Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Một mình trên đảo hoang của Na Uy

Một mình trên đảo hoang của Na Uy

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Hòn đảo chỉ có một người sống ở vùng biển xa xôi nhất Na Uy đang lưu dấu của những người Viking nổi tiếng từ xa xưa. 
"Quần đảo của chúng tôi không chỉ có cá, dầu và tài nguyên, mà các giá trị truyền thống của người đi biển cũng thành hình từ đây. Chúng tôi phải bảo tồn di sản này cho đất nước và tương lai," bà Gunn Åmdal Mongstad, thị trưởng Quần đảo Solund nói. 

Đảo của người Viking 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Ở vùng viễn tây Na Uy, ánh sáng ban ngày dường như không bao giờ có thể xuyên qua lớp mây dày đặc của bầu trời mùa đông. Mỗi ngày, chỉ vài giờ để ta cảm thấy sự tuyệt vời của Solund, quần đảo vươn lên từ đáy biển như ảo ảnh với hơn 1.700 hòn đảo và vách đá hoang sơ, tất cả nằm cheo leo bên bờ biển của đất nước này. Chỉ có khoảng 20 trong số những đảo nhỏ này có người ở. 
Sự cô độc bắt rễ rất sâu vào danh tính nơi này. Người Sulingen (tên gọi chỉ dân đảo Solund) có lịch sử là những người đi biển kiên cường và độc lập, và nhiều người trong số họ có tổ tiên từ Thời Viking. Bị tách biệt khỏi đất liền của Na Uy mãi đến năm 1960 khi một con đường được xây dẫn đến làng Hardbakke, trung tâm hành chính và kinh tế của Solund nằm trên Đảo Ytre Sula, biển đã luôn là nguồn sống của người dân nơi này trong nhiều thế kỷ. 
"Biển là con đường duy nhất," Hjell Mongstad, người phụ trách hoạt động tài chính của Solund cho biết. "Biển cho đi và lấy lại. Biển luôn như vậy. Chúng tôi đã thích nghi đời sống của mình theo nhịp của biển." 

Đời sống nổi trôi 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Toạ lạc ở vùng nhìn ra Biển Bắc, cơ quan hành chính của đảo nằm ở cửa Vịnh Sognefjord, vịnh biển dài nhất và sâu nhất ở quốc gia này. Vì sự xa xôi hẻo lánh, người ta chỉ có thể tiếp cận nhiều hòn đảo gió cuồng dữ dội này bằng tàu chuyển thư tín khởi hành từ Hardbakke. 
Trong khi những dịch vụ tàu do gia đình vận hành là vô giá trong việc vận chuyển hàng thiết yếu như thuốc men, hàng tạp hóa và tin tức (tín hiệu điện thoại di động thường ngắt quãng ở đây), thì tàu cũng đem đến cho dân đảo cơ hội kết nối với con người khi hoa tiêu Hans Gåsvær hay người anh rể tên là Tom Færøy nhảy lên bờ trò chuyện với mọi người. 
Hai con tàu của đảo, tàu Stjernesund có thể chở đến 28 người và tàu Sulejet chở được 16 người, cung cấp dịch vụ chở khách hai lần mỗi ngày cho dân đảo quanh năm, cũng như đem lại hành trình tuyệt đẹp và mới mẻ cho du khách đến khám phá quần đảo trong những tháng mùa hè. Là một trong số ít dân đảo, Gåsvær khá linh hoạt trong giờ giấc và hành khách có thể gọi cho anh trước để đặt chỗ trên tàu với giá 55 kroner (khoảng 5 bảng Anh). 

Một mình trên thiên đường ở đảo hoang

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Với Roar Moe, tàu chở thư tín là phao cứu sinh. Trong hơn 20 năm qua, ông đã sống một mình trên Đảo Litle Færøy, trong môt ngôi nhà gỗ mà ông tự xây, chỉ có cừu hoang và rái cá biển làm bạn thường xuyên. Không có hàng xóm ồn ào và ô nhiễm, ông mô tả cuộc sống là đơn giản và vui thú điền viên, không có gì khác ngoài sự cô độc. 
"Dù tôi chỉ có một mình nhưng tôi không cô đơn," ông cho biết. "Mọi người đến thăm và giúp đỡ tôi, và tôi thật sự trân trọng điều đó. Nó khiến tôi cảm thấy mình là kết nối với thiên nhiên, với những thành tố và cộng đồng quanh tôi." 
Tình yêu với công việc
Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Moe khám phá ra đảo hoang không có người ở, đảo Litle Færøy, vào năm 1991 (dù vậy ông vẫn không chuyển đến ở hẳn mãi 10 năm sau đó). Ông đã tìm kiếm khắp Solund nơi thích hợp cho dự án đam mê của mình là ghi nhận và lưu trữ về truyền thống đóng tàu và đi biển của Na Uy, qua các tài liệu và hình ảnh, trước khi di sản này biến mất. Ngày nay, những truyền thống này đã được thay thế bằng phương pháp và công nghệ hiện đại: sợi thủy tinh thay thế cho gỗ, và hệ thống định vị kỹ thuật số thay thế cho buồm và bánh lái. 
Đảo Litle Færøy không chỉ là nơi hoàn hảo để ông xây một nhà đóng tàu, mà nơi này còn cho phép ông tổ chức các chương trình trại hè dạy kỹ năng truyền thống cho người trẻ, giúp bảo tồn di sản của người Viking ở vùng biển Na Uy. Ông cũng có kế hoạch khôi phục lại những con tàu thời Viking bằng cách sử dụng kỹ thuật và vật liệu truyền thống, và tạo tác các phiên bản tàu vì mục đích giáo dục. 
Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
"Chúng tôi gọi dự án ở đây là "đổ rượu mới vào bình cũ". Và nó có nghĩa là dạy người trẻ cách đóng góp vào truyền thống cổ xưa của cha ông bằng kỹ thuật hiện đại," Moe nói. 

Học cách cũ 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Người Viking học kiến thức đi biển và xây dựng di sản bằng trải nghiệm thực tế - như việc định hướng bằng trực giác và hiểu biết môi trường tự nhiên - và truyền kiến thức đó từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tương tự như vậy, ông của Moe đã dạy ông nghề đi biển theo cách cũ, đã giúp ông vượt qua những khoảnh khắc nổi gai ốc trên biển. 
"Ngày nay, ta có máy móc đóng tàu, nhưng nếu tàu hỏng trên biển, tôi muốn người trẻ biết cách sửa tàu bằng tay và suy nghĩ bằng cái đầu," ông cho biết. 
Qua trại hè ông tổ chức, Moe khuyến khích người trẻ tự suy nghĩ, tạo ra giải pháp khi có vấn đề và từ đó có thêm tự tin. Đó là di sản mà ông ao ước để lại, là điều đã gần như biến mất trên quần đảo từ vài thập niên trước. 

Trở nên giàu có 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Sau khi khám phá ra dầu mỏ ở Biển Bắc vào cuối thập niên 1960, kinh tế của quốc gia này đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, trong đất liền bắt đầu phát triển, đầu tư vào hàng không, xe lửa, nhà máy thép và nhà máy điện, nhưng quần đảo Solund xa xôi ít được hưởng lợi ích gì và hầu như bị lãng quên. 
Quần đảo vẫn phụ thuộc vào ngành đánh cá truyền thống, và rất nhiều dân đảo đổ về thành phố lớn với hi vọng tìm việc làm tốt hơn. Theo Kjell Mongstad, dân số ở Solund giảm từ khoảng 2.000 dân trong thế kỷ 19 xuống còn 814 dân vào năm 2018. Cơ hội mới trên đất liền, cộng với công nghệ hải dương mới nhanh chóng đẩy những con tàu truyền thống vào viện bảo tàng và và loại bỏ di sản đi biển của cha ông người Na Uy vào ký ức xỉn màu. 
"Dọc bờ biển Na Uy, người ta mua những con tàu mới và nhanh - trong nhà tàu của họ, họ có tàu cũ, thiết bị cũ, thiết bị đánh cá cũ, và tôi rất tiếc phải nói, họ đốt bỏ tất cả," Moe kể. "Kỹ năng và cách sống một cuộc sống gần gũi với mọi nhân tố đã biến mất," Điều này đã đánh vào tình cảm của Moe, và đó là lý do ông dành cả đời để bảo tồn quá khứ. 

Sự công nhận đặc biệt 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Cùng với dự án tái tạo hàng hải của Moe, nhiều nỗ lực khác quan tâm đến quần đảo cũng đã xuất hiện trong những năm gần đây. Sau khi đi du lịch và xem xét nhiều nơi khác, dân đảo Solund đã nhận ra họ đang sống giữa thiên nhiên ban sơ không gì sánh kịp và bắt đầu bảo tồn bờ biển thông qua việc quản lý rừng, sử dụng kỹ thuật đánh cá sạch hơn và sử dụng cừu để quản lý cây thạch nam bản địa. 
Họ đã sớm được tưởng thưởng khi vùng này được chỉ định là một trong 15 di sản tự nhiên ở Na Uy bởi Ban Môi trường của Chính phủ vào năm 2009. Năm 2017, Solund được vinh danh là Công viên bờ biển Sognefjord vì đả bảo tồn cảnh quan tự nhiên và là một trong tám công viên trong vùng được công nhận bởi Chính phủ Na Uy. Và Qua tổ chức Norske Parker (Công viên Quốc gia Na Uy), nơi này đã gây đủ quỹ để nộp đơn công nhận là Công viên Địa Chất Toàn cầu Unesco vào tháng Ba này, Kjell Mongstad nói. 

Địa danh trong mơ 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Những sự công nhận này đã làm tăng lượng du khách khi dân du lịch đến để tìm kiếm trải nghiệm nguyên sơ ở vùng đất yên bình ở đất nước này. 
Rất nhiều người tìm đến để thực hiện các chuyến thám hiểm ngoài trời trong những tháng có nhiệt độ vừa phải, từ khoảng tháng Tư đến tháng Mười. Vùng vịnh biển này thường được ví von là "Venice của Na Uy", và là thiên đường cho dân bơi thuyền, trong khi người yêu thích đi bộ được tưởng thưởng với nhiều cung đường được chỉ định, với góc nhìn qua những hòn đảo nhiều núi non và khám phá những cộng đồng nhỏ. 
Tuy nhiên, mùa đông đem đến sự lãng mạn đỉnh điểm, với ngày tối đen và đêm dông bão, trong khi các căn phòng ấm áp trở thành nơi lưu trú hoàn hảo giúp tránh sức mạnh tàn phá của tự nhiên. 

Dân số tăng dần 

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Mặc dù sự tăng nhẹ của ngành du lịch được hoan nghênh, vì lượng người tới với mức độ phải chăng sẽ giúp duy trì môi trường nguyên sơ, không gây cảm giác quá tải cho dân cư bản địa, nhưng nơi này vẫn có nhu cầu thu hút thêm nhiều người đến định cư ở Solund. 
Chính phủ tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như dịch vụ tàu thư tín, nhưng vấn đề là nơi này có nhu cầu cần tăng đáng kể cư dân sinh sống. Thị trưởng Solund, bà Gunn Åmdal Mongstad nói bà rất chú ý đến nhu cầu có thêm người trẻ đến sinh sống, lập gia đình, chứ không phải là tình trạng bỏ lại dân số già trên đảo. 
May mắn thay cho Solund, sự cân bằng trong công việc và đời sống được yêu thích ở nơi này cùng với sự gần gũi thiên nhiên giờ đây đang thu hút thêm người đến sống. Theo Gunn Åmdal Mongstad, Solund là nơi sinh sống của những người đến từ hơn 20 quốc gia, và ngày càng nhiều người trẻ trở lại và định cư, đem theo sức sáng tạo và các kỹ năng phong phú. Chẳng hạn ở nhà thờ địa phương, một người Nga tên là Lucy Savchenko chơi đàn piano chuyên nghiệp, đem lại những hoạt động âm nhạc cho các sự kiện cộng đồng. Đồng thời, một ban nhạc nam trẻ, gồm có Magnus Vangsnes Bjørgo, Thomas Frøyen và Bjarne Iestra, cũng vừa từ các nước Scandinavia khác dọn đến sống ở vùng này, đem theo vợ con và gia đình. 
Họ đều nói rằng lối sống thiên nhiên trên đảo và cộng đồng gắn bó là điểm hấp dẫn lớn. 

Cần một ngôi làng

Anisha ShahBản quyền hình ảnhANISHA SHAH
Moe nói cần đến cả ngôi làng để phát triển nơi đây. Sống một mình trên đảo là điều không thể nếu ông không có sự giúp đỡ của bạn bè và những người dân Solund khác, những người quan tâm lẫn nhau, đặc biệt trong thời gian hỗn loạn. 
Và từ khi dọn đến Solund sống, ông nhận thấy nhiều cách để trở thành một phần của cộng đồng lớn hơn. Ông là thành viên của tổ chức lịch sử địa phương có tên Solund Sogelag, và đã bắt đầu đến nói chuyện hàng năm ở Hoa Kỳ, trình bày tri thức của ông về di sản của vùng biển Na Uy và văn hóa tại Tổ chức Những người bạn Na Uy ở Mỹ, một tổ chức khuyến khích tình bằng hữu giữa hai quốc gia. 
Có vẻ như những người dân địa phương như Moe đang giúp quần đảo từng bị lãng quên này tìm được đường quay trở lại và đang lôi cuốn phần còn lại của thế giới đến với thiên nhiên và lối sống trên đảo của họ. Đó là nơi khiêu vũ theo nhịp điệu riêng với sóng, gió và sự hoang sơ tiếp tục làm chủ, như tự bao giờ chúng vẫn thế. 
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel

Chủ đề liên quan

Tin liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.