Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Phản kháng phi bạo lực (Phần 7)

Phản kháng phi bạo lực (Phần 7)

Phạm Đoan Trang
Chương VII 
CẦN CẢ CHIẾN LƯỢC LẪN CHIẾN THUẬT
Chúng ta cần một chiến lược tổng thể hay đại chiến lược, một chiến lược nhỏ hơn, và các chiến thuật để thực thi chúng.
*
Nếu bạn có xem bóng đá thì chắc chắn bạn còn hiểu biết hơn người viết về khái niệm chiến lược và chiến thuật. Ta có thể hình dung sơ bộ rằng chiến lược là sự cụ thể hóa tầm nhìn (mà bạn đã xác định được, và chúng ta đã bàn tới ở Chương III), còn chiến thuật là những kỹ thuật cụ thể hơn nữa, được áp dụng trên con đường thực hiện chiến lược. Nói cách khác, như trong bóng đá, chiến lược là đường lối, chiến thuật là kỹ thuật, mưu mẹo, tiểu xảo...
Nhưng nói như vậy thì vẫn trừu tượng, nhất là với những người không ham bóng đá (như người viết cuốn sách này). Để thật sự hiểu về chiến lược, kế hoạch, chiến thuật, chúng ta hãy nghe câu chuyện mà chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực - Đại tá Bob Helvey - kể về cuộc chiến đấu của người Miến Điện chống ách độc tài quân sự.
Các anh chị thực tế một chút đi!
Chuyện xảy ra vào những năm 1990-2000, khi Bob Helvey gặp những thanh niên Myanmar đang ẩn mình trong rừng để làm chiến tranh du kích. Họ trẻ, rất dũng cảm, và cũng có vũ khí. Đối với họ, chiến thắng có nghĩa là đánh được một đồn giặc hoặc giật sập một tháp phát sóng truyền thanh.
Bob Helvey hỏi họ có bao nhiêu quân? Câu trả lời là hơn 200 nghìn người. Câu hỏi tiếp theo là bao nhiêu người trong số đó thực sự cầm súng chiến đấu? Trả lời: Chính xác là một phần mười của con số 200 nghìn. Và bây giờ đến câu hỏi thứ ba, mang tính quyết định: Dân số Myanmar lúc đó là bao nhiêu? Câu trả lời là hơn 48 triệu.
Đó là những câu hỏi đầu tiên phải đặt ra cho bất kỳ đội quân chiến đấu nào, hay nói như Bob Helvey, đó là bài học đầu tiên, nói về việc phải kiểm tra và biết rõ nguồn lực của mình.
Như vậy là “có 40 triệu đàn ông, đàn bà cần được huy động. Họ có thể được tổ chức lại để chiến đấu chống bọn độc tài quân sự, ngay trong những vườn rau, quầy hàng ở chợ, ghế ngồi trên xe buýt. Nếu lực lượng đối lập không tận dụng được nguồn lực khổng lồ này, nếu luôn luôn bị giới hạn ở con số 20.000 tay súng AK-47 nhễ nhại mồ hôi, lẩn quất trong rừng, thì chắc chắn lực lượng đối lập sẽ thua”.
Cả nhóm du kích nghe Bob Helvey nói thì đều thấy thuyết phục. Và họ nhanh chóng đi đến câu hỏi, vậy thì làm thế nào huy động người? Bob Helvey trả lời bằng cách hỏi ngược lại họ: Nếu muốn lôi kéo quần chúng tham gia, thì các anh chị hình dung sự tham gia đó sẽ như thế nào, dưới hình thức gì?
Các du kích ngay lập tức bàn tán sôi nổi về những cuộc biểu tình đông đảo với hàng nghìn người tham dự. Nhưng rồi họ cũng nhanh chóng thừa nhận rằng quân đội của chính quyền chắc chắn sẽ đàn áp và dập tắt ngay mọi sự thể hiện quyền tự do biểu đạt. Vậy là không khí chùng xuống một lát, ai nấy bớt phấn khích.
Tuy thế, cuối cùng đã có một tia sáng lóe lên dưới đường hầm, khi một người chợt nghĩ ra rằng nếu có các vị tăng, ni dẫn đoàn thì có thể quân đội sẽ không dám nổ súng. Còn nếu chúng vẫn bắn thì hậu quả sẽ kinh khủng ngay cả với nhà cầm quyền độc tài.
Do vậy, bước đầu tiên cần tiến hành là huy động các nhà sư. Sau đấy thì các ông già, bà già có thể tổ chức những cuộc phản kháng nho nhỏ ở trước cổng nhà mình, còn bọn trẻ đi học ở trường thì cũng có thể bắt đầu tập hợp nhau lại để phản đối chính quyền. Bob Helvey nhấn mạnh với các du kích rằng đấu tranh phi bạo lực thật ra mạnh hơn đấu tranh bạo lực nhiều, ở chỗ nó cho phép tất cả mọi người, dù nghèo khổ hay yếu đuối đến đâu, cũng đều có thể tham gia phản kháng. Nhóm du kích đã trông chờ vào 20.000 tay súng để chiến đấu chống độc tài quân sự, mà họ quên hẳn 48 triệu người dân Miến Điện - những người hoàn toàn có thể được khuyến khích để phản kháng độc tài ở bất kỳ nơi nào có mặt họ, thế mà sức mạnh ấy lại chưa từng được tận dụng, phát huy.
Bài học rút ra là...
Từ câu chuyện của Bob Helvey mà Srdja Popovic kể lại, ta có thể rút ra những điều sau:
1. Hiểu rõ nguồn lực của mình. Làm gì cũng cần hiểu “người đâu, tiền đâu, sức đâu”, tóm lại là “nguồn lực đâu?”, để cân nhắc một cách thực tế. Chẳng hạn, nếu không có hoặc có ít nguồn lực, ít người, thì hãy thôi đưa ra các lời kêu gọi “toàn dân diệt cộng”, “toàn dân xuống đường lật đổ cộng sản” như chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên mạng xã hội.
2. Người dân thường (không nhất thiết phải là nhà hoạt động dân chủ) có thể biểu thị sự phản đối hoặc có hành vi phản kháng ở bất cứ đâu, tùy theo cách của họ. Cái này gọi là “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” giống như sáng lập viên của đảng Cộng sản Việt Nam - ông Hồ Chí Minh - đã nói ở đâu đó.
3. Hãy nên có những hoạt động để thu hút những thành phần khác nhau trong xã hội, những người dân bình thường, chứ không phải chỉ có các hoạt động dành riêng cho những người đặc biệt dũng cảm.
4. Và, hết sức quan trọng: Hãy làm kế hoạch, làm chiến thuật bằng cách “từ tầm nhìn trong tương lai, đi ngược về hiện tại, từng bước một”.
Điều 2 và 3, chúng ta đã nhắc đến ở Chương II, “Làm tốt từng việc nhỏ”.
Còn điều 4, là một kỹ thuật rất quan trọng mà có thể áp dụng cả trong... marketing và kinh doanh chứ không chỉ trong lĩnh vực đấu tranh chống độc tài, vốn rất đặc thù và độc đáo.
Bạn hãy coi tầm nhìn, hay mục tiêu lý tưởng bạn cần đạt đến trong tương lai, là điểm khởi đầu, để bắt đầu từ đó, bạn đi ngược trở về hiện tại để vạch ra từng bước phải đi, từng việc phải làm, từng giai đoạn phải trải qua. Tầm nhìn thì vĩ đại và lý tưởng thật đấy, nhưng các việc cần làm thì phải cụ thể và thực tế.
Bao giờ cũng phải bắt đầu với một ước mơ, hay là hình dung của ta về viễn cảnh tương lai. Sau đó, ta chia nhỏ ước mơ hay tầm nhìn của mình thành nhiều bước, và cân nhắc thực hiện từng bước một cách thực dụng và logic, thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Những năm 1990, tất cả những người ủng hộ Aung San Suu Kyi đều mơ về chiến thắng của bà sau hơn 15 năm bị quản thúc, ngay cả trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến đấu của họ. Nhưng họ không chỉ ngồi đó và tưởng tượng cái cảnh bà Aung San Suu Kyi mở cổng và bước ra, trong tự do và khải hoàn. Thay vì thế, họ nghĩ xem buổi lễ mừng chiến thắng của bà sẽ diễn ra ở đâu, những chức sắc nào sẽ được mời đến dự và sẽ ngồi ở đâu. Điều này nghe có vẻ tệ như là cho xe ngựa chạy trước con ngựa, nhưng làm kế hoạch chi tiết như vậy là để giúp bạn hình dung rõ hơn xem bạn thật sự muốn gì.
Ví dụ, khi phải nghĩ về chỗ ngồi trong buổi lễ mừng chiến thắng của Aung San Suu Kyi chẳng hạn, những người ủng hộ bà sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ muốn báo chí có mặt và muốn một số chính trị gia có cảm tình với đảng của bà hiện diện ở hàng ghế đầu. Điều đó lại dẫn đến việc họ nhận ra một vấn đề khác quan trọng hơn: Họ muốn buổi lễ không chỉ là dịp mừng lãnh tụ của họ được tự do, mà còn là một sự thông báo rằng bà sẽ thách thức những kẻ đã từng giam lỏng bà; bà sẽ tranh cử tổng thống”.
(Bob Helvey kể cho Srdja Popovic, viết lại trong cuốn “Blueprint for Revolution”)
** *
Bây giờ chúng ta sẽ bàn thêm một chút xíu lý thuyết nữa trong đấu tranh chính trị phi bạo lực - định nghĩa của Gene Sharp về “đại chiến lược”, “chiến lược” và “chiến thuật”.
Đại chiến lược
Theo Gene Sharp, đại chiến lược (grand strategy), hay chiến lược tổng thể, là toàn bộ nhận thức nhằm phối hợp và hướng các nguồn lực phù hợp và sẵn có (về kinh tế, con người, đạo đức, chính trị, tổ chức, v.v.) của đất nước hay cộng đồng vào việc thực thi các mục tiêu đề ra trong một cuộc đấu tranh. Để cho cụ thể, dễ hình dung hơn, thì Gene Sharp nói rằng, khi xây dựng đại chiến lược, ta phải cân nhắc đến tính chính đáng (chính danh, chính nghĩa, đúng đắn) của sự nghiệp của ta, đánh giá ảnh hưởng, tác động của các yếu tố khác trong tình hình, hiểu rõ thái độ của các bên liên quan, hiểu rõ các trụ cột của quyền lực chính trị, lựa chọn những kỹ thuật đấu tranh nào ta sẽ sử dụng, và đánh giá xem sẽ phải làm thế nào để đạt mục tiêu, kết quả về dài hạn là gì...
Chiến lược
Chiến lược (strategy) được Gene Sharp định nghĩa là nhận thức về cách tốt nhất để đạt các mục tiêu trong một cuộc đấu tranh. “Chiến lược xoay quanh việc xác định có nên chiến đấu không, bao giờ, như thế nào, làm sao đạt hiệu quả tối cao. Chiến lược là kế hoạch thực tiễn cho việc phân bổ, điều chỉnh, và áp dụng các phương tiện hiện có để đạt được các mục tiêu mong muốn”.
Chiến thuật
Chiến thuật (tactic) còn có thể được hiểu là “tiểu xảo”. Đó là các kế hoạch hành động, và là kế hoạch ở quy mô nhỏ nhất, mà bạn vạch ra tại mỗi thời điểm cụ thể. Khác với chiến lược, chiến thuật là sự lên kế hoạch mang tính tức thời, ngay lập tức, có thể thay đổi hay là được điều chỉnh liên tục tùy hoàn cảnh, và đòi hỏi người nghĩ ra hay thực hiện nó phải cực kỳ hiểu về tình hình thực chiến (tại hiện trường) cũng như có khả năng sáng tạo, nhanh nhẹn, hoạt bát, để kịp thời tận dụng tối ưu mọi nguồn lực có được lúc ấy.
Ví dụ, đi biểu tình bị công an, dân phòng phối hợp ngăn chặn, đàn áp? Một trong nhiều chiến thuật có thể áp dụng ngay lập tức, tại hiện trường, là tất cả mọi người ngồi hoặc nằm xuống đất và xiết chặt tay nhau. Ít nhất việc đó cũng làm công an, dân phòng phải mất sức, hao tổn nguồn lực thêm một chút, chứ không dễ dàng xé lẻ đám đông rồi đuổi bắt từng người biểu tình như quạ bắt gà con.
Trước đó, người biểu tình cũng có thể có những chiến thuật khác, như “biểu tình mini” ở chợ, ở khu phố Tây, rồi rút sớm trước khi công an kịp kéo quân đến. Hoặc, ăn mặc, trang điểm thật đẹp, cầm hoa khi đi biểu tình, để giữ hình ảnh đẹp và làm tăng sự đối lập giữa bên đàn áp hung hãn, thô bạo và bên bị đàn áp thanh lịch, ôn hòa.
Chúng ta cần cả hai: Chiến lược gia và chuyên gia chiến thuật
Câu hỏi bạn có thể đặt ra là đại chiến lược, chiến lược, chiến thuật, cái nào quan trọng hơn cái nào? Xin trả lời là cả ba đều quan trọng như nhau.
Bạn cũng có thể nhận thấy rằng việc hoạch định chiến lược và vạch chiến thuật đòi hỏi hai kiểu người với những phẩm chất khác nhau.
Người hoạch định chiến lược, hay chiến lược gia, đương nhiên phải là người có tầm nhìn, thông minh, hiểu biết, và kiên nhẫn - họ biết họ phải kiên nhẫn và chuẩn bị cho một chặng đường rất dài. Họ phải biết nhìn xa, nghĩ xa. Họ phải hình dung được cả bức tranh rộng lớn với nhiều mảnh ghép là những kế hoạch hành động.
Người làm chiến thuật, vạch chiến thuật, là những người sáng tạo, nhanh nhẹn, hoạt bát, dễ thay đổi, dễ thích ứng với hoàn cảnh và tư duy ngắn hạn. Họ có bản năng rất tốt, linh cảm tốt, cảm nhận tốt, tóm lại có khả năng “đánh hơi” tốt, biết lúc nào thì nên làm gì, thậm chí “ngửi” được mùi nguy hiểm.
Cả hai loại người này đều quan trọng và quý giá như nhau.
Sẽ rất sai lầm nếu chúng ta chỉ đề cao một trong hai, mà nhìn chung thì người ta thường thích các “chiến lược gia” cũng như thích tỏ ra là mình là “chiến lược gia” nhìn xa trông rộng. Đó là quan niệm sai. Quan niệm này làm nảy sinh ra một lớp người tự coi mình là lãnh đạo, hay chọn nơi an toàn để ngồi “tư duy chiến lược” cho sáng suốt và không bao giờ ra hiện trường, không bao giờ sát cánh cùng anh em vào những thời điểm khó khăn kinh khủng. Điều tệ nhất ở họ, là vì không có mặt ở hiện trường, họ phải dựa vào thông tin từ những người ở hiện trường, mà họ lại thường không muốn tiếp nhận thông tin trung thực và cũng thường xuyên xem nhẹ những người trực tiếp chiến đấu, coi là đám “chỉ đâu đánh đấy”, “ngắn hạn”, “nông nổi”, không có đầu óc chiến lược... Có thể đó là một trong các lý do khiến họ thất bại.
Tuy nhiên, đó là chuyện khác, còn ở đây, ta chỉ cần nhớ rằng cả chiến lược gia lẫn chiến thuật gia đều quan trọng. Có những phong trào đấu tranh may mắn có cả hai loại người này, và trên đời, cũng có những cá nhân giỏi cả hai lĩnh vực. Srdja Popovic lấy ví dụ Napoleon và Alexander Đại Đế, còn chúng ta có thể nghĩ đến Tào Tháo chăng?
P.Đ.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: bit.ly/phankhang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.