Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Ở đó, chùa đã được cầu chứng bởi giáo dân!

Ở đó, chùa đã được cầu chứng bởi giáo dân!

27-4-2019
Đọc bài của anh Mai Bá Kiếm về thân phận của 12 đứa trẻ có cảnh ngộ thương tâm ở trong một ngôi chùa nghèo tại một vùng núi hiu hắt ở huyện X., tỉnh Đồng Nai, đã thôi thúc chúng tôi đến thăm. Và ngày 20/4, gần hai mươi nhân viên cùng tình nguyện viên của ba quán cơm Từ thiện Nụ Cười Một, Hai và Sáu đã lên đường mang theo gạo, đường, bột giặt, dầu ăn, nước rửa chén, lau sàn, cùng mền, quần áo, gấu bông và bánh kẹo…
Tịnh thất ở thật sâu gần núi, từ lộ vào con đường đất đỏ ngoằn ngoèo mấp mô, chênh vênh đến mức có lúc tôi sợ chiếc xe lật nhào.
Nếu không có bóng áo vàng của hai thầy và đám trẻ con đa số từ hai đến 7 tuổi , tóc để ba vá cùng mặc áo lam, áo nâu sồng thì khó ai biết được đó là Cửa Phật. Căn nhà bằng gạch, mái tôn tuềnh toàng vừa làm nơi thờ Phật, vừa là chổ ở của đám trẻ. Bên trái là một gian nhà khác xây dang dở, tượng thờ và bát nhang còn rãi rác như thể bỏ hoang. Thầy Chơn Lâm giải thích:
– Thấy nuôi trẻ chật chội, một số Phật tử muốn phát tâm xây thêm một gian để thờ, dành trọn bên này cho lũ trẻ nhưng chính quyền xã không cho, bắt dẹp nữa chừng.
– Tại sao UBND xã không cho? Tôi hỏi.
Thì ra do chùa này mấy thầy không chịu gia nhập vào hệ thống của giáo hội Phật Giáo Việt Nam nên không được … chính danh(?!) để xây thêm. Còn tại sao mấy thầy không vô giáo hội thì mấy thầy bảo:
– Vô đó phải đóng góp đủ thứ, tiền đâu các thầy đóng? Ngay cả tấm bảng tên tịnh thất, muốn treo lên nghe đâu cũng phải mất cả trăm triệu. Để nuôi đám trẻ, hai thầy phải trồng trọt, buôn bán đủ thứ… còn chưa đủ, lấy đâu. Thôi thì Phật tại tâm, đâu phải vô giáo hội mới gọi là tu. Cách đây bảy, tám năm, khi quyết định rời sư phụ để tìm một chốn thanh tịnh tu hành, thầy được một Phật tử cúng dường 10 m tới trong khu rừng này. Bảy, tám năm rồi mà giờ mới được như vầy thì các cô cũng hiểu hồi đó chúng tôi phải vượt khó để tu như thế nào. Nhất là khi chùa trở thành nhà nuôi trẻ bất đắc dĩ.
Từ bài viết của anh Kiếm cách đây một tháng mới có rải rác các đoàn từ thiện và các Phật tử trong chợ (nơi mỗi ngày hai thầy mang bún xào, chả giò chay hoặc sữa đậu nành, rau cải bán) biết, đến thăm và đóng góp chút đỉnh. Thế nhưng, cũng vì bài viết trên Facebook này đã khiến các thầy bị UBND xã hạch hỏi, quy cho các thầy cái tội … lợi dụng các cháu bé để lên mạng kiếm tiền?!
Thầy Chơn Lâm nói một cách cay đắng:
– Nhiều năm trước, khi mới vô rừng và mua chịu cái cốc bỏ hoang này, do thấy bức tường nứt toác, thầy có lên mạng kêu gọi hỗ trợ ba bao xi măng để trám. Một comment khiến thầy giật mình khi người ấy nhắc rằng Đức Phật bỏ cả ngai vàng vô rừng, ngồi dưới gốc cây chịu bao mưa nắng để tu, mà sao chỉ vì bất thuận tiện chút xíu thầy đã đi xin? Thầy thấy họ nói phải, nên từ đó khó khăn mấy thầy và sư đệ Nhuận Hiền cũng tự lao động để lo cho chi phí trong chùa và lo cho bọn trẻ học hành, bảo hiểm y tế đầy đủ. Giờ họ có làm căng, đuổi nữa thì các thầy đi thôi.
Tôi lò dò ra phía sau chùa. Mọi tiện nghi cơ bản tuy có đủ nhưng tất cả đều ở mức sơ sài. Chỉ có vườn cây do các thầy trồng thì xanh mượt và lúc lĩu trái. Thấy có bốn chị đang đứng dưới bếp rữa chén, chùi dọn, thoạt tiên tôi cứ tưởng mấy chị là Phật tử đến làm công quả. Nhưng chị Huỳnh Thị Lành (chị Út) lắc đầu:
– Khu vực này toàn họ đạo không hà. Tôi và mấy cô này cũng là giáo dân. Hồi đầu chưa hiểu nên có xa cách, nhưng thấy mấy thầy làm lụng quá giỏi, còn cưu mang thêm cả tá trẻ mồ côi, nên tụi tôi cám cảnh, thỉnh thoảng qua phụ khi chùa có khách. Hai thầy còn trẻ nhưng giỏi và siêng lắm. Trong vườn trồng nào xoài, mãng cầu, bưởi… mùa mưa thì bí, bầu, mồng tơi… Thậm chí gần tết các thầy còn trồng bông vạn thọ để bán nữa. Hàng ngày thì hai, ba giờ sáng đã dậy nấu sữa đậu nành, làm bún xào, chả giò, xôi… vừa cho các con ăn vừa mang ra chợ bán, nên ai cũng thương.
Nhìn gian nhà đang xây dang dỡ và nỗi vui mừng của hai vị sư thầy khi mới đây UBND xã cho phép chỉ được đôn cái nền và nâng cái nóc để các bé có thể nằm mà không bị ngập khi mùa mưa sắp đến, là tôi biết hai thầy sẽ càng cực thêm.
Dĩ nhiên các thầy không dám kêu gọi ai giúp vì ngại chính quyền sở tại làm khó. Ngay cả tôi, khi viết bài này thậm chí cũng không dám đăng rõ địa chỉ của chùa. Tôi chả sợ cóc khô cái quyền thế nào nhưng tôi lại sợ dùm cho mấy thầy và bầy trẻ mồ côi thơ dại, biết đâu vì thế mà “ xẻ đàn, tan nghé” như có lần chính quyền xuống hăm he. Thân phận của những ngôi chùa chơ vơ không vô giáo hội thường gặp khó khăn như vậy.
Trước năm 75, trong Nam khi nói về một điều gì tốt, đẹp, bảo đảm, người dân hay dùng thành ngữ “có cầu chứng tại Tòa” (do ngày đó các sản phẩm có uy tín lưu hành trên thị trường luôn phải cầu chứng tại Toà). Tịnh thất Sơn Lâm ở trong một vùng núi rừng hiu quạnh, dân sống rải rác quanh đó hầu như đều là người công giáo, nhưng sau mấy năm tu hành, ngôi tịnh thất tuềnh toàng không có lấy một tấm biển hiệu, lại được giáo dân yêu mến; được những gia đình hoạn nạn nghèo khổ tin tưởng đem con đến gửi cửa Phật.
Đó là một hình thức cầu chứng, một phần thưởng vô giá mà không phải chốn thiền môn nào cũng có được, dầu hiện nay có rất nhiều những ngôi chùa hoành tráng, nhưng lắm khi Phật tử lại ngần ngại không muốn bước chân vào.
Bài anh Ba Kiem Mai về những đứa trẻ mồ côi ở tịnh thất:
https://www.facebook.com/100005456382935/posts/1048420785349791/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.