Phản ứng của dân về tăng giá điện 'là điều tất yếu'
Một nữ chuyên gia kinh tế nói với BBC rằng phản ứng của người dân về việc tăng giá điện "là điều tất yếu" và lẽ ra ngành điện cần mời chuyên gia độc lập có đánh giá về phương cách điều chỉnh giá điện.
Cùng lúc, một nhà hoạt động có ý kiến rằng bức xúc của người dân là vì "không có sự lựa chọn nào khác" về nhà cung cấp điện cũng như xăng dầu.
Báo Tuổi Trẻ hôm 29/4 dẫn lời giải thích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) "Tiền điện tăng do sử dụng nhiều và do điều chỉnh giá."
"Nhà đèn cho rằng theo quy luật thời tiết, hằng năm tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng. Hà Nội cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa nóng, nên nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt máy lạnh tăng cao."
"Số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước," tờ báo viết.
Hôm 29/4, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói với BBC: "Phản ứng của người dân về việc tăng giá điện là điều tất yếu trong bối cảnh giá cả mọi thứ thời gian qua đã tăng khá nhiều."
"Việc tăng giá điện cũng khiến chi phí cho doanh nghiệp bị đội lên, khiến sản phẩm, dịch vụ của họ khó cạnh tranh hơn."
"Cách ngành điện giải thích về việc tăng giá điện cũng khiến người ta bức xúc về khái niệm "lũy tiến."
"Lẽ ra ngành điện cần mời chuyên gia độc lập bên ngoài có đánh giá về phương cách điều chỉnh giá điện để có ý kiến khách quan hơn."
Trả lời BBC hôm 29/4, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từ Hà Nội đặt câu hỏi về vai trò thẩm định giá của cơ quan chức năng.
"Hiện nay điện là lĩnh vực độc quyền và nhà nước qui định giá, cụ thể là Bộ Công thương thì Cục điều tiết điện lực sẽ trình phương án và đưa Bộ tài chính vào cơ quan thẩm định.
"Chúng ta cần phải hỏi là cơ quan thẩm định đấy có đủ năng lực để thẩm định hay không. Cơ quan thẩm định đã làm đúng năng lực của mình chưa. Tức là biểu giá điện thì do Cục điều tiết điện lực của Bộ Công thương xây lên thì có khách quan hay không".
'Không có sự lựa chọn nào khác'
Hôm 29/4, nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành nói với BBC: "Chúng ta có thể thấy sự tăng giá xăng hay điện là vấn đề thường xuyên xảy ra. Dư luận có thể sẽ bức xúc một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy vì sẽ bị cuốn vào những sự kiện xã hội khác."
Trong vấn đề này cũng có hai luồng quan điểm giữa đồng tình và phản đối. Phía đồng tình thì cho rằng mức giá điện Việt Nam không cao, thậm chí vẫn thấp hơn so với các nước trên thế giới. Nhưng theo tôi, việc tiếp cận theo mức giá sẽ khó giải thích được sự bức xúc của dư luận trong vấn đề tăng giá này."
"Nguồn cơn của sự bức xúc theo tôi chính là sự mập mờ, thiếu minh bạch tài chính, và quan trọng hơn chính là sự độc quyền của EVN. Điều này gây cho người dân cảm giác khó chịu vì họ không có sự lựa chọn nào khác."
Ý kiến trên mạng
Bài trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt về chủ đề tăng giá điện đã nhận được nhiều bình luận, và gắn vào lễ kỷ niệm 44 năm ngày 30/04.
Nữ Facebooker Vân England viết:
"Nhờ "ph...g" các bạn mới được sống dưới chế độ mà nó muốn cướp muốn làm gì cũng được. Đảng CS quang vinh bốn lần."
Eva Bùi thì viết:
"Bí mật quốc gia??? Mai mốt ngành móc cống cũng trở thành bí mật quốc gia chắc. Mấy ông bộ này rất có khiếu hài hước."
Facebooker khác, ký tên là Đúng Sai thì bình luận:
"Một nhà nước mở mồm lên là DO DÂN VÌ DÂN những gì nói và làm thì khác biệt nhau quá xa."
Trong một diễn biến khác, tờ Vientiane Timeshôm 26/4 cho hay, Chính phủ Lào đồng ý sửa đổi cơ cấu đơn giá điện để giảm tiền điện như một cách thúc đẩy đầu tư và năng suất.
Việc hạ giá điện có hiệu lực đến năm 2025, thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Lào cho hay.
"Việc sửa đổi cũng đảm bảo rằng các nhà đầu tư sản xuất điện có lợi nhuận để đầu tư vào lĩnh vực này."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.