo hơn trong các quyết định tiếp theo? Giờ cuộc chiến thương mại căng thẳng sắp diễn ra, nhưng tuyệt nhiên Trung Quốc vẫn không dám chọc thêm cái gai vào công việc gia đình ông Mỹ “điên” ở Trung Quốc.
Với Nga, tôi ủng hộ triệt cho tèo luôn, để hết đường ong lưng cho Trung Quốc mượn hơi.
Với Trung Quốc, tôi cho rằng đòn kinh tế này cực kỳ đáng sợ với Trung Quốc, vì hầu hết hàng hóa xuất từ Trung Quốc thì trước hết là cần một thị trường có dung lượng đủ lớn để hấp thụ, thứ hai là hàng hóa này có gốc gác đầu tư từ bên ngoài vào. Nếu Trump liên tục ra đòn và tăng dần, đồng nghĩa với việc đầu tư vào Trung Quốc là từ giảm dần cho đến bị rút ra. Điều này vô cùng nguy hiểm vì túi nợ Trung Quốc sẽ tiệm cận điểm tới hạn và ngân sách tiệm cận đáy. Mặt khác, nhìn vào thực tế dòng chảy hàng hóa thì hàng hóa Mỹ có thể đến bất cứ đâu trong khi hàng Trung Quốc thì loanh quanh khu vực. Cuộc chiến chắc chắn tác động đến cả những quốc gia lân cận.
Quan điểm tôi vẫn cho rằng, rất khó để xảy ra cuộc chiến thế giới lần 3 bởi Nga – Mỹ. Putin đang dần vào xế chiều, ông ấy muốn làm nhiều điều cho đất nước hơn bản thân, muốn tạo ra vài vinh quang như Crimea, nhưng ông ta không nhận thức được chính sự tồn tại của ông ấy là nguyên nhân dẫn đến những tác nhân khai sáng khác không có cơ hội phát triển. Nhưng sẽ có cuộc chiến nhỏ giữa các nước lớn và các nước đàn em nhỏ, chẳng hạn Mỹ – Triều. Bất cứ sự vận động nào trong vũ trụ này mà không có lực tương phản của nó? Hay cái giá của nó? Cho nên cuộc chiến buộc phải có hậu quả, đắt hay rẻ không quan trọng khi người ta cần đạt được mục đích của nó.
Trước mắt, có khá nhiều tác nhân để Mỹ quan tâm. Nhưng nó sẽ được rút gọn, vì khi một đại ca không còn đàn em, thì hoặc kẻ đó phải chịu thua, hoặc phải dụng chính thân mình.
Bản thân tôi tin ông Trump sẽ lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.