Việt Nam: 'Giá điện bất cập, thị trường độc quyền'
Trả lời phóng viên BBC Nguyễn Hoàng qua điện thoại hôm 29/4, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từ Hà Nội cũng đặt câu hỏi về vai trò thẩm định giá của cơ quan chức năng.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh truyền thông Việt Nam đồng loạt đăng tải việc Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện tăng từ 20/3 ở mức 8,36% nhưng người dân ngỡ ngàng khi nhận hóa đơn tiền điện tăng từ 50-70%.
Bộ Công thương hôm 20/3 công bố tăng giá điện lên 8,36%, đẩy giá lên 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), so với 1.720 đồng trước đây và Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ quyết định này. Số tiền này được cho là phải dùng để trả cho khoản 21.000 tỷ đồng mà EVN nợ các đối tác cung cấp khí, than, điện từ 2 năm trước.
Tiến sĩ Long mô tả về biểu giá 6 bậc theo lối bậc thang lũy tiến là "sự bất cập".
"Mặc dù sự bất cập này đã xảy ra từ năm 2014 và công luận đã phản ứng rất mạnh và cuối cùng đã tổ chức hội thảo hơn một năm nhưng rồi cuối cùng cũng không thay đổi và giữ nguyên.
"Sự điều chỉnh giá điện là phải có cơ quan chức năng thẩm định. Hiện nay điện là lĩnh vực độc quyền và vì vậy nhà nước không để tự do hóa giá cả và không để cho doanh nghiệp tự định giá được.
"Vậy nói đến nhà nước qui định giá thì ai là người qui định? Chỉ có cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Công thương thì Cục điều tiết điện lực sẽ trình phương án và đưa Bộ tài chính vào cơ quan thẩm định," TS Long nói.
Tuy nhiên theo ông vấn đề là cơ quan thẩm định có đảm bảo tính khách quan hay không.
"Chúng ta cần phải hỏi là cơ quan thẩm định đấy có đủ năng lực để thẩm định hay không. Cơ quan thẩm định đã làm đúng năng lực của mình chưa. Tức là biểu giá điện thì do Cục điều tiết điện lực của Bộ Công thương xây lên thì có khách quan hay không.
"Ở các nước, ngoài các cơ quan chức năng ra thì còn có một số cơ quan tư vấn độc lập, thẩm định xem giá đó đã hợp ly hay chưa".
Trả lời câu hỏi của BBC về vai trò độc quyền của nhà nước trong ngành điện, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh về nhu cầu cần tiến tới có thị trường cạnh tranh tự do.
"Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, khi có nền kinh tế cạnh tranh thì nhà nước không cần can thiệp trực tiếp, không cận định giá và thị trường sẽ quyết định.
"Thị trường quyết định là ai, là doanh nghiệp và người tiêu dùng quyết định. Thị trường điện tại Việt Nam là thị trường độc quyền và nhà nước phải kiểm soát bằng công cụ giá cho nên nhà nước cần phải tiến tới việc không cần phải kiểm soát và không cần can thiệp để đảm bảo tính lành mạnh, tức là môi trường và thị trường cạnh tranh.
"Trong thị trường cạnh tranh thì nhà nước chia ba cấp độ, cạnh tranh ở thị trường phát điện, thị trường truyền dẫn điện và thị trường phân phối điện. Tức là hiện nay mới chỉ là bàn việc cạnh tranh thị trường phát điện và EVN vẫn là nơi chiếm thị phần phát điện rất cao, trên 50% tức là chưa có thị trường cạnh tranh thực sự.
"Trong khi đó thì thị trường bán buôn và bán lẻ điện đang tiến hành, tức là do rào cản nhất định nên việc tiến tới một thị trường cạnh tranh về điện vẫn còn rất chậm. Và chính điều đó ảnh hưởng đến việc hình thành giá điện trong nền kinh tế thị trường.
"Giá nhà nước quy định phải sát với giá thị trường mặc dù nó là độc quyền. Nếu anh qui định cao hơn giá thị trường thì người tiêu dùng thiệt và quá thấp thì doanh nghiệp không tồn tại được," TS Long nói.
Việc tăng giá điện dẫn tới hóa đơn cao nhận được bàn luận nhiều trên mạng xã hội trong những ngày qua. Quốc Ấn Mai trong bài Đại phẫu ngành điện và cải cách thế chế trên Facebook cá nhân nói việc chính phủ bảo lãnh các khoản vay của EVN nghĩa là nợ công mà EVN vay thì toàn dân phải trả, dễ thấy nhất là giá điện.
"Đó là một sự vận hành méo mó không chút sòng phẳng mà trong đó, nhiều đơn vị nhà nước liên quan đã không đi đến tận cùng trong việc truy trách nhiệm của EVN," tác giả viết.
Hôm 29/4, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói với BBC: "Phản ứng của người dân về việc tăng giá điện là điều tất yếu trong bối cảnh giá cả mọi thứ thời gian qua đã tăng khá nhiều."
"Việc tăng giá điện cũng khiến chi phí cho doanh nghiệp bị đội lên, khiến sản phẩm, dịch vụ của họ khó cạnh tranh hơn."
"Cách ngành điện giải thích về việc tăng giá điện cũng khiến người ta bức xúc về khái niệm "lũy tiến."
"Lẽ ra ngành điện cần mời chuyên gia độc lập bên ngoài có đánh giá về phương cách điều chỉnh giá điện để có ý kiến khách quan hơn."
Bình luận trên Facebook
Facebooker Cát Linh viết trên trang cá nhân: "Sau khi tăng giá điện thành công, mặc dù có nhiều phản đối, thì Bộ Công Thương lại đề xuất đưa giá điện vào danh sách bí mật của nhà nước... Cái gì cũng có thể trở thành trở thành bí mật của nhà nước hay sao? Bà Kim Ngân từng trả lời cử tri rằng: "Chúng ta đang tiếp cận với mô hình kinh tế thị trường, chúng ta tăng giá điện để tiếp cận với mô hình này..." Câu hỏi đặt ra là kinh tế thị trường là gì mà EVN lại một mình một chợ? Kinh tế thị trường gì mà không có cạnh tranh và hơn 90 triệu người sử dụng không có quyền lựa chọn?"
Facebooker Nguyễn Ái Châu viết: "Mấy anh EVN đầu tư thua lỗ, mấy anh tăng giá điện để dân đen tụi em gánh lỗ cho mấy anh, còn tiền lời thì mấy anh đút túi riêng. Hô hô. Ai chết ráng chịu, nhà điện đâu có chết đâu nè!"
Còn Nguyen Ngoc Chu nói: "Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ."
Bài viết trên Facebook cá nhân mô tả việc phá thế độc quyền của EVN chưa đủ để giải bài toán điện quốc gia.
"Vấn đề cốt lõi là giá thành hạ, sản lượng cung cấp đáp ứng đủ nhu cầu, an toàn, và khả năng cung cấp dài lâu.
"Giá mà các thành viên Chính phủ sống chỉ bằng lương. Lúc đó các bà vợ của các bộ trưởng phải trực tiếp chi tiền điện, thì EVN đã không được Chính phủ chấp nhận tăng giá điện như bây giờ, " tác giả viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.