Văn hóa cờ vàng
Đỗ Thành Nhân
30-4-2019
Bài này không liên quan gì đến chính trị mà chỉ nói về văn hóa, giáo dục cho học sinh từ ý nghĩa lá cờ thời Việt Nam cộng hòa (VNCH) mà bản thân đã được học.
Những người trên 50 tuổi ở miền Nam hẳn còn nhớ những ngày đầu tiên đi học.
Hồi đó, học sinh cấp tiểu học học ngày 1 buổi, ngày nào cũng chào cờ. Đầu buổi sáng chào cờ: kéo cờ lên, cuối buổi chiều chào cờ: hạ cờ xuống. Khi chào cờ là cả trường cùng hát quốc ca và có các học sinh xuất sắc trong tháng (tuần) trước lên cầm dây kéo (hạ) cờ. Khi lá cờ đến nơi thì bài quốc ca cũng kết thúc.
Học sinh ngay từ lớp một phải thuộc Quốc ca (1), biết nghi thức chào cờ và hiểu được ý nghĩa lá cờ. Sau này lớn lên, ngẫm lại bài giảng của cô giáo những ngày đầu đi học thấy vô cùng ý nghĩa của người làm giáo dục thời đó.
Với học sinh lớp một bắt đầu đánh vần, học chữ, dạy làm sao hiểu được ý nghĩa lá cờ:
Vào những giờ thủ công cắt giấy màu hay tập vẽ, cô giáo hướng dẫn và giải thích: các con xem nè, đây là lá cờ Việt Nam, người Việt Nam là anh em với nhau đều có máu đỏ, da vàng và sinh sống ở trên 3 miền đất nước. Cho nên có lá cờ có màu da vàng và 3 vạch máu đỏ của 3 anh em Bắc Trung Nam. Với hình ảnh trực quan của lá cờ bài giảng dễ hiểu hơn là “trăm trứng trăm con”.
Cô giáo hướng dẫn, với giấy màu thì cắt 3 thanh màu đỏ dán lên tờ giấy màu vàng; còn tập vẽ thì tô hết nền vàng sau đó kẻ vạch 3 vạch đỏ. Tất cả các kết quả có 3 vạch đỏ trên nền vàng dù không đều nhau vẫn được cô giáo chấp nhận. Nói chung là đơn giản, dễ thực hiện.
Lớn lên chút nữa, được thầy cô, anh chị phân tích thêm về triết lý giáo dục trong lá cờ VNCH là: dân tộc, khai phóng và nhân bản.
– Dân tộc: cờ vàng (hoàng kỳ) có nguồn gốc từ các triều đại phong kiến xa xưa của dân tộc, hình ảnh “Bà Trưng phất ngọn cờ vàng” được thấy xưa nhất của học sinh lúc đó. Sau này đến đời nhà Nguyễn – Gia Long cờ vàng được làm biển tượng cho quốc gia.
– Khai phóng: cô giáo dạy học trò lớp một làm cờ không nhất thiết phải đúng quy định về kích thước, hình thể chỉ cần 3 vạch đỏ trên nền vàng là được. Học sinh có thể vẽ biểu tượng lá cờ theo ý tưởng cá nhân mà hoàn toàn không sợ phạm tội “xúc phạm quốc kỳ”.
– Nhân bản: như đã nói ở trên, ý nghĩa 3 vạch đỏ như là 3 anh em, nên phải đoàn kết, yêu thương, bảo vệ nhau như “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng“.
Gia đình tôi ở một thành phố cao nguyên. Mặc dù trong giai đoạn chiến tranh, hàng ngày chứng kiến Việt cộng gài mìn, đặt thuốc nổ, pháo kích chết người; đổ máu liên miên nhưng học sinh không bị nhồi nhét lòng thù hận, không đấu tố những gia đình có người nhảy núi theo Việt cộng. Đơn giản là học sinh được giáo dục: chúng ta đều là anh một nhà.
Cả hệ thống giáo dục không thầy cô giáo hay sách nào nào dạy học sinh gọi lãnh tụ phía bên kia một cách xách mé, mất dạy là “thằng này, thằng nọ” kiểu như những học sinh miền Bắc cùng thời gọi “thằng Diệm, thằng Thiệu”… (thậm chí có nhà thơ tuyên truyền còn viết “thằng Ngô Đình Diệm mút k. bác Hồ”).
Đến khi những người lính mang AK, dép cao su và cờ xanh đỏ từ núi rừng tràn vào thành phố thì những buổi chào cờ không còn nữa. Chúng tôi được những người lính mới kiêm thầy giáo giảng giải về ý nghĩa lá cờ xanh đỏ, sau này là cờ đỏ lúc sao vàng, lúc búa liềm. Các chú bộ đội phải rất cố gắng lắm để giải thích ý nghĩa của những lá cờ, nhưng vẫn bị những chú nhóc hỏi bí.
Tính “nhân bản” được giáo dục cho học sinh ngay từ trong lá cờ và được chọn làm triết lý giáo dục cho cả đời người. Có lần tôi hỏi sốc anh ruột, nguyên sĩ quan VNCH, sau khi đi “cải tạo” về: “các anh tự hào đã tham gia quân đội VNCH, vậy tại sao các anh thua?”. Anh trả lời ngắn gọn: “Bởi vì quân đội VNCH không bắn vào dân”.
Có thời gian tôi làm việc với anh Trần Đình Trọng (1993), lúc đó là Hiệu phó trường Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi; cả gia đình anh Trọng đều tham gia cộng sản, anh Trọng là một người lính ở đội công tác vũ trang tuyên truyền của xã Hành Phước huyện Nghĩa Hành; anh hay kể cho tôi nghe chuyện anh bị thương gần chết và được người lính VNCH cứu như thế nào. Sau đó anh ra Bắc học, kết thúc chiến tranh về quê làm thầy giáo. Chuyện anh Trọng được báo Tuổi trẻ đăng năm 2012: Chuyện hai người lính (2). Câu chuyện của anh Trọng là chuyện thật, phần kết có hậu, cuối cùng anh cũng tìm ra người lính VNCH đã cứu mình để cảm tạ.
Nói chuyện, anh Trọng cứ đặt câu hỏi: tại sao người “lính ngụy” đó lại cứu mình?
Đơn giản là “lính ngụy” – quân đội VNCH được huấn luyện để đánh nhau trong cuộc chiến tranh quy ước: người lính không được bắn vào dân, không được lấy dân làm bia đỡ đạn; đối xử với tù binh và người mất khả năng kháng cự theo công ước quốc tế.
Ngoài ra, còn yếu tố nữa là hệ thống giáo dục nhân bản trong nhà trường và xã hội; ngay từ khi mới học lớp một, hàng ngày chào cờ, nhìn vào lá cờ và tự nhủ: chúng ta là anh em trên 3 miền Bắc Trung Nam cùng dòng máu đỏ da vàng (3).
Ngày hôm nay, sau 44 năm trôi qua, cờ vàng không còn là quốc kỳ nữa, không còn tung bay trên chính nơi nó sinh ra để làm biểu tượng cho một quốc gia độc lập nữa.
Dưới góc độ văn hóa, thì cờ vàng vẫn tung bay trong tâm thức nhiều người, cho dù không còn mang ý nghĩa chính trị là quốc kỳ; nhưng cờ vàng vẫn còn mang tính dân tộc, lịch sử, và giá trị nhân bản vốn có của nó.
Hình ảnh mang tính biểu tượng 3 vạch đỏ trên nền vàng cho sự đoàn kết hòa hợp: chúng ta là anh em một nhà, cùng máu đỏ da vàng trên 3 miền Bắc Trung Nam (4).
_____
(1) Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa – Tiếng Gọi Công Dân (tra trên Google).
(2) Chuyện hai người lính https://tuoitre.vn/chuyen-hai-nguoi-linh-489559.htm
(3) Trong giai đoạn này Trịnh Công Sơn cũng sáng tác “Ca khúc da vàng” và những người lính thường hát với nhau trước khi đi hành quân.
(4) Ghi chú: Hình 1: “Hình đẹp”
– Ai nói “cờ vàng” là “ba que” thì đọc ở đây
– Ai còn nói những lãnh đạo VNCH là “thằng” thì đọc ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.