Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Ai giao Bộ Tài chính làm nhiệm vụ chống đầu cơ?


Ai giao Bộ Tài chính làm nhiệm vụ chống đầu cơ?

19-4-2018

Ảnh: internet

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chưa xem xét dự luật Thuế tài sản, định ngồi thêm 49 ngày nữa, nhưng đọc báo vẫn thấy Bộ Tài chính và một số “chuyên gia” tiếp tục lải nhải về sự cần thiết phải tiếp tục hút máu nhân dân bằng sắc thuê này, trong đó đồ đậm ý nghĩa chống đầu cơ nhằm hạ giá nhà đất, lại ngứa mắt muốn đứng dậy cáo lỗi Phật tổ chửi tiếp phát nữa.
Vào năm 1999, tôi được Báo Thanh Niên giao đi theo dõi các kỳ họp của Quốc Hội. Bộ Luật Hình sự được thông qua vào năm này tôi không bỏ sót một buổi thảo luận nào, nên vẫn còn nhớ một trong những điều thú vị nhất là Quốc Hội đã bỏ Tội đầu cơ khỏi Bộ luật hình sự. Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lúc đó giải thích đi giải thích lại rằng coi đầu cơ là có tội là không phù hợp với kinh tế thị trường, rằng tội này dù trước đó có ghi trong Bộ luật hình sự, nhưng thực tế chưa bao giờ có trường hợp đầu cơ nào mang ra xử. Cuối cùng, Bộ Luật hình sự 1999 quy định tội đầu cơ như sau: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” (khoản 1, điều 160). Như vậy là Nhà nước ta coi đầu cơ là hoạt động hợp pháp trong hoạt động kinh tế, chỉ coi là có tội khi rơi vào 3 tình huống: thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh.
Đến năm 2009, Điều 160 của Bộ luật hình sự sửa đổi đã thụt lùi một bước khi thêm vào 1 tình huống rất mơ hồ là “tình hình khó khăn về kinh tế”. Tôi nghĩ tình huống thụt lùi này chỉ trang bị thêm công cụ cho các cấp chính quyền nhũng nhiễu doanh nghiệp, bởi vì nội hàm của cụm từ “tình hình khó khăn về kinh tế” là không thể xác định, do vậy cũng không thể định tội được. Nhưng dẫu có sự thụt lùi làm tăng nhũng nhiễu như vậy, thì trừ 4 ngoại lệ nói trên, đầu cơ vẫn là hoạt động hợp pháp.
Thực tế hơn 20 năm qua, nếu tôi không nhầm thì không có một Nghị quyết nào, không có một văn bản pháp luật nào, không một cơ quan tổ chức nào được Nhà nước giao nhiệm vụ chống đầu cơ và không có một vụ án nào xử tội đầu cơ (bạn nào phát hiện có thì chỉ giúp nhé). Đầu cơ là một trong những thuộc tính của kinh tế thị trường, nó thúc đẩy sự vận hành của thị trường. Chấp nhận kinh tế thị trường là chấp nhận rủi ro, trong đó có rủi ro do đầu cơ, bản thân các nhà đầu cơ cũng 5 ăn 5 thua nhưng chính họ làm cho thị trường nhộn nhịp. Chống đầu cơ, dù nhân danh đạo lý gì chăng nữa cũng là ngăn cản sự vận hành của thị trường.
Tôi đọc kỹ Nghị định của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính, không thấy một dòng nào nói Bộ này có chức năng hay nhiệm vụ chống đầu cơ. Ai giao cho Bộ này chức năng nhiệm vụ chống đầu cơ ? Chẳng có ai giao cả. Hôm nay còn đọc bài “Thuế đất hiện nay quá thấp” của ông giáo sư tiến sĩ Đặng Hùng Võ cựu thứ trưởng Bộ đất đai đăng trên Vnexpress, cũng thấy ông này lải nhải nói chống đầu cơ nhà đất, muốn chửi luôn một phát nữa, nhưng nhờ mấy chục lần ngồi 49 ngày nên tạm thời kính lão đắc thọ.
Viết tạm mấy dòng, sẽ trở lại sau nói kỹ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.