Những khuôn mặt trẻ đằng sau trang 'Tui là Rác'
Giữa lúc tiết trời Việt Nam như đang đổ lửa, một số bạn trẻ lại nảy ra ý tưởng xuống đường 'không giống ai' - nhưng đằng sau đó là thông điệp thú vị về bảo vệ môi trường, và hoài bão của tuổi trẻ.
"Muốn trời bớt nóng
Thì trồng thêm cây
Chứ đừng đợi mây
Mang cơn mưa đến"
Bài thơ con cóc dí dỏm này chính là sản phẩm của một nhóm bạn trẻ gồm Mast Nguyễn, 27 tuổi, và các bạn sinh cấp 3 tại Biên Hòa, Đồng Nai.
"Thấy trời nóng quá, mình muốn làm gì đó nên nghĩ đến việc trồng cây, nên nghĩ ra câu thơ trên, gửi cho [Reneesmee] và cô bé cùng một số người bạn đã in ra và tham gia đứng trên đường phố," Mast nói về hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội.
'Tui là rác' ra đời như thế nào?
Mast chỉ bắt đầu "đứng đường cầm biểu ngữ" vào 2015, anh đứng như thế khoảng một tháng thì nhiều bạn trẻ khác đề nghị tham gia phong trào cùng anh.
"Lần đầu tiên, mình khá hồi hộp, cảm thấy rất cô độc. Ngại thì ngại nhưng cứ nghĩ đến việc nếu có người hiểu và cùng mình làm điều gì đó thì rất vui, nên lần đó mình cố gắng giữ bình tĩnh," anh chàng 27 tuổi nói.
"Kỷ lục của mình là có lúc đã đứng suốt 3 tiếng đồng hồ."
Nguồn cảm hứng? Mast nói đó chính là bài diễn văn của Severn Cullis-Suzuki tại Hội nghị Trái đất của Liên Hiệp Quốc nói về việc con người đang phá huỷ tương lai của con em mình.
"Có lẽ chính video đó là cảm hứng để mình tìm hiểu về các vấn đề môi trường. Và có lẽ là do hàng ngày mình đi qua con suối đen ngòm hôi thối gần nhà, đấy chính là cái thực tế trong cuộc sống hàng ngày khiến mình hành động,"
Vào 2015, nếu có ai đi ngang qua các con phố lớn ở thành phố Biên Hòa , chắc hẳn thi thoảng sẽ bắt gặp một số bạn trẻ đứng trong những chiếc sọt rác màu đỏ bên đường cầm những biểu ngữ "Tui là Rác! Xin đừng vứt lung tung!!"
Đó chính là những bạn trẻ được truyền cảm hứng bởi Mast Nguyễn, chàng trai đằng sau trang Facebook 20,000 lượt theo dõi "Tui là Rác!"
Chỉ trích
"Rảnh quá thì đi nhặt rác đi."
"Làm màu, không có tác dụng gì."
"Muốn nổi tiếng nên cố tình làm trò."
Đó là những câu nói mà Mast thường phải nghe mỗi lần "đứng đường cầm biểu ngữ".
Sau ba tháng thử nghiệm, Mast chán nản tạm từ bỏ ý tưởng, chỉ mãi đến 2019 anh mới bắt đầu làm lại.
"Sau bốn năm mình đi làm nhiều hơn, suy nghĩ thêm, mình nhặt nhạnh thêm, rèn luyện thêm về thái độ với những tiêu cực phản ứng. Bây giờ mình mặt dày hơn, tư duy cũng mở hơn, dịu dàng nhẹ nhàng hơn. Ai chửi mình thì mình cười," Mast nói.
Mast đã quay trở lại và có lẽ 'lợi hại hơn xưa' khi những biểu ngữ không chỉ ngô nghê như "Tui là Rác! Xin đừng vứt lung tung" mà thành những bài thơ con cóc dí dỏm, dễ nhớ dễ thuộc như:
"Anh chị chú bác
Lớn mà chơi ác
Xả rác khắp nơi
Hại đời con cháu
Ô nhiễm về sau
Tim tui nhói đau"
Truyền cảm hứng cho các bạn trẻ
Cô bé 16 tuổi xin được gọi là Renesmee Nguyễn là một trong những bạn trẻ được truyền cảm hứng bởi hành động 'tưởng không hay nhưng hay không tưởng' của Mast Nguyễn.
"Em gặp anh Mast lần đầu khi em học lớp 9. Anh ấy cầm tấm bảng ghi mấy câu khuyên mọi người bỏ rác đúng nơi quy định. Em thấy nó dễ thương mà còn sáng tạo nữa. Sau đó mấy tháng, khi em lên lớp 10 thì cô giáo có cho tụi em làm một bài project về bảo vệ môi trường, em muốn mấy bạn và cô biết đến cái phong trào của anh ấy nên nhắn tin hỏi anh ấy. Sau đó em xin tham gia luôn."
"Lần đầu quyết định cầm bảng đứng giống anh ấy thì gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Mọi người kêu rằng nếu tụi em thực sự muốn môi trường sạch sẽ hơn thì tự đi dọn rác đi chứ đứng một chỗ không giải quyết gì đâu.
"Nhưng mà họ không hiểu rằng rác có dọn mấy cũng không sạch nếu như họ tiếp tục xả."
Cô bé nói "không sợ" vì "thích cảm giác được làm gì đó cho xã hội".
Renesmee cho biết nhiều bạn bè của cô bé cũng bắt đầu tham gia các hoạt động này. Khi được hỏi cô bé lớp 10 cân bằng việc học và tham gia phong trào "Tui là rác" như thế nào, thì cô chia sẻ:
"Một tuần em chỉ đi học thêm hai buổi môn toán thôi, tự học là chính nên cũng không có gì bận rộn lắm. Ba mẹ biết, ba mẹ em cũng ủng hộ. Em chủ yếu đứng buổi sáng chủ nhật từ 6h đến 8h. Một tuần chỉ cần 2 tiếng đồng hồ như vậy nên không có gì khó khăn hết."
Renesmee nói thú thực ban đầu cô bé cũng không quan tâm tới môi trường lắm, nhưng phong trào của Mast đã thay đổi cô.
"Cái cách thiết thực nhất để cải thiện môi trường dành cho giới trẻ là bỏ rác đúng nơi quy định. Ngày nào đi học em cũng gặp cái cảnh mấy bạn học sinh ăn uống trên xe xong là vứt xuống đường. Đứng chờ ba mẹ đến đón thì vứt khẩu trang y tế, chai lọ, vân vân. Chỉ cần mỗi người cố gắng cải thiện ý thức của mình chút thôi thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn," cô nói.
Làm băng rôn 'xấu hổ' về vụ 'hôi bia'
Ít ai biết được Mast chính là tác giả của tấm băng rôn "xấu hổ thay" về vụ hôi bia ở Đồng Nai hôm 4/12/2013.
"Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam. Tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây trưa ngày 4/12.
Sáng sớm ngày 8/12, Mast đến chính khu vực hiện trường vụ hôi bia ở Tam Hiệp, Biên Hòa và treo tấm băng rôn lên.
Sau cùng, tấm băng rôn cũng vẫn bị gỡ xuống nhưng Mast nói anh không bận tâm, vì hình ảnh tấm băng rôn đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, "miễn nó đến được với mọi người là OK".
Dự định của Mast và nhóm sắp tới là nhắm vào các mẩu đuôi thuốc lá, hướng đến một môi trường không khí trong lành.
"Rác người ta còn tái chế được, vậy con người thì sao, có thể thay đổi hay không? Một phần nào đó, tôi thấy con người và rác không khác nhau là mấy," Mast lý giải về ý nghĩa đằng sau cái tên "Tui là Rác".
"Cái khác là chúng ta có nhận thức. Tôi cũng muốn xem ai có khả năng tự tái chế bản thân?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.