Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

Thành ngữ “Lầm đường lạc lối”

Thành ngữ “Lầm đường lạc lối”

26-4-2019
Những người dân lầm đường lạc lối, cứ nghĩ rằng mình chiến đấu cho “độc lập, tự do”, “giải phóng miền Nam”. Photo Courtesy
Câu thành ngữ này không phải mới mà chắc có từ lâu lắm rồi. Bằng chứng là trong kho dân ca vùng Nghệ Tĩnh có bài ví dặm “Giận mà thương” kể về tâm sự của chị chàng có chồng không chịu nghe lời cha mẹ và… vợ. 
Hồi tôi còn nhỏ tí, đầu thập niên 1960 đã nghe từ cái loa kim bằng gỗ gắn trên tường phát bài này. Mỗi tuần, đài tiếng nói Việt Nam lại phát đôi lần chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”, bữa thì chèo, bữa quan họ, hôm thì dân ca đồng bằng Bắc Bộ, dân ca Nghệ Tĩnh, hát bài chòi xứ Quảng… Nhờ cái đài rẻ tiền ấy mà chỉ ngồi ở nhà cũng biết được ối thứ.
Thế cái cô vợ xứ Nghệ kia than thở điều gì? Cô kể lể “Anh cứ nhủ rằng em không thương/Em đo lường thì rất cặn kẽ/Chính thương anh nên em bàn với mẹ/Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường/Giận thì giận mà thương thì thương/Giận thì giận mà thương thì thương/Anh sai đường thì em không chịu nổi/Anh yêu ơi xin đừng có giận vội/Mà trước tiên anh phải tự trách mình”, đại loại vậy.
Chị chàng rất khôn, lúc nào cũng “anh yêu”, “anh yêu”, có yêu không còn phải xem lại, chứ sự coi chồng là kẻ nông nổi, dại dột thì rất rõ. Mấy bà vợ dù thời nào, ở đâu cũng vậy. Chỉ mình đúng, còn người khác, dù chồng, đều sai. Đây mới chỉ là chuyến “ngược Lường” (lên vùng núi xa xôi để làm ăn), chỉ “sai đường” nên mới có sự nhẹ nhàng khuyên răn, “bàn với mẹ”, chứ nếu tòm tem cô nọ cô kia thì “mày cứ chết với bà”, ở đó mà khuyên, nhá.
Câu thành ngữ này chia làm 2 cặp, dùng từ tương ứng: Lầm đường – lạc lối. Đáng nhẽ chỉ một vế là đủ, nhưng người ta muốn nhấn mạnh. Đã lầm lại còn lạc. Đã đường lại còn lối. Lầm lạc cả đường lối thì sai quá, nặng quá rồi. Sắp hết thuốc chữa rồi.
Trong đời sống xã hội và sinh hoạt bình thường, thành ngữ “Lầm đường lạc lối” ít được dùng. Con cái làm điều gì sai, bố mẹ tìm cách dạy bảo, tệ quá thì nọc ra đánh. Học trò trốn học, lười học, không chịu làm bài thì thầy cô giáo trị bằng điểm kém, báo lên ban giám hiệu. Chả bố mẹ, thầy cô nào bảo đó là lầm đường lạc lối. Vậy ai dùng? Chỉ có những người làm chính trị, những đảng phái mới hay sử dụng câu này.
Hồi chiến tranh Nam – Bắc kéo dài suốt 21 năm từ 1954 tới 1975, và trước đó là kháng chiến chống Pháp, bộ máy tuyên truyền của hai bên đối địch luôn ra rả kêu gọi những người “lầm đường lạc lối” hãy tỉnh ngộ, hãy quay trở lại. Khi tôi học cấp 1, cấp 2, thỉnh thoảng nghe trộm đài “địch” (cả làng chỉ có một vài người có radio), thấy chính quyền Sài Gòn kêu gọi cán binh Việt cộng hãy quay về với chính nghĩa quốc gia.
Rồi miền Bắc, phe cộng sản cũng xưng mình là chính nghĩa, đáp trả bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện để kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về. Cộng sản và cộng hòa, anh nào cũng cho mình đúng, đường mình đi mới quang minh chính đại. Mình phải đúng thì mới có vị thế để bảo người khác lầm lạc, sai đường.
Khoảng đầu thập niên 70, đám sinh viên chúng tôi, những đứa đang chờ tới lượt ra trận, nghe về vụ một nhà văn trẻ có tài của Bắc Việt xuyên đường Trường Sơn vào Nam và đã bị chiêu hồi. Nhà văn ấy là Xuân Vũ. Những năm tháng chiến tranh quá ác liệt khiến con người bị chao đảo, không chịu nổi, nhưng phần khác, cũng do sự nhận thức lại.
Xuân Vũ đã viết mấy cuốn “Xương trắng Trường Sơn”, “Đường đi không đến”, được Sài Gòn xuất bản, tung ra miền Bắc, gây khó khăn không ít cho phe “cách mạng”. Nói đâu xa, thời Xuân Vũ chưa vào Nam, anh được ông Chế Lan Viên yêu quý, đề cao, tán tụng dữ lắm, nên khi xảy ra chuyện “lạc đường”, ông Chế cũng bị hành lên hành xuống do “gửi trứng cho ác”.
Trước đó, đợt “tổng tấn công xuân Mậu Thân” 1968, phe cách mạng không chỉ bị thiệt hại, tổn thất nặng nề về binh lực mà còn rất mang tiếng khi có cả những sư đoàn trưởng như thượng tá Tám Hà bị chiêu hồi, lên đài Sài Gòn tự nhận đã đi sai đường.
Ngược lại, phe cộng hòa cũng bị không ít vụ quan chức, quân lính về với “chính nghĩa cộng sản”. Đám trẻ con chúng tôi thời ấy chả mấy đứa không thuộc bài hát “Quay về đi thôi hỡi anh người lính cộng hòa/trong lòng anh có nghe vang lời ca/Vác súng trên vai mà sao anh nghĩ gì/Nghĩ tới tương lai ước mong một ngày mai”, ở mãi tuốt tận Hải Phòng cũng tập văn nghệ, lên sân khấu hát binh vận lính cộng hòa trong miền Nam, rất kinh.
Chính vì vậy, rất dễ hiểu khi “quân ngụy” có những cuộc đầu hàng cấp cao như đại tá Nguyễn Văn Thọ (chiến dịch Lam Sơn 719) hay trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang bị bắt và chấp nhận đầu hàng (ở Phan Rang, chiến dịch xuân 1975) thì phe bên thắng cuộc mừng lắm, khai thác triệt để, tuyên truyền cho sự tỉnh ngộ của những người lầm đường lạc lối.
Xét cho cùng, cuộc chiến tranh Bắc Nam là cuộc chiến ý thức hệ, bị phe này phe kia lợi dụng, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, chứ chả phải bảo vệ tổ quốc, giải phóng giải phiếc gì như nay bên thắng cuộc tuyên truyền.
Hai bên ném vào cuộc bắn giết nhau biết bao nhiêu sinh mạng, gây cảnh núi xương sông máu, sinh ra bao nhiêu bi kịch. Bình tĩnh mà nhìn lại, chẳng có gì để tự hào từng thắng này thắng nọ, thành công này, chiến địch kia, danh tướng nọ, danh tướng kia. Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Dãi thây trăm họ nên công vài người.
Hôm qua (20.4.2019) tôi có coi cái phim tư liệu trên tivi, ông Lê Duẩn không chịu ra Bắc mà ở lại miền Nam, nói với người đi tập kết rằng phải 20 năm nữa mới gặp lại nhau, tức là chỉ muốn đánh nhau thôi. Giá như không có cuộc đấu chỉ vì ý thức hệ như thế, mà nhường nhịn nhau, lắng nghe nhau, lấy dân làm gốc (chứ đừng lấy mình, đảng mình làm ông kẹ, ông giời), cùng hát “nào bên nhau cầm tay, ta lên đường hạnh phúc”, sẽ đỡ mất sinh mạng mấy triệu người. Tự hào về chiến tranh, tự hào về chiến thắng xây bằng xác người, dù “xây xác quân thù” cũng chỉ là thứ vênh váo tiểu nhân cạn hẹp.
Căn bệnh nặng nhất của những kẻ bảo người khác là lầm đường lạc lối chính ở chỗ họ luôn cho mình đúng, người khác sai. Cả cái cô vợ Nghệ Tĩnh yêu chồng nói trên cũng vậy, cả cái đảng tự cho là vĩ đại, tinh hoa, trí tuệ thiên tài, đỉnh cao cũng vậy. Khi họ đã một mực khẳng định chỉ có mình là chính đạo, chính nghĩa, đúng đường lối, thì họ bắt tất cả phải đi theo. Sai cũng phải đi, ai phản đối sẽ bị quy vào tội “tự chuyển hóa, tự diễn biến”, tất nhiên sẽ phải chịu kỷ luật, trừng trị bởi “chính đạo” nắm trong tay quyền lực.
Tôi nhận thấy, trong thực tế, những anh phê người khác lầm đường lạc lối thường chính là những anh tự bịt mắt và đi lung tung, cùng đường, vào đường cụt nhất.
Chỉ có điều, cuộc sống vận hành không phải lúc nào cũng như họ nghĩ. Thương hải tang điền, bãi bể nương dâu, ai mà biết được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.