30/4: Mỹ giảm viện trợ đã tác động thế nào đến VNCH
Chiến tranh Việt Nam, mặc dù chính thức kết thúc ngày 30/4/1975, vẫn tiếp tục là chủ đề tranh luận trong giới nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Có hai trường phái chính trong giới nghiên cứu Mỹ, có thể tạm gọi là "truyền thống" (orthodox) và "xét lại" (revisionist) về cuộc chiến.
Phái truyền thống đại diện cho lập trường chủ đạo trong đa số đại học và truyền thông Mỹ. Đa số những người này cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là sai lầm và bi kịch.
Nhiều người trong nhóm xét lại thì cho rằng Mỹ tham chiến ở Việt Nam là có lý do chính đáng, và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội chiến thắng.
Tranh luận giữa hai phe thể hiện trong nhiều chủ đề liên quan cuộc chiến, trong đó có câu hỏi về tác động của việc Mỹ giảm viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau 1973, và giúp đỡ của Liên Xô - Trung Quốc cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Xe tăng, súng pháo bên nào ưu thế hơn?
Vào năm 1973, ước đoán bộ đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam và dọc biên giới ở Lào và Campuchia nhận thêm xe tăng - từ 100 xe lên tới 500 và sau đó là 650 xe tăng, ít nhất gấp đôi so với quân Việt Nam Cộng Hòa.
Giới nghiên cứu truyền thống cho rằng khi chỉ xét về hỏa lực, quân lực Việt Nam Cộng Hòa có ưu thế hơn.
Còn các học giả thuộc phe xét lại, George R. Dunham và David A. Quinlan đồng ý rằng đến năm 1975, quân lực miền Nam có 1.200 khẩu pháo, so với 400 của bộ đội miền Bắc.
Nhưng họ nói các khẩu pháo chính của bộ đội miền Bắc lại là pháo tự hành 122 mm và 130 mm, cùng pháo chống tăng SU-122 của Liên Xô. Các loại súng này bắn nhanh hơn, xa hơn pháo chính của miền Nam, sử dụng 105 mm và 155 mm của Mỹ.
Vũ khí Liên Xô cũng cơ động, giúp bộ đội miền Bắc phản kích lại số lượng nhiều hơn của miền Nam.
Miền Nam có một số khẩu pháo 175 mm bắn xa của Mỹ, nhưng SU-122 và 130 mm của Liên Xô lại chính xác hơn.
Đến cuối 1973, bộ đội miền Bắc ở miền Nam được trang bị tên lửa đất đối không vác vai SA-7; một số đơn vị có SA-2. Có trung đoàn có cả pháo cao xạ ZSU-23, là loại chưa từng dùng ở Việt Nam.
Giúp đỡ của phe Xã hội Chủ nghĩa
Việc Mỹ giảm viện trợ cho miền Nam là một nửa vấn đề, nửa còn lại là giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc cho miền Bắc, một tranh cãi nữa giữa hai phe nghiên cứu.
Một số nhà nghiên cứu truyền thống nói sau hiệp định Paris 1973, viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cũng giảm, và chủ yếu mang tính chất kinh tế. Điều này dẫn tới quan điểm rằng sự sụp đổ của miền Nam năm 1975 không phải do Mỹ cắt viện trợ, mà do sai lầm và yếu kém của Sài Gòn.
Phe xét lại thì nói quân lực miền Nam sau 1974 gặp thiếu thốn hơn bộ đội miền Bắc. Sau khi Mỹ đã rút quân, miền Bắc không còn phải đối phó hỏa lực của Mỹ, đặc biệt là không quân Mỹ.
Cuối năm 1974, Tướng Viktor Kulikov, tổng tham mưu trưởng Liên Xô, thăm Hà Nội. Sau đó, tàu vận chuyển quân sự của Liên Xô cho miền Bắc tăng mạnh.
George J. Veith chỉ ra một điểm khác, là vai trò đào tạo của Liên Xô. Theo ông, Chiến dịch Xuân - Hè 1972 thất bại vì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hiểu cách điều động cùng lúc các cánh quân gồm bộ binh, pháo binh và xe tăng, một yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Veith nói, sau 1972, bộ đội Bắc Việt "cần trở thành quân đội hiện đại, và chỉ có Liên Xô có thể đào tạo".
Mùa thu 1973, nhiều chỉ huy Bắc Việt được đưa sang Liên Xô học cách đánh này.
George J. Veith cũng chỉ ra rằng địa lý Việt Nam khiến quân lực Việt Nam Cộng Hòa "phải phòng thủ mọi nơi, mọi lúc", cần đông quân, đông khí tài (nghĩa là cần viện trợ). Còn bộ đội miền Bắc, thông qua đường mòn Hồ Chí Minh, có thể tấn công với quân số nhỏ hơn, cơ động hơn.
Ngoài ra còn là bối cảnh miền Nam, từ sau hiệp định Paris, cũng lâm vào tình trạng khó khăn kinh tế triền miên.
George J. Veith trích dẫn một thăm dò với quân nhân sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Theo đó, 90% gia đình binh sĩ đã không ăn thịt trong hơn một tháng.
Tháng Tám 1974, Hạ viện Mỹ đồng ý chuẩn chi 700 triệu đôla trong số 1 tỉ đã được chấp thuận cho miền Nam Việt Nam. Nhưng sau khi đã tính phí tổn của chương trình viện trợ quốc phòng, con số thực còn 500 triệu.
Với số tiền này, Sài Gòn chỉ có thể mua đạn dược, xăng dầu, dẫn tới tiên đoán rằng đến cuối tài khóa năm 1975 (30/6/1975), quân lực miền Nam sẽ hầu như không còn xăng và dự trữ đạn chỉ còn 30 ngày.
Tranh cãi
Tháng 10/1974, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên ra lệnh mỗi lần chỉ được có hai cuộc hành quân quan trọng đồng thời, mỗi cuộc không quá 10 ngày trong tháng.
Tướng Viên báo cáo với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng miền Nam "sẽ không có khả năng chống lại quân cộng sản được trang bị và tiếp tế đầy đủ hơn" (trích trong sách của George J. Veith).
Sau 1974, thiếu hụt phụ tùng, cắt giảm nhiên liệu còn làm tiêu hao khả năng không vận của không lực miền Nam.
Vì vậy George J. Veith, trong sách Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75, kết luận vào năm 1975, nếu quân miền Nam "được chi viện đầy đủ và được Hoa Kỳ yểm trợ", kết cục chiến tranh có thể đã khác.
Nhưng Gary R. Hess không tin như vậy.
Viết trong Vietnam: Explaining America's Lost War, ông nói:
"Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 bộc lộ khuyết điểm của chính sách Nixon-Kissinger và các lực đẩy chính trị bên dưới ở Việt Nam mà Mỹ không thể thay đổi."
"Cho rằng đưa thêm giúp đỡ quân sự từ Mỹ có thể thay đổi kết cục, là bỏ qua 20 năm vô ích cố gắng nuôi dưỡng một chính phủ miền Nam có thể trụ vững, những khiếm khuyết kinh niên của chính phủ đó, và sự kiên trì của miền Bắc và quân nổi dậy miền Nam."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.