Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Chuyện làng báo chí “cách mạng”

Chuyện làng báo chí “cách mạng”

19-4-2018
Ảnh: internet
“B ơi, em gọi cho chị đi để chị lấy cớ bận không phải đi cà phê với ông ấy (sếp 1 tờ báo – nơi tôi từng làm việc).”
“B ơi, đâu rồi. Gọi đi. Chị cần ra khỏi chỗ này ngayyy….”
Nhiều phút trôi qua, em tôi vẫn không online, vẫn chưa seen tin nhắn của tôi. Đã nhiều lần như thế. Tôi ở lại và ngồi nghe những lời tán tỉnh của ông ấy.
Một lần khác, ông ấy vuốt tóc, xoa đầu tôi. Văn phòng buổi tối, chỉ còn mình tôi.
Sợ hãi và giận dữ nhưng tôi chỉ dám chửi thề sau khi ông ấy ra khỏi phòng. Tôi thấy tóc mình bị bẩn. Người mình nhơ nhuốc.
Tôi nhắn tin cho một chị đồng nghiệp. Chị ơi, ông ấy lại vừa đến bàn em. Chị nghĩ cách gì để ông ấy không để ý em với. Em muốn yên ổn làm việc. Em không muốn rời chỗ này. Em rất sợ người trong toà sạn nhìn thấy cảnh ổng đùa cợt với em. Mọi người sẽ gossip rồi đồn em cặp với ổng như bạn X, bạn N bị. Em sợ mang tiếng mấy chuyện như này lắm… Em thấy có lỗi với chính mình vì đã không dũng cảm phản ứng lại…
Có một sự thật là tôi đã quá hèn nhát. Đó cũng là điều làm tôi tổn thương nhất. Tôi nghi ngờ chính mình khi không phản ứng lại những lời đùa quá trớn của ông ấy.
Tôi tra định nghĩa từ harass để xem có thật sự mình bị harass không hay do mình nghĩ quá nhiều, mình quá nhạy cảm. Tôi đã từng ngây thơ nghĩ hành động sờ soạng hay gạ tình mới bị xếp vào quấy rối và ngu ngốc xem những lời “qua ngủ phòng anh đi cho tiết kiệm tiền nè”, “đi chơi với anh đi anh làm cho hết mệt”… chỉ thuần là những dạng bông đùa vô duyên, thiếu muối.
Một người bạn sau khi nghe tôi kể chuyện thì giục tôi share chuyện của mình như cách các sao Hollywood đang làm phong trào #MeToo.
Tôi ậm ừ cho qua chuyện.
Tôi sợ một góc đen tối trong con người mình bị phơi bày. Tôi đã không dám phản ứng lại sếp, nghĩa là tôi đã phần nào thoả hiệp. Tôi sợ ai đó nghi ngờ phẩm giá của mình.
Tôi sợ người thân sẽ lo lắng về nghề tôi đang theo.
Tôi có thể đi chỗ này chỗ kia, viết về chuyện doanh nghiệp quỵt lương công nhân, về đề án giáo dục lãng phí, về sự lạnh lùng, vớ vẩn của nhiều chính sách… nhưng rốt cuộc tôi vẫn không dám đương đầu với những kẻ tỏ ra nguy hiểm “chắc con đó thế nào mới như thế”.
Tôi sợ ai đó phủ sạch cố gắng của mình trong những năm qua vì cho rằng tôi hạ mình để được nâng đỡ.
Tôi sợ xã hội sẽ có thêm định kiến về nữ phóng viên như nhiều năm trước tôi từng bị đối xử.
Hơn hết, tôi muốn tránh xa ồn ào, chuyên tâm làm việc của mình.
Cho đến sáng nay.
….
Cho đến lúc này…
Một CTV của Tuổi Trẻ nghi tự tử do bị một trưởng ban hãm hiếp. Tôi vào tất cả các tờ báo máu mặt hiện nay ở Việt Nam để xem có tờ nào đưa tin. Không một dòng tin tức!!!
Tất cả đều im lặng.
Ở đó có những người sếp, những nhà báo lớn tôi từng xem là hình mẫu để mình học tập. Họ đã viết những bài báo về chống tham nhũng, về chiến tranh biên giới…, tác nghiệp ở nhiều nơi mà phóng viên trẻ như tôi thèm muốn lẫn ganh tị. Họ thụ hưởng nền báo chí phương Tây, có quan hệ với nhiều chuyên gia sừng sỏ trong và ngoài nước.
Nhưng thì sao? Ok.
Không được đánh đồng nghiệp.
Không được đánh báo bạn.
Nếu em gái đó làm một ngành khác, hẳn tối qua, nhiều đồng nghiệp của tôi đã có một đêm không ngủ ở bệnh viện. Các anh chị thư ký toà soạn, biên tập sẽ hối thúc tin bài, và giờ các anh chị sẽ đá đít phóng viên ra khỏi toà soạn nếu vẫn chưa có tin update tình hình em ấy như nào.
Nếu phụ nữ chúng tôi làm một nghề khác, có việc gì xảy ra sẽ có báo chí phanh phui. Nhưng không may thay, chúng tôi làm báo nên có bị hiếp thì cũng sẽ chết trong im lặng???
Tôi tin, không riêng gì nghề báo, nghề nào cũng sẽ có vài thằng khốn. Có điều, khi bạn là phóng viên (ở Việt Nam), bạn sẽ không bao giờ có cơ hội được đồng nghiệp cho làm nhân vật trong một bản tin hiếp dâm nào, nếu nghi phạm là tổng biên tập, thư ký toà soạn, trưởng ban…
Tôi không thích ai đó gọi đây là nghịch lý của nghề báo. Đó phải là sự thất bại của nền báo chí này thì đúng hơn.
Viết những dòng này, tôi đã rất cân nhắc vì sợ ảnh hưởng đến những nơi tôi đã từng làm việc. Ai đó có thể ghét tôi và chửi tôi hám fame. Ai đó vào đạo đức bảo tôi dễ dãi, “phải như nào mới bị thế”. Tôi cũng có thể gặp rắc rối sau post này. Nhưng đó là việc của họ. Cuộc đời quá ngắn để nghĩ đến những đống rác. Trong khi, với những thông tin tôi có được, thì hầu hết các cơ quan báo chí đều có ít nhất một con lợn, các bạn ạ.
Nếu tôi im lặng, một lần nữa, chẳng khác nào tôi lại thoả hiệp với cái ác, sự khốn nạn này.
Sẽ có lúc, ở một toà soạn khác tôi sẽ tiếp tục là nạn nhân.
Sẽ có lúc, những đứa em gái đang làm báo của tôi, những nữ đồng nghiệp lúc nào cũng tận tâm với nghề như bọn bạn tôi sẽ là nạn nhân tiếp theo giống như cô bé kia. Và không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua…
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên đây, với mong muốn có chị nhà báo nào có thể kêu gọi liên hiệp nữ phóng viên làm phong trào #MeToo. Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục ở toà soạn, hãy phản hồi post này bằng #MeToo.
Không quét sạch bọn khốn kia thì ít nhất chúng ta cũng đã không im lặng. Chúng ta đã không im lặng trong nhiều sự vụ bị dán mác nhạy cảm, đụng chạm, vậy tại sao chúng ta lại không lên tiếng bảo vệ bản thân mình.
Còn nữa, dear các nhà báo lớn đáng kính, nếu trót lỡ các anh chị ở trong một tập thể mà hành vi quấy rối tình dục được bao che, dung dưỡng thì cũng không có nghĩa là các anh chị vô can nhé!
Để một con lợn yên vị nhiều năm trên ghế, ngoài sự giúp sức của ban tuyên giáo hay thế lực nào đó thì còn cần cả sự im lặng, thờ ơ của mỗi anh chị.
*Ghi chú: Tiêu đề do Tiếng Dân đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.