Phạm Quang Minh bị Anh tước quốc tịch và VN không nhận
Vụ Shamima Begum bị Anh tước quốc tịch vì đi theo Nhà nước Hồi Giáo ISIS vào năm 2015 đang là một chủ để gây ra nhiều bàn cãi ở Anh hiện nay.
Sinh ra ở London, Shamima Begum có cha mẹ gốc Bangladesh, bị Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch đầu 2019 để cô ta không thể từ Syria trở về.
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Anh tước quốc tịch công dân mình vì lý do gia nhập một tổ chức khủng bố.
Năm 2011, vụ việc tương tự đã xảy ra ở Anh, đặc biệt hơn khi đối tượng là một người gốc Việt.
Phạm Quang Minh và tuổi thơ ở Anh Quốc
Sinh ra ở Việt Nam, Phạm Quang Minh chỉ mới một tháng tuổi trước khi cùng ra gia đình rời sang Hong Kong vào năm 1983.
Sáu năm sau, gia đình Minh xin tỵ nạn ở Anh và năm 1995, Minh chính thức được cấp quốc tịch Anh.
Cuộc sống của Phạm Quang Minh ở Anh trên thực tế cũng nhiều khó khăn.
Trong bức thư gửi thẩm phán Mỹ, Minh chia sẻ về cuộc sống khó khăn của một đứa trẻ nhập cư xa quê hương, với khả năng ngoại ngữ hạn chế.
''Là một trẻ châu Á thấp bé, tôi thường xuyên bị bắt nạt ở trường," Minh viết.
''Và tôi và cha mẹ chẳng thể làm gì, vì chúng tôi đâu biết tiếng.''
Tuy nhiên, Phạm Quang Minh đã tìm được đam mê của mình trong môn hội họa.
Sau khi hoàn tất Level A ở trường Cao Đẳng Lewisham (London), Minh tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ mới ở Cao Đẳng Thiết kế Ravensbournes vào năm 2004.
Đây cũng là năm mà Minh cải đạo sang Hồi Giáo, qua giới thiệu của người bạn Morocco cùng lớp.
Minh thường xuyên có mặt ở các đền thờ của người Hồi Giáo khắp nước Anh. Đặc biệt Minh thay đổi sau chuyến đi Bangladesh và Ấn Độ năm 2006.
Sau khi trở về Anh, cuộc sống của Phạm Quang Minh diễn ra bình thường.
Anh ta làm công việc thiết kế đồ họa và cưới một cô gái gốc Bangladesh vào đầu năm 2010.
Trung thành với Al Qaeda
Theo điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, vào cuối năm 2010, Phạm Quang Minh đến Yemen, nguyện trung thành với tổ chức khủng bố Al Qaeda, A.Q.A.P và làm việc ở tạp chí tuyên truyền của tổ chức, Inspire.
Cũng ở Yemen Minh được đào tạo cách chế tạo bom và sử dụng vũ khí.
Tháng 7 năm 2011, Phạm Quang Minh trở về Anh, và bị bắt ở sân bay Heathrow khi phát hiện có sở hữu vũ khí đạn dược, cùng với một số dụng cụ làm bom trong người.
Theo BBC News, một người là Ahmed Abdulkadir Warsame mô tả gặp Minh, lấy tên Hồi Giáo là Amin, trong điểm trú ẩn của AQAP ở Yemen năm 2011.
Amin, theo lời kể, luôn mang trong mình một khẩu AK và sẵn sàng trở thành "người tử đạo".
Tháng 12, Bộ Nội vụ Anh thông báo tước quyền công dân của Minh mà các văn bản của Anh gọi là Mr Pham.
Trường hợp của Phạm Quang Minh được cho là bất thường, vì đa số các ra các lệnh tước quyền công dân khác chỉ đưa ra khi đối tượng đang cư trú ở nước ngoài, ngăn chặn họ trở về Anh.
Chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu Anh Quốc dẫn độ Minh sang Mỹ, với các tội danh liên quan đến khủng bố, bao gồm âm mưu đánh bom sân bay Heathrow, London.
Năm 2014, Minh kháng cáo lệnh dẫn độ của Mỹ lên toà Anh nhưng không thành và sang năm 2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ và nhận án tù, và hiện bị giam ở New York.
Câu chuyện 'quốc tịch Việt Nam'
Trở lại tháng 12 năm 2011, Bộ Nội vụ, với bộ trưởng lúc đó là bà Therasa May, thông báo tước quyền công dân của Phạm Quang Minh, với các cáo buộc của bên an ninh rằng người này có liên kết với một số phần tử cực đoan Hồi Giáo, và lên âm mưu đánh bom sân bay Heathrow.
Tuy nhiên, điều này gặp nhiều trở ngại.
Đạo luật Quốc tịch Anh năm 1981 viết rõ Bộ Nội vụ Anh có quyền tước quốc tịch nhưng cũng phải để người bị tước quốc tịch quyền kháng cáo qua hệ thống tư pháp là các tòa án Anh.
Để tước quốc tịch một người, Bộ Nội vụ cần đảm bảo chắc chắn rằng người đó sẽ không rơi vào tình trạng ''vô tổ quốc'' (stateless) sau đó.
Năm 1961, Anh đã ký vào Công ước về tình trạng không tổ quốc năm 1961. Theo đó, các quốc gia tham gia không thể tước quốc tịch của một công dân nếu như không thể đảm bảo họ sẽ còn một quốc tịch khác.
Theo lập luận của bà Theresa May, Phạm Quang Minh sau khi bị tước quốc tịch vẫn sẽ còn quốc tịch Việt Nam của mình.
Năm 2012, vụ việc được đưa ra tòa án Anh với một bên là Phạm Quang Minh, một bên là Cục Di trú, Bộ Nội vụ.
Phạm Quang Minh đã sử dụng quyền kháng cáo trên cở sở pháp lý tại các toà án ở Anh để bảo vệ quốc tịch Anh của mình.
Căn cứ pháp lý của Minh nêu anh ta đã kết hôn với một người phụ nữ là công dân Anh và họ đã có con.
Phạm Quang Minh cho rằng quyết định của Bộ Nội vụ vi phạm Công ước châu Âu về quyền con người.
Ngoài ra, nguyên đơn cho biết mình đã rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, và chưa bao giờ cầm trên tay cuốn hộ chiếu Việt Nam.
Vì vậy, Minh phủ nhận mình có quốc tịch Việt Nam.
Trong phiên toà kháng cáo đầu tiên năm 2013 của Cục Di trú, Đại sứ Đặc mệnh của CHXHCN Việt Nam ở Vương Quốc Anh lúc bấy giờ, là ông Nguyễn Quý Bình đã phát biểu nêu ra quan điểm của Việt Nam về vụ việc. Bên đại diện cho Bộ Nội vụ Anh là tiến sĩ Nguyễn Thị Láng.
Theo Luật Quốc tịch năm 1988 của Việt Nam, công dân Việt Nam chỉ có một và duy nhất một quốc tịch, đó là Việt Nam.
Do đó, Phạm Quang Minh đã mất quốc tịch Việt Nam của mình khi trở thành công dân Anh vào năm 1993, lập luận của phía chính phủ Việt Nam nêu ra như vậy.
Không bằng lòng, Bộ Nội vụ quyết định kháng cáo với Toà Phúc thẩm.
Phiên xử nổi tiếng với hội đồng thẩm phán của Supreme Court gồm Lord Neuberger (chủ tọa), Lady Hale (nữ phó chủ tọa), Lord Mance, Lord Wilson, Lord Sumption, Lord Reed và Lord Carnwath vào hôm 18 và 19 tháng 11 năm 2014 đã ra ra bản án hôm 25 tháng 3 năm 2015.
Bộ Nội vụ Anh cho rằng Việt Nam không thể đưa ra các cơ sở thuyết phục để không công nhận quốc tịch của Phạm Quang Minh.
Sắc lệnh 53, năm 1945 của VNCDCH (sau là CHXHCN Việt Nam) ghi rằng, bất cứ người nào sinh ra ở Việt Nam đều có quốc tịch Việt Nam. Phạm Quang Minh sinh ra ở Việt Nam năm 1983, vậy nghiễm nhiên anh ta là công dân Việt nam.
Cũng như đã nói ở trên, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 1988 ghi nhận rằng người Việt Nam chỉ có một quốc tịch duy nhất, là Việt Nam.
Tuy nhiên, nghị định 37, năm 1990 về Luật Quốc tịch có điều khoản bao gồm:
''Những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác (do chưa mất quốc tịch Việt Nam mà đã vào quốc tịch khác hoặc do xung đột giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài sinh ra), khi ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam bảo hộ phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, khi ở Việt Nam được đối xử như mọi công dân Việt Nam."
Phạm Quang Minh khi nhập quốc tịch Anh năm 1995 đã không xin thôi quốc tịch Việt Nam của mình, như điều lệ trong Luật Quốc tịch 1988.
Để từ bỏ quốc tịch gốc, người này phải tuân theo các thủ tục do các đạo luật Việt Nam đặt ra và bảo đảm sự đồng ý của chính phủ Việt Nam, phía Anh nói.
Ngoài ra, theo các Luật Quốc tịch từ năm 1988 đến lần bổ sung mới nhất, 2009, không có điều luật nào bao gồm điều khoản rằng người Việt Nam khi nhập quốc tịch khác sẽ tự động mất quốc tịch Việt Nam.
Do vậy, việc tước quốc tịch hay không là do chính phủ Việt Nam lựa chọn, trong đó người có quyết định là chủ tịch nước, chứ không phải là điều tự nhiên xảy ra trong hệ thống pháp lý.
Ông Nguyễn Quý Bình cũng thừa nhận điều này. Đáng lưu ý, ông là một trong những người góp phần vào sửa đổi Luật Quốc tịch năm 1988, theo các tài liệu mà Anh Quốc công bố trên mạng.
Phán quyết của Lord Jackson
Trong phúc trình của thẩm phán Lord Jackson ở phiên tòa đầu tiên có ghi:
''Việt Nam vận hành theo cách của chính quyền cộng sản, trong đó bên hành pháp kiểm soát các toà án chứ không phải ngược lại."
''Phạm Quang Minh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam của mình sau tất cả các sự kiện của những năm 1980 và 1990. Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 không thay đổi tư cách pháp lý của anh ta. Theo tôi, cho dù chính phủ Việt Nam có thể tự tiện đưa ra những điều luật riêng của mình, thì nó không mang ý nghĩa cấu thành hiệu lực và hoạt động của luật pháp quốc gia đó thể theo nội dung của điều 1.1 của Công ước 1954 về người vô tổ quốc.''
''Tôi hiểu rằng (ở Việt Nam) bên hành pháp kiểm soát tòa án và rằng các tòa án sẽ không bãi bỏ các hành vi trái pháp luật của hành pháp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những hành vi đó không vi phạm pháp luật.''
''Chính phủ Việt Nam giờ quyết định không coi Phạm Quang Minh là công dân Việt Nam nữa. Họ đi đến quyết định này mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục từ bỏ, tước quyền hoặc hủy bỏ quốc tịch Việt Nam như được quy định trong Luật 2008,'' thẩm phán Jackson kết luận.
Cuối cùng, phiên kháng cáo với hội đồng thẩm phán đông đảo đã đồng ý rằng việc Bộ Nội vụ Anh tước quốc tịch Anh của Phạm Quang Minh là đúng.
Đây là lần thứ nhì ở Anh, một vụ tước quốc tịch người Anh sinh ra ở nước khác được đưa lên Tòa Tối cao.
Lần trước là vụ Hilal al-Jedda, người sinh ra ở Iraq nhưng đã thành công dân Anh và cũng bị chính Bộ trưởng Nội vụ Theresa May tước quốc tịch năm 2013.
Án tù nhiều năm
Tháng 2 năm 2015, Phạm Quang Minh chính thức bị dẫn độ sang Hoa Kỳ.
Trong phiên xét xử, Minh thừa nhận anh ta đã phạm một "sai lầm khủng khiếp" và gửi bức thư cho thẩm phán nói đã từ bỏ mọi hành vi khủng bố và tư tưởng cực đoan.
Các công tố viên Hoa Kỳ bác bỏ lời nhận tội của Minh, và yêu cầu ra bản án đặc biệt nghiêm khắc.
Rơm rớm nước mắt, Phạm Quang Minh cho rằng bản án dài và khắc nghiệt sẽ khiến anh ta phải xa gia đình trong nhiều năm.
"Tôi chưa bao giờ gây ra hành động bạo lực nào," Minh nói.
"Nhưng tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Tôi rất hối hận."
Cuối tháng 5 năm 2016, Phạm Quang Minh, người mà Anh Quốc và Việt Nam đều không muốn nhận là công dân của mình, bị kết án tới 40 năm tù giam.
Tin liên quan
- Hộ chiếu VN có vấn đề với dòng chữ 'full name'?
- Nhắc lại thời vào Mỹ không cần hộ chiếu
- Hộ chiếu Việt 'không mạnh bằng hộ chiếu Cuba'
- Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra làm chủ tịch công ty ở TQ?
- Anh có được tước quốc tịch 'cô dâu IS' Shamima Begum?
- Khi chết Marx vẫn là người 'vô tổ quốc'
- Bộ Nội vụ Anh bị chỉ trích vì để con trai của Begum chết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.