Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Có thật đúng như lời ông Hoàng Bình Quân?

Có thật đúng như lời ông Hoàng Bình Quân?

24-4-2020
Ông Hoàng Bình Quân và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: internet
1. Chương trình thời sự VTV lúc 19h ngày 23/4/2020 đã đưa tin về cuộc họp do TBT Nguyễn Phú Trọng chủ trì, có đánh giá về tình hình chống dịch virus corona của Việt Nam.
Đánh giá đúng để rút ra những kết luận mà tiếp tục đối phó, vì chiến dịch chống virus corona đang tiếp diễn phía trước. Đánh giá không sát thực sẽ rất có hại. Không hạ thấp nhưng cũng không được thổi phồng.
2. Đã có vài phát biểu thể hiện đánh giá quá cao thành công của Việt Nam về chống dịch covid 19 – thậm chí được nâng lên ở mức thắng lợi. Cụ thể có 3 đánh giá quá thực tế. Hai trong số đó là của ông Hoàng Bình Quân – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
Ông Hoàng Bình Quân đã tươi cười phát biểu, đưa ra 2 đánh giá.
Một là, nhân dân phấn khởi tin tưởng hơn vào Đảng và chế độ qua chiến dịch chống covid19, là tín hiệu tốt trước Đại hội.
Hai là, thế giới đánh giá rất cao về thắng lợi chống dịch của Việt Nam.
Có thực nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng và chế độ vì thắng lợi chống dịch covid 19 như nhận xét của ông Hoàng Bình Quân?
Điều cần nhắn ông Hoàng Bình Quân, là đừng hiểu lầm lời khen của quốc tế, mà nghĩ là Việt Nam tài giỏi hơn nhiều nước khác.
Nhận xét thứ ba là của chính TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông đã đặt câu hỏi có phải thắng lợi là có vai trò của thế chế? Được hiểu là do tính ưu việt của thể chế, mới góp phần dẫn đến thành công chống dịch covid 19 như hiện nay. Vấn đề này sát thực như thế nào? Tự mỗi người hãy khẳng định.
3. Ý thức được khả năng hạn chế “sẽ vỡ trận khi có hơn 1000 người nhiễm bệnh” vì không có đủ phương tiện (gường bệnh, trang thiết bị thiết bị, thuốc men…), Việt Nam đã chọn phương pháp sơ đẳng để chống dịch virus. Đó là cách ly tuyệt đối từ đầu người lây nhiễm và những người tiếp xúc lây nhiễm thứ cấp F1,F2,F3…; Cách ly tuyệt đối nguồn lây nhiễm từ ngoài. Phương thức “tìm và diệt” này là sơ đẳng. Không phải là “sáng chế” riêng của Việt Nam. Nó phù hợp với những nước có phương tiện hạn chế như Việt Nam.
Phải khẳng định rằng Việt Nam đã chọn các giải pháp phù hợp với năng lực của mình và hành động khá quyết liệt, nên hiện đang kiểm soát được dịch bệnh, chấp nhận hy sinh to lớn về kinh tế. Đó là điều ghi nhận. Cần đánh giá đúng mức, chứ không cần phải thổi phồng hay hạ thấp.
4. Nhiều nước khác thành công trong chống dịch covid 19 cũng không hề thua kém Việt Nam. Họ cũng không phải có thể chế ngoại lệ như Việt Nam.
Sau đây là vài thống kê lượng người nhiễm covid 19 tính đến thời điểm 10 40 ngày 24/4/2020 ở một số nước gần Việt Nam và Trung Quốc. Bhutan 7, Lào 19, Mongolia 36, Nepan 48, Cambodia 122. Tất cả các quốc gia này đều chưa có ca tử vong vì covid 19.
5. Tại sao ở một số nước covid 19 lây nhiễm chậm hơn? Tại sao dường như người châu Á có tỷ lệ tử vong vì covid 19 thấp hơn? Có những nhân tố khác nữa quyết định đến phạm vi hoạt động và tác hại của covid 19. Đừng ngộ nhận vì tài tình lãnh đạo hay ưu việt thể chế.
6. Nền kinh tế Việt Nam ở mức thấp, nên dễ chấp nhận thiệt hại hơn so với các nước phát triển. Vì thế mà không có doanh nghiệp Việt Nam nào đổ ra đường biểu tình như ở Hoa Kỳ.
Người Việt Nam xác định chống dịch như chống giặc, nên đồng thuận và ủng hộ những biện pháp cách ly cứng rắn.
Đừng ngộ nhận đó là tăng lòng tin vào chính quyền và thể chế.
7. Thế giới đang bước vào một trạng thái khác từ dịch virus Vũ Hán. Trung Quốc đang thay đổi chiến lược, đã ngông cuồng lại còn điên cuồng hơn ở Biển Đông Nam Á.
Có mấy nhân tố về dịch Vũ Hán mà còn mơ hồ, thì càng khó đánh giá về Trung Quốc và về tình hình thế giới.
Người giữ vai trò đối ngoại quan trọng như ông Hoàng Bình Quân mà có tầm hiểu biết như vậy, thì làm thế nào mà đối chọi được với sóng gió đối ngoại từ ĐCS Trung Quốc và thế giới?
Ông Hoàng Bình Quân cũng từ lò cán bộ đoàn. Từ cán bộ huyện đoàn.

RSF kêu gọi chính quyền Trump cho phép tự do thông tin về virus corona

RSF kêu gọi chính quyền Trump cho phép tự do thông tin về virus corona

Dịch giả: Trúc Lam
23-4-2020
Hoa Kỳ bị xếp hạng thứ 45 về tự do báo chí, thua cả Séc, Italy, Nam Hàn, Đài Loan.
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) bị báo động bởi xu hướng lạnh lùng trong việc từ chối tham gia họp báo chí và các biện pháp trả đũa đối với các nhà báo, nhân viên chính phủ và những người tố giác cố gắng đưa tin và lên tiếng về cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Hoa Kỳ. Đó là một vấn đề khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà các nhà báo tự do đưa tin về đại dịch này và những người có thông tin liên quan đến đại dịch lên tiếng mà không sợ bị trả thù.
Các nhà báo đưa tin về đại dịch COVID-19 tại Hoa Kỳ và các nguồn tin báo chí của họ đã phải đối mặt với việc bị từ chối tham gia và bị trả thù khi đưa tin về virus. Các phóng viên của báo New York Times và ProPublica đã bị buộc tội vào ngày 9 tháng 4, với tội xâm phạm hình sự tại Đại học Liberty, liên quan đến việc đưa tin của họ về quyết định của trường đại học, mở cửa một phần khuôn viên của trường, vào thời điểm mà hầu hết các trường đại học khác đóng cửa vô thời hạn trong nỗ lực chống lại sự lây lan của virus corona.
Các chuyên gia y tế tại các trung tâm y tế trên cả nước đã bị hạn chế nói chuyện một cách tự do với báo chí về điều kiện làm việc của họ, trong đó có một người bị sa thải sau khi nói chuyện với báo Seattle Times về những khiếu nại của anh ấy với bệnh viện và một người khác bị khiển trách sau khi nói chuyện với báo Metro của Anh về việc anh sợ đi làm.
Đầu tháng này, quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly đã sa thải ông Brett Crozier, Hạm trưởng tàu sân bay hải quân Hoa Kỳ Theodore Roosevelt, vì đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của virus corona trên tàu của mình. Vụ dịch đó đã lây nhiễm gần 600 thủy thủ, trong đó có thuyền trưởng Crozier và giết chết một người lính trên tàu.
Hồi tháng 2, chính quyền Trump đã chỉ đạo Phó Tổng thống Mike Pence kiểm soát tất cả các chuyên gia khoa học và y tế của chính phủ, về việc họ tiếp xúc với báo chí. Đầu tháng 4, Phó Tổng thống Pence đã cấm một thời gian ngắn, không cho các thành viên của đội đặc nhiệm virus corona trong Nhà Trắng xuất hiện trên CNN. Phó Tổng thống, trong một thời gian đã cấm bác sĩ Anthony Fauci, thành viên lực lượng đặc nhiệm, không được trực tiếp nói chuyện với công chúng nếu không có sự chấp thuận của ông ta.
Ngày 2 tháng 4, Viện Knight First Amendment Institute đã kiện Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) về việc tiết lộ thông tin, liên quan đến chính sách cho phép chính quyền hạn chế nhân viên CDC nói chuyện công khai hoặc nói với báo chí. Mặc dù có vẻ như một số hạn chế có thể được nới lỏng trong những ngày gần đây, nhưng chính sách của chính quyền về việc cho phép các chuyên gia này nói chuyện với báo chí vẫn chưa được công khai.
Ông Dokhi Fassihian, Giám đốc điều hành của RSF ở Hoa Kỳ nói: “Chính quyền Trump đã nhiều lần chỉ trích chính phủ Trung Quốc về phản ứng của họ đối với virus, nhưng chính quyền đang lấy một trang ra khỏi vở kịch của Trung Quốc, bằng cách bịt miệng các chuyên gia y tế, trừng phạt những người tố giác và nhắm mục tiêu vào các nhà báo vì sự đưa tin quan trọng của họ. Để chính quyền Trump có cơ sở xử lý cuộc khủng hoảng này, trước tiên, họ phải thúc đẩy một môi trường cho phép luồng thông tin tự do và các nhân viên chính phủ lên tiếng”.
Các nhà báo trên toàn quốc cũng đã gặp phải sự từ chối việc tham gia trong quá trình đưa tin của họ. Ở Missouri, Thống đốc Mike Parson đã cấm các phóng viên tham dự các bổi họp báo hàng ngày của ông và phân công các nhân viên của ông lựa chọn các câu hỏi của phóng viên, mà họ phải gửi qua email một giờ trước đó. Ngày 28 tháng 3, một nhà báo ở Florida đã bị từ chối tham gia trong buổi họp báo về COVID-19 của Thống đốc Ron DeSantis sau khi yêu “social distancing” trên mạng xã hội.
Trong khi đó, Nhà Trắng tiếp tục tấn công bằng lời nói đối với các phóng viên trong họp báo hàng ngày về virus corona. Trong buổi họp báo ngày 19 tháng 4, Tổng thống Trump đã tấn công phóng viên Weijia Jiang của đài CBS, nói với cô ấy hãy “hạ giọng” và hãy “tốt và dễ dàng” khi cô ấy hỏi, tại sao chính quyền không làm nhiều hơn để chuẩn bị cho virus.
Hoa Kỳ bị xếp hạng thứ 45 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của RSF.

Chào đồng chí xã hội đen

Chào đồng chí xã hội đen

Bá Tân
24-4-2020
Nhóm cựu quan chức, hưởng lương hưu từ cấp thứ trưởng trở lên, tạo ra “sóng thần” của dư luận, nhất là trên mạng xã hội. Cả đời làm cách mạng, nói theo cách nói của họ, “theo đảng đến còng”, bây giờ bọn họ mới có dịp nổi tiếng như thế.
Mượn nhà công vụ, hết thời hạn cho mượn, vẫn lì lợm không trả. Nhà nước đòi nhiều lần, vẫn phớt lờ “quyết tâm” không trả. Chúng nó, bọn quan tham, dùng cách ăn vạ, thực hiện mưu mô “để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Sổ hưu trí ghi danh cán bộ, hưởng lương từ cấp thứ trưởng trở lên, nhưng lòng tham và cách gian tham là đồng đảng với bọn xã hội đen. Mượn nhưng không chịu trả. Đòi nhiều lần vẫn cố ý trơ lỳ trốn tránh. Biến mặt người thành mặt mo. Những kẻ như thế không chỉ là đồng bọn, mà còn là bậc sư huynh của bọn xã hội đen.
Từ nay, tại địa bàn dân cư có bọn quan tham cư trú, khi gặp nhau, thay vì chào nhau bằng ông, bằng bà, hãy gọi tên đúng sự vật: Chào đồng chí xã hội đen, dạo này đồng chí xã hội đen khỏe không, tháng này đồng chí xã hội đen nhận lương hưu chưa…
Trong danh mục các đồng chí xã hội đen không chịu trả nhà công vụ, tôi biết một số đối tượng trước khi nhận sổ hưu. Chỉ là biết, không chơi thân. Nhân cách khác nhau, lẽ sống khác nhau, đường đi khác nhau, đương nhiên không thể thân nhau.
Lúc đương chức, khoác áo quan, bọn họ khạc nhổ đủ thứ “tư tưởng” chỉ đạo. Chỉ đạo vung vãi thối om trong nội bộ cơ quan. Chỉ đạo địa phương mỗi khi mò về địa phương ăn tục nói phét. Nói như hươu như vượn, như vẹt nhốt trong lồng. Thế mà vênh mặt coi ta đây như là ông nọ, bà kia. Thuộc cấp, chưa cần Dân lên tiếng, gọi chúng nó là thằng nọ, con kia.
Áo rách giữ lấy lề. Đói cho sạch, rách cho thơm. Chết trong còn hơn sống đục. Người Dân thường, kể cả người không biết chữ, chỉ cần nghe người khác đọc cho nghe những câu ấy, cả đời họ làm theo. Chính họ, người Dân bình thường ở các miền quê, từ cách sống của mình trở thành tác giả những lời khuyên có giá trị muôn đời.
Bọn quan tham, nếu xem mớ hồ sơ của họ, bằng cấp cả đống, trong đó cái bằng không thể thiếu: Cao cấp lý luận chính trị, chứng chỉ đỏ rực do trường đảng phát hành.
Nói nhiều làm ít. Nói một đường làm một nẻo. Đó là thuộc tính nổi trội của bọn quan tham. Nghe họ nói, nhìn họ làm là biết được đối tượng ấy thuộc nhóm nào, cấp độ nào trong làng quan tham.
Bọn quan tham là kẻ thù nguy hiểm nhất của Đảng, của Nhân Dân, cao hơn nữa còn là kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Khi nói kẻ thù của Đảng, thế lực thù địch của cách mạng, trước hết và chủ yếu chính là bọn quan tham.
Một số người Dân, vì quá bức xúc, có thể có hành vi quá khích trong một số vụ việc nào đó. Sai phạm của người Dân, nếu có, chỉ là va chạm quá nhỏ bé so với thân hình vạm vỡ cường tráng của một chế độ. Bọn quan tham, ra vẻ tay bắt mặt mừng, nhưng chúng nó vác cả thùng xăng đổ lên căn lều-chế độ và châm lửa. Ai ác hơn ai. Ai nguy hiểm hơn ai. Ai là kẻ thù. Không cần câu trả lời. Mọi người đều có câu trả lời.
Từ nay, nếu gặp nhau, hãy chào những quan tham không chịu trả nhà công vụ (hoặc hành vi tương tự) bằng cái tên dễ nhớ: Chào đồng chí xã hội đen.
Cả làng ơi, chúng ta hãy gửi tới bọn quan tham lời chào trực tuyến: Chào, chào các đồng chí xã hội đen.

Corona dung tha dân Việt?

Corona dung tha dân Việt?

Lê Thiên
24-4-2020
Ngày 19/4/2020, có bài báo lạ trên BBC: Virus corona: Trời thương dân Việt Nam hay ‘kém vệ sinh’ tạo miễn dịch? của tác giả “Hoa Mai gửi từ TP HCM”. Bài báo viết:“Việt Nam, trong trận bão tố quét qua khắp thế giới, vẫn đang đứng vững trong số 3 quốc gia ít ỏi chưa có ca nào tử vong vì COVID-19, với con số mắc bệnh tuy lai rai tăng thêm nhưng vẫn thấp kỷ lục: tính tới 19/4, vẫn 268 ca/100 triệu dân, 198 đã hồi phục và chưa có ai tử vong”.
Từ ghi nhận trên, tác giả bài báo suy đoán, “có thể con số thực tế nhiễm bệnh ở dạng nhẹ, rồi tự khỏi trong cộng đồng lớn hơn con số thực này nhiều hoặc rất nhiều, nhưng với khả năng lây lan khủng khiếp của SARS-CoV-2 thì khó có thể nói Việt Nam giấu dịch. Giấu làm sao nổi khi hễ ở gần là lây, mà đã nhiễm bệnh thì phần lớn đều khó thở?”
Tác giả lại nêu lên câu hỏi: “Vậy liệu chúng ta chỉ có thể suy luận bên cạnh các biện pháp chống dịch của Việt Nam (đã được thế giới công nhận) thì dân Việt phải có một bộ gene đặc biệt nào đó, cộng với được ông trời thương, mới dẫn đến kết quả như vậy?” 
Trả lời câu hỏi trên, tác giả mô tả tình trạng ở dơ, sống dơ của người Việt Nam từ sáng đến tối ở các chợ búa cũng như tại các nơi công cộng: “Người ta phun nước tưới rau cho tươi hay rửa miếng thịt trước khi xay cho khách rồi đổ tràn ra đường. Nước lẫn với máu cá tươi giàn giụa rồi chảy xuống cống. Dù không mưa, ở các khu rau và cá sống nước và bùn vẫn nhèm nhẹp dưới chân. Mưa thì bùn bắn tới mắt”.
Tác giả còn dẫn dắt người đọc đi sâu hơn vào nếp sống bẩn của người Việt Nam: “Trong khi sạp này còn bán thì sạp ngay cạnh vẫn xịt rửa. Nước bắn tứ tung, người mua thậm chí phải nhảy né dòng nước bẩn lênh láng. Người bán sẵn sàng dùng tay không bốc một miếng chả cá hay cái chả giò cho khách thử, còn khách cũng sẵn sàng ngồi xệp xuống vặt một trái nho đang nằm trên mặt thúng bỏ tọt vào miệng xem chua hay ngọt”. Khiến tác giả phải kêu lên: “Nhiễm khuẩn chéo không có từ điển của các khu chợ truyền thống”.
Sự “ăn dơ ở dáy” tại Việt Nam không chỉ có ở nơi chợ búa xô bồ, mà còn xâm nhập vào cả những khu gia cư thuộc mọi tầng lớp: “Thói quen ăn ở bẩn thỉu không phân biệt người sống trong khu ổ chuột, trong các ký túc xá sinh viên hay nhà cao cửa rộng giữa trung tâm đô thị… Nó dường như trở thành một tập tính cố hữu, một ‘nét văn hóa’, của rất nhiều người Việt”.
Tác giả bài báo kết luận có chút mỉa mai và ngầm ý báo động “lần đại dịch này ông trời cứu, như nhiều người đùa dai rằng “ở bẩn sống lâu”. Còn những lần khác sau này?”
Có lẽ Hoa Mai không có ý bôi nhọ hình ảnh người Việt Nam và đất nước Việt Nam, mà chỉ nhân trận đại dịch Corona để “dạy khéo” người Việt trong nước cần tôn trọng phép vệ sinh “văn minh” tối thiểu, cả trong đời sống cá nhân lẫn trong sinh hoạt cộng đồng chăng?!
Quả thật, con corona virus rất “khéo giấu mình” và cũng hết sức tàn bạo: Trẻ không tha, già không dung. Ai cũng có thể trong phút chốc trở thành nạn nhân của nó.
Nhưng may mắn là đến nay (22/4/2020) Việt Nam chưa có ca tử vong nào! Phải chăng đó là nhờ “thiên thời, địa lợi”? Hoặc do “thiên tài đảng ta”?
Có lẽ không hẳn chỉ mỗi Việt Nam được “trời” ưu đãi hay con conona nể sợ hoặc nhờ tài ba của đảng! Đến hơn quốc gia và đảo quốc (hầu hết thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới) không có ca tử vong nào. Có những quốc gia tuy số người bị nhiễm virus không nhỏ, nhưng vẫn không có người chết vì virus, Rwanda có 154 người nhiễm, Gibraltar 133 người, Cambodia122, Madagscar 121 người… vướng dịch mà không ai chết vì dịch.
Việt Nam thoát hiểm, theo một số người nhận định, có lẽ nhờ thời tiết nắng nóng vùng nhiệt đới (corona virus không sống với nhiệt độ cao). Bên cạnh đó, từ lâu người Việt đã từng có thói quen ra đường là mang khẩu trang, bít tất và bao tay, giảm thiểu giao tiếp, không ôm nhau, ít bắt tay nhau ngoài đường… có thể góp phần “cứu nguy” chăng?
Mặt khác, theo nhân định của một số nhà chuyên môn, người dân tại những quốc gia nghèo, kém phát triển, dễ bị nhiễm lao phổi, nên trước đây được khuyến nghị tiêm chủng vác-xin ngừa lao… Phải chăng vác-xin ngừa lao góp phần miễn nhiễm corona virus cho dân Việt Nam?
Cụ thể, đài RFI (Radio Quốc tế Pháp) ngày 13/4/2020 qua bài “Chống Covid-19: Vác-xin phòng lao có thể là trợ thủ hàng đầu” cho biết, các quốc gia có truyền thống tiêm phòng lao ít bị tác động bởi dịch Covid-19”. 
Sau khi dẫn chứng nhiều quốc gia thoát nạn (hay số người lâm nạn Covid-19 không cao) là nhờ vác-xin phòng lao, bài báo nêu trường hợp Việt Nam: “Việt Nam là quốc gia, theo số liệu chính thức, được coi là có số lượng người nhiễm virus rất thấp. Ngay từ những năm 1985-1990, Việt Nam đã triển khai tiêm phòng lao đến toàn bộ các tỉnh, thành phố, ngoại trừ một số điểm vùng sâu, vùng xa”.
Những bài báo bằng Anh ngữ của nhiều tác giả khác cũng dẫn chứng như vậy. Cụ thể bài Mandated TB vaccination predicts flattened curves for COVID-19 spread” ngày 13/4/2020 của tác giả Jared Wadley thuộc Đại Học Michigan mà nhan đề trên đây nêu rõ ý chính của nội dung: Tiêm ngừa lao giúp hạ thấp lây truyền COVID-19.
Hiện giờ chưa thể đưa ra bất cứ kết luận nào về tình hình đại dịch Corona virus tại Việt Nam hay tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Vũ Hán (Trung Quốc) là trường hợp điển hình sau khi nhà cầm quyền Tàu Cộng thay đổi số lượng người chết vì dịch ở đó – tăng cao hơn số báo cáo ban đầu, nhưng số “tăng” chỉ làm tăng nghi ngờ về tính trung thực của bản báo cáo mà thôi.
Quân sát thủ Corona vẫn tiếp tục mai phục. Những cuộc đột kích khác thảm khốc hơn có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ ai… bao lâu loài người chưa xác định được phương cách diệt trừ nó hay cách thức chữa trị hiệu quả, như thế giới đã làm được trước đây với nhiều thứ virus, trong đó có vi trùng lao mà vác-xin ngừa lao đã áp dụng hữu hiệu.
Dĩ nhiên mừng cho Việt Nam hôm nay (23/4/2020) bước vào ngày thứ 7 không có ca nhiễm Covid-19 mới. Tuy nhiên, cũng xin đươc cảnh báo: Khinh địch, địch diệt! Bài học muôn thuở! Corona chưa hẳn đã dung tha hoàn toàn đâu!

Beijing Review: Hà Nội bội tín

Beijing Review: Hà Nội bội tín

Trần Quốc Việt dịch
23-4-2020
Lời người dịchVào ngày 30/1/1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Chúng tôi dịch phần thứ tư của văn kiện này, đăng trên tạp chí Trung Quốc Beijing Review, số 7 ngày 18/2/1980, để độc giả tiếp cận thông tin đa chiều về vấn đề gây nhiều tranh cãi này. Tựa đề tiếng Việt là của người dịch.
***
Cần phải hiểu rõ rằng trước đây thường không có tranh chấp về sở hữu hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Suốt một thời gian rất dài, phía Việt Nam đã chính thức công nhận hai quần đảo này là lãnh thổ từ thời xa xưa của Trung Quốc, hoặc trong các bản tuyên bố và công hàm của họ, hay trên báo, tạp chí, bản đồ và sách giáo khoa của họ.
Ngày 15/6/1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp Lý Chí Mẫn, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, và tuyên bố với ông ta, “theo tư liệu Việt Nam, hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa về mặt lịch sử thuộc về lãnh thổ Trung Quốc“. Lê Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam, có mặt trong buổi đón tiếp, đã trích dẫn chính xác tư liệu Việt Nam và chỉ ra rõ ràng, “xét theo lịch sử, hai quần đảo này đã thuộc về Trung Quốc vào thời triều đại nhà Tống“.
Trong bản tuyên bố vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố chiều rộng hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và tuyên bố rất rõ ràng “điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, bao gồm… Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa, Quần đảo Nam Sa và tất cả những đảo khác thuộc về Trung Quốc“.
Vào ngày 6 tháng 9 năm 1958, báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, trang trọng đăng trên trang nhất nội dung chi tiết bản tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc. Báo viết: “Vào ngày 4 tháng Chín, 1958 Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố về hải phận của Trung Quốc. Bản tuyên bố quy định chiều rộng hải phận của Trung Quốc là 12 hải lý (hơn 22 km). Điều khoản này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đại lục Trung Quốc và các đảo duyên hải của Trung Quốc, cũng như Đài Loan và những đảo xung quanh, Quần đảo Bành Hồ, Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa, Quần đảo Nam Sa và tất cả những đảo khác thuộc về Trung Quốc ở ngoài biển khơi cách xa đại lục và các đảo duyên hải của Trung Quốc“.
Vào ngày 14 tháng 9 cùng năm, trong công hàm gửi Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Văn Đồng long trọng tuyên bố “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc“. và “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy“. Bức công hàm của Phạm Văn Đồng chứng minh rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã công nhận Quần đảo Tây Sa và Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong bản tuyên bố vào ngày 9 tháng 5 năm 1965 về việc Chính phủ Mỹ chỉ định “khu vực chiến đấu” cho lực lượng Mỹ tại Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sự chỉ định ấy là “mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc gia láng giềng” vì “Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson coi toàn thể nước Việt Nam và vùng biển kế cận mà trải dài độ 100 dặm từ bờ biển Việt Nam và một phần hải phận của nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa tại Quần đảo Tây Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ“. Ở đây, một lần nữa Chính phủ Việt Nam rõ ràng công nhận Quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Khi tường thuật những vụ xâm nhập của nước ngoài vào Quần đảo Tây Sa, báo chí Việt Nam cũng công nhận những đảo này thuộc về Trung Quốc. Chẳng hạn, vào ngày 13 tháng 5 năm 1969 báo Nhân Dân tường thuật rằng “vào ngày 10 tháng Năm máy bay quân đội Mỹ đã xâm phạm không phận của Trung Quốc trên Đảo Vĩnh Hưng (1) và Đảo Đông Đạo (2) thuộc Quần đảo Tây Sa của Tỉnh Quảng Đông“. Báo chí Việt Nam đã đăng nhiều bài tường thuật tương tự.
Các bản đồ và sách giáo khoa chính thức của Việt Nam đều thừa nhận rất rõ ràng hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Chẳng hạn, Bản đồ Thế giới do Phòng Bản đồ thuộc bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh dấu hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa bằng tên tiếng Trung và chú thích trong dấu ngoặc hai quần đảo này thuộc về Trung Quốc. Tập bản đồ Thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam cũng đánh dấu hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa bằng tên tiếng Trung.
Một trường hợp khác, bài học tựa đề “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” trong sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản vào năm 1974 viết một đoạn như sau: “Chuỗi quần đảo từ Quần đảo Nam sa và Tây Sa đến Đảo Hải Nam, Đảo Đài Loan, Quần đảo Bành Hồ và Quần đảo Chu San… hình dạng như cây cung và tạo thành một Vạn Lý Tường Thành bảo vệ đại lục Trung Quốc“.
Người Việt Nam nhấn mạnh một cách nghiêm túc rõ ràng rằng, để xác lập chủ quyền lãnh thổ cần thiết phải đưa ra “những tài liệu nhà nước chính thức” và “những văn kiện có giá trị pháp lý”. Những điều chúng tôi đã trích dẫn ở trên chính xác là “những tài liệu nhà nước chính thức” và “những văn kiện có giá trị pháp lý”của Việt Nam. Điều này chứng minh rõ ràng từ trước cho đến năm 1974 Chính phủ Việt Nam đã công nhận hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Giờ đây, chính quyền Việt Nam đã nuốt lời và tráo trở từ bỏ lập trường công nhận hai Quần đảo Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc ban đầu của họ và theo luật quốc tế đây là điều tuyệt đối không thể nào cho phép.
Nguồn: Tạp chí tiếng Anh của Trung Quốc Beijing Review, số 7 ngày  18/2/1980.
_____
Chú thích của người dịch:
(1) Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.
(2) Đảo Lincoln thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.

Chỉ cần làm như thế giới đã là phúc… 70 đời!

Chỉ cần làm như thế giới đã là phúc… 70 đời!

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TƯ đảng, Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, nung nấu tham vọng: Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm. Ảnh: Reuters
Người Việt thường dùng thành ngữ “phúc bảy đời” để diễn đạt về những may mắn hiếm có, vượt xa cả mong đợi lẫn khả năng tưởng tượng. Đại dịch do COVID-19 tạo ra là dịp để người Việt có thể thấy rằng, chỉ cần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hành xử như thiên hạ, “phúc” cho xứ sở và cho cả dân tộc có lẽ sẽ tăng đến… 70 đời!
Sở dĩ nên tăng “phúc” lên mười lần so với cảm nhận phổ quát về những may mắn hiếm có, ít ai dám mơ khi Việt Nam hành xử như thiên hạ, vì cơ hội hưởng an lành đã giảm rất sâu khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục được dẫn dắt bởi những người như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH TƯ đảng, Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, nung nấu tham vọng: Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm (1)!
***
Tuần trước, mạng xã hội rồi hệ thống truyền thông chính thức cùng rưng rưng trước những tấm ảnh chụp Sùng Mí Sò, 12 tuổi, ngụ ở xã Sùng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cõng gạch thuê để nuôi thân và giúp ông bà nội nuôi hai đứa em. Cõng gạch trở thành dịch vụ, tạo ra sinh kế cho nhiều đứa trẻ, có đứa chỉ sáu, bảy tuổi ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vì địa hình vùng này hiểm trở, đường đã hẹp độ dốc lại lớn, các phương tiện vận chuyển thông thường không thể đưa gạch đến nơi có nhu cầu xây dựng.
Chưa rõ tại sao dân chúng Đồng Văn (Hà Giang) gọi những viên gạch đúc, lõi đặc là gạch “cay”. Tuy nhiên thù lao cõng một viên gạch nặng tới 12 ký, vượt dốc cao, đèo sâu chỉ có 2.000 đồng/viên, dù mỗi chuyến, những đứa trẻ như Sò ráng cõng ba viên nhưng cõng suốt ngày cũng chỉ được chín viên, kiếm được 18.000 đồng thì rõ ràng là “cay”! Trò chuyện với tờ Tiền Phong, Mua Thị Chở – Sinh viên ĐH Khoa học Thái Nguyên, cùng quê với Sò – bảo rằng, cô cũng đã từng cõng gạch như thế sang cả Trung Quốc (2)…
***
Tháng trước, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam chính thức thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (3) – song đến giờ này, trợ cấp từ gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỉ đồng (4) dành cho những cá nhân, doanh nghiệp đang chật vật xoay sở với đủ thứ khó khăn khi COVID-19 bùng phát (tùy trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng) vẫn chưa được phát.
Hôm thứ hai vừa rồi, tờ Tiền Phong cho rằng “Không thể đợi thêm” (5). Theo đó, từ người già đến trẻ con như Sùng Mí Sò vẫn chờ đợi trong mỏi mòn vì Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội chưa soạn xong hướng dẫn thực hiện cứu giúp đối tượng “khổ lắm rồi, khó lắm rồi”. Thậm chí khi đã có hướng dẫn thực hiện chắc chắn cũng không thể trao tiền hỗ trợ ngay vì toàn bộ hệ thống công quyền sẽ còn phải thực hiện thêm nhiều bước, xác định, xác minh đối tượng nào đủ… tiêu chuẩn.
Vào lúc này, ngay cả những người đã từng nộp thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội,… nếu bị thất nghiệp, cần trợ cấp cũng vẫn phải làm đủ thứ thủ tục và phải chờ đến 25 ngày mới nhận được một triệu đồng! Sau khi dân kêu như bọng, một số nơi đã “cải tiến”, giảm thời gian chờ đợi xuống còn mười ngày! Vì sao hệ thống công quyền Việt Nam không thể khai thác hệ thống dữ liệu hiện có để kiểm tra dữ kiện cá nhân của những người xin trợ cấp thất nghiệp rồi chuyển trợ cấp vào tài khoản cá nhân như… thiên hạ?
Chẳng riêng Việt Nam, hàng trăm quốc gia đã cũng như đang tiến hành đủ loại biện pháp nhằm tiếp sức cho những công dân đang gặp khó khăn vì kinh tế, xã hội tê liệt do buộc phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan rộng hơn. Sự khác biệt trong hỗ trợ công dân giữa những quốc gia ấy với Việt Nam chỉ nằm ở chỗ, họ quyết định rất nhanh và việc thực thi các giải pháp hỗ trợ diễn ra ngay lập tức, kể cả khi dân số gấp vài lần Việt Nam như Mỹ.
Vì sao hệ thống dữ liệu hiện có của nhiều quốc gia có thể phân tích dữ kiện cá nhân và chuyển tiền, phát đủ loại phiếu như phiếu trợ cấp thực phẩm đến tận nhà những công dân cần trợ giúp trong vòng năm, bảy ngày mà không buộc ai làm “đơn”, không khiến ai phải tất bật xác minh, phê duyệt từng trường hợp như Việt Nam? Câu trả lời nằm ở chỗ những quốc gia ấy không có… Bộ Chính trị nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào quản trị, điều hành không phải theo… nghị quyết về “cách mạng công nghệ 4.0” (6).
Những quốc gia ấy cũng không có thành viên nào trong nội các tìm đủ cách để đánh bóng hình ảnh đảng của mình, tên tuổi của mình, bằng những tuyên bố kiểu như: Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm – giống ông Nguyễn Mạnh Hùng và được từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến hệ thống truyền thông chính thức tận tình tán thưởng! Rõ ràng tham vọng Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm – khiến người Việt trở thành “phúc mỏng, phận bạc”!
***
Chẳng riêng người Việt, thiên hạ cũng sững sờ khi Reuters phát giác, hai doanh nghiệp khổng lồ của nhà nước chuyên cung cấp dịch vụ Internet và viễn thông tại Việt Nam là VNPT và Viettel đã tắt các máy chủ mà Facebook đặt ở Việt Nam trong suốt bảy tuần, từ giữa tháng 2 đến đầu tháng này (7). Trước thắc mắc của nhiều triệu khách hàng vì gặp khó khăn khi truy cập vào facebook, cả hai cùng nói dối khi cam kết sẽ phối hợp với các đối tác để kiểm tra nhằm khắc phục triệt để hiện tượng này.
Vì sao VNPT và Viettel dám làm như thế và dám dối trá một cách thản nhiên như vậy? Chắc chắn là vì Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm! Nếu không nuôi cuồng vọng làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm – chắc chắn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không khăng khăng đòi Facebook phải kiểm duyệt nội dung chống mình trên mạng xã hội này! Tắt những máy chủ mà Facebook đặt tại Việt Nam không chỉ khiến việc truy cập vào Facebook gặp trở ngại…
Dương Ngọc Thái – Chuyên gia về công nghệ thông tin, viễn thông của Google – nhận định: Từ nay về sau, có còn công ty Internet quốc tế nào muốn mở văn phòng hay đầu tư lâu dài ở Việt Nam? Nếu họ không mở văn phòng, không đầu tư, xây dựng hạ tầng ở Việt Nam, ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại này? Bao nhiêu người đang kiếm sống nhờ Facebook? Việc tắt máy chủ Facebook cũng đặt dấu chấm hết cho hy vọng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Amazon đem công nghệ vào Việt Nam. Không ai ngu đến mức đầu tư vài trăm triệu USD để người khác muốn tắt là tắt. Thiếu hạ tầng điện toán đám mây hiện đại những nghị quyết về 4.0 sẽ nằm mãi trên giấy.
Theo Thái: Ở Việt Nam, Facebook không chỉ là nơi người ta gặp gỡ, trao đổi, kinh doanh, mua bán mà còn là nơi tìm kiếm tự do và bình đẳng. Ở đâu và thời nào thì người có tiền, có quyền và có quan hệ cũng muốn thay đổi luật chơi theo hướng có lợi cho họ nhưng một xã hội thông minh sẽ thiết lập các cơ chế để phát hiện, ngăn chặn và xử lý bọn chơi gian. Họ sẽ có tam quyền phân lập. Họ sẽ đặt chính phủ dưới sự kiểm soát của các đảng đối lập. Họ sẽ có những những tổ chức dân sự, những tờ báo độc lập để kiểm soát chính quyền và những kẻ muốn chơi xấu. Việt Nam thiếu những cơ chế như vậy và mọi chuyện chỉ thay đổi cho đến khi Internet và Facebook, YouTube xuất hiện.
Thái ngậm ngùi: Sau nhiều thập niên, người Việt có một sân chơi mà trí tuệ là tiêu chí hàng đầu. Ai có tài năng hay ý kiến mới, người đó có sân khấu và vài chục triệu khán giả. Nói không ngoa, đó là thay đổi tích cực nhất về tự do dân chủ, công bằng xã hội ở Việt Nam kể từ sau đổi mới. Tắt máy chủ Facebook là cách nhanh nhất triệt tiêu những thay đổi tích cực ấy… Khi Luật An ninh mạng còn là dự thảo, tôi đã dự đoán Facebook sẽ không bị chặn hẳn nhưng sẽ bị làm chậm nhưng thú thật từ lúc nghe tin này đến giờ tôi vẫn còn choáng váng, vì không ngờ cá mập ở biển Đông lại làm việc cho chính phủ Việt Nam. Trump có Space Force thì Việt Nam cũng ngạo nghễ, có kém gì với Shark Force. 
Những hi vọng của Dương Ngọc Thái: Chính phủ sẽ giải thích tại sao người Việt phải hy sinh lợi ích kinh tế và tự do cá nhân để chính phủ kiểm duyệt các nội dung “chống chính phủ” trên Facebook… Sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm duyệt Facebook, chính phủ sẽ điều động đội quân cá mập ra cắn bớt tàu chiến và dàn khoan của nước lạ đang ra vô biển Đông như đi chợ (8) – dù chính đáng và được nhiều người đồng tình chắc chắn sẽ bị cuồng vọng Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm -biến thành ảo vọng. Bây giờ có lẽ bạn đã hiểu tại sao Việt Nam chỉ cần chịu làm những điều như thế giới đã làm lại giống như phúc… 70 đời!
Chú thích

Phải xử phạt cái Hội nghị Cán bộ Toàn quốc

Phải xử phạt cái Hội nghị Cán bộ Toàn quốc

Nguyễn Khắc Mai
23-4-2020
Tôi không bình luận nhiều về cái nội dung của Hội nghị vì chủ yếu nó làm hai việc: Một là tự đánh bóng mình qua việc thông tin thế giới ngợi khen, ca tụng Việt Nam giỏi trong chống dịch. Tất nhiên rồi, Chính phủ phải làm một Tổng kết nghiêm túc, khoa học về kết quả và bài học lớn về việc này, không phải ngay bây giờ, mà sau này khi đã thật sự đẩy lùi đươc con virus Tàu Cộng. Hai là anh Trọng đã quay lại chiếc đĩa rè về công tác cán bộ. Không thấy có gì chứng tỏ một tầm tư duy lãnh đạo nhạy cảm được với vấn đề lớn lao của dân tộc và thế giới Hậu-Covid.
Tôi chỉ ngờ cái tầm văn hóa chính trị của mấy người lãnh đạo hiện nay. Giá mà họ đem đi họp ở một tỉnh nào đó thuộc diện được nới lỏng bước một của phòng chống dịch mà Chính phủ vừa ban bố, đằng này họ ngang nhiên họp ở Hà Nội, nơi mà đến 30-4 mới được xem xét ban bố lệnh mới. Cả Nguyễn Phú Trọng, cả Hoàng Bình Quân, Nguyễn Chí Vịnh và nhiều người khác không đeo khẩu trang. Họ cũng bất chấp quy định giãn cách 2 mét, cấm hội họp trên mười người.
TBT Nguyễn Phú Trọng, ông Hoàng Bình Quân (ảnh dưới), Trưởng Ban Đối ngoại TƯ và Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đều không mang khẩu trang. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tôi lấy làm lạ, cả anh Chung, cả anh bí thư mới Vương Đình Huệ sao không có lời bảo ban cần thiết. Ít ra là họ cũng nên cố gắng làm ra vẽ gương mẫu, chấp hành nghiêm những quy định mà chính mình ban bố và khoe khoang răn dân chúng chấp hành nghiêm đến nỗi thế giới khen nức nở.
Nếu một nhà chùa, một họ đạo, một nhóm đồng hương đồng học… nào đó đã làm như thế, chắc anh Chung đã ra lệnh cho công an đến giải tán và bắt mấy người đầu nậu bỏ tù, rồi cho báo chí ra sức lên lớp.
Bây giờ lại có thêm một bằng chứng về việc Liệt Ninh (Le’nine) đã từng tuyên bố, “Chuyên chính vô sản không cần luật pháp”. Nhưng người dân Việt Nam cần có luât pháp và luật pháp phải được tôn trọng.
Vì thế, anh Chung phải ra lệnh cho cảnh sát Hà Nội khởi tố, tạm giam anh Trọng ít ngày và phạt tiền Bộ Chính trị về việc không tuân thủ quy định chống dịch của thành phố, như đã xử người dân thường.
Không được bắt chước Tàu: Hình không đến đại quan, lễ không xuống thứ dân. Nghĩa là hình phạt không tới quan trên, lễ không xuống đến dân thường!
Chuyện này có nên cười, khóc hay chưởi đây. Bà con thử phân xử coi.

Bao giờ Chính phủ Việt Nam lấy lại được “nhà của mình”?

Bao giờ Chính phủ Việt Nam lấy lại được “nhà của mình”?

Thảo Ngọc
23-4-2020
Nói “nhà của mình” có nghĩa là những tài sản này là của dân. Vì nhà nước này được minh định là “Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân”.
Việc đòi lại những căn nhà công vụ mà nhà nước đã cho những cán bộ cấp cao ở trong thời gian tại nhiệm, trên nguyên tắc, sau khi các vị đó không còn tại nhiệm nữa thì đương nhiên phải trả lại cho nhà nước.
Đây không phải là việc khó khăn phức tạp như việc đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa mà giặc Tàu đã cướp của nước ta trước đây. Những kẻ mượn nhà công vụ ở theo chế độ, nay hết chế độ ưu đãi mà cố tình ù lỳ, câu giờ, không chịu trả, mặc dù đã nhiều lần nhận được giấy đòi nhà của cơ quan nhà nước, vẫn muốn chiếm đoạt những tài sản đáng giá hàng ngàn lượng vàng này, từng giữ những chức vụ quan trọng như Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc cấp hàm tương đương.
Nhiều vị từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, từng là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền, đã bao nhiêu năm được “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách HCM”. Lẽ ra các vị phải là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Thế nhưng…
Đặc điểm chung của các vị này là khi bị đòi nhà, họ đã nại ra rất nhiều lý do buồn cười để kéo dài thêm thời gian ở lại, mong có ngày “để lâu cứt trâu hóa bùn”.
Nào thì là chưa kiếm được nhà mới cho ưng cái bụng. Nào thì là nhà cũ quá chật hẹp mà lại đông người. Nào thì là ngôi nhà mới không được khang trang lộng lẫy như nhà công vụ. Nào thì là ngôi nhà mới ở xa trung tâm, không thuận tiện cho sinh hoạt…
Theo quy định, cán bộ có chức danh thứ trưởng hoặc tương đương, nếu không có nhà ở, có tiêu chuẩn sẽ được thuê căn hộ nhà ở công vụ diện tích 100 – 115m2 và thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên gia đình. Ngoài ra, các căn hộ này còn được nhà nước trang bị nội thất gồm bàn ghế, tivi, máy điều hòa, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, bình nóng lạnh… có giá trị từ 120 đến 250 triệu đồng/căn.
Đó là lý do vì sao một số cựu cán bộ cao cấp thích ở “chùa” căn hộ công vụ. Thậm chí có vị còn muốn biến căn hộ công vụ thành “nhà của ông”.
Báo Thanh Niên ra ngày 21/4/2020 có bài: “Bộ Xây dựng đòi nhà công vụ của 12 cựu quan chức”.
Theo đó: “Bộ Xây dựng vừa cho biết đã gửi thông báo đến 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1 – CT2, khu đô thị Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo bộ này, 12 cựu quan chức trên được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay đã về hưu. Bộ Xây dựng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu trả nhà, vẫn chưa nhận được động thái tích cực”. (1).
Có thể nói, việc một số quan chức cao cấp sau khi về hưu, muốn chiếm đoạt nhà công vụ đã mang tính hệ thống, không chỉ là một lần với một người, mà rất nhiều lần với rất nhiều người.
Vì khi họ còn đương chức đương quyền, họ được hưởng bao nhiêu là đặc ân của chế độ, bao nhiêu là sự ưu tiên, ưu đãi dành cho họ. Đến khi về hưu thì họ khó chấp nhận cuộc sống đời thường, mặc dù sự đãi ngộ ít đi so với trước.
***
Ngược dòng thời gian, vào năm 2017, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, sau khi về hưu cũng chây ì không chịu trả nhà công vụ.
Ông Hà Hùng Cường từng là Ủy viên Trung ương ĐCSVN khoá X, XI, là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, XIII. Bộ trưởng Tư pháp từ tháng 8/2007 đến 04/2016.
Gia đình ông từng có nhà riêng tại số 10 dãy D, Khu 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Ông Hà Hùng Cường đã được Bộ Xây dựng bố trí cho nhà ở công vụ tại căn hộ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 – CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhưng cho đến khi không còn làm Bộ trưởng Tư pháp nữa, Bộ Xây dựng đã có Thông báo số 582/TB-BXD về việc trả lại nhà ở công vụ đối với ông Hà Hùng Cường do hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Tuy nhiên, ông Hà Hùng Cường lại có đơn đề nghị được mua lại căn hộ công vụ nói trên, nhưng không được giải quyết. Và ông vẫn “quyết tâm” ở lại ngôi nhà này, đến nỗi báo chí phải lên tiếng rằng: Ông Hà Hùng Cường nên trả lại nhà công vụ để giữ thể diện cho mình. Mãi đến cuối tháng 6 năm 2017, ông Hà Hùng Cường mới chịu trả nhà.
Trường hợp cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên lại phức tạp hơn nhiều. Ông Hoàng Văn Nghiên từng là Ủy viên BCHTƯ khóa VII, VIII, IX, làm Chủ tịch Hà Nội từ tháng 12/1994 đến tháng 5/2004.
Trước khi về ở căn biệt thự tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo tiêu chuẩn của Chủ tịch Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã có một căn nhà thuộc phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng).
Sau khi thôi chức Chủ tịch Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiên đã chuyển sang ở tại một căn biệt thự tại Khu Đô thị Ciputra hạng sang nhất ở Hà Nội. Còn căn biệt thự số 12 đường Nguyễn Chế Nghĩa, ông Nghiên lại cho người thân của ông đến ở. Chính quyền Hà Nội đã phải vất vả vật lộn trong 8 năm trời, báo chí đã lên tiếng và dùng từ chây ì đối với ông, thậm chí nhiều vị ĐBQH đã gay gắt lên tiếng đòi xử lý kỷ luật đảng, thì ông Nghiên mới chịu nhả ra, Hà Nội mới lấy lại được căn biệt thự này.
Đó là việc cán bộ cao cấp ở nhà công vụ. Còn việc nhà nước mượn nhà của dân cũng lắm chuyện bi hài không kém. Trong số những ngôi nhà mà nhà nước viết giấy mượn dân đàng hàng nhưng sau đó chiếm luôn thì nhiều vô kể. Trong đó nổi bật nhất là căn nhà số 34 phố Hoàng Diệu, khu Ba Đình của gia đình cụ Trịnh Văn Bô.
Trong Tuần Lễ Vàng năm 1945, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã hiến cho nhà nước 5.147 lượng vàng. Ngoài ra, gia đình cụ đã hiến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang cho nhà nước, và chăm sóc nuôi nấng toàn bộ cán bộ Trung ương đảng trong những ngày đầu cách mạng.
Về giá trị của ngôi nhà 48 Hàng Ngang, ngôi nhà hai mặt tiền nơi Phố Cổ này, có vị trí thuận lợi, nằm tại khu trung tâm buôn bán sầm uất và thông ra mặt phố Hàng Cân và phố Hàng Ngang, với tổng diện tích lô đất là 420 m2. Ngôi nhà có 4 tầng lầu này có giá tương đương 13.175 lượng vàng SJC vào năm 2017. Nghĩa là giá trị căn nhà 48 Hàng Ngang mà gia đình cụ Trịnh Văn Bô hiến, có giá trị hơn 2.5 lần số vàng gia đình cụ hiến trong Tuần Lễ Vàng.
Về ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu, ngôi nhà và lô đất này có diện tích 3000m2. Đây là khu trung tâm của quận Ba Đình, là “đầu não” của Thủ đô “Ngàn năm văn hiến”. Ngôi nhà này là một trong những biệt thự đẹp nhất, sang trọng nhất và lớn nhất, trên con phố đẹp nhất thủ đô. Ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp có ba tầng. Mỗi tầng diện tích 300 m2, sàn nhà được lát bằng gỗ lim đen nhánh, đến nay còn nguyên vẹn.
Năm 1954, sau khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, lúc ấy Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN có viết giấy mượn ngôi nhà 34 phố Hoàng Diệu của cụ Trịnh Văn Bô, hẹn thời hạn 2 năm sẽ trả.
Sau này khi gia đình tướng Hoàng Văn Thái chuyển sang nhà khác, ngôi nhà này lại tiếp tục để cho con gái của tướng Hoàng Văn Thái, có chồng là Võ Điện Biên, con trai tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục ở.
Nhưng phải đến 50 năm miệt mài đi đòi, gia đình ông bà mới giành lại được ngôi nhà của chính mình, với một quyết định “Tặng”, do đã “có công lao to lớn đối với đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.
Theo nhà báo Quốc Phong: “Hàng chục chữ ký của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ qua các thời kỳ đều ủng hộ việc trả nhà cho hai cụ. Nếu tính ra thì có đến hơn chục chữ ký ủng hộ trả nhà là của các uỷ viên Bộ Chính trị lão thành và đương chức qua các thời kỳ. Từ Chủ tịch nước Trường Chinh đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng,… rồi sau này, phải đến thời kỳ ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, thì mới hoá giải được câu chuyện dài kỳ nói trên”. (2)
Vào tối ngày 9/10/2003, khi Bộ Quốc phòng bàn giao ngôi nhà này cho Bộ Tài chính quản lý, nhân lúc đêm tối, con cái cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ cụ Trinh Văn Bô), mới đưa cụ bà “nhảy dù” vào chiếm lại ngôi nhà của mình. Và cụ bà cũng không quên mang theo can xăng để khi cần thì “nói chuyện” với quân kẻ cướp (lúc này cụ ông Trịnh Văn Bô đã mất).
Trở lại vụ 12 nhà công vụ nói trên, những người không chịu trả nhà công vụ cho chính phủ là những ai? Xin thưa đó là:
1.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Lý
2.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Văn Ngàng
3.- Cựu Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bà Nguyễn Thị Thu Hồng
4.- Cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Lý
5.- Cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Lều Vũ Điều
6.- Cựu Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Bùi Thị Thanh
7.- Cựu thứ trưởng, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đinh Quế Hải.
8.- Cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái.
9.- Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Hoàng Sỹ Thành.
10.- Cựu tổng biên tập Báo Điện tử Đảng cộng sản, ông Đào Ngọc Dũng.
11.- Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Văn Chiến.
12.- Cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Phạm Văn Vọng.
Tạm bỏ qua các vị thuộc khối Dân vận như Mặt trận, Liên đoàn Lao động, Hội nông dân, Ủy ban Dân tộc… vì thực chất các tổ chức mà họ lãnh đạo chỉ làm màu, làm cho có vẻ… dân chủ. Số còn lại từng một thời đại diện quyền lực cho pháp quyền và đạo đức của thể chế.
Như Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Huỳnh Vĩnh Ái; Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Hoàng Sỹ Thành; Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đào Ngọc Dũng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Phạm Văn Vọng; Phó Chủ nhiệm VPQH Đặng Văn Chiến… thì quả là đẹp mặt cho các quan quá.
Có người đề nghị thủ tướng ra quyết định buộc những ai còn chiếm dụng nhà của Dân phải trả tiền thuê nhà theo giá thị trường và nộp phạt. Dù lạm dụng một xu của Dân cũng là ăn cắp.
Cũng có người đề nghị đăng luôn cả ảnh chân dung 12 vị này lên báo nhà nước để dân biết mà tránh tiếp xúc vì rất dễ … nhiễm độc.
Cũng có người đề nghi loại mặt dày như này không nên cho trẻ tiếp xúc gần. Vì đã mặt dày, dĩ nhiên chúng sẽ bệnh hoạn về tâm hồn, sẽ ảnh hưởng đến trẻ nếu tiếp xúc gần.
Xem ra câu chuyện đòi lại nhà công vụ của các cựu quan chức sau khi đã về hưu mà không chịu trả, là câu chuyện dài nhiều tập, mà trong đó chứa rất nhiều uẩn khúc, có bi, có hài.
Không phải ngẫu nhiêm mà họ không chịu trả. Vì trước đây cũng đã có mấy vị “biến nhà công thành nhà ông” một cách trót lọt và êm thấm. Nay nhà nước vì những lý do tế nhị nào đó mà cho qua luôn và không nói ra. Còn những vị chưa trả lại nhà cũng chỉ nói bóng, nói gió mà không dám nêu thẳng thừng đích danh ra làm dẫn chứng.
Hãy chờ xem đến bao giờ thì chính phủ Việt Nam đòi lại được những căn nhà này.
Chú thích: