Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và ngày độc lập 2/9/1945 qua góc nhìn công pháp quốc tế


Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa và ngày độc lập 2/9/1945 qua góc nhìn công pháp quốc tế

1-9-2018
Ngày 2 tháng chín năm 1945 được mọi người VN biết đến như là ngày ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trước quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Tuy nhiên thế giới biết đến ngày 2 tháng chín 1945 là ngày quân đội Nhật ký văn kiện đầu hàng trên chiến hạm Missouri của Hoa Kỳ đang bỏ neo ở vịnh Tokyo. Đệ nhị Thế chiến chính thức chấm dứt, trên danh nghĩa cũng như trên trận địa. Lề lối cai trị khắc nghiệt và tàn ác của quân Nhật trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cũng đồng thời chấm dứt. Niềm vui quá lớn, thế giới người ta không quan tâm nhiều đến tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, cũng như sự ra đời của nước VNDCCH.
Nhưng vấn đề «giành lại chủ quyền» và sự «độc lập» của một quốc gia không đơn thuần xác định qua Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ (hay tuyên bố của ông Bảo Đại ngày 12 tháng ba 1945). Cái nào cũng có luật lệ của cái đó.
Việt Nam rơi vào ách cai trị của thực dân Pháp, chính thức từ năm 1884 (hòa ước giáp Thân, còn gọi là hiệp ước Patenôtre), khẳng định qua Hiệp ước Thiên Tân 1885 Pháp ký với Thanh triều theo đó nhà Thanh nhìn nhận An Nam không còn là «thuộc quốc – Suzeraineté» của Thanh triều nữa. Trên phương diện hành chánh Nam kỳ là nhượng địa của Pháp. Bắc kỳ là thuộc địa, Trung kỳ là đất bảo hộ.
Sự hiện hữu của triều đình nhà Nguyễn tại Huế, trên danh nghĩa « cai trị » đất Trung kỳ, nhưng thực tế chỉ là tấm bình phong trước quốc tế. Mọi quyền lực đều thuộc về tay Pháp. Tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao… đều nằm trong tay người Pháp.
Trước pháp luật quốc tế, «chủ quyền» các xứ Đông Dương thuộc Pháp.
(Theo định nghĩa, «chủ quyền» là quyền lực chủ tể, có tính cách duy nhất và bất khả phân hiện hữu trong một quốc gia).
Nền cai trị của Pháp liên tục cho đến ngày 10 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh, hất Pháp ra khỏi Đông Dương. Trên phương diện «luật pháp quốc tế», chủ quyền VN từ tay Pháp chuyển sang tay Nhật.
Người Nhật tiếp xúc với Bảo Đại đề nghị trả lại độc lập cho VN. Dĩ nhiên ông này đồng ý. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, lấy quốc hiệu là «Đế Quốc Việt Nam», bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ đã ký trước đây với Pháp. Ngày 17-4-1945 chính phủ Trần Trọng Kim thành lập.
Chính phủ Trần Trọng Kim hiện hữu đúng 5 tháng. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Văn kiện đầu hàng được ký ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã nói ở trên.
Trên phương diện «công pháp quốc tế», tuyên bố VN độc lập của Bảo Đại không có giá trị. Đơn giản vì phe chiến thắng Đồng Minh không nhìn nhận tính chính thống của các nhà nước do Nhật đặt ra tại các vùng lãnh thổ mà họ chiếm được trong thời gian trước 1945. Thí dụ, Mãn Châu quốc của hoàng đế Phổ Nghi. Sau khi Nhật đầu hàng, các vùng lãnh thổ do Nhật chiếm trước đó sẽ do phe Đồng minh quyết định số phận. VN không ngoại lệ.
Tức là, lập luận theo tinh thần công pháp quốc tế, «chủ quyền» của VN do Nhật nắm giữ. Quyền này được trao lại cho đại diện của phe Đồng Minh, ngay từ lúc Nhật buông súng đầu hàng.
Từ ngày quân đội Nhật buông súng 16 tháng tám 1945 cho tới ngày quân Đồng minh vào Việt Nam để «giải giới», quân đội Nhật có nghĩa vụ giữ trật tự tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Nhưng trên thực tế, quân Nhật đã không tuân thủ qui ước này. Trên quan điểm luật học, hiện hữu tại Việt Nam một «khoảng trống quyền lực», còn gọi là «khoảng trống hiến ước – vide constitutionnelle».
« Khoảng trống hiến ước » chỉ kéo dài khoảng 3 tuần lễ. Ngày 9 tháng chín 1945, quân đội của Trung Hoa được sự ủy nhiệm của phe Đồng Minh đã có mặt tại Hà Nội.
Lợi dụng «khoảng trống hiến ước», ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm «cách mạng», tuyên bố trước quốc dân đánh Pháp đuổi Nhật, tiêu diệt phong kiến, «giành lại nền độc lập và chủ quyền cho đất nước». Một chính phủ «lâm thời» được Hồ Chí Minh thành lập tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm, biểu hiện quyền lực triều Nguyễn cho đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu. Từ ngày đó «Đế Quốc Việt Nam» kết thúc và quốc gia «Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa» ra đời.
Nhiều điều cần bàn trong giai đoạn này.
Nguyên tắc của «cách mạng» là đánh đổ cái (chính quyền) cũ để lập nên cái mới. Thời điểm này, vì Việt Nam là một vùng lãnh thổ bị Nhật chiếm từ tay Pháp. Nhật đầu hàng, giao quyền cho Đồng Minh. Việt Minh đánh đổ Đồng minh khi nào mà «giành lại chính quyền»?
Trên quan điểm sử học cũng không hề có việc «Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật». Pháp đã bị Nhật hất chân năm 1943, trong khi Nhật đã bị đồng minh đánh bại.
Cũng không hề có việc «tiêu diệt phong kiến». Bảo Đại tự nguyện giao ấn kiếm «thoái vị» làm «công dân một nước tự do».
Trên quan điểm quốc tế công pháp, không hề có việc Việt Minh «giành lại chính quyền từ tay Nhật».
«Chính quyền» là gì? đó là «quyền lực chính đáng» đại diện «chủ quyền» của quốc gia. Đó là «chính phủ» trong một quốc gia bình thường. Trong một xứ «thuộc địa» nó là «phủ Toàn quyền».
Nhật đã giao «chủ quyền» VN cho quân lực Đồng minh. Việt Minh không thể «giành» hay «cướp» cái mà Nhật không có (hoặc không còn).
Vấn đề là các học giả Việt Nam vẫn khẳng định tính chính thống của Tuyên ngôn Độc lập của Bảo Đại ngày 12 tháng ba 1945 và chính phủ Trần Trọng Kim.
Điều này đưa tới hai việc: 1/ không nhìn nhận tính chính đáng mọi quyết định của Đồng Minh liên quan đến Việt Nam. 2/ Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của ông Hồ Chí Minh thành lập ngày 2 tháng chín 1945 có tính chính thống, kế thừa Đế Quốc Việt Nam, thể hiện hành vi thoái vị và trao ấn kiếm của Bảo Đại.
Hệ quả điều này có thể tác hại lên sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhật trả lại «độc lập» VN cho ông Bảo Đại không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa (cũng như Nam Kỳ).
Nhật tuyên bố sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Nhật năm 1937. Năm 1938 quân Nhật cùng quân bản xứ Đài loan ra chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó HS và TS là lãnh thổ của Nhật, thuộc về «Tân Nam quần đảo» trực thuộc Đài loan.
Theo Hòa ước San Francisco Nhật ký với các bên có tuyên chiến với Nhật năm 1951, thì Nhật phải trả lại tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm trước chiến tranh, dĩ nhiên bao gồm HS và TS. Nếu đứng trên quan điểm của các học giả VN thì Hòa ước này dĩ nhiên vô hiệu lực.
Vậy các học giả VN sẽ vịn vào lý do nào để phản biện lý lẽ của TQ đồng thời khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa?
Lại thêm công hàm 1958 của chính phủ VNDCCH ký năm 1958 nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Mặt khác, Nam Kỳ là «nhượng địa vĩnh viễn» của VN cho Pháp. Không thể đơn thuần suy nghĩ Nhật lấy «đất» của Pháp «trả» lại cho VN. Tuyên bố của Bảo Đại về việc hủy bỏ tất cả các hiệp ước đã ký với Pháp, chỉ có hiệu lực ở các điều không liên quan đến lãnh thổ. Tập quán quốc tế xưa nay không nhìn nhận bất kỳ việc hủy bỏ đơn phương các kết ước liên quan đến lãnh thổ và đường biên giới.
Nhưng nếu ta suy nghĩ đơn thuần theo logic lịch sử và lý lẽ «quốc tế công pháp», việc Nhật trả «độc lập» cho Bảo Đại thực thể «Đế Quốc Việt Nam» là không được nước nào nhìn nhận.
Thực thể VNDCCH, kế thừa Đế Quốc VN, vì vậy cũng không có tính «chính thống».
Nhưng từ khi Pháp ký kết hiệp ước Elysée 1948 để trả «độc lập» cho VN, bao gồm Nam Kỳ, «Quốc Gia Việt Nam» được thành hình, đúng với trình tự pháp lý.
Nếu đứng trên danh nghĩa «Quốc gia Việt Nam», thành hình do Hiệp ước Elysée, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VN. Năm 1946, Pháp đã thương lượng với Tưởng Giới Thạch qua hiệp ước Trùng Khánh «đổi lãnh thổ đất đai ở VN lấy quyền lợi của Pháp ở TQ». Trên tinh thần hiệp ước này quân TH rút khỏi Bắc kỳ đồng thời mặc nhiên nhìn nhận HS và TS thuộc về VN, qua đại diện là chính quyền bảo hộ Pháp.
Ngày 8 tháng chín năm 1951, Nhật ký hiệp định hòa bình (tập thể) với 48 quốc gia (hay lãnh thổ mới trả độc lập) có tuyên bố chiến tranh với Nhật tại San Francisco. Thủ tướng Trần Văm Hữu đại diện VN tham dự Hội nghị này với tư cách “quốc gia có tuyên bố chiến tranh với Nhật”.
Điều 2 của Hòa ước San Francisco 8-9-1951 qui định: Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại:
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này,
(b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ,
(c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905,
(d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947,
e/ vùng Bắc cực,
(f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Nhân dịp này thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố sáp nhập HS và TS vào lãnh thổ VN.
Tức là, nếu khẳng định tính chính đáng của « Đế Quốc việt Nam » do Nhật đỡ đầu, Việt Nam vô phương tranh biện với học giả quốc tế về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đứng trên quan điểm Hiệp ước Elysée và Quốc Gia Việt Nam, kế thừa sau này là hai nền Cộng hòa đệ nhất và Đệ nhị, VN vẫn giữ được “danh nghĩa chủ quyền” ở HS và TS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.