Không cầu tới cường quyền để dập tắt một tiếng nói
2-4-2019
Tin này hay. Vậy là Bộ 4T đã vào cuộc: Cục Phát thanh truyền hình yêu cầu YouTube hạ kênh của Khá Bảnh.
Hồi trước, ông Trương Minh Tuấn khi còn là Bộ trưởng 4T có nói rằng bộ này đã yêu cầu YouTube gỡ “2.000 clip độc”. Sau mình có hỏi đại diện YouTube tại Singapore thì họ nói đó là thông tin không chính xác (hỏi để biết thôi).
Đại diện này nói họ chỉ gỡ những video thuộc loại fake news, tức các video cung cấp thông tin mà có thể sử dụng fact để chứng minh thông tin đó sai. Ví dụ có một video cung cấp thông tin ông lãnh đạo A chết nhưng sau đó có bằng chứng rõ ràng cho thấy ông A chưa chết thì họ có thể xóa. Những video này xếp vào loại vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Tuy nhiên, đối với những video dạng nhận định, nêu ý kiến (Ví dụ chính phủ ông A xấu, nên từ chức) thì YouTube không xóa. Ca Khá Bảnh không biết YouTube sẽ xử lý thế nào.
Cách đây vài hôm mình có viết status về việc chính đám đông cộng đồng mạng và báo chí đã giúp lan tỏa các hiện tượng mạng bị coi là độc hại, vậy thì trách ai bây giờ (!?) Nhiều bạn nói Bộ 4T đâu sao không vô dẹp mấy kênh YouTube đó.
Thực ra biện pháp can thiệp như vậy cũng không phải là điều mình cổ xúy và/hoặc mong muốn. Nếu mình thấy một nguồn nào đó, một kênh YouTube chẳng hạn, phát tán nội dung xấu thì mình sẽ tránh đi. Và có thể mình sẽ kêu mọi người tẩy chay hoặc sử dụng chính công cụ report của YouTube để báo cáo nội dung xấu. Đó là không gian quyền lực của mình.
Ở mức cao hơn, mình sẽ viết đơn kiện nếu mình có bằng chứng kênh đó gây phương hại đến mình. Mình không ủng hộ chuyện sử dụng quyền lực nhà nước để dập tắt một tiếng nói mà mình ghét.
Cách đây vài năm, mình viết một status trên Facebook sau đó gây bão từ trên mạng cho đến ngoài đời và mình bị rút thẻ. Hồi đó có một nhà nghiên cứu Biển Đông ở nước ngoài, một người mình rất quý về phẩm chất nghiêm túc, khoa học và duy lý trong các bài viết, một người mà mình thường xuyên trao đổi khi thực hiện các bài viết về pháp lý Biển Đông. Anh ấy thấy mình gặp rắc rối bèn viết một bài với mục đích làm dịu bớt áp lực cho mình.
Mục đích là vậy nhưng với một con người duy lý như anh, anh sẽ không viết theo kiểu khen mình một chiều và phê phán một chiều hình phạt đối với mình. Anh viết rất thẳng thắn, có những ý không hẳn là có lợi cho mình. Trước khi đăng trên trang mạng, hình như trang boxit hay gì đấy mình quên rồi, anh gửi cho mình xem.
Anh viết rất rõ: “Xin chia sẻ với anh. Tôi biết tình hình đang rất bất lợi cho anh. Tôi viết bài này mong người ta hiểu thêm về anh và mong góp phần giảm áp lực. Tôi gửi anh xem trước và nếu anh thấy đăng không có lợi thì cứ nói, tôi sẽ không công bố”.
Đọc xong mình bèn email lại: “Thưa anh, là một người cổ vũ cho tự do, tôi thấy mình không được phép ngăn cản anh công bố các bài viết của anh lên bất cứ nền tảng nào và vào bất cứ thời điểm nào anh thấy thích hợp. Tôi cũng xin phép không có ý kiến về bất cứ nhận định nào của anh trong bài viết, chỉ xin anh xem lại một chỗ này, là một cái fact mà theo tôi không chính xác”. Sau đó anh đã hồi đáp, chia sẻ góc nhìn về tự do của mình và công bố bài viết.
Mình kể chuyện cũ chỉ để nói điều này: dân chủ, tự do bao hàm việc phải chấp nhận thực tế có những kẻ đáng ghét nói những điều kinh khủng. Mình có thể phản đối những ý kiến đó, tẩy chay những kẻ phát ngôn đó. Mình tuyệt nhiên không cầu tới cường quyền để dập tắt chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.