Chống ấu dâm chỉ bằng truyên truyền hay luật pháp và khoa học?
'Phòng chống ấu dâm bằng khoa học', là tựa đề bài có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Nhưng đây cũng chính là tình trạng lúng túng hiện nay, khi mà chính quyền và xã hội Việt nam đang đối mặt với loại tội ác "đang được mùa này".
Trong bài viết, tôi chỉ xin đề cập một vài suy nghĩ và gợi ý một số giải pháp cho vấn nạn ấu dâm ở Việt Nam hiện nay.
Biến thái của loài người
Tổ tiên chúng ta, tụt xuống từ cây cối rồi dần tiến hóa thành người (homo sapiens) khoảng nửa triệu năm trước và qua tiến hóa xã hội, đã mất đi nhiều bản năng sinh học cơ bản.
Rõ ràng trong thế giới động vật, rất ít loài động vật chủ động giết chính ấu thể của chúng và đặc biệt động vật không có tập tính ấu dâm do ở chúng vẫn tồn tại một số gene tiết hormone ngăn cản ấu dâm trong khi động vật không tìm kiếm khoái cảm từ giao phối, trừ cá heo.
Con người chúng ta đã tiến hóa và hành động theo những giao ước mà ta gọi là đạo đức hay tập quán văn hóa trước khi pháp luật phát triển nhưng mâu thuẫn giữa chuẩn văn hóa và những biến thái vẫn tồn tại.
Loài người có riêng từ filicide để chỉ hành động cha mẹ chủ ý giết con, như truyện viên nha lại tên là Dịch Nha đã giết chết con đẻ để nấu cỗ dâng cho Tề Hoàn Công.
Ta cũng nghe chuyện có bà mẹ đã bóp con chết ngạt, không cho khóc vì sợ bị lộ trong chiến tranh.
Dư luận Việt Nam cũng nói đến những trường hợp cha mẹ bán con gái vi thành niên của mình cho bọn ấu dâm.
Đặc biệt dân mạng Việt Nam vừa dậy sóng khi có một nữ Facebooker là công an đã nói rằng nếu con gái mình bị ấu dâm xâm hại thì chị ta cũng không khởi kiện vì sợ con bị hỏi cung và nhận được nhiều nghìn like.
Trước đó đã có biểu tình của những người mẹ có con bị ấu dâm và họ đã bị đánh đập bởi chính lực lượng chấp pháp ở Việt Nam.
Ý thức được sự khiếm khuyết của đạo đức và tập quán văn hóa, con người đã xây dựng các công ước quốc tế.
Trách nhiệm quốc tế và phương pháp tìm kẻ ấu dâm
Dù vẫn chịu ảnh hưởng của khác biệt chính trị, tôn giáo và văn hóa nhưng các quy ước này đã tiệm cận gần hơn với lợi ích chung của nhân loại, trong đó Công ước quyền trẻ em (CRC) là một, và nước thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.
Tại các nước Phương Tây, tội phạm ấu dâm (paedophilia) bị coi như một biến thái tâm lý với sai lệch tìm thấy trong ảnh chụp não (MRI).
Ấu dâm bị xem như một thứ tội ác kinh tởm gây hậu quả nghiêm trọng khi tại Anh, sờ mó trẻ em bất cứ bộ phận nào dù được sự đồng ý, cả khi trẻ em mặc quần áo đều có thể bị xem là lạm dụng nếu biểu hiện dục tính.
Các đối tượng này ngay lập tức bị cách ly một phần với xã hội và nghề nghiệp trong khi đợi tòa phán xét, sau khi thụ án sẽ bị kiểm tra lại bằng máy phát hiện nói dối, để có thể giam tiếp, hay thả ra rồi đeo máy định vị hoặc "thiến" hóa học.
Vụ ấu dâm nổi tiếng tại Anh gần đây được xử (2018) khi các cầu thủ bóng đá tố cáo Barry Bennell, trưởng nhóm huấn luyện đã lạm dụng nhiều cầu thủ trẻ giữa các năm 70-90.
Mặc dù chuyện đã qua lâu nhưng tòa đã mở và Barry Bennell đã lãnh án 30 năm tù giam và đơn kháng cáo bị bác bỏ.
Tại Việt Nam, một nghi phạm ấu dâm là cựu quan chức cao cấp tư pháp tấn công một bé gái, được camera trong thang máy ghi cảnh hôn và sờ mó nạn nhân, chỉ bị khởi tố nhưng không tạm giam sau 20 ngày căm giận của xã hội.
Trì hoãn pháp lí với lý do nghi phạm không thừa nhận cùng với việc trước đó một kẻ cưỡng hôn phụ nữ khác chỉ bị phạt 200.000 đồng chứng tỏ lỗ hổng lớn trong pháp luật Việt Nam đối với tội phạm tình dục nói chung và ấu dâm nói riêng.
Nhiều nước đã sử dụng máy thế hệ hai để sàng lọc khách du lịch bị nghi là ấu dâm vì nó đặc biệt chính xác và chỉ tốn 15 phút cho một câu hỏi và không thể lấy lí do nhân quyền để phản đối.
Máy phát hiện nói dối có thế hệ đầu tên là polygraph, sử dụng các cảm biến đo huyết áp, nhịp tim, thở, mồ hôi, độ ngoái mông trên ghế cảm ứng và dương vật (với ấu dâm).
Máy dùng các thuật toán, ví dụ FYPTS (Federal You-Phase technique score) để kiểm tra tâm lý đối tượng trước các câu hỏi biết trước, qua đó kết luận về sự trung thực của đối tượng.
Vì quá trình sinh lý, thần kinh của con người là rất phức tạp nên hiện thiếu bằng chứng khoa học trực tiếp làm nền tảng cho thế hệ máy này.
Tuy nhiên nguyên tắc của nó tương tự như người Hy Lạp dùng lưỡi dao nung đỏ để thử vào đầu lưỡi nghi phạm, nếu nói dối miệng sẽ khô và đầu lưỡi sẽ cháy và ngược lại.
Một sự kiện có người làm chứng thường có xác suất chính xác là 75% trong khi polygraph hiện chính xác ở mức 85-95% và các nhân viên FBI hay CIA bị kiểm tra polygraph định kỳ 6 tháng một lần.
Nhược điểm của polygraph là đối tượng có thể "lừa" được máy nếu được đào tạo và máy bất lực trước một số nhỏ hơn 5% có biến dị tâm lý.
Thế nhưng thế hệ máy mới hiện nay đã chuyển sang chẩn đoán dựa vào xâm chiếm trí nhớ (cognitive load) bằng cách dùng camera chụp ảnh đáy mắt khiến cho đối tượng không thể đánh lừa được chính mình khi bị máy hỏi và nếu kết hợp cả hai loại máy cho một đối tượng thì hầu như không còn khả năng nói dối.
Giá của những chiếc máy này cùng phí đào tạo vận hành khoảng từ 8000 đến 15000 USD và ngày càng rẻ.
Trong lúc các nước châu Á đã ứng dụng rộng rãi máy này trong hỗ trợ pháp luật và quân đội, đây chính là lúc Việt Nam cần sự dụng công nghệ này để chống ấu dâm, tội ác tình dục và vô số các kiểu tội phạm và gian lận khác ở Việt Nam.
Trong trường hợp chính quyền vì một lí do nào đó không muốn triển khai sử dụng công nghệ này, xã hội dân sự nên chủ động sử dụng, kinh doanh để gây một áp lực tạo tiến bộ xã hội.
Ý thức công dân và quyền trẻ em
Greta Thunberg, em gái Thụy Điển, 15 tuổi đã ý thức được trách nhiệm công dân trước thảm họa biến đổi khí hậu, đang đi khắp châu Âu cho cuộc vận động toàn cầu.
Thông điệp của bạn trẻ này là "phải làm gì, không thể không làm gì".
Thế hệ trẻ Việt Nam trong khi đó, như các vụ ấu dâm gần đây cho thấy, hoàn toàn bị phó mặc vào tay người lớn.
Lý do là nền giáo dục và luật pháp Việt Nam đã không dạy các em biết rằng các em có quyền bất khả xâm phạm, quyền của một con người.
Nếu không ý thức được phẩm giá của mình, người ta sao có thể thương yêu được đất nước và đâu là tương lai cho Việt Nam?
Trong hoàn cảnh hiện tại, bằng áp lực của công luận, mong rằng với sự hỗ trợ của máy phát hiện nói dối, chúng ta hoàn toàn có thể đầu tiên quét sạch tội phạm ấu dâm trong trường học, và cũng qua kênh trường học để giáo dục, phát hiện tội ác này để làm sạch môi trường xung quanh.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Hoàng Kim Phúc từ thành phố Oxford, Anh Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.