Truyền thông Việt Nam trong năm lẻ đánh dấu sự kiện 30/4
Năm nay Việt Nam đánh dấu 44 năm sự kiện ngày 30/4/1975 thống nhất Việt Nam và chấm dứt chiến tranh.
Mặc dù là năm lẻ, truyền thông chính thức của Việt Nam trong dịp này vẫn có các chương trình "hoành tráng" đánh dấu sự kiện được báo chí của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam loan bố, trong đó có chương trình truyền hình trực tuyến quy mô và bắn pháo hoa ở một số địa phương.
Báo Nhân dân Online đưa tin hôm thứ Hai, 29/4 cho hay một chương trình nghệ thuật với tên gọi "Khát vọng Thống nhất" do Truyền hình Nhân Dân phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện sẽ diễn ra tại cầu Quảng Trị tối ngày 29/4 ở địa điểm mà báo này giới thiệu là "đúng cây cầu lịch sử từng mang ước vọng nối liền hai miền Nam Bắc của cả dân tộc: Di tích lịch sử cầu Hiền Lương."
Tờ báo Đảng cho biết thêm đây là một chương trình tích hợp đánh dấu nhiều sự kiện, trong đó có nội dung 44 năm 'giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước'.
Pháo hoa
Trang mạng của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết sẽ có bắn pháo hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, đài này cho biết chi tiết:
"Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh bắn pháo hoa tại 3 điểm... Theo đó, từ 21 giờ đến 21 giờ 15, ngày 30/4, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại 3 điểm, trong đó có 2 điểm tầm cao tại khu vực đầu Đường hầm sông Sài Gòn (Quận 2); Tòa nhà Landmark và khu vực Công viên Vinhomes thuộc Khu Đô thị Vinhomes Center Park (quận Bình Thạnh); tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 6)."
Trang mạng của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng cho biết kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố:
"Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2019), UBND TP sẽ tổ chức Lễ khai mạc triển lãm vào ngày 25/4, tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, đường Đồng Khởi (phía trước Sở Văn hóa và Thể thao; đối diện Công viên Chi Lăng) và Cung Văn hóa Lao Động.
"Vào ngày 26/4, UBND TP sẽ tổ chức 2 đoàn đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TP (Đồi không tên), Nghĩa trang TP (Lạc Cảnh), Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi, Nghĩa trang Chính sách TP (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) và Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành (ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi); dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng và Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; truyền hình trực tiếp chương trình biểu diễn nghệ thuật tại khu vực trước Nhà hát TP."
Nhiều hoạt động 'kỷ niệm'
Ngoài ra, vẫn theo Truyền hình TP Hồ Chí Minh, thành phố này còn có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động 'kỷ niệm 30/4' do các sở ngành tổ chức như:
"Giải Việt dã Truyền thống 30/4 lần thứ 43 Vô địch TPHCM mở rộng năm 2019 tại tuyến đường Lê Duẩn; Giải Đua thuyền truyền thống TP.HCM tại tuyến kênh Rạch Đĩa, Công viên Panorama, quận 7; Festival Hoa lan TP.HCM năm 2019 từ ngày 27/4 đến ngày 1/5 tại Công viên Tao Đàn…"
Tại Hà Nội, theo thông tin từ báo Tài nguyên và Môi trường dẫn nguồn từ UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2019, không gian tại phố đi bộ hồ Gươm và khu vực phụ cận xung quanh sẽ được UBND quận phối hợp với các sở ngành thành phố tổ chức kéo dài thời gian hoạt động.
"Thời gian hoạt động của phố đi bộ hồ Gươm sẽ được mở cửa và kéo dài cho đến hết 24 giờ ngày 1/5/2019. Trong thời gian kéo dài phục vụ dịp kỉ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019) và 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886-1/5/2019) sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế.
Báo Công thương, thuộc Bộ Công thương Việt Nam, cho hay sẽ có nhiều hoạt động văn hóa dịp lễ 30/4 và 1/5 tại phố cổ Hà Nội, trong đó có một triển lãm hội họa với chủ đề "Chiến tranh và hòa bình":
"Từ ngày 28/4 đến 9/5, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ diễn ra triển lãm tranh với chủ đề "Chiến tranh và hòa bình" của tác giả Nguyễn Thái Bảo. Triển lãm bao gồm các tác phẩm tranh vẽ, tranh cổ động về các sự kiện lịch sử của dân tộc, chân dung các chiến sĩ bộ đội giải phóng quân và phong cảnh, con người Việt Nam trong thời bình."
Được biết từ khá sớm Ban Tuyên giáo trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố chương trình và kết hoạch mà Ban này gọi là Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), trong đó nhấn mạnh một số điểm mang tính định hướng, hướng dẫn như:
(i) Tuyên truyền giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược trong Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
(ii) Nêu bật sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta; những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975...
(iii) Tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ ở trong nước và nước ngoài đã hy sinh tính mạng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
(iv) Tuyên truyền những thành tựu của đất nước sau 44 năm thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần "quyết thắng" và chủ động nắm bắt thời cơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; và
(v) Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
30/4 trên mạng xã hội
Hôm 28/4, trên một thông điệp trên trang cá nhân, Facebooker Trần Đình Thu, một thành viên mạng xã hội đưa ra bình luận mang tính quan sát, ông viết:
"Mấy hôm trước có bạn nói với tôi để xem ba mươi tháng tư năm nay thế nào đã mới tin lời tôi nói, nay tôi xin nhắc lại. Hôm nay là ngày 28, và mọi người cũng thấy rằng không có các bài viết như mọi năm trên báo lề phải, chẳng hạn như ngày nào thì quân đội miền Bắc tiến vào Quảng Trị, vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang rồi thì chiếc xe tăng nào húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập đầu tiên, ai lái chiếc xe tăng đó…
"Các báo nhà nước đã bị cấm viết về những chuyện ấy, chỉ được phép đưa tin về vui chơi giải trí chứ không được nhắc lại những sự kiện trong quá khứ. Đó cũng là những tin vui mang thông điệp rằng một thời kỳ mới chắc chắn sẽ đến với Việt Nam."
Một Facebooker khác, Tường An, từ Paris có giòng chia sẻ trên trang cá nhân của mình có tựa đề 'Lại đến tháng 4", nữ Facebooker viết:
"Tháng 4 đã đến từ hơn 20 ngày nay, nhưng khi nói đến "tháng tư" là nhiều người muốn nói đến ngày 30/4. Ngày của hồn thương đau, của tim rỉ máu, của cái chết nửa vời."
Cũng có ý kiến từ Hoa Kỳ của bà Lê Mai Hoa so sánh ba ví dụ Đức, Việt Nam và Triều Tiên để cho rằng:
"Nước Đức không tốn máu xương, không có chiếc xe tăng nào húc đổ bức tường Berlin, giải phóng miền Tây, thống nhất đất nước. Họ đã chọn đúng thời cơ (Liên Xô tan rã) để thống nhất trong hòa bình. Đôi miền Triều Tiên vẫn còn chia cắt chưa biết tới bao giờ."
Dịp nghỉ lễ 30/4 còn là dịp người dân VN tiếp tục đi nghỉ hoặc tránh nóng khá nhiều, nhất là trong bối cảnh có một đợt nắng nóng xảy ra ở nhiều tỉnh thành.
Trong khi đó, cùng thời điểm, cũng có nhiều ý kiến của cộng đồng và người dân than phiền về giá điện tăng bất tiện cho sinh hoạt hoặc quá đắt đỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.