Bệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
2-4-2019
Tôi quan tâm hiện tượng Khá Bảnh khá sớm. Tôi từng bắt gặp con tôi ngồi mở YouTube xem Khá Bảnh chọc lét người nghe và biểu diễn những trò nghịch ngợm. Không chỉ xem, nó còn bắt chước những động tác xoay tay và nhảy như Khá Bảnh.
Tôi hỏi, sao con lại thích bạn ấy? Nó bảo vì bạn ấy cá tính. Tôi thấy bình thường nên cho qua. Đến khi báo chí phản ánh nhiều trường học mời Khá Bảnh giao lưu với học sinh và học sinh xem Khá Bảnh như thần tượng hay siêu sao thì tôi hoảng hốt.
Trong một điều tra ngắn, tôi hỏi nhanh nhiều học sinh ở một trường học. Rằng các bạn có thích Khá Bảnh không? Gần như cả lớp nói thích. Tôi hỏi vì sao các bạn thích? Nhiều bạn tranh nhau nói, rằng Khá Bảnh cá tính, sáng tạo. Tôi hỏi cá tính, sáng tạo hay ngông cuồng đến mức phạm pháp? Đa số bắt đầu im lặng. Nhưng vẫn có bạn cãi. Rằng cái khuôn phép áp đặt ở nhà trường hiện nay có gì hay?
Tôi bắt đầu hiểu ra nhiều vấn đề.
Bệnh sùng bái thần tượng có từ thời nguyên thủy khi con người chưa làm chủ cuộc sống. Một thời con người tôn thờ cả cây đa cây đề, cho đến con chó con mèo đã chết, kể cả cái “ông bình vôi” của người ăn trầu vứt bỏ, Marx gọi đó là sự nô lệ tự nhiên, nô lệ vật chất.
Cùng với sự thần thánh hóa tự nhiên là thần thánh hóa con người. Khái niệm thần thánh ở đây chứa đựng cả ma quỷ. Có công thì gọi là thần thánh, có tội thì gọi là ma quỷ và người ta tôn thờ tất cả. Cho nên bệnh sùng bái thần tượng luôn mang cả hai chiều hướng đối nghịch: học tập và làm theo gương tốt lẫn gương xấu.
Hệ luận, ở đâu còn bệnh sùng bái thần tượng, ở đó còn có sự ngu muội đang thống trị. Sùng bái thần tượng không tạo ra cá tính và sáng tạo đích thực mà chỉ có sự bắt chước máy móc. Khi bắt chước điều tốt khó khăn (vì cái tốt thường được phóng đại đến mức cao siêu, phi thường) thì giới trẻ lại đua nhau bắt chước cái xấu (vì cái xấu gần gũi và gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn).
Và như vậy, ta dễ hiểu vì sao, Khá Bảnh, rồi không chỉ Khá Bảnh (hiện đang có thêm soái ca Dương Ngọc Tuyền) có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến lớp trẻ, trong khi các tấm gương “siêu nhân” đang giảng dạy trong nhà trường gần như vô tác dụng.
Điều đó cho thấy một sự rối loạn của cả hệ thống giáo dục. Thứ nhất, những nội quy khắt khe với bao nhiêu cấm đoán cùng với nạn bạo hành trong nhà trường hiện nay là lý do đầu tiên gây ức chế và đẩy trẻ em vào bản năng giải thoát bằng những hành động phá bĩnh, kể cả dùng bạo lực để đối kháng lại thầy cô và hành hạ lẫn nhau.
Thứ hai, những thần tượng hay tấm gương được đưa vào nội dung giáo dục gần như phi thực tế, huyễn tưởng làm cho trẻ em chán ngán và tự chúng đi tìm thần tượng mới, thực tế hơn, trong đó Khá Bảnh, hay Dương Ngọc Tuyền là một điển hình. Cả hai đều lệch lạc từ nhận thức đến hành động, và dù chuyển dịch theo chiều hướng nào cũng không sinh ra cá tính sáng tạo đích thực.
Sự rối loạn giáo dục ắt không chỉ trong phạm vi ngành giáo dục mà có liên quan đến đoàn thể và truyền thông. Trong khi ngành giáo dục duy trì mãi những giáo điều cũ kỹ thì đoàn, hội của chính thanh thiếu niên lại tổ chức những hoạt động đầy kích động, phản cảm, thậm chí trụy lạc để lôi kéo cả thế hệ vào trò chơi đó.
Rồi báo chí thi nhau tâng bốc, đề cao những sao, những hotgirl, hotboy, đến mức một anh chàng bán ổi hát ngọng líu ngọng lo như Lệ Rơi cũng được đài truyền hình quốc gia vinh danh như là “Người đương thời”. Sự hỗn loạn giá trị ấy làm cho ngôi nhà giáo dục lung lay tận gốc và đang sụp đổ.
Ngành giáo dục, đoàn thể và truyền thông dù theo các chiều hướng khác nhau, nhưng lại có chung một gốc nguy hiểm, đó là gieo thêm mầm của bệnh sùng bái thần tượng. Sự gieo mầm và khuếch trương căn bênh này ắt không nhận lấy quả tốt thì cũng phải nhận lấy quả xấu, bởi chính nó giết chết vai trò chủ thể của con người để tạo ra những cái robot tự động hoặc bắt chước những cá tính bệnh hoạn.
Tôi hỏi học sinh, ngoài thần tượng Khá Bảnh, các em còn có những thần tượng nào khác? Chúng kể vanh vách tên các sao, các hotgirl, hotboy đầy tai tiếng mà báo chí tung hô, trong khi gần như không thấy một bóng dáng những chính trị gia, những nhà khoa học, những doanh nhân thành đạt hay một tấm gương tốt của đời thường nào. Thậm chí chúng quên luôn những anh hùng mà nhà trường đã nhồi nhét quá nhiều vào đầu chúng.
Vì sao? Vì những chính trị gia, những nhà khoa học, những doanh nhân thành đạt, những người anh húng cứu quốc, hay một tấm gương tốt của đời thường theo chúng là rất đáng nghi ngờ, trong khi hình ảnh Khá Bảnh, các sao, các hotgirl, hotboy mà chúng đang tôn thờ mới là hiện thực sống động.
Đến lúc phải nhìn nhận một cách khách quan, trung thực vấn đề từ lỗi hệ thống để chữa lỗi toàn diện. Chữa lỗi chính là giải pháp.
Một là gỡ bỏ những quy định khắt khe và hình thức, thay bằng áp đặt, trấn áp, là đối thoại cởi mở với trẻ em.
Hai là chọn lọc tấm gương tiêu biểu, chận thực, tránh tô hồng, đồng bóng để tạo ra các loại thần tượng hư ảo nhồi nhét vào đầu học sinh.
Ba là chấn chỉnh hoạt động của hội, đoàn với những trò chơi kỳ quặc, những phong trào hò hét cổ vũ sao này sao kia.
Bốn là dẹp ngay các loại báo chí, truyền thông ngợi ca những tấm gương giả tạo, tâng bốc những hình ảnh kỳ quặc.
Không chữa lỗi hệ thống mà trách bọn trẻ hay bắt nhốt Khá Bảnh thì không giải quyết được điều gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.